Pages

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Liệu kinh tế Trung Quốc có rơi xuống 3-4% tăng trưởng mỗi năm?

Nền kinh tế Hoa Lục đang phát triển chậm lại từ 10% trong thập niên vừa qua xuống còn 7.7% vào đầu năm 2013. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trấn an sẽ giữ trên mức 7% trong những năm sắp tới, nhưng đã có vài chuyên viên bắt đầu đưa ra con số 2-3% cho tương lai và còn dự đoán Trung Quốc có thể đi vào thập niên không tăng trưởng (lost decade).

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ chậm lại của Âu-Mỹ làm nổi bật tính cách bất cân đối tại Trung Quốc khi phát triển dựa quá nhiều vào đầu tư nội địa và xuất cảng ra nước ngoài thay vì nhu cầu tiêu thụ của dân chúng trong nước. Đa số các nền kinh tế lớn đều có tiêu thụ nội địa chiếm từ 60-70% GDP, chỉ riêng Hoa Lục cho dù phát triển nhảy vọt nhưng chỉ số tiêu thụ lại sút giảm từ 55% vào năm 1985 xuống một con số không thể tưởng tượng nổi là dưới 35% năm 2012 – tức là rơi vào trường hợp không có tiền lệ vì nằm 1/2 của mức trung bình! Nói một cách đơn giản là con số này cho thấy lợi tức của dân chúng Trung Quốc bị nhà nước thu tóm cho mục tiêu tăng trưởng trong hai lãnh vực xuất cảng ra ngoại quốc và đầu tư nội địa, và chính sách nói trên được thực hiện với ba biện pháp:
1. Giữ đồng NDT (Nhân Dân Tệ) 15-30% dưới giá thị trường: năng suất lao động của người dân Hoa Lục được cải tiến gấp ba trong lúc đồng NDT chỉ tăng 25% từ năm 2005 đến nay. Giữ giá trị đồng NDT thấp giúp cho các công ty xuất cảng hàng hoá, nhưng bù lại dân chúng Hoa Lục phải trả giá cao hơn cho xăng dầu, lương thực là những thứ mà Hoa Lục phải nhập cảng cho nhu cầu trong nước.

(Bắc Kinh lập luận rằng tăng giá đồng NDT ảnh hưởng đến xuất khẩu và công ăn việc làm của dân chúng; nhưng một mặt, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu suy giảm; hơn nữa, tăng trưởng tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra công ăn việc làm bù đắp cho các mất mát trong xuất khẩu)

2. Kềm lương bổng: người ta thường nghe rằng lương bổng tại Trung Quốc không còn rẻ nữa mà ít ai nhớ rằng năng suất của người lao động Hoa Lục còn tăng nhanh hơn mức lương hiện thời.

Nhưng nhà nước đã có chính sách kềm lương bổng để bóc lột công nhân và hỗ trợ cho doanh nghiệp qua nhiều biện pháp gián tiếp mà chính yếu là hộ khẩu: dân quê từ nông thôn lên thành thị làm việc không xin được hộ khẩu nên không có quyền tham gia công đoàn tranh đấu tăng lương; lại không được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục cho con cái như người dân thành thị. Kết quả là lương đã thấp mà họ lại càng không dám tiêu xài.

3. Giữ lãi xuất ngân hàng mức thấp: dân chúng Hoa Lục dành dụm tiền bạc không có chỗ nào khác để gởi ngoại trừ ký thác cho ngân hàng với mức lời thấp do nhà nước quy định (nhà cửa thành thị giá quá mắc để đầu tư; còn chứng khoáng thì đủ mánh khoé lường gạt). Kết quả là ngân hàng có được một nguồn vốn khổng lồ với giá rẻ để một mặt giữ đồng NDT ở giá thấp, mặt khác cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương vay với điều kiện ưu đãi – kết quả vẫn là hút tiền của dân chúng cho nhà nước và doanh nghiệp sử dụng.

Tình trạng bất cân đối này không thể kéo dài. Xuất cảng khó mà tăng trong lúc kinh tế Âu-Mỹ còn suy yếu, còn đầu tư nội địa mất dần hiệu quả vì các khoản tín dụng bị tiêu dùng mờ ám trong lúc nợ công của các chính quyền địa phương tăng nhanh. Muốn tiếp tục tăng trưởng thì nhà nước chỉ còn cách nâng cao tiêu thụ nội địa.

Nhưng tiêu thụ nội địa hiện đang ở mức cực kỳ thấp (35% GDP) nên muốn nâng lên 50% GDP trong 10 năm tới thì sức mua của các hộ gia đình phải tăng nhanh hơn GDP là 3-4% mỗi năm. Nếu giữ GDP phát triển 7% thì sức mua của dân chúng phải nhảy vọt 10% một năm – con số hoang tưởng! Trong 30 năm qua hoàn cảnh thuận lợi nên sức mua của các hộ gia đình tăng 6-7% mỗi năm, giả sử vẫn giữ được đà này trong hoàn cảnh xuất cảng thấp và đầu tư nội địa giảm thì GDP tăng trưởng không thể hơn 3-4% nếu muốn tái cân bằng kinh tế.

Bù lại trong suốt 30 năm nay nhà nước, doanh nghiệp và giới tài phiệt Trung Quốc đã quen với mức tăng trưởng dựa trên bóc lột thặng dư lao động của quần chúng. Nay tiến trình bị đảo ngược lại là trả lợi nhuận về cho nhân dân, liệu chính sách mới này sẽ gặp các phản ứng mãnh liệt như thế nào từ các khối lợi ích mới chính là vấn đề chính trị nan giải cho giới cầm quyền giải quyết.

© Đoàn Hưng Quốc

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào: