Pages

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

CÒN KHUYA MỚI TỚI KỶ NGUYÊN TRUNG CỘNG

Trong cuốn sách với tựa đề LEE KUAN YEW: THE GRAND MASTER’S INSIGHTS ON CHINA, THE UNITED STATES AND THE WORLD ( Lý Quang Diệu: Những cách nhìn sâu sắc về Trung Quốc, Hoa Ky và thế giới).
Khi được hỏi: Liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ hay không?
Cụ Lý Quang Diệu cho rằng: “Nếu chỉ xét về con số tổng sản lượng quốc nội (GDP) thì việc Trung Quốc vượt Mỹ trong một tương lai gần là ĐIỀU KHÔNG CẦN PHẢI BÀN CÃI nhưng điều quan trọng hơn cả là khả năng sáng tạo của Trung Quốc sẽ còn lâu mới có thể đuổi kịp đối thủ bên kia bờ Thái Bình Dương…”

Cụ Lý nhận định TQ xây dựng chiến lược chiếm thế thượng phong bằng cách xử dụng lực lượng lao động ngày càng được đào tạo kỹ lưỡng để xây dựng nền kinh tế của các nước khác.
Cụ Lý Quang Diệu nghiêng về viễn cảnh thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên Trung Quốc. Nếu ông nói đúng, FOREIGN POLICY nhận định cả TQ và Mỹ đều phải đối mặt với thử thách khổng lồ trong những thập kỷ tới, khi một cường quốc đang lên đối đầu với một cường quốc đang thống trị. Lịch sử cho thấy 11 trong số 15 trường hợp như vậy kể từ năm 1500 đến nay đều kết thúc bằng chiến tranh.
o0o
Thưa với cụ Lý, tôi dám khẳng định là Trung Cộng  sẽ KHÔNG THỂ và KHÔNG BAO GIỜ  tiếp tục phát triển nhanh gấp nhiều lần so với Mỹ và các kình địch phương Tây khác trong thập kỷ tới. Mặc dù chỉ trong vòng 30 năm, TC đã chuyển mình từ một nền kinh tế tập trung thành mô hình kinh tế định hướng thị trường và đang trở thành sân chơi lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, TC là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng bình quân là 10% trong ba thập kỷ qua. Nhưng, trên thực tế con số 10% nầy không đúng sự thật và TC đang phải đối mặt khốc liệt với nhiều nan đề đe dọa sự tồn vong của chế độ ngay trong thập kỷ nầy, không cần phải chờ đợi 40, 50 năm sau theo như cụ tiên đoán.
Thế giới sẽ không bao giờ “BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN TRUNG CỘNG” như cụ tiên đoán. Thưa cụ Lý, đó chỉ là VIỄN MƠ mà thôi. Tôi xin chứng minh, nói có sách, mách có chứng:
HỐ SÂU GIÀU – NGHÈO & TỆ NẠN THAM NHŨNG:
Mặc dù đã liên tục phát triển với một tốc độ rất cao vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng đến nay, hơn một nửa số gia đình của Hoa Lục đang lâm vào cảnh nghèo xác xơ, không một xu dính túi. Vực sâu ngăn cách giàu & nghèo ngày càng đào sâu thêm. Theo GS CAM LÊ, Viện trưởng Viện Kinh Tế Học Đại Học Tây Nam, tiết lộ tại Diễn đàn Kinh Tế tại Thành Đô ngày 13/10/2012: Khoảng 10% gia đình thượng tầng lớp thượng lưu Trung Quốc đang nắm giữ tới hơn 75% số của cải của toàn xã hội Trung Quốc.
Bên cạnh những người ngày càng giàu càng phất lên, số người bị “BẦN CÙNG HÓA” cũng gia tăng với tốc độ chóng mặt. GS Cam Lê đã giáng một cú đấm chí tử vào cái gọi là phồn vinh của xã hội Trung Cộng và sức mạnh của nền khinh tế thứ 2 thế giới. Báo cáo cho biết, tính đến cuối năm 2011 có khoảng 55% số hộ gia đình Hoa Lục hầu như không có chút của cải tích trữ nào. Sự phân hóa giàu nghèo đang diễn  ra quá nhanh và sâu sắc đủ để nhấn chìm quốc gia nầy vào những hệ lụy khó có thể lường được, thậm chí là sự đổ vỡ không gì cứu giản nổi.
Theo Tiến sĩ THẠCH BÌNH ( Nhật gốc Hoa) nhận định: Xét về mặt kinh tế thì nhu cầu trong nước vốn được  coi là lực hấp dẫn của tăng trưởng kinh tế, sẽ khó có cơ hội phát triển ở Trung Quốc trong những năm tiếp theo. Đây là điều dễ nhận thấy, bởi các nhà kinh tế hay doanh nghiệp sẽ chẳng dám mong đợi ở một nền kinh tế mà nơi đó có tới 55% số hộ gia đình “không một xu dính túi”, trong khi 10% số gia đình giàu có nắm giữ 75% số của cải lại đang có xu hướng tiêu dùng số của cải nầy ở nước ngoài.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu so sánh, cho thấy người giàu nước Mỹ bỏ rất nhiều tiền làm từ thiện, trong khi người giàu ở Trung Quốc lại bỏ tiền để…chạy ra nước ngoài. Người giàu nước Mỹ có khuynh kiếm được càng nhiều tiền thì càng tự giác TRẢ LẠI XÃ HỘI. Nhiều người giàu có ở Trung Quốc hiện nay, sợ đến một ngày nào đó tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo sẽ được san bằng nên lũ lượt tìm cách di chuyển tài sản ra nước ngoài.
Theo điều tra mới đây của viện Nghiên cứu Chất lượng Tài sản Trung Quốc thì 67% tầng lớp giàu có ở Trung Quốc đang dự tính mua hoặc đã mua bất động sản ở nước ngoài. Chỉ cần nhìn vào con số nầy, người ta cũng có thể thấy HUYỀN THOẠI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BỀN VỮNG của Trung Quốc sắp sửa trở thành một câu chuyện “CỔ TÍCH”.
Trong những năm gần đây, xã hội Trung Cộng xuất hiện một thuật ngữ mới là CỪU PHÚ (kẻ thù là những người giàu) và CỪU QUAN (kẻ thù những quan chức giàu có nhờ vào tham nhũng, hối lộ và lạm quyền). Mới đây, lời kêu gọi của Tập Cận Bình “Giấc mơ Trung Hoa” kể như phá sản. Tuyệt đại đa số dân Hoa Lục xem hố sâu bất bình đẳng giàu nghèo và nạn quan chức lạm quyền là những mối đe dọa nghiêm trọng cho tương lai nước này. Tệ nạn Đảng Cộng Sản ngồi trên luật pháp được ông Hồ Đức Bình, Ủy viên Hiệp Thương, mô tả chế độ CSTQ hiện nay tệ hại không kém gì chế độ nhà Thanh.
Tập Cận Bình đang đối đầu với phong trào phản kháng ngày càng lớn mạnh ở Trung Cộng. Cách đây hơn một năm, vào tháng 12/2011, có khoảng 12.000 người dân làng Ô Khảm quá phẫn uất sau bao nhiêu năm bị ức hiếp, bốc lột đã dũng cảm nỗi dậy.
Theo thăm dò ý kiến do báo Thanh Niên Trung Quốc thực hiện vào tháng 11/2012, đương đầu với lực lượng công an hùng hậu và cuối cùng đã đuổi các quan chức địa phương đi. Cho tới nay, tấm gương  của dân Ô Khảm vẫn còn một thách đó đối với ĐCSTQ mà uy tín đã bị sứt mẻ rất nhiều do tệ nạn tham nhũng tràn lan hết thuốc chữa. Vụ Ô Khảm đã trở thành biểu tượng cho KHÁT VỌNG DÂN CHỦ ở một đất nước vẫn sống dưới chế độ cai trị hà khắc của ĐCSTQ từ 63 năm qua. Đảng CSTQ với 82.600.000 đảng viên, có mạng lưới tỏa ra khắp nơi. Theo báo Le Monde thì ĐCSTQ là trung tâm quyền lực cũng giống như một BĂNG ĐẢNG MAFIA, chuyên ban phát cho các đảng viên những thành quả của sự tăng trưởng tuyệt vời tại TQ.
Trả lời phỏng vấn AFP, ông Phó Chủ Tịch của làng Ô Khảm  đã nhắn gởi Tập Cận Bình rằng: “Nếu họ không trấn áp thẳng tay để nhổ tận gốc nạn tham nhũng, tình hình sẽ tồi tệ hơn và ngay cả các lãnh đạo cũng sẽ trở nên tham nhũng.” Tân Hoa Xã ghi nhận, con số các cuộc biểu tình với đông đảo quần chúng ngày càng gia tăng, trên 200.000 vụ mỗi năm. Chính quyền Bắc Kinh đã phải chi ra đến 111 tỷ USD để duy trì ổn định, còn cao hơn cả ngân sách quốc phòng của TC.
Theo một báo cáo của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, có khoảng 16.000 đến 18.000 cán bộ và nhân viên cán bộ các công ty quốc doanh tham nhũng đã rời bỏ Hoa Lục, đem theo các khoản tiền đánh cắp hơn 120 tỷ USD và bỏ trốn sang nước ngoài, chủ yếu là sang Hoa Kỳ, Úc, Canada và Hòa Lan. Số tiền đánh cắp được che đậy dưới các hình thức như giao dịch kinh doanh, rồi tuồn ra nước ngoài thông qua các công ty tư nhân được dựng lên để nhận tiền. Ngày nay, có một thứ xuất khẩu từ Hoa Lục, dường như không thể cản nổi là các nhà…triệu phú muốn tìm đường ra nước ngoài định cư.
Bắc Kinh cho thi hành những biện pháp khẩn cấp cố ngăn chận dòng tháo chạy ồ ạt của các quan tham và xuất vốn tư bản ra nước ngoài. Theo dữ kiện chính thức, từ năm 2000 – 2011 các cơ quan Kiểm tra Trung Cộng đã bắt giữ 18.487 quan chức nghi vấn tham nhũng và trong vòng 15 năm từ (1998 – 2002) dòng tiền chảy ra nước ngoài hơn 13 tỷ USD/ năm. Hiện nay, Bắc Kinh đang đàm phán với Washington cưỡng chế hồi hương các cựu tham quan hồi hương TC đang lẫn trốn tại Mỹ.
ĐẤU ĐÁ NỘI BỘ BÙNG NỔ:
Năm 2012 là năm đầy sóng gió cho nền chánh trị TC. Vụ Bạc Hy Lai chưa kết thúc thì vụ tai tiếng liên quan đến các thành viên trong gia đình thủ tướng Ôn Gia Bảo, sở hữu nhiều tài sản với tổng giá trị lên đến 2,7 tỷ USD. Sau khi tờ New York Times cho đăng bài về tài sản kết sù của Thủ tướng Ôn Gia Bảo khiến cho bầu không khí chính trị căng thẳng hơn bao giờ hết. Tờ L’Humanité viết: “Tại trung Quốc, đấu đá nội bộ bùng nổ thành các vụ tai tiếng”. Theo một số nhà quan sát, việc tiết lộ thông tin về tài sản gia đình ông Ôn Gia Bảo, người được xem là nhà cải cách, có thể đến từ những người ủng hộ ông Bạc Hy Lai.
New York Times cho đăng bài viết đúng vào lúc xã hội TC đang có những bất ổn. Cách biệt thu nhập giữa kẻ giàu, tầng lớp trung lưu và những người sống lay lất trong sự nghèo đói ngày càng lớn, đang tạo ra những mối căng thẳng xã hội nghiêm trọng. Đồng quan điểm với L’Humanité, tờ báo Le Monde trong bài xã luận đề tựa “Người cha già Ôn Gia Bảo làm suy yếu ĐCSTQ”, các cuộc tranh giành quyền lực ngay trong lòng ĐCSTQ, không những thể hiện rõ qua vụ án Bạc Hy Lai, mà còn cho thấy các vụ đấu đá, để bảo vệ các lợi ích của những gia đình khác nhau trong giới cầm quyền.
Sự việc nầy cho thấy rõ, con cái của giới “quý tộc đỏ” đang nắm giữ khối kinh tế của đất nước nầy. Và chính sách “gia đình trị” đang làm suy yếu dần ĐCSTQ, hiện phải đối mặt với làn sóng bất bình ngày càng dâng cao, chính phủ Bắc Kinh phải tìm cách giảm sự bất công ngày càng rõ nét trong lòng xã hội Trung Hoa. Sự đăng quan của Tập Cận Bình thuộc hàng ngũ phe phái “thái tử đảng” lên nắm quyền chóp bu lãnh đạo đất nước, dĩ nhiên là có nhiều đặc quyền đặc lợi. Điều nầy khiến người dân Hoa Lục lấy làm lo lắng về chế độ độc tài và tình trạng lạm quyền do lợi ích phe nhóm. Trung Cộng đã công khai tái lập chế độ “CHA TRUYỀN CON NỐI” lên cầm quyền lãnh đạo quốc gia.
CƯỠNG CHIẾM ĐẤT GIA TĂNG TẠI TRUNG CỘNG:
Đài VOA đưa tin ngày 11/12/2012, Ông DUCKWORTH là tác giả bản phúc trình của HỘI ÂN XÁ QUỐC TẾ: “Cưỡng chiếm đất đai hiện là nguồn gốc lớn nhất, gây bất mãn trong công chúng ở Trung Quốc.” Bản phúc trình nói các nổ lực của TC nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu, đã buộc các chính quyền địa phương mượn các khoản tiền lớn của ngân hàng nhà nước nhằm tài trợ cho các dự án kích hoạt kinh tế. Để trả nợ, các chính quyền địa phương ngày càng xoay ra bán đất để lợi dụng tình hình bộc phát địa ốc và buộc phân nửa cư dân ở nông thôn phải rời bỏ nhà cửa. Năm 2009, tổng thu nhập nhờ bán đất là 223 tỷ USD, tăng 50% so với năm trước đó.
Sau nhiều vụ tự thiêu để phản đối chiếm đất, Quốc Vụ Viện TQ cấm sử dụng bạo lực trong những vụ đuổi đất . Nhưng, Hội Ân Xá Quốc Tế nói các thay đổi về chánh sách nầy, chỉ áp dụng cho cư dân ở đô thị, và để mặc cho người dân ở nông thôn là các nạn nhân bị cưỡng chiếm đất không được bảo vệ. Luật sư Vương chuyên bênh vực cho các nạn nhân bị chiếm đất, nói rằng: “Tình trạng thiếu một thẩm quyền tư pháp độc lập, cũng khiến cho cư dân với các cơ hội hạn chế, không được đền bù,” ông tiếp. “Đó là một tình hình đáng sợ đối với nhiều người phản đối những vụ cưỡng chiếm đất, bởi vì ngành tư pháp là một bộ phận của nhà nước.” Theo dự kiến, TC sẽ công bố thêm các biện pháp kích hoạt trong những tháng tới và có nhiều khả năng gây trầm trọng thêm cho vấn đề cưỡng chiếm đất đai ở nông thôn.
Tờ Nhân dân Nhật Báo số ra ngày 15/5/2013 đưa tin: TQ tràn ngập những câu chuyện về việc các chính quyền địa phương hay các công ty xây dựng cưỡng bức người dân phải lìa bỏ nhà cửa của họ, mà không được bồi thường tương xứng nhằm thực hiện các dự án phát triển đô thị béo bở. Các vụ cưỡng chế và tịch thu đất đai đã gây ra hàng chục ngàn vụ biểu tình và xung đột trong những năm gần đây. Khoảng 90.000 vụ gọi là “sự cố tập thể”, một danh từ được sử dụng để chỉ các cuộc nổi dậy, được ghi nhận hàng năm tại TQ, trong số nầy có đến hai phần ba số vụ có liên quan đến việc trưng thu đất.
Từ phản đối Chủ tịch xã cướp ruộng dân làng Thượng phố (tỉnh Quảng Đông) đã nổi dậy đòi bầu cử TỰ DO – DÂN CHỦ. Theo bản tin AFP đưa tin ngày 3/3/2013, khoảng 3.000 dân làng Thượng Phố đã xung đột với một toán côn đồ do bí thư ĐCS địa phương gởi đến, để chiếm đoạt đất đai canh tác của dân làng.
TRUNG CỘNG TRẢ GIÁ CHO SỰ PHÁT TRIỂN:
Trung Cộng hiện nay đã trở thành nhà xuất khẩu “BỤI” chủ yếu của thế giới, hàng chục triệu tấn bụi bị các luồng không khí bay sang đến Triều Tiên, Nhật Bản và thậm chí bay đến bờ biển phía tây nước Mỹ. Hồi trung tuần tháng 2/ 2013, làn sương mù chứa các chất độc hại đã làm ô nhiễm bầu không khí bao phủ tới ¼ lãnh thổ Hoa Lục, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của 600 triệu người từ Bắc Kinh lan ra 17 tỉnh thành và khu tự trị trên  cả nước. Đặc biệt tới 70% thành phố ở Hoa Lục đều không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn không khí. Các hạt bụi phân tử PM 2.5 micromet được coi là tác nhân chính, làm gia tăng các ca ung thư phổi ở Hoa Lục. Chỉ trong vòng 10 năm, các ca ung thư phổi ở Bắc Kinh tăng 60%. Đó là xuất phát từ khí thải của các nhà máy, các công trường, các xí nghiệp thải ra. Người ta đo lượng các chất độc trong không khí đến mức báo động đỏ.
Các nhà nghiên cứu khoa học cho thấy những lo ngại về thiệt hại lâu dài cho trẻ em và thai nhi vì môi trường ô nhiễm. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học New England nói rằng, trẻ em tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cao, có thể bị thương tổn phổi vĩnh viễn.
TC đặt ưu tiên phát triển kinh tế gây mâu thuẩn giữa mục tiêu kinh tế và môi trường sống, vốn tích lũy từ lâu đang lộ dần ra, khiến dân chúng khốn khổ vì nạn không khí ô nhiễm. Nồng độ các chất ô nhiễm gây chết người đã tăng lên 40%, so với giới hạn được chỉ định ở Bắc Kinh cũng như ở các thành phố khác. Nhiều gia đình trung lưu hoặc thượng lưu ở Hoa Lục bắt đầu cho con cái rời khỏi nước. Xu hướng nầy, có thể dẫn tới nguy cơ “CHẢY MÁU CHẤT XÁM” khi các nhân sự tài năng rời khỏi nước, vì lý do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.
TS. Richard Saint Cyr là bác sỹ tại bệnh viện Beijing United Family nói: “Tôi đã làm ở đây 6 năm và chưa bao giờ thấy tình trạng báo động như bây giờ. Thậm chí, tôi cũng chưa bao giờ lo âu tới mức như thế. Thật là một điều tồi tệ,” ông tiếp. “Nhiều bà mẹ đang quá chán ngán với việc nuôi giữ con ở trong nhà.”
Nguồn nước tại Hoa Lục ô nhiễm kinh khủng, đặc biệt là nhiễm chì, a-xít và các hóa chất độc hại suốt mấy chục năm qua là do các nhà máy, các xí nghiệp thải ra đã ngấm nặng trong lòng đất và trong các sông hồ, các nguồn nước trên phạm vi cả nước, nhưng kéo dài thì cũng không thể là nơi con người có thể sinh sống được.
Các mẫu đất từ làng Thượng Kiều (Shangqiao) thuộc tỉnh Hồ Nam miền Trung Hoa Lục có chứa chất cadmium ở mức độ cao gấp 300 lần vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Có một nhà máy hóa chất hoạt động tại đây cho đến năm 2009, đã để lại một lượng rác công nghiệp khổng lồ, cho tới nay vẫn còn bốc lên một thứ mùi dai dẳng. Đây là một trong 10 tai nạn ô nhiễm lớn nhất nước. Năm nay, Bộ Môi Trường lần đầu tiên đã nhìn nhận sự hiện diện của các NGÔI LÀNG UNG THƯ tại Hoa Lục.
Một câu chuyện xảy ra tại tỉnh Chiết Giang. Bất bình vì rác rưởi tràn ngập dòng sông, khiến một doanh nhân đề nghị tặng lãnh đạo “Ủy Ban Bảo Vệ Môi Trường” huyện Thụy An một số tiền tương đương 30.000 USD nếu đủ can đảm nhảy xuống nước. Nhưng lãnh đạo ủy ban vừa thiếu can đảm, vừa thiếu trách nhiệm, đỗ lỗi cho nông dân nhập cư thải rác xuống sông.
Trong quá trình phát triển đất nước, nhiều thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ đã làm xói mòn lòng tin của người dân, khi không làm được gì mấy trong việc hạn chế hàng loạt mối đe dọa đối với sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em, khiến nhân dân cả nước vô cùng giận dữ, đó là vụ hàng trăm ngàn người bị bệnh, 6 trẻ sơ sinh tử vong vì bê bối liên quan đến sữa bột nhiễm độc.
NGƯỜI HOA LỤC ĐANG SỐNG TRONG HOẢNG LOẠN:
Báo chí mạng lưới và blogs trong thời gian gần đây ở Hoa Lục, đã truyền tay nhau đăng tải tình trạng báo động đỏ là khách du lịch vào Hoa Lục giảm 30% so với giữa năm 2012 do NƯỚC TÀU BỆNH HOẠN VÌ NHỮNG MÓN ĂN GÂY TỬ VONG. Xin liệt kê vài vài món ăn chơi kinh khủng:
Những thứ thịt bày bán ở Hoa Lục trông có vẻ tươi ngon, nhưng có thể là thịt chồn, thịt chuột, những thứ thịt heo, thịt bò đã bị thối rửa và phế thải nhưng được con buôn phục chế và tái sinh bằng hóa chất, không biết bao nhiêu tấn thịt loại nầy đã được tiêu thụ trong đó có du khách vào nước Tàu.
Thăm Thượng Hải vào tiệm ăn giải quyết vấn đề bao tử, gọi món thịt heo quay nhai dòn rụm. Bạn có biết đâu miếng thịt heo đó, có thể là thịt của những con heo chết trôi trên sông Hoàng Phố hoặc thịt heo bơm chất clenbutérol, một loại steroid để heo cho nhiều thịt ít mỡ.
Bạn muốn giải khát bằng nước trong chai trong vắt, ướp lạnh được đóng nút nước cẩn thận. Biết đâu, nước đó có thể lấy từ sông có hàng ngàn heo chết thả trôi sông đầy vi khuẩn chết người.
Bạn gọi món cải trắng xào với nấm đông cô. Nhưng, bạn có biết đâu cải được ngâm formal để bảo quản lâu hư.
Dầu ăn được đóng chai trông tinh khiết và sạch sẻ, bạn có biết 10% số dầu ăn đó được các con buôn vét từ cống rảnh chung quanh các tiệm ăn, rồi được tái chế lại vô chai đem bán cho giới tiêu thụ.
Cắn một miếng dưa hấu đỏ mọng. Nhưng, biết đâu người trồng dưa đã dùng loại hóa chất forchlorfenuron để dưa mau lớn và dưa lúc nào cũng có màu tươi ngon. Sau chuyến du lịch trở về nước, nước Tàu sẽ tặng cho bạn một món quà lưu niệm thật đáng giá: CANCER!
Hiện nay, không còn ai ở Hoa Lục dám ăn các loại hoa quả, sữa, thịt heo, thịt bò, gà vịt từ chính TC làm ra. Như báo chí châu Âu, Mỹ, Úc…liên tục đăng bài cảnh báo việc người Tàu Hoa Lục ra sức thu mua sữa trên khắp các cửa hàng ở Châu Âu để đưa về Hoa Lục bán lẻ là “siêu  lơi nhuận”.
Theo bảng tổng kết RAPEX của Ủy ban Châu Âu, hơn 58% sản phẩm nhập cảng từ Trung Cộng được cho là quá nguy hiểm cho người tiêu dùng. Điều đáng ngại là số lượng các mặt hàng nguy hại nầy du nhập vào châu Âu đã tăng lên nhiều trong năm 2012. Chủ đề nầy được báo Les Echos quan tâm đến qua bài viết với tựa đề : “TRUNG QUỐC XUẤT KHẨU NGÀY CÀNG NHIỀU CÁC SẢN PHẨM NGUY HIỂM VÀO CHÂU ÂU”. Ủy ban Châu Âu đã cho trưng bày tại trụ sở Bruxelles các sản phẩm của TC quá nguy hiểm cho người tiêu dùng, từ mũ bảo hiểm, ổ cắm điện dễ phát hỏa, quần áo, phao tắm cho trẻ nhỏ…báo Les Echos diễn tả quang cảnh buổi trưng bài các sản phẩm nguy  hiểm của TC giống như là một viện bảo tàng cho các loại sản phẩm kinh hãi. Toàn thể Châu Âu đồng loạt “TẨY CHAY HÀNG ĐỘC” do TC sản xuất.
Tờ báo Le Monde số ra ngày 6/5/2013 đưa tin: Cảnh sát Hoa lục đã bắt giữ 900 người tình nghi liên quan trong một đường dây buôn bán thịt cừu mà hóa ra là thịt chuột, thịt chồn hay là thịt hư thối. Tờ báo cũng nhắc lại là vào tháng 3/2008, sữa bột mélanine đã làm 6 trẻ em thiệt mạng và gần 300.000 trẻ em khác lâm bệnh mãn tính. Năm 2011, cảnh sát đã bắt giữ 32 người vì tội bán dầu ăn phế thải lấy từ cống rãnh thải ra từ các nhà hàng rồi tái chế lại. Bắt đầu từ ngày 25/1/2013, chính quyền đang tiến hành một chiến dịch truy quét gian lận trong đường dây buôn bán thịt trong vòng 3 tháng. Hơn 200 tấn sản phẩm trái phép bị tịch thu trong 382 vụ khác nhau. Tại Ngô Tích, phía Bắc Thượng Hải, 63 nghi phạm bị bắt vì làm thịt cáo dưới dạng thịt cừu. Họ còn tẩm cả keo động vật và chất nitrát vào thịt để bán ra trên thị trường.
Tạp chí Foreign Affairs số ra ngày 12/2011, tác giả người Tàu TAMZBONG HUANG – Giáo sư  Đại học Seton – đã lên tiếng báo động cuộc khủng hoảng y tế của TC đang dẫn đầu thế giới về bệnh lao phổi, bệnh gan (The hepatitis B virus) đã chiếm 1/3 bệnh nầy của thế giới hay 130 triệu bệnh nhân. Con số người Hán chán sống, tự tử dẫn đầu thế giới, mỗi năm có khoảng 287.000 người.
Hãng tin ASIANEWS đưa ra kết luận: Ô NHIỄM & THAM Ô là hai căn bệnh đe dọa sự tồn vong của ĐCSTQ. Chính sách chống “tham nhũng” và “ô nhiễm” của chủ tịch Hồ Cẩm Đào tung ra từ 10 năm qua, không mang lại một kết quả nào để bảo vệ sức khỏe người dân. Tập Cận Bình lên thay vào tháng 3 thì chỉ nhìn nhận vấn đề, nhưng phải tự thú là VÔ KẾ KHẢ THI. Giới chuyên gia đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh còn đáng sợ hơn cả dịch bệnh hô hấp cấp tính SARS.
Ô nhiễm không khí ở miền Bắc Hoa Lục là nguyên nhân hạ thấp tuổi tho,ï vì dân chúng miền Bắc còn sưởi ấm bằng cách đốt than đá, làm cho không khí bị ô nhiễm nặng nề. Cuộc khảo cứu được đăng tải trên tạp chí của Viện Nghiên Cứu của Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ cho thấy, việc đốt “than đá” quá mức làm tăng khói và các phân tử lan truyền trong không khí tăng thêm 55% ở bờ phía Bắc sông Hoài.
NỀN KINH TẾ MỸ SẼ TIẾP TỤC THỐNG TRỊ THẾ GIỚI TRONG NHIỀU THẬP NIÊN NỮA:
Mười nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2013, dẫn đầu danh sách là Hoa Kỳ với GDP dự báo ở mức 16.200 tỷ USD (năm 2012, GDP đạt 15,685 tỷ USD) Mỹ liên tục xếp hạng là nền kinh tế quốc dân lớn nhất thế giới trong suốt một thế kỷ qua. Đây là một trong những quốc gia thịnh vượng vào bậc nhất thế giới với cơ sở hạ tầng vô cùng phát triển, năng suất cao và tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú. Nước Mỹ có 1/3 triệu phú và 40% tỷ phú trên thế giới có quốc tịch Mỹ.
Lãnh vực sản xuất chính của Mỹ bao gồm dầu khí, dụng cụ điện tử, khai thác dầu mỏ, thép, xe ô tô, hàng không vũ trụ, hàng không dân dụng, kỷ nghệ thông tin, vũ khí chiến tranh, đặc biệt là chế biến thực phẩm và chăn nuôi gia súc…
Mỹ cũng được mệnh danh là một trong những thị trường tài chánh lớn và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ trên thế giới là USD. Ngoài ra, hơn ¼ trong số 500 công ty lớn nhất thế giới đặt trụ sở tại Mỹ.
Theo Wall Street đưa tin ngày 14/2/2013 – Thị trường Chứng khoán – đưa ra những luận cứ hùng hồn để phản bác quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đang trên đường suy tàn (is American in decline). KHÔNG!!! Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vẫn là siêu cường với nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Tổ hợp tài chánh GOLDMAN SACHS  đưa ra luận cứ nói rằng, Hoa Kỳ vẫn là nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới và còn sẽ tiếp tục ở vị thế này trong nhiều năm sắp tới. Các phân tích Goldman Sachs còn nói rõ là hiện nay trên thế giới, người ta bắt đầu nhận ra những ưu thế chủ yếu về kinh tế, định chế, vốn nhân lực và địa dư chính trị của Hoa Kỳ so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Để dẫn chứng, tổ chức tài chánh này đưa ra nhiều dữ kiện và con số để biện minh cho luận điểm của mình:
Tổng sản lượng quốc gia GDP của Mỹ là 16.200 tỷ USD, gần gấp đôi của nền kinh tế thứ 2 là TC với khoảng 9.000 tỷ USD và gấp 2.5 lần nền kinh tế thứ 3 là Nhật Bản với 5.100 tỷ USD. Lợi tức đầu người Mỹ vào khoảng $50.000 / năm.
Diện tích canh tác nông nghiệp của Mỹ  rộng gấp 5 lần của Hoa Lục và gấp 2.5 của Ba Tây. Nhờ kỷ thuật “fracking” (khoan lỗ phiến thạch theo chiều ngang để hút dầu), trong tương lai Hoa Kỳ có trữ lượng dầu hỏa nhiều nhất thế giới vào năm 2020, theo tổ chức International Energy Agency tiên đoán.
Theo cuộc nghiên cứu của tổ chức HIS, một công ty cố vấn kỷ thuật, họ ước tính rằng ngành khai thác dầu hỏa sẽ tạo ra 1.7 triệu việc làm. Tổ hợp tài chánh Goldman Sach còn nói rằng, nhờ có thêm khí đốt thiên nhiên dư thừa và giá hạ làm cho các ngành công nghệ khác của Hoa Kỳ có cơ hội phất lên manh mẽ, lại thêm một điểm tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ vẫn là nơi thu hút nhiều người di dân đến hăng hái làm việc, trong đó có “thành phần trí thức học vấn cao”. Cuộc thăm dò 151 nước trên thế giới của viện Gallup cho thấy Hoa Kỳ vẫn là chọn lựa hàng đầu để công dân các nước này xin tới định cư tới 23%, trong đó có các “tham quan” Trung Cộng.
Cuối cùng, tổ hợp tài chánh Goldman kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về những sáng chế mới. Nước Mỹ là nơi tập trung nhiều nhất các dự án khảo cứu và phát triển, chiếm 31% thế giới trong năm 2012 và có nhiều trường đại học giỏi nhất thế giới, đạt tới 29 trường trong số 50 trường đại học danh tiếng thế giới như: HARVARD, MIT (Massachusetts Institute of Technology), VT (Virginia Tech), CALTECH (California Institute of Technology)…
Trong cuộc chạy đua trí tuệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng thì Trung Cộng thua là điều chắc chắn. Một thí dụ về số lượng bằng sáng chế được cấp theo năm 2010 như sau: JAPAN: 44,814. TAIWAN: 8,238. KOREA: 11,671. CHINA: 2,657.
Hằng năm Học viện Hoàng Gia về Khoa Học của Thụy Điển có trao tặng giải Nobel cho các khoa học gia, nhằm vinh danh những thành tụ hay những công trình nghiên cứu đặc biệt trên mọi lãnh vực, có tầm ảnh hưởng đến nhân loại trong năm 2010: Hoa Kỳ chiếm 320 giải, Anh Quốc giành được 117 giải. Trung Cộng với gần 1 tỷ 340 triệu dân chỉ chiếm được 6 giải thua cả Nam Phi nhận được 9 giải. Nếu có giải Nobel giành cho hàng giả, hàng nhái thì TQ sẽ đoạt giải quán quân.
Trên trang tin Business Insider ngày 22/6/2013. Theo báo cáo của Joseph Quinlan, nhà phân tích tại Ngân hàng TRUST, nêu ra 9 lý do khiến kinh tế Hoa Kỳ sẽ giữ vững vị trí số 1, tiếp tục thống trị thế giới trong nhiều thập niên nữa:
1. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và có năng suất cao nhất thế giới: Dân số Mỹ chỉ bằng 4,5% dân số thế giới, nhưng  nước Mỹ hiện chiếm đến 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới. Nền kinh tế Mỹ lớn gấp đôi kinh tế TC nếu tính bằng USD, theo US Trust.
2. Mỹ dẫn đầu thế giới về lượng hàng hóa sản xuất: Tổng sản lượng sản xuất hàng hóa của Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD trong năm 2012, tăng 27% so với năm 2009. Số lượng nhân công trong lãnh vực này cũng tăng thêm 500.000 người kể từ năm 2010 theo số lượng thống kê của Trust.
3. Mỹ là một trong những nước sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới: US Trust cho biết, kim ngạch xuất cảng của năm 2012 đạt giá trị 2.200 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2009.
4. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn thích đổ tiền vào nước Mỹ: Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ trong những năm sau khủng hoảng, đạt tới mức 736 tỷ USD, tương đương 15% tổng số lượng vốn FDI của toàn thế giới, theo số liệu thống kê của US Trust.
5. Mỹ có những thương hiệu hàng đầu thế giới: Trong năm 2013, chín trong số 10 thương hiệu cao nhất thế giới đều là của các công ty Mỹ, theo nghiên cứu thường niên Brandz về 100 thương hiệu hàng đầu thế giới của hảng Millward Brown (Mỹ).
6. Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ: US Trust nhận định Mỹ vẫn là nhà của các trang mạng xã hội hàng đầu thế giới, đồng thời vượt xa các nước khác về lượng tiền chi tiêu cho phát triển công nghệ.
7. Mỹ có những trường đại học lớn nhất thế giới: 6 trong số 10 trường đại học tốt nhất thế giới trong năm 2012 đều có xuất xứ từ Hoa Kỳ và 4 xuất xứ từ Anh Quốc, theo sự đánh giá của công ty chuyên về giáo dục và du học Quacquarelli Symonds (Anh).
8. USD là tiền tệ vua trên thế giới: Các nước trên thế giới hiện vẫn giữ trữ USD. Báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) cho biết USD chiếm đến 62% dự trữ tiền tệ toàn cầu trong quý 4 năm 2012.
9. Mỹ có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ: Sản lượng khai thác dầu trong nước Mỹ lần đầu tiên vượt qua lượng nhập cảng trong 16 năm trở lại đây, US Trust cho biết. Mỹ sẽ qua mặt Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2017 và là nhà xuất cảng dầu lớn nhất thế giới vào năm 2020, theo báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA).
KINH TẾ TRUNG CỘNG ĐÃ SA VÀO VŨNG LẦY TRÌ TRỆ:
Theo AFP đưa tin ngày 10/6/2013, giới chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh tỏ ra thất vọng và nghi ngờ khả năng bật dậy của cường quốc kinh tế số 2 thế giới. Từ những tuần lễ qua, mọi chỉ số thống kê đều xác nhận một hướng duy nhất: hoạt động kinh tế thấp, nhu cầu nội địa yếu, không đủ cân bằng tỷ lệ xuất khẩu bị suy giảm dần. Thống kê của hải quan TC cũng xác nhận, xuất khẩu thụt lùi còn nhập khẩu tăng có 1% thấp hơn tiên liệu và yếu nhất tính từ năm 2012.
Từ 3 năm qua, tăng trưởng kinh tế TC đã rơi từ 9,3% năm 2011, xuống 7,8% năm 2012 và 7,75% trong năm 2013. Thống kê về sản xuất công ngiệp giảm 2,9% trong vòng một năm và tỷ lệ lạm phát trung bình 2,5% chứng tỏ guồng máy kinh tế TC có vấn đề. Các thông số của TC vào cuối tuần đều cho thấy từ mậu dịch đến bán lẻ và các hoạt động khác của TC trong tháng 5 đều yếu kém. Khó khăn kinh tế TC còn kéo dài, chưa thể khắc phục ngay.
Trong khi đó, ngày thứ hai 10/6/2013 chỉ số Nikkei trên thị trường tài chánh tăng mạnh đến 4.9% đạt 13,514.20 điểm sau khi tỷ lệ phát triển của quý thứ nhất trong năm 2013 được công bố từ 3.5% đến 4.1%.
Tại Hoa Kỳ, con số việc làm thêm vào thị trường nhân lực vào cuối tuần là 175,000 jobs  trong tháng 5 khiến kinh tế Mỹ phát triển khá bền vững. Chỉ số Dow Jonees tăng đến 15,252 điểm cho thấy tình hình kinh tế thêm sáng sủa.
KINH TẾ TRUNG CỘNG ĐANG ĐỐI MẶT VỚI SỰ PHÁ SẢN:
Bài viết của Joseph Hogue trên Street Authority Network với tựa đề : “FORGET CHINA: MEET THE 21 st CENTURY’S NEW EXPORT LEADER” (Quên nước Tàu đi: Chào nhà Tân Đại Xuất Cảng của thế kỷ thứ 21) cho thấy bằng chứng thế giới đang chuyển động theo chiều hướng bất lợi cho TC. Nhật cũng đang chuyển dần các nhà máy của họ ra khỏi nước Tàu vì tình bất ổn do tranh chấp đảo Senkaku.
Theo định hướng trong 5 năm tới, TC sẽ chuyển trọng tâm mô hình kinh tế của quốc gia xuất cảng, sang mô hình phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Một trong những lý do mà các công ty lớn trên thế giới đổ về Hoa Lục trong mấy thập niên qua vì giá lao động tại nơi đây rẻ. Nhưng, tiền lương công nhân ở đây hiện tăng ở mức 12% mỗi năm. Tập đoàn The Boston Consulting tiên đoán rằng vào năm 2015, giá lao động chế biến tại TC cũng sẽ tương đương tại Mỹ, xa nửa vòng trái đất thì chi phí chuyên chở còn cao hơn nhiều nữa.
Chưa hết, trong thập nên qua, trị giá đồng nhân tệ của Trung Cộng đã gia tăng 25%, điều nầy đã khiến đã khiến cho hàng xuất cảng của TC trở nên đắc đỏ hơn so với trước đó và ngày càng kém hấp dẫn hơn. Và như thế, thì trị giá 2.05 ngàn tỷ USD mà TC đã xuất cảng trong năm ngoái, có thể hiện đang bước vào giai đoạn mới, chảy về một quốc gia khác mà trong đó MEXICO là một gia được xem là thuận lợi nhất để trở nên ĐẠI LÃNH TỤ XUẤT CẢNG trên thế giới, nhất là đối với thị trường Hoa Kỳ. Mexico có những lợi điểm như sau: Vận chuyển hàng hóa về Mỹ chỉ tốn ¼ phí bằng khoảng ¼ so với chi phí vận chuyển từ Hoa Lục và quốc gia nầy có dầu khí nên năng lượng cần cho sản xuất lại rất rẻ. Mexico trở thành một quốc gia hưởng lợi từ tình hình TC chuyển hướng kinh tế và thế giới chuyển hướng đầu tư.
Theo cuộc thăm dò vào năm 2011 của MFG.com, một thị trường sản xuất trên mạng lớn nhất thế giới thì có tới 21% các nhà sản xuất Bắc Mỹ khi được hỏi ý kiến, đều cho biết rằng, họ đã tính mang sản xuất trở lại Hoa Kỳ hay đến một quốc gia nào đó gần với Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, xuất cảng của Mexico vào Mỹ gia tăng từ 11% vào năm 2005 lên đến 16% vào năm 2012.
Căn cứ vào thống kê thương mại giữa Mỹ và TC thì có 2 lĩnh vực sản xuất quan trọng là máy móc điện tử (electrical machinery) và dụng cụ phát điện (power generation equipment) chiếm 48.6% trong số 399.3 tỷ USD giá trị hàng hóa mà TC xuất cảng sang Mỹ năm 2011. Công ty quan trọng chuyên sản xuất các loại dụng cụ, máy móc khổng lồ cho kỷ nghệ xây dựng, kỷ nghệ hầm mỏ, các máy phát điện công nghiệp là Caterpillar (CAT) đã có tới 28 nhà máy sản xuất tại Mexico. Nhật cũng đang chuyển dần các nhà máy của họ ra khỏi TC do việc tranh chấp đảo Senkaku đã cho thấy thế giới đang chuyển động theo hướng bất lợi cho TC.
Ngày càng nhiều các công ty, hãng xưởng Hoa Kỳ đưa các dây chuyền sản xuất từ Hoa Lục trở lại Hoa Kỳ trong thời gian tới. Hãng General Electric đã đưa công việc sản xuất máy giặt, tủ lạnh và máy nước nóng từ Hoa Lục về một cơ sở nội địa ở tiểu bang Kentucky. Hãng hàng không Ball Aerospace vừa hoàn tất một cơ sở sản xuất 75 triệu USD ở Boulder, Colorado. Hãng Google quyết định sản xuất máy Nexus Q tại Sanjose, Ca.
Tờ báo Le Monde nhận định TC mất dần vị thế “CÔNG XƯỞNG THẾ GIỚI” sau khi có tin Cty Foxcom và “ông chủ” Apple đang lên kế hoạch cho những dự án lắp ráp mới ở Indonesia và cả ở Myanmar, nơi có mức lương công nhân thấp hơn ở TC, dự kiến khi nhà máy lắp ráp tại Indonesia hoàn tất, có thể sử dụng trên 1 triệu công nhân.
Ngày càng nhiều các công ty, hãng xưởng Hoa Kỳ mở cuộc hồi hương cùng với kỹ nghệ sản xuất. Khảo sát thị trường tiết lộ có tới 37% những công ty với 1 tỷ USD, đang cân nhắc đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung Cộng trở về lại Mỹ trong thời gian tới. Nhìn chung, kỹ nghệ sản xuất đang nắm giữ  hơn 11 triệu công ăn việc làm ở Hoa Kỳ.  Ngay cả Tòa Bạch Ốc cũng cho thiết lập một nhóm đặc biệt “OFFICE OF MANUFACTURING POLICY”  để giúp điều hợp, yểm trợ kỹ nghệ sản xuất.
Trả lời phỏng vấn CNBC ngày 15/7/2013, tác giả của “THE COMING COLLAPSE OF CHINA”, ông Gordon Chang cho rằng, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể không phải quanh mức 7% mà chỉ 3-4%. “Khi nhìn vào số liệu tiêu thụ điện, các khảo sát sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng, dữ liệu thương mại, kinh tế Trung Quốc TĂNG TRƯỞNG CỰC TỆ” ông Gordon Chang nói.
Tuần trước, báo cáo của chính phủ TQ cho biết, kim ngạch xuất cảng và nhập cảng tháng 6 của nước nầy đồng loạt giảm, đặc biệt, xuất cảng bất ngờ giảm mạnh 3,1%. Trong khi đó, khảo sát của HSBC chỉ ra, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 6 của nước nầy thấp nhất 9 tháng. Ông Gordon Chang cho rằng, TQ có thể sắp từ bỏ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất cảng và đầu tư để sống còn.
John Sudworth, BBC News, Thượng Hải đưa tin: Kể từ ngày khánh thành năm 2006, xưởng đóng tàu VĨNH THỊNH ở bờ biển phía Đông TQ đã là biểu tượng cho nền kinh tế nước nầy. Trước hết, đó là biểu tượng cho sức mạnh của một nền công nghiệp đang trỗi dậy nhờ sự bùng nổ  của vốn đầu tư, trong đó có các khoản tiền vay và tiền đầu tư liên tục đổ vào các công trình xây dựng, những cây cầu, dự án nhà ở và công nghiệp. Đây là một xưởng đóng tàu lớn nhất của TC, được trang bị với dàn cần trục đủ sức cho ra đời những con tàu cỡ bậc nhất thế giới.
Một thập niên trước đó, TC tuyên bố nước nầy muốn trở thành một trong những nước có ngành công nghiệp đóng tàu hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2015. Thế nhưng ngày nay, phần lớn xưởng đóng tàu VĨNH THẠNH tạm ngưng hoạt động và tổng cộng khoảng 20.000 công nhân đã bị cho nghỉ việc trong vòng hai năm qua.
Thị trấn Trường Thanh Sa được xây dựng xung quanh xưởng đóng tàu Vĩnh Thạnh, giờ đây là thị trấn ma, khác xa  với hình ảnh thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế chóng mặt của TC trước đây. Một trong những con phố mua sắm chính, giờ là một cảnh tượng u ám cho thấy sự suy thoái. Hết cửa hàng nầy đến cửa hàng khác hai bên đường đều lần lượt đóng cửa…
KHI CƯỜNG QUỐC TRUNG CỘNG VẤP NGÃ:
Xưởng đóng tàu Vĩnh Thạnh là một trong những mô hình kinh tế của TC, trong số đó có khoảng trên 400 triệu dân công đã có cuộc sống tạm bợ kéo dài cuộc sống lây lất, tha phương cầu thực để kiếm ăn, không có hộ khẩu và mạng lưới an sinh tối thiểu. Họ từ nông thôn đi ra tỉnh thành, từ miền Tây trôi dạt ra các tỉnh duyên hải miền Đông để kiếm sống, vì đất đai của họ bị chánh quyền cường hào, ác bá tại địa phương cưỡng chiếm.
Các chế độ chuyên chế, họ có khả năng làm tốt về kinh tế nếu họ có lãnh đạo tốt, nhưng các chế độ nầy mặc nhiên trở thành đại nạn khi giới lãnh đạo là tập thể ngu dốt về các lý thuyết kinh tế. Chính bước nhảy vọt về kinh tế của Mao đã giết hàng chục triệu nông dân Hoa Lục là bằng chứng về điều nầy. Nhà chính trị học Francis Fukuyama nhận định hệ thống chính trị Trung Quốc có khả năng hoạt động rất hiệu quả nếu được những nhân vật có uy tín và khôn ngoan điều hành. Tuy nhiên, hệ thống sẽ vấp nhiều trở ngại khi ngồi trên ngai vàng là những vị “HOÀNG ĐẾ TỒI”.
Các quan chức luôn hành động theo kiểu truyền thống và nguyên tắc của mình, xã hội được điều khiển từ trên xuống. Đồng thời, ông Fukuyama nhấn mạnh rằng, TQ chưa phát triển các quy định pháp luật và thể chế pháp luật độc lập có khả năng hạn chế cái thói “TỰ TUNG, TƯ TÁC” của những người cai trị. Về căn bản, hệ thống nầy, ngày nay vẫn hoạt động tương tự. Bắc Kinh có sự tập trung quyền lực cứng rắn, nhưng lại thiếu hệ thống kềm chế và cân bằng. Một hệ thống pháp lý hiệu quả nhằm kiểm soát hành động của các quan chức chưa hề được thiết lập. Các cơ cấu nhà nước không được bảo vệ trước quyết định tùy tiện của những vị “Hoàng đế tồi”.
Theo Gary Stanley Becker – Nobel về Khoa Học Kinh Tế 1992 -  tin tưởng rằng: “Trung Cộng sẽ trở thành nền tảng dân chủ nếu họ biết tiếp tục phát triển nhanh như thế. Nhưng, khi họ lựa chọn giới lãnh đạo yếu kém, chuyên có những ý tưởng lạ đời về mô hình kinh tế thì sự phát triển kinh tế đó sẽ lệch lạc càng yếu đi. Trung Cộng đã hạ giảm sinh xuất một cách quá nhanh dưới mức thay thế hơn cả quốc gia đang phát triển khác, đó là “CHÁNH SÁCH MỘT CON”. Đây là điều làm đất nước này trở nên già nua quá sớm và đang tạo thành một gánh nặng cho hệ thống y tế và an sinh xã hội cho giới  trẻ, phải nghiêng vai gánh vác nặng nề về tài chánh cho lớp người già đang gia tăng nhanh chóng nầy…”
Vì nếp sống văn hóa “trọng Nam khinh Nữ” nên tỷ lệ phái nam đông hơn nữ tiếp tục mở rộng cho đến năm 2020, tỷ lệ sẽ là 130 nam/ 100 nữ nên ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và cả sự ổn định xã hội. Theo đó, thì không có xã hội nào có thể đạt được mức tăng trưởng cao với một dân số ngày càng giảm sút. Đối với TC, tình hình kinh tế sẽ tệ hơn vì 30 năm chỉ biết chạy theo số lượng nhiều hơn phẩm cho đà tăng trưởng GIẢ TƯỞNG là 9-10%.
TC phải trả giá cho sự phát triển thần kỳ nầy là để lại môi trường sống bị ô nhiễm khủng khiếp cho các thế hệ kế tiếp. Dân chúng không còn nước sạch để uống, không khí sạch để thở, thực phẩm an toàn để ăn, trên 2000 dòng sông đã biến mất, trên 90% mạch nước ngọt ở dưới lòng đất bị khô cạn vì bị khai thác quá mức để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Cường quốc kinh tế nầy đang đi dần vào ngõ cụt không có lối thoát.
Con Rồng Kinh Tế Trung Cộng chắc chắn không thể bay cao được nữa. Những người giàu đang ở tại Hoa Lục, sống dưới cai trị độc tài toàn trị của ĐCSTQ, kể cả những người trong và ngoài ĐCSTQ đều muốn di cư ra nước ngoài để tiếp tục sinh sống. Những người giàu đang sống ở Hoa Lục là ai? Đó là những đảng viên CS được phép làm kinh tế hay nói rõ hơn là đảng viên CSTQ được hưởng những đặc quyền, đặc lợi tranh nhau làm giàu.
THAM NHŨNG: Đó là chưa kể tới 19.000 đảng viên ĐCSTQ đã bị bắt hoặc đã thực sự rời bỏ Hoa Lục và mang theo 120 tỷ USD để trốn ra nước ngoài từ năm 1990 đến nay. Con số 120 tỷ là phỏng đoán, trong khi ngay cả Ngân Hàng Trung Cộng và không một ai có thể biết được chính xác mấy trăm tỷ đô la đã bị những đảng viên Trung Cộng tham nhũng lấy đi. Còn những người giàu hiện còn sống ở tại Hoa Lục chỉ là chờ đợi phương tiện “xuất cảnh hợp pháp” để được di cư qua Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Canada, Hoa Kỳ. Chính cái “Hệ Thống Toàn Quốc Tham Nhũng” rất phức tạp, liên hệ chằng chịt từ trên thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở ĐCSTQ mà giới lãnh đạo Bắc Kinh phải câm miệng.
BẤT ĐỘNG SẢN: Một thực tế là “bất động sản” là một lãnh vực hái ra tiền được các đảng viên ĐCSTQ có quyền thế và nhiều đặc quyền đặc lợi với số tiền vay ngân hàng để phát triển thị trường địa ốc ở Hoa Lục, có những khu đô thị mới và họ đã tạo ra giá bất động sản quá đắc đỏ. Hiện nay, thị trường địa ốc bị ứ đọng với vài chục triệu căn nhà mới mà không có người mua. Tổng giá trị bất động sản tăng hay giảm đều có ảnh hưởng làm tăng hay giảm GDP của TC.
XUẤT NHẬP CẢNG: Trong năm 2012 và 2013 nhu cầu tiêu thụ hàng hóa do TC sản xuất ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc châu… giảm dần vì hàng độc, thiếu tiêu chuẩn an toàn. Trước đây TC đã nhờ vào khu vực gia công chế tạo và sản xuất nhiều mặt hàng để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Nhưng, hiện nay nhiều mặt hàng bị thế giới tẩy chay, trả về Hoa Lục tồn kho, chất cao như núi làm nhiều công ty sản xuất đang liên tiếp bị đóng cửa, khai phá sản. Còn khu vực nhập cảng cũng đang giảm rõ rệt vì thị trường tiêu thụ không được cân bằng do sự chênh lệch giữa người giàu và nghèo quá gay gắt.
CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT: Trong những năm vừa qua ở Mỹ và Châu Âu, người tiêu thụ đã tẩy chay hàng hàng hóa làm tại Hoa Lục. Kết quả là đã có rất nhiều xí nghiệp gia công sản xuất ở Hoa Lục phải giảm giờ làm việc của công nhân. Trước đây, nhiều công ty ngoại quốc đã mướn rất nhiều nhân công lương thấp ở Hoa Lục để gia công, sản xuất theo đơn đặt hàng rồi xuất cảng, chở ngược về các quốc gia đặt hàng tiêu thụ. Nếu con rồng kinh tế mất hầu hết các hợp đồng gia công của công ty ngoại quốc thì phải quay lại thị trường tiêu thụ nội địa mà người công, nông dân nghèo không một xu dính túi lấy gì có tiền mua sắm?
CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG NHẬP CƯ THÀNH THỊ: Tại Hoa Lục đã có những hợp đồng lao động của công nhân xí nghiệp được trả lương tối thiểu, làm giàu cho các đảng viên chức quyền quản lý xí nghiệp. Nhu cầu công nhân làm việc ở các xí nghiệp gia công đã thu hút được nhiều lao động nông thôn, họ rời bỏ ruộng vườn nhập cư thành phố tìm việc làm ngày càng đông, đến khi các xí nghiệp phải đóng cửa thì có quá nhiều công nhân lao động nhập cư đột ngột mất việc làm nên họ phải sống tha phương cầu thực, họ bất mãn dễ phát sinh xung đột xã hội ở Hoa Lục.
NỢ CÔNG NỢ XẤU: Số liệu báo cáo chánh thức được công bố NỢ CÔNG của TC trong năm 2012 là 43.5% GDP, không kể tới những món nợ công của các địa phương và các Tập đoàn Thương Nghiệp Quốc Doanh. Nếu kế toán minh bạch thì “nợ công, nợ xấu” tích lũy đến 80 tới 90% và nó đã vượt quá mức 60% GDP tiêu chuẩn ấn định mức an toàn của một nền kinh tế.
TÀI CHÁNH NGÂN HÀNG: Các ngân hàng lớn tại Hoa Lục là “ngân hàng quốc doanh” chịu sự chỉ đạo của ĐTSTQ. Bắc Kinh đã sử dụng Bộ Tài Chánh & Ngân Khố  cứ tiếp tục in thêm tiền và bơm thêm tiền cho các ngân hàng quốc doanh. Sự tăng trưởng của các ngân hàng quốc doanh nầy toàn là “Nợ Xấu” đã tích lũy đã 30 năm qua, mà những người vay tiền là thành phần đảng viên ĐCSTQ, có quyền thế tại địa phương không có khả năng trả nợ. Có nhiều món nợ xấu đã chiếm từ 30 – 40% vốn của ngân hàng.
THỐNG KÊ KINH TẾ: Đã có những bằng chứng rõ ràng là các đảng viên CS có trách nhiệm ở các đơn vị địa phương phải báo cáo thành tích hoạt động, đã “báo cáo láo” có hệ thống dây chuyền từ dưới lên trên và làm sai lệch số liệu thống kê kinh tế của cả nước.
KẾT LUẬN:
Xin trích bài viết IMF: Kinh tế TQ đang trong tình trạng rất “NGUY KỊCH” để tạm thay cho lời kết của bài viết nầy:
Ngày 17/7/2013, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo nghiệm trọng đối với nền Kinh tế TQ: Cải cách sớm hoặc phải đối mặt với sự SỤP ĐỔ KINH HOÀNG về việc tăng trưởng GDP sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong những tháng cuối năm nay.
Theo đó, IMF chỉ ra rằng, các nguồn tín dụng phi truyền thống hay còn gọi là hệ thống ngân hàng bóng tối đang khiến nền kinh tế TQ phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có bong bóng bất động sản và gánh nặng nợ công tăng cao của chính quyền địa phương.
Kể từ khi cuộc khủng khoảng toàn cầu xảy ra, các biện pháp tài chánh nhằm kích thích đầu tư và tín dụng đã được TC sử dụng rất tích cực. Tuy nhiên, mô hình phát triển không bền vững nầy đã ngày càng tạo ra nhiều lỗ hỏng nghiêm trọng cho nền kinh tế TC. Dù Trung cộng đang sở hữu những “tấm đệm” quan trọng để chống đỡ các cú sốc kinh tế thì tỷ xuất lợi nhuận an toàn vẫn đang sụt giảm mạnh”
Thực tế, trong khi lượng trữ ngoại tệ khổng lồ của Bắc Kinh có thể giúp nền kinh tế thứ 2 thế giới chống đỡ với những sự thay đổi đột ngột thì nó không thể xoa dịu bất mãn trong lòng người dân trước tệ nạn tham nhũng, thực trạng ô nhiễm trầm trọng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng.
Trong nhiều thập niên, TQ chủ yếu dựa vào đồng tiền và nhân công giá rẻ cùng lượng chi tiêu chính phủ, đầu tư cho cơ sở hạ tầng để đạt mức tăng trưởng “nóng” 2 con số. Theo CBS News, đa phần các khoản vay của chính quyền địa phương ở Hoa Lục để phục vụ cho việc thanh toán các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Sự gia tăng chóng mặt của các khoản nợ này, sẽ làm tăng nguy cơ mất cân đối ngân sách của các chánh quyền địa phương. IMF cảnh báo, đầu tháng này, tờ Tân Hoa Xã đưa tin, Ordos – thành phố nổi tiếng của những tòa nhà chọc trời và các chung cư “MA” – đã phải vay tiền từ các công ty tư nhân để trả lương cho các quan chức địa phương.
Rõ ràng, chính lãnh đạo Bắc Kinh cũng nhận thức được việc cần phải tiến hành cải cách để giúp nền kinh tế nước nầy né được nguy cơ sụp đổ. Câu hỏi được đặt ra là Bắc Kinh sẽ thực hiện chính sách cải cách ngay bây giờ hay vẫn còn mãi mê lập những kế hoạch dài hạn. Đến khi đó, e rằng đã quá muộn để cứu vãn nền kinh tế thứ 2 thế giới, vốn đang tiềm ẩn quá nhiều bất ổn. Ông Lâu Kế Vĩ, Bộ trưởng Tài Chánh khẳng định: “Điều chỉnh cơ cấu kinh tế là một quá trình hết sức “đau đớn” và suy thoái là cần thiết để đạt được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu.”
Còn ông JOHN SIMPSON (một nhà báo thời sự quốc tế kỳ cựu của đài BBC), ngày 30/7 vừa qua đã trả lời cuộc phỏng vấn trên Twitter. Xin tóm lược như sau: Trung Quốc không còn là nơi của lao động rẻ tiền nữa, TQ sẽ không thể tiếp tục mãi mãi với mức độ tăng trưởng hiện nay. Các công ty nước ngoài đang đổi chỗ. Giống như Nhật, Anh, nước nầy phải chuyển sang sản xuất công nghệ cao. Trung Quốc sẽ DÂN CHỦ hơn và gần với Tây Phương như Nhật; nếu không, Trung Quốc sẽ chia rẽ và hỗn loạn. Về tham nhũng, nó luôn là vấn nạn lớn khi các xã hội khép kín, không có sự giám sát phù hợp. Và những người đối kháng lạc quan cho rằng, Quốc Hội được dân bầu và sẽ có DÂN CHỦ ĐA ĐẢNG, chỉ còn cách đây 5 hoặc 7 năm nữa thôi.
Tóm lại, tôi nhận thấy những tiên đoán của cụ Lý Quang Diệu về một Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh gấp nhiều lần so với Mỹ và các kình địch phương Tây khác trong thập kỷ tới, còn rất nhiều mơ hồ, chưa đủ sức thuyết phục…
Viết theo tài liệu tổng hợp
NGUYỄN VĨNH LONG HỒ

Không có nhận xét nào: