Pages

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Vai trò của Trung Quốc ở Đông Nam Á bị thách thức



Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (phải) cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Campuchia tuần trước.
Mối quan hệ từng êm ả của Bắc Kinh với một số nước Đông Nam Á hiện gặp sóng gió do tranh chấp trên biển, trong khi Myanmar, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc, nay đong đưa với phương Tây. Và Mỹ thì đang trở lại.
Bối cảnh khu vực thay đổi được hiển hiện rõ nét tại hội nghị các nước Đông Á tại Campuchia vừa qua. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Trung Quốc đã bị cuốn vào một cuộc trao đổi về các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Lãnh đạo của Philippines đã phản ứng mạnh khi nước chủ nhà hội nghị là Campuchia – đồng minh thân cận của Trung Quốc – nói rằng các thành viên ASEAN đã nhất trí không kéo các nước bên ngoài, ý chỉ Mỹ, vào tranh chấp.
Trong khi đó, ông Barack Obama, với chuyến thăm lần đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến Myanmar, đang muốn trưng ra hình ảnh của một nước Mỹ tự tin và thân thiện với khu vực, kêu gọi giảm căng thẳng và tỏ ra không đứng về bên nào trong cuộc xung đột.

Bắc Kinh đang nỗ lực củng cố chỗ đứng của mình ở khu vực trong khi sức mạnh của họ ngày càng gia tăng, nhưng cùng lúc đó thì Mỹ không những không giảm mà lại gia tăng ảnh hưởng, tìm cách lôi kéo các nước khác.
Ernest Bower, Chủ nhiệm khoa nghiên cứu về Đông Nam Á của Hội đồng nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington D.C., viết trong bài bình luận ngày 22/11 rằng: “Sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ và chính sách ngoại giao tương đối có kỷ cương và thầm lặng có vẻ có hiệu quả hơn so với áp lực mạnh tay của Trung Quốc”.
Những gì mà Trung Quốc nhận được gần đây trái với những điều họ tận hưởng trong cả thập kỷ qua khi họ hấp dẫn các nước Đông Nam Á bằng việc mở rộng thương mại, đầu tư và tiềm năng từ một thị trường rộng lớn ở Trung Quốc. Để gia tăng sự hấp dẫn về thương mại, ông Ôn Gia Bảo đã có các cuộc trao đổi nhằm mở rộng thêm một hiệp định thương mại tự do, tăng thêm nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước Đông Nam Á.
Aaron Friedberg, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại trường đại học Princeton, Mỹ nhận xét: “Sức hút về kinh tế của Trung Quốc vẫn còn, nhưng những nụ cười thì đã biến mất”.
Tiến hành ngoại giao đúng đắn với Đông Nam Á là rất quan trọng đối với Bắc Kinh. Đây là một khu vực trong lịch sử Trung Quốc đã từng có tác động rất lớn. 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) là thị trường của 600 triệu dân và án ngữ những tuyến đường biển có tính sống còn và các vùng biển dồi dào dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực bắt đầu suy giảm từ năm 2010, khi những yêu sách mạnh hơn đối với các hòn đảo ở Biển Đông gây lo ngại cho các nước khu vực như Philippines và Việt Nam, những nước cùng với Brunei, Malaysia đòi chủ quyền toàn bộ hoặc một phần các đảo ở đó.
Sự suy giảm đó đã tạo cho Mỹ một cơ hội, đúng vào lúc người Mỹ giảm bớt dính líu tại Iraq và đánh giá lại mối thách thức từ Trung Quốc. Chiến lược “chuyển trọng tâm sang châu Á Thái bình dương” mà Mỹ công bố năm ngoái không chỉ gồm việc tăng chú ý, mà còn cả cam kết gia tăng nguồn lực quốc phòng của Mỹ ở khu vực này.
Khi xích mích gia tăng, Bắc Kinh ngày càng quyết liệt hơn trong việc tuần tra quanh các đảo tranh chấp, dẫn đến việc đối đầu với Philippines về bãi cạn Scarborough trong mùa hè vừa qua. Họ còn đi xa hơn tại các đảo khác với Nhật Bản, làm gia tăng nỗi lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc. Họ còn phát hành các quyển hộ chiếu mới có một bản đồ cho rằng toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc, gây sự phản đối từ các quốc gia liên quan.
Sức hút kinh tế của Trung Quốc
Căng thẳng bùng lên ngay trước hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia mà Tổng thống Obama cũng tham dự.
Tổng thống Philippine Benigno Aquino đã nêu vấn đề bãi cạn Scarborough, làm Cho Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phải tuyên bố rằng những hòn đảo đó là “lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa và không hề có tranh chấp chủ quyền”.
Trong bài phân tích, giáo sư Bower thuộc CSIS viết rằng tuyên bố của ông Ôn là “nguy hiểm”. “Quan điểm đó không vững chắc, và sự không vững chắc đó kéo theo bất ổn trong khu vực, mà bất ổn thì là điều nguy hại đối với tăng trưởng kinh tế”.
“Dường như vấn đề đã không được xử lý tốt tại hội nghị”, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện quan hệ quốc tế Thượng Hải, Zhao Gancheng, nhận xét.
Trên thực tế, con bài kinh tế đang nghiêng về phía thuận lợi cho Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng với ASEAN. Tỷ lệ nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực này tăng 29% trong năm ngoái, lên mức 146 tỷ USD. Với triển vọng qua mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng với tư cách là một nguồn đầu tư nước ngoài khổng lồ đối với các nước ASEAN.
Việc Trung Quốc không chịu lui bước trong các tuyên bố chủ quyền, cho dù sự kiên quyết đó có thể phương hại lợi ích lâu dài của họ, cho thấy rằng Bắc Kinh tin tưởng chắc chắn là sức hút kinh tế sẽ thuyết phục được các nước láng giềng. Sức hút đó nói với các nước ASEAN rằng tương lai của họ là với Trung Quốc chứ không phải với Mỹ, giáo sư Friedberg thuộc đại học Princeton nói.
“Tôi nghĩ, câu hỏi lớn đặt ra là liệu các nước ASEAN có tin rằng thực sự Mỹ có đủ quyết tâm và nguồn lực để theo đến cùng những cam kết Mỹ đã đưa ra trong mấy năm gần đây. Nếu những nước này bắt đầu nghi ngờ thì họ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để làm hài lòng Bắc Kinh”, Friedberg nói.

Không có nhận xét nào: