Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Nhà báo Bùi Tín: Vài kỉ niệm với tướng Trần Độ

Nhân dịp kỉ niệm ngày mất của trung tướng Trần Độ (9/8/2002), nhiều trang mạng đang điểm lại cuộc đời của ông. Đọc tiểu sử của tướng Trần Độ và nhà báo Bùi Tín, thấy có nhiều điều tương đồng. Vậy tướng Trần Độ là người như thế nào đối với ông?

Nhà báo Bùi Tín: Xin cám ơn mạng Đàn Chim Việt đã cho tôi cơ hội nói lên tấm lòng của mình đối với anh Trần Độ, một đồng đội, một người Anh, một tấm gương sáng của tôi.

Kỷ niệm giữa anh Trần Độ và tôi có từ tháng 4-1948. 65 năm rồi.

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”

Anh Độ cùng nhà văn Nguyễn Công Hoan từ Việt Bắc về Thanh Hóa dự Đại Hội Tập của tướng Nguyễn Sơn. Anh Độ và anh Hoan lúc ấy đang làm báo Sao Vàng của Tổng cục chính trị do anh Trần Huy Liệu giao.Tôi còn nhớ 11 năm trước , khi được tin anh mất, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu, nhiều anh chị em chúng tôi ở Paris đã khóc nấc lên. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy anh Đặng Phúc Lai một trí thức uyên bác từ Hà Nội sang chữa bệnh mang theo tập nhật ký Rồng-Rắn kể lại về cuộc gặp của anh với anh Độ trước khi qua đây, 2 người quen nhau từ khi anh Độ còn ở Sư 312, trước cả trận Điện Biên.

TranDo

- Vậy điều gì ở tướng Trần Độ khiến ông nhớ nhất?

Ở anh Độ điều gì là nổi nhất ư? Anh em ta hay khen anh Độ là tướng có tài, văn võ song toàn. Thiếu tướng khi 35 tuổi, trung tướng khi 51 tuổi, có những bài phân tích quân sự khá đặc sắc ký tên Cửu Long.Nhưng theo tôi anh Độ nổi nhất trên lĩnh vực Văn hóâ văn nghệ. Anh là người cán bộ cộng sản cao cấp cực hiếm không bị quyền cao chức trọng tha hóa. Tôi nhớ rất rõ về anh, những lần gặp anh. Anh đến tòa soạn báo QĐND, chân tình, xởi lởi tự nhiên, hỏi thăm từng người. Cách ăn mặc, đi, đứng, ngồi, nói, lắng nghe, luôn tỏ ra giản dị, dấu mình, quan tâm đến người khác.

Một con người có văn hoá, rất tử tế, ấm áp tình người, chúa ghét hình thức, xu nịnh, giả dối.

- Ông sang Pháp tị nạn từ năm 1990, từ đó ông có liên hệ gì với ông Trần Độ nữa hay không?

- Năm 1996, anh gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm, trao đổi tình hình, khuyến khích. Anh tâm sự với tôi, một nỗi buồn đè nặng. 40 phút đàm thoại vào nửa đêm. Nỗi buồn đè nặng nhất là suy nghĩ của anh về Thiện và Ác. Anh hiểu thực dân phong kiến là hiện thân của ác. Anh hoạt động cách mạng khi 15 tuổi, vào đảng lúc 16 tuổi, nghĩ là tham gia xóa sạch ác, coi đảng CS là hiện thân của thiện, vậy mà cuối đời nhận ra sự oái oăm khổng lồ, cái thiện chuyển thành ác, mà cái ác hiện tại còn tệ hại, kinh hoàng hơn cái ác ngày xưa. “Ngỡ xoá ác rồi thay cực thiện / Nào hay biến đổi ác luân hồi!”

Anh không thể ngậm miệng ăn tiền. Anh không thể đồng lõa với một xã hội chuyên chế, tại đó công dân, nhà văn không có tự do.

- Trần Độ được coi là người có công trong việc cởi trói cho văn nghệ sĩ?

Anh cùng anh Nguyên Ngọc thảo ra Nghị quyết 5 về tự do sáng tạo trong văn hóa văn nghệ. Anh thuyết phục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, gần như gò ép ông Linh phải gặp văn nghệ sỹ để ra « tuyên ngôn » văn nghệ sỹ tự cứu, không uốn cong ngòi bút, sống với nhân dân mình, với lương tâm mình. Anh khơi nguồn cho những ngòi bút tự do Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Trần Huy Quang, Phùng Gia Lộc, Lưu Quang Vũ, Trần Văn Thủy…

- Nhưng ông được biết đến nhiều hơn ở những đòi hỏi thay đổi về chính trị?

Trần Độ, theo tôi là cán bộ cộng sản cao cấp có cách nhìn rốt ráo về thay đổi tận gốc cả hệ thống chính trị từ độc đảng toàn trị sang hệ thống đa đảng, gồm những đảng bình đẳng anh em, trong đó có đảng CS, cùng nhau vừa hợp tác vừa ganh đua.

Anh là cán bộ lãnh đạo cộng sản VN có tư tưởng đổi mới có hệ thống, gần với tư tưởng đổi mới ở Liên Xô của Gorbachốp, vượt tư tưởng đa nguyên chung chung của anh Trần Xuân Bách hồi 1989, 1990. Đây là nét son quý nhất ở nơi anh.

- Và nó cũng là điều khiến ông bị chế độ ghét bỏ? Thái độ của Trần Độ sau khi bị ‘thất sủng’ như thế nào, thưa ông?

Vâng. Năm 1999 khi anh bị khai trừ, Ban văn hóa văn nghệ trung ương do anh phụ trách bị nhập vào Ban tuyên huấn thành Ban tư tưởng và văn hóa, tôi may mắn gọi được điện thoại cho anh. Anh không buồn, cười to thành tiếng, thanh thoát, “mình nay là người tự do, như cậu vậy”. Thế rồi anh tâm sự. Anh sẽ viết hồi ký truyền lại lửa cho tuổi trẻ,cho đảng viên còn bị lầm lẫn. Anh tin cái thiện rồi sẽ toàn thắng. Anh tin ở bộ phận trí thức, văn nghệ sỹ, thanh niên nam nữ đang thức tỉnh khá nhanh.

“Mình tin là chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi là đà thức tỉnh của xã hội sẽ đạt độ lượng thành chất. Các cậu phải thảo một Tuyên ngôn Tự Do, sau khi đã có Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9. Lầm lẫn chiến lược đó. Hồi ấy chúng mình đã lầm lẫn, ngỡ rằng nước có độc lập là dân có ngay trự do đầy đủ. Độc lập tự do gắn bó với nhau nhưng vẫn là 2 khái niệm riêng biệt. Cách mạng dân tộc- dân chủ, ở ta mới có cách mạng dân tộc, cách mạng dân chủ còn ở phía trước.. Mình dạo này không khỏe, nhiều bệnh. Cậu và anh em bên đó nhớ chuyện này nhé … “.

- Nhưng có vẻ Trần Độ đã lạc quan quá, những biến chuyển của xã hội Việt Nam chậm hơn nhiều so với dự đoán của ông?

Tôi cảm thấy anh Trần Độ đã có dự cảm chính trị chính xác. Mười năm là khoảng thời gian không dài, cũng không ngắn lắm. Hồi đó chưa có Kiến nghị đòi chấm dứt khai thác bô – xít ở Tây Nguyên. Chưa có kiến nghị đòi tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ. Chưa có cuộc góp ý của gần 40 trí thức cho văn kiện Đại hội X bác bỏ triệt để chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ nghĩa xã hội Mác-xít, nhưng bộ chính trị bịt chặt tai, không chịu nghe lẽ phải. Chưa có Kiến nghị sửa hiến pháp, sửa Luật Đất đai, Trưng cầu ý dân. Nhất là chưa có chuyện 15 ngàn chữ ký bác bỏ dự thảo hiến pháp do quốc hội thông qua. Nếu còn sống chắc chắn anh Độ đã có mặt trong các sự kiện ấy.

Anh Độ sẽ vui biết mấy khi thấy xuất hiện những chiến sỹ dân chủ mới mẻ, như Phạm Thanh Nghiên, Bùi Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, bên cạnh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Quốc Quân, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha vv…, không sao kể hết. Số không thể chấp nhận mình là hạt cát bị dẫm đạp lên, để trở thành mỗi người một ngôi sao trong xã hội ta đang xuất hiện hàng loạt. Mỗi ngày có một tin vui. Hôm nay là tin cô Thu Trang cùng 4 chiến sỹ dân chủ tuy bị công an ngăn chặn vẫn vào được sứ quán Thụy Điển mái đỏ son để đưa kiến nghị đòi hủy điều 258 trong bộ luật Hình sự…

Đó, anh Trần Độ đặt cả niềm tin ở trí thức, tuổi trẻ đang thức tỉnh là rất có lý. Chính sự lộng hành của bọn bành trướng và thái độ ươn hèn của bộ chính trị làm cho tình hình chuyển biến nhanh. Tôi nghĩ trong vài tháng tới tình hình còn phát triển nhanh hơn. Ta đã có vốn, kinh nghiệm, thế đi lên, thế kết hợp.

- Xin hỏi thêm về “Tuyên ngôn Tự do” mà ông vừa nói, liệu đã tới lúc cần có một Tuyên ngôn như vậy chưa?

Tôi nhớ mãi lời dặn dò, cũng là hy vọng trên đây của anh Trần Độ trước khi đi xa.

Nay nhânkỷ niệm ngày anh đi xa, xin công khai chuyển mong muốn thiêng liêng của anh đến anh chị em trí thức, văn nghệ sỹ, thanh niên trong và ngoài nước. Phải chăng tình hình đã chín để đặt vấn đề có một Tuyên Ngôn Tự Do tương xứng với Tuyên Ngôn Độc Lập 9/1945.

Xin đề nghị các anh chị em Nhóm 72, nhóm 100 về sửa đổi hiến pháp, về sửa luật Đất Đai, về Trưng cầu dân ý, cũng như hơn 15 ngàn anh chị em ký vào Tuyên bố bác bỏ dự thảo hiến pháp do quốc hội thông qua đặt ra việc dự thảo Tuyên Ngôn Tư Do của Nhân dân Việt Nam trong chương trình hoạt động trước mắt của mình, do uy tín và kinh nghiệm sẵn có.

Tôi tin rằng một dự thảo Tuyên Ngôn Tự Do xúc tích, gọn gàng thảo ra bởi một nhóm chuyên viên am tường luật pháp sẽ sớm được trình làng. Các bạn trong tổ chức Minh Triết Việt, Con Đường Việt Nam… chắc chắn sẽ vui mừng chào đón và hưởng ứng cho sáng kiến quan trọng này. Cả sức mạnh của dân tộc bị kìm hãm sẽ bật dậy, như mong muốn cháy bỏng của Trần Độ, ngôi sao Dân chủ của nhân dân.

Tôi nghĩ còn có cách nào kỷ niệm ngày ra đi của anh Trần Độ – một lão tướng dân chủ thời đại chúng ta –  có ý nghĩa hơn, còn có cách nào tưởng niệm hàng triệu các chiến sỹ của cả 2 bên bỏ mình trên chiến trường theo lý tưởng họ tin là cao đẹp, bằng việc làm trên đây do động lực “thật lòng yêu nước mình, thật lòng thương dân mình”, như anh Trận Độ thường nói.

Xin cám ơn mạng Đàn Chim Việt và anh chị em bạn đọc Đàn Chim Việt.

Xin cám ơn nhà báo Bùi Tín.

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào: