Pages

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Nữ tù nhân chính trị bị phân biệt đối xử

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Nữ phạm nhân ở trại giam trở về phòng sau một ngày lao động (ảnh minh họa)
Nữ phạm nhân ở trại giam trở về phòng sau một ngày lao động (ảnh minh họa)
Courtesy dantri.com
Một số nữ tù nhân chính trị Việt Nam hiện đang bị giam giữ tại phân trại K5, nhà giam Xuân Lộc, Đồng Nai.
Tình cảnh của họ hiện ra sao?
Giam chung- ly gián
Thông tin từ thân nhân của những nữ tù nhân chính trị tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai vừa đi thăm nuôi họ hồi đầu tháng 8 vừa qua về cho biết quản giáo gom chín chị em tù chính trị vào ở chung nhau; chứ không phân chia họ và giam chung với tù thường phạm, hình sự như trước đây.

Anh Trần Thanh Tuấn, em trai của tù nhân Trần Thị Thúy người bị tuyên án 8 năm tù về tội chống chính quyền, cho biết biện pháp mới và ‘ý đồ’ của trại giam khi đưa các nữ tù chính trị vào giam chung với nhau như thế:
Bây giờ tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo họ gom lại một phòng tại Đội 1. Họ gom lại như thế và cho ‘mời’ người này nói xấu người kia, người kia nói xấu người nọ để làm mích lòng nhau, chia rẽ nội bộ. Ông Phan Văn Giang, thượng úy trinh sát phụ trách tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo, mời Đỗ thị Minh Hạnh đến nói là chị tôi nói xấu cô này và mời chị tôi đến nói Đỗ thị Minh Hạnh nói xấu chị tôi. Ông ta còn mời người của đảng này, đảng kia như Đảng Vì Dân nói là nói xấu qua lại để ‘xé’ nội bộ.
Bây giờ tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo họ gom lại một phòng tại Đội 1. Họ gom lại như thế và cho ‘mời’ người này nói xấu người kia, người kia nói xấu người nọ để làm mích lòng nhau, chia rẽ nội bộ
Anh Trần Thanh Tuấn
Chị tôi, bà Mai thị Dung, bà Dương thị Tròn quá hiểu rồi; tin tưởng nhau còn người ta nói gì thì mặc kệ người ta.
Ông Võ Văn Bửu, chồng của bà Mai Thị Dung bị án 11 năm vì nhiều lần chống lại các biện pháp đàn áp tôn giáo từ chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự do nhà nước dựng lên, cũng được chia sẻ về thông tin vợ ông và các tù chính trị khác nay ở chung nhau chứ không như trước nữa:
Lúc này họ gom lại có 9 chị em; trong đó có một chị thuộc nhóm 20 người bị xử ở ngoài Phú Yên.
Trước đây họ bắt cô Minh Hạnh và chị Thúy đi làm, không đi làm họ cho tù nhân đánh. Nhưng nay không như thế nữa, lúc này không biết sao đối xử có khác trước tức không cho đi làm và đem TV vào và điện nước cũng đầy đủ. Không biết có chuyện gì xảy ra đây.
Bệnh không được chữa trị đúng cách
Trong nhóm các nữ tù chính trị hiện ở tại K5, Xuân Lộc, Đồng Nai có cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một người đấu tranh cho quyền lợi công nhân cùng với các anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương với bản án 7 năm tù.
Ông Đỗ Bá Ty, cha của cô này cũng vừa đi thăm con vào ngày 4 tháng 8 vừa qua về và vào ngày 12 tháng 8 cho biết tình hình bệnh tật của con gái trong tù với yêu cầu được đưa đi khám chữa bệnh mà nhà tù không đáp ứng:
Cháu nói ngực một bên teo lại, một bên phình ra và nhiều lần xin rồi nhưng không được cho đi khám. Đã bị liệt vào tội phạm thì có nhiều chuyện, nhưng chuyện nhỏ không nói mà chuyện chính là bị bệnh cũng trầm trọng. Đây là bệnh phụ nữ mà không cho đi khám bệnh và cho gia đình biết. Gia đình lo lắng không biết thế nào, chỉ biết làm đơn xin cho cháu đi khám bệnh.
Anh Trần Thanh Tuấn cũng cho biết việc người chị bị đối xử khắc nghiệt khi vẫn kiên quyết không chịu nhận tội:
Những người nhận tội thì không sao, còn chị tôi không nhận tội thì bị ‘đày’. Chị tôi nói tôi không có tội mà bắt tôi nhận, và tôi đồng ý bản án không nhận thì bắt tôi làm, nếu bắt tôi làm tôi sẽ tuyệt thực như ông Điếu Cày. Mấy lâu nay không cho làm nữa
Cháu nói ngực một bên teo lại, một bên phình ra và nhiều lần xin rồi nhưng không được cho đi khám. Đã bị liệt vào tội phạm thì có nhiều chuyện, nhưng chuyện nhỏ không nói mà chuyện chính là bị bệnh cũng trầm trọng. Đây là bệnh phụ nữ mà không cho đi khám bệnh và cho gia đình biết
Ông Đỗ Bá Ty
Chị tôi bị đau cột sống và sạn túi mật; gia đình đưa thuốc vào họ không cho uống đòi phải có toa bác sĩ. Gia đình màng toa trước khi bị bắt vào thì họ nói hết hạn không cho uống. Họ nói xuôi, nói ngược…
Lên tiếng
Hồi ngày 9 tháng 8 vừa qua, trên mạng có Lời kêu gọi Khẩn thiết của ông Hội trưởng Trung ương, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy Việt Nam với trình bày đặt biệt về tình hình của cô Đỗ thị Minh Hạnh trong nhà tù. Bên cạnh đó là trường hợp của những nữ tù nhân Phật giáo Hòa Hảo.
Lời kêu gọi gửi đến các cơ quan và tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới với những đề nghị như lên án chế độ nhà tù của Việt Nam hiện nay, yêu cầu trả tự do ngay cho các tù nhân lương tâm và chính trị; cũng như chấm dứt những âm mưu chia rẽ đối với những nữ tù tại K5, Xuân Lộc, Đồng Nai.
Xin được nhắc lại, cô Đỗ thị Minh Hạnh sinh năm 1985. Từ năm 18 tuổi cô đã tham gia giúp những người dân bị oan ức trong vấn đề đất đai tại địa phương Di linh, tỉnh Lâm Đồng làm đơn khiếu kiện. Đích thân cô ra Hà Nội cùng họ và bị bắt đưa về lại Di Linh, Lâm Đồng hồi năm 2005. Cô cùng Nguyễn Hoàng Quốc Hùng từng đến tại Tây Nguyên để chụp ảnh những công trường khai thác bauxite do Trung Quốc tiến hành. Cô từng tham gia tổ chức cho công nhân đình công hồi năm 2007 và năm 2010. Cô bị bắt hồi tháng 10 năm 2010 và sau đó bị kết án 7 năm tù giam trong vụ án cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù, và Đoàn Huy Chương 7 năm tù về tội danh phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền theo điều 89 Bộ luật hình sự.
Trong nhà tù, cô vẫn kiên định lập trường nên bị đánh đập, hành hạ. Cô cũng từng thực hiện biện pháp tuyệt thực trong tù.
Nữ tù nhân Trần thị Thúy là một dân oan ở tỉnh Đồng Tháp và sau này tham gia giúp bà con dân oan khác. Bà bị bắt và đưa ra xét xử cùng với nhóm mục sư Dương Kim Khải hồi ngày 30 tháng 5 năm 2011 về tội âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam
.

Không có nhận xét nào: