Blogger Tâm Sự Y Giáo - Nghị định 72 ra đời hơn một tuần nay, và đã trở thành “nổi tiếng”, thậm chí là một “cơn sốt” không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ngoài nước. Trong nghị định này, điểm được tập trung phân tích, bình luận nhiều nhất là Điều 20, có nội dung như sau:
Điều 20: Phân loại trang thông tin điện tử
Trang thông tin điện tử được phân loại như sau:
1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử
2. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả, hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.
3. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp.
4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, , phát thanh, truyền hình, thương mại,, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
(Trong đó, theo điểm 19, Điều 3: Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Còn theo điểm 21, Điều 3: Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhiều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet).
Sở dĩ trích dẫn một cách dài dòng như trên là để lt nữa ta đối chiếu cho nó dễ.
Trước hết cần xác định rõ về nguyên tắc phân loại: các trường hợp không được chồng lấn lên nhau, và các trường hợp phải bao gồm hết tất cả các khả năng có thể xảy ra.
Nếu đọc kỹ các nội dung trên, ta có thể nhận thấy sự phân loại các trang thông tin điện tử như trên là không rõ ràng về tiêu chí phân loại. Đã có sự nhập nhằng giữa hai tiêu chí: đối tượng thiết lập trang thông tin điện tử và việc có cung cấp thông tin tổng hợp hay không.
Để làm rõ vấn đề, ta tạm gọi đối tượng thiết lập trang thông tin điện tử gồm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là đối tượng loại I, còn cá nhân là đối tượng loại II; trang thông tin điện tử (TTĐT) cung cấp thông tin tổng hợp là trang loại A, còn trang TTĐT không cung cấp thông tin tổng hợp là trang loại B.
Thế thì sự phân loại các trang TTĐT một cách đầy đủ, đồng thời tuân theo cả hai tiêu chí, phải bao gồm 4 loại sau đây:
1- Trang TTĐT loại I-A: do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, có cung cấp thông tin tổng hợp.
2- Trang TTĐT loại I-B: do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, không cung cấp thông tin tổng hợp.
3- Trang TTĐT loại II-A: do cá nhân thiết lập, có cung cấp thông tin tổng hợp.
4- Trang TTĐT loại II-B: do cá nhân thiết lập, không cung cấp thông tin tổng hợp.
Rõ ràng, ngoại trừ loại báo điện tử thì sự phân loại các trang TTĐT trong điều 20 của Nghị định 72 mới chỉ đề cập đến 3 loại 1, 2 và 4. Trang TTĐT chuyên ngành và trang TTĐT nội bộ chẳng qua đều thuộc vào loại 2, tức I-B.
Đương nhiên, sự phân loại nói trên thiếu hẳn đi loại 3, nghĩa là thiếu loại trang TTĐT do cá nhân thiết lập và có cung cấp thông tin tổng hợp.
Cả thảy có 4 trường hợp thì lại thiếu mất một trường hợp! Rõ ràng đây là một “kẽ hở” quá to, to đến mức ghê gớm khi ban hành văn bản. Nói cách khác, phân loại như thế là hoàn toàn không đạt yêu cầu !
Ta sẽ không đi sâu để lý giải về cái “sự thiếu vắng” này.
Chỉ cần biết rằng trên thế giới, các nhân vật nổi tiếng thông thường đều có những trang thông tin điện tử của riêng mình. Và nhiều trang trong số đó có “cung cấp thông tin tổng hợp”. Chẳng hạn 2 trường hợp sau của Oprah Winfrey và Christiane Amanpour.
Oprah Winfrey là người dẫn chương trình, diễn viên, nhà sản xuất lừng danh của Mỹ. Bà được coi là người Mỹ gốc Phi giàu nhất thế giới của thế kỷ 20, là nhà từ thiện da đen lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, và bà đã từng là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Trang TTĐT của bà có địa chỉ oprah.com, đề cập đến đủ thứ chuyện, từ sức khỏe, thời trang, ẩm thực đến chính trị… Chỉ riêng blog của Oprah đã có tới 74 đề tài.
Christiane Amanpour là nhà báo hàng đầu của Mỹ, hiện đang là Trưởng ban quốc tế của kênh CNN. Trang blog của Amanpour bao gồm rất nhiều thông tin về chính trị, xã hội của bà và đồng nghiệp đối với rất nhiều quốc gia ở chấu Á, châu Phi.
Hẳn nhiên, các trang cá nhân của Oprah, Amanpour đều “cung cấp thông tin tổng hợp”.
Trang web của Oprah Winfrey
Trang blog của Christiane Amanpour
Nếu theo tinh thần Nghị định 72, thì sẽ chẳng biết xếp những trang TTĐT của Oprah, Amanpour và vô vàn những trang TTĐT khác trên thế giới vào loại nào.
Riêng ở Việt Nam, có một thực tế là đang tồn tại rất nhiều trang TTĐT do cá nhân thiết lập và có cung cấp thông tin tổng hợp. Những trang như thế sẽ thuộc lại nào trong sự phân loại của Nghị định 72, và tên gọi của chúng là gì?
Sự thiếu vắng một trong bốn loại trang TTĐT trong một bản nghị định của nhà nước không thể thay thế cho một sự ngăn cấm rằng loại đó không được phép xuất hiện.
Thiết nghĩ, chừng nào nhà chức trách chưa ban hành lệnh cấm một cách rõ ràng, cụ thể đối với những trang TTĐT thuộc lại II-A nói trên, thì chúng vẫn được quyền tồn tại. Bởi lẽ ai cũng hiểu rằng: người dân được làm những điều mà luật pháp không cấm.
Không rõ một kẽ hở quá to như vậy sẽ được các nhà soạn thảo bịt lấp lại như thế nào đây?
T.S.Y.G.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét