Pages

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Về những căng thẳng ở Biển Đông

Giới thiệu

Trong những năm gần đây, các tranh cãi về chủ quyền đối với Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa–Trường Sa (theo cách gọi của người Việt Nam) đã làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, và Brunei trở nên căng thẳng hơn. Cuộc chiến chủ quyền này lại tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tập trung vào khu vực Châu Á–Thái Bình Dương (APAC)Tâm điểm của cuộc tranh cãi chính là về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ bằng “đường lưỡi bò” chiếm gần trọn Biển Đông – một vùng biển đóng vai trò rất quan trọng bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên và ngư trường phong phú, cùng với vị trí trọng yếu trong việc giao thương và căn cứ quân sự. Tuyên bố trắng trợn về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và việc cương quyết không chịu đàm phán trên chính trường quốc tế đã làm cho mọi nổ lực giải quyết tranh chấp trở nên vô vọng. Một trong những kết quả đó đã dấy lên tinh thần yêu nước mạnh mẽ tại các nước nhỏ hơn, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng mâu thuẫn leo thang cao ở Biển Đông cho thấy dấu hiệu của cuộc khủng hoảng cũng như mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với khu vực này.

Những vùng đất và vùng biển nào có tranh chấp?

Tranh chấp Biển Đông

Biển Đông, hay Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa, với diện tích khoảng 3.6 triệu ki-lo-mét vuông, trải dài từ Singapore và eo biển Malacca cho tới eo biển Đài Loan, tới phía Tây của Philippines, phía Bắc của Indonesia và phía Đông của Việt Nam. Với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có những hòn đảo lớn nhất và gây nhiều tranh cãi nhất như Spratly Islands (Quần đảo Trường Sa), Paracel Islands (Quần đảo Hoàng Sa), Pratas Islands (Quần đảo Đông Sa), Macclesfield Bank (Bãi Macclesfield), và Scarborough Shoal (Bãi cạn Scarborough). Những quần đảo này chủ yếu không có cư dân và chưa bao giờ có người bản địa từng sống ở đó cho nên việc truy tìm nguồn gốc chủ quyền trở nên vô cùng khó khăn.

Bản đồ tuyên bố chủ quyền của mỗi nước
 
Những tranh cãi nổ ra không chỉ về chủ quyền lãnh thổ mà còn liên quan tới những đặc quyền về khai thác tài nguyên, cũng như tìm kiếm và khai thác năng lượng dưới đáy biển. Theo Hiệp Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vào năm 1982 thì mỗi nước có một vùng đặc quyền kinh tế riêng để khai thác kéo dài 200 hải lý (370.4 km) tính từ đường cơ sở biển (baseline), ngoại trừ những chỗ mà các điểm tạo ra đó gần với các quốc gia khác. Tuy nhiên, nhiều mâu thuẫn đã xảy ra xung quanh những vùng đặc quyền kinh tế này, ví dụ như việc khai thác dầu thô và đánh bắt cá trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Đường 9-đoạn là gì?

Đường 9-đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chữ U”, là đường phân ranh hải giới gây nhiều tranh cãi do Trung Quốc đưa ra để tuyên bố lãnh hải của họ ở Biển Đông. Sau khi đường lưỡi bò này được đưa lên Liên Hợp Quốc năm 2009, ngay lập tức nó đã bị các nước Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam mạnh mẽ phản đối. Việc Bắc Kinh tự trao chủ quyền lãnh hải theo đường lưỡi bò và in vào mẫu hộ chiếu mới trong năm 2012 tức thì bị quốc tế chỉ trích.

Mặc dù các nước trong khối ASEAN đã phản đối đường chữ U nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng chủ quyền dựa vào những ghi chép lịch sử của các cuộc thám hiểm, đánh cá và tuần tra biển từ thế kỷ thứ 15. Điều này hoàn toàn sai lệch với lãnh hải được UNCLOS thiết lập cho khu vực này từ năm 1994.

Những nguồn tài nguyên nào hiện có ở khu vực này?

Giáo sư khoa học chính trị David Rosenberg tại trường Middlebury College cho rằng nguồn gốc trực tiếp của mẫu thuẫn tại khu vực này là do tranh chấp tài nguyên. Chỉ trong vòng bán kính 160 km tính từ bờ Biển Đông đã có tới gần nửa tỉ người sinh sống và lưu lượng tàu bè qua lại trong khu vực đã tăng vọt khi Trung Quốc và các nước ASEAN thúc đẩy thương mại quốc tế và nhập khẩn dầu mỏ. Nhu cầu về tài nguyên, chủ yếu là nguồn hydro-cacbon và hải sản đã đẩy mạnh cạnh tranh kinh tế trong khu vực này, đặc biệt là quá trình đô thị hóa các khu vực ven biển của Trung Quốc. “Ẩn đằng sau tất cả chỉ đơn thuần là một cuộc cách mạng công nghiệp tại Châu Á”, giáo sư Rosenberg cho biết, “và Biển Đông chính là trung tâm của cuộc cách mạng này”.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Biển Đông hiện chứa lượng dự trữ dầu mỏ lên tới ít nhất là 7 tỉ thùng (1 tỉ tấn) dầu thô và khoảng 25 nghìn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên. Nguồn tài nguyên rất lớn này sẽ mang tới cơ hội kinh tế không hề nhỏ đối với các quốc gia như Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng như mang đến sự đảm bảo năng lượng cho nền kinh tế khổng lồ đang phát triển như vũ bão của Trung Quốc. Vào tháng Mười hai năm 2012, Ban Điều hành Năng lượng Quốc gia của Trung Quốc đã liệt vùng tranh chấp trên Biển Đông vào danh sách khu vực khai thác trọng điểm đối với khí đốt tự nhiên, và một công ty năng lượng lớn của Trung Quốc đã bắt đầu khoan dầu. Sự tranh chấp càng trở nên căng thẳng hơn khi Tập đoàn Dầu và Khí quốc gia của Ấn Độ tuyên bố hợp tác với PetroVietnamđể phát triển khai thác dầu thô tại khu vực tranh chấp. Tuy rằng việc thăm dò mỏ dầu là một trong những hoạt động dễ dẫn tới mâu thuẫn nhất nhưng chưa có cuộc đụng độ nào đáng kể từ tháng Sáu năm 2011, khi Việt Nam buộc tội một thuyền đánh cá của Trung Quốc đã cắt cáp một tàu thăm dò của Việt Nam trong khu vực đặc quyền kinh tế của nước này.

Vì sự suy giảm về lượng tôm cá, nhiều ngư dân đã phải ra xa hơn và dấn sâu vào những khu vực tranh chấp để đánh bắt hải sản cũng như khai thác được những sinh vật quý có tên trong sách cấm. Điều này dẫn tới nhiều mâu thuẫn liên quan đến việc đánh bắt hải sản đã trở thành trung tâm của tranh chấp trên biển. Căng thẳng gần nhất xảy ra vào tháng Tư khi lực lượng hải quân Philippines đã chặn đứng tám tàu đánh bắt cá của Trung Quốc tại Bãi cạn Scaborough và tìm thấy những sinh vật cấm trên những con tàu này. Việc bắt giữ những ngư dân này đã dẫn tới căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa hai nước này trong hai tháng liên tục.

Theo một báo cáo mới đây của Internationa Crisis Group, việc cấm đánh bắt cá và bắt bớ ngư dân hàng năm đã trở thành một phương pháp tiện dụng cho việc khẳng định chủ quyền lãnh hải vì điều này được xem như là một nổ lực hợp pháp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên. “Đây là một vấn đề không đáng được đưa lên trang đầu, nhưng 1.5 tỉ người đang sống ở đó và phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh bắt cá để có đủ thực phẩm và việc làm”, giáo sư Rosenberg cho biết. “Đó chính là nơi phần lớn những mâu thuẫn đang xảy ra và phần đông những mâu thuẫn này được giải quyết bằng những phương cách giải quyết xung đột thông thường”.

Những mâu thuẫn này ảnh hưởng tới giao thương trên biển như thế nào?

Khoảng 50% lượng dầu trên toàn cầu được vận chuyển thông qua Biển Đông, lớn gấp ba lần so với kênh đào Xuy-Ê và năm lần so với kênh đào Panama. Theo Hiệp hội Cảng biển Quốc tế, hơn một nửa trong số 10 cảng biển lớn trên thế giới cũng đều được đặt trong và xung quanh khu vực Biển Đông. Vì giao thương trong khu vực ASEAN đã tăng trưởng từ 29% trong năm 1980 lên 41% trong năm 2009, nên việc đảm bảo quyền tự do lưu thông trên biển đã trở thành tối quan trọng đối với khu vực này.

Tiến sĩ Yann-Huei Song, nghiên cứu sinh tại Academia Sinica tại Đài Loan, đã cho biết “đây là một vấn đề rất quan trọng và đã trở thành mối quan tâm chính của Nhật Bản, Hoa Kỳ và thậm chí lúc này có cả Liên minh châu Âu”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Trung Quốc có khả năng lớn sẽ không gây khó dễ đối với sự lưu thông trên biển vì việc kinh doanh, thám hiểm và nhập khẩu của nước này cũng phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự do đi lại đường biển. Các chuyên gia đưa ra luận điểm rằng những lợi ích chung đối với nền kinh tế trong khu vực mang tới một hứa hẹn cho việc hợp tác giữa các nước này trong việc khai thác, bảo tồn tài nguyên cũng như những động thái an ninh.

Có những nguy cơ quân sự nào tại khu vực này?

Đối phó lại với sức mạnh đang lên như vũ bão của Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực này đã thúc đẩy các hoạt động quân sự, dấy lên mối lo ngại về cuộc đụng độ vũ trang và làm cho các mâu thuẫn ở Biển Đông trở nên khó giải quyết hơn. Việt Nam và Malaysia dẫn đầu việc tăng cường lực lượng vũ trang, đẩy mạnh giao thương vũ khí với các nước như Nga hay Ấn Độ, trong khi đó thì Philippines đã tăng quỹ phòng thủ của nước này trong năm 2011 lên gấp đôi, và cam kết thực hiện tập trận quân sự chung với Hoa Kỳ trong năm năm. Philippines đồng thời dấn thân vào một chương trình hiện đại hóa quân sự với trị giá gần 1 tỉ USD, trong đó phần lớn họ sẽ dựa vào Hoa Kỳ để cung cấp tàu tuần duyên và có thể là những phi cơ chiến đấu.

Mẫu thuẫn trên biển nổ ra chủ yếu là do các vụ đụng độ tàu biển, ví dụ như vào tháng Tư tại Bãi cạn Scarborough, chiếc chiến hạm lớn nhất của Philippines – được mua từ Hoa Kỳ – đã phát hiện một số tàu của Trung Quốc xâm lấn trái phép vùng biển nước này và quyết định bắt giữ những ngư dân trên đó. Tuy nhiên hai chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc đã ngang nhiên chắn ngang đường đi của chiến hạm Philippines và căng thẳng ngoại giao đã nổ ra. Theo International Crisis Group, sự có mặt của các đại diện tới từ hải quân trên bàn đám phán chính trị sẽ làm cho các thỏa thuận trở nên khó đạt được hơn.

“Chẳng hề có một tổ chức nào giống như NATO ở Châu Á, và đó là điều đáng lo ngại”, giáo sư Rosenberg nói. “Khác với Hoa Kỳ và EU, trong khi hai khu vực này rất thường tham gia vào tình hình của các vùng khác trên thế giới, các quốc gia Đông Nam Á này chỉ chủ yếu chú ý tới việc bảo vệ tài nguyên liên quan tới chính bản thân họ trước. Về mọi mặt thì tình hình tại khu vực này không hề giống với Chiến tranh Lạnh trong quá khứ, nhưng họ cũng không cởi mở với nhau nhiều trong việc tiết lộ các thông tin liên quan tới quá trình hiện đại hóa quân sự”.

Những nổ lực để giải quyết các mâu thuẫn

Một trong những vấn đề hóc búa nhất để đi đến thỏa thuận đó là việc Trung Quốc khăng khăng chỉ đàm phán ngoại giao song phương với từng nước có liên quan tranh chấp. Chủ nghĩa dân tộc cũng làm cho thế bế tắc này càng trở nên khó khăn hơn. Những tòa án quốc tế, ví dụ như tòa án quốc tế về luật biển, là một cơ hội để giải quyết các mâu thuẫn. Tuy nhiên, các quốc gia ở đây chỉ lựa chọn nghị sự tại tòa khi có dấu hiệu khả quan về hòa giải chính trị giữa các thế lực trong nước. Trung Quốc cũng đồng thời liên tục từ chối việc mang những mâu thuẫn về chủ quyền ra tòa án quốc tế do Liên Hợp Quốc chủ trì.

Một cuộc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng Bảy năm 2012 đã nổ lực đưa ra các hướng giải quyết những mâu thuẫn đang có trong khu vực. Tuy nhiên, hội nghị đã kết thúc mà không đưa ra được bất cứ một tuyên cáo chung nào. Điều này được các chuyên gia nhận định là một dấu hiệu rõ nét cho thấy việc giải quyết mâu thuẫn bằng đám phán đa phương gặp nhất nhiều khó khăn. Tuyên bố sáu điểm của ASEAN sau khi kết thúc hội nghị không hề đề cập tới cụ thể một vụ mâu thuẫn nào đã xảy ra mà chỉ phác thảo một thỏa thuận chung về việc soạn thảo và thực thi bộ quy ước ứng xử trong khu vực, tôn trọng luật quốc tế, và cố gắng kiểm soát các hoạt động của mình trong phạm vi hợp lý. TheoJosh Kurlantzick từ CFR, trong khi ASEAN là một phương án để giải quyết mâu thuẫn thì tổ chức này vẫn chưa tìm được cách để trở nên mạnh mẽ và vững chắc hơn xứng tầm lãnh đạo khu vực. Cũng theo Kurlantzick, ASEAN cần củng cố vai trò của họ trong khu vực để có thể đối phó với những thử thách như các mâu thuẫn ở Biển Đông chẳng hạn.

Nhiều chuyên gia đã đề xuất việc cùng nhau quản lý khai thác tài nguyên chung là cách tốt nhất để làm dịu đi những căng thẳng hiện có tại khu vực. Trung Quốc và Việt Nam đã hợp tác cùng nhau đưa ra luật định rõ ràng về việc đánh bắt ở vùng khai thác chung trong Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dầu thô vẫn còn là một vấn đề tranh cãi gay gắt khi cả Việt Nam và Philippines đều đã nhanh chóng thực hiện những dự án thăm dò dầu mỏ với các công ty nước ngoài trong khu vực tranh chấp.

‘Trục châu Á’ của Hoa Kỳ có ý nghĩa như thế nào trong khu vực này?

Việc Hoa Kỳ chú trọng tới châu Á vào lúc này cùng với những mâu thuẫn triền miên tại khu vực đã dấy lên mối quan tâm về tương lai của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Chính quyền của Obama không chỉ củng cố mối quan hệ với ASEAN mà còn thắt chặt với từng quốc gia như Miến Điện bằng việc phát triển chiến lược hợp tác mới. Hoa Kỳ cũng tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam, trong khi đó thì Malaysia và Singapore cũng ra tín hiệu muốn tăng cường hợp tác an ninh.

Một bài nghiên cứu của trường Johns Hopkins trong năm 2012 đã đưa ra những chú ý về việc Đông Nam Á trong hai thập kỷ trở lại đây đã biến đổi thành một khu vực với sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc trong việc thử thách sự hiện diện lâu năm của quân đội Hoa Kỳ tại đây, cũng như việc Trung Quốc khăng khăng khẳng định chủ quyền Biển Đông đã thực sự mâu thuẫn với những thỏa thuận chung bấy lâu nay giữa các nước xung quanh Biển Đông.

Các chuyên gia cho hay Hoa Kỳ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan và sự khó khăn trong việc cân đối sự can thiệp của họ trong khu vực vì một số nước muốn Hoa Kỳ mạnh tay hơn để đối phó lại với sự cứng đầu của Trung Quốc, còn một vài nước khác thì lại không muốn Hoa Kỳ chen vào vấn đề này. Tuy nhiên, theo Bonnie Glaser, ưu tiên số một đối với tất cả các bên là phải tránh sử dụng quân sự vì thậm chí ngay cả khi Trung Quốc đang có những tranh cãi với các nước Đông Nam Á thì họ đang dần trở thành một đối tác giao thương lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của các nước Đông Nam Á kể từ khi Khu vực tư do mậu dịch ASEAN–Trung Quốc đi vào hoạt động.

Lê Duy chuyển ngữ - Council on Foreign Relations

© Bản tiếng ViệtTạp chí Phía trước

Không có nhận xét nào: