Pages

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

'Yếu tố quyết định' trong nền chính trị VN

Vấn đề 'cơm áo gạo tiền' là yếu tố quan trọng
Nhà báo, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng gần đây đã có bài tham luận gửi đến hội thảo hè tại Singapore với chủ đề "Cải cách Việt Nam đang đi về đâu"diễn ra ngày 12-13/8.

Trao đổi với BBC, ông Dũng nói "đây là bản tham luận khoa học mà tôi viết một cách công phu nhất từ trước đến nay" vì nó "liên quan tới hiện tình của đất nước và những dự cảm cũng như những dự báo của tương lai trong giai đoạn mà tôi gọi là trung hạn từ 3-4 năm tới."
BBC đã có buổi phỏng vấn với ông về nội dung bài viết, với tên gọi: "Liệu sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng chính trị tại Việt Nam?".

Ông cũng cho biết bản tham luận gồm ba phần:
"Phần thứ nhất là tiền đề khủng hoảng kinh tế xã hội có thể xảy ra với Việt Nam. Phần thứ hai là những kịch bản khủng hoảng kinh tế, xã hội ..."
"Phần thứ ba là phần quan trọng nhất, tôi đánh giá và cảnh báo về ba giai đoạn của đất nước và trách nhiệm của phản biện xã hội và nhân sỹ, trí thức Việt Nam."
"Tôi cho rằng phương cách tốt nhất cho Việt Nam trong giai đoạn sắp tới để khai trí và thay đổi mặt bằng văn hóa, đó là phương cách như các nước Bắc Âu đã dùng: Một xã hội dân sự."

Lấy trung lập làm cầu nối

"Nếu thiếu khủng hoảng kinh tế thì sẽ còn khá lâu nữa mới dẫn tới một cuộc khủng hoảng xã hội và khủng hoảng chính trị."
Nhà báo tự do, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng
BBC: Theo ông thì chính giới Việt Nam có nhận thức được tầm ảnh hưởng của những hoạt động phản biện với sự tồn vong của chế độ hay không? Nếu có thì tại sao họ lại thỏa hiệp với điều đó để đổi lại cái mà ông gọi là "độ mở dân chủ cho khuôn mặt chế độ" và "thiện cảm của các tổ chức, quốc gia thế giới"?
Ngay từ đầu năm nay, đã xảy ra một sự kiện mà chưa từng xảy ra trước đây tại Việt Nam: Nhóm Kiến nghị 72.
Đây là lần đầu tiên một phong trào kiến nghị bao gồm tập thể các nhân sỹ trí thức có uy tín trong xã hội. Và họ kiến nghị về những vấn đề rất nhạy cảm trong chính trị, chưa hề có trước đây, như việc đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp.
Gần đây nhất, luật gia Lê Hiếu Đằng còn nêu lên việc cần có một đảng đối lập. Tất cả những điều này là dấu nhấn rất quan trọng đối với những người hoạt động dân chủ tại Việt Nam.
Tôi có đề cập tới vấn đề là Nhà nước, trong con mắt một số người nào đó, có thể đã đến lúc nhìn nhận ra cần phải có một bộ phận nhân sỹ trí thức, những người không thuộc về họ, những người có tính trung lập, có thể tái hiện lại hình ảnh của lực lượng ba - nhóm phong trào học sinh, sinh viên, nhân sỹ trí thức Sài Gòn trước năm 1975.
Để làm gì? Để trong nhãn quan của người nước ngoài, của giới nhân quyền, dân chủ quốc tế thì những nhóm trí thức này có thể là những nhóm được coi là khách quan và trung thực hơn những trí thức mà người ta gọi là trí thức trung thành với nhà nước.
Nếu có được những nhóm trí thức trung lập thì có thể đó sẽ là tiếng nói cầu nối với một số giới vận động nhân quyền, dân chủ quốc tế.

'Suy thoái kinh tế: Yếu tố quyết định'

Bất ổn kinh tế Việt Nam sẽ phát sinh từ suy thoái kinh tế Trung Quốc?
BBC: Ông có nhấn mạnh về vai trò của suy thoái kinh tế khi nói về nguyên nhân dẫn tới suy thoái chính trị, xã hộiNếu thiếu vắng yếu tố suy thoái kinh tế, thì chỉ suy thoái xã hội, chính trị không thôi, có đủ mang lại những thay đổi to lớn trong tương lai hay không?
Nếu thiếu khủng hoảng kinh tế thì sẽ còn khá lâu nữa mới dẫn tới mộtchi cuộc khủng hoảng xã hội và khủng hoảng chính trị.
Tôi đã đề cập tới vấn đề khủng hoảng kinh tế và tôi cho là vấn đề cơm áo gạo tiền mới là yếu tố quyết định trong động lực thay đổi xã hội chứ không phải tác động của các nhóm trí thức hiện nay vì hiện nay, ở Viêt Nam, các hoạt động đối trọng còn rất mong manh.
Có thể nói là đã có những cuộc tranh luận, nhưng người ta chưa thấy rõ có hình thành một lực lượng đối trọng, hay đối lập gì đó như Myanmar.
Trong bối cảnh đó, ứng với những trào lưu, kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam, chỉ có những cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan tới cơm áo gạo tiền và qua đó liên quan đến hai đối tượng chính là người nông dân và công nhân thì mới có thể tạo ra những biến đổi mạnh mẽ về khuôn mặt cũng như bản chất của xã hội và do đó có thể dẫn tới khủng hoảng chính trị.
Hiện nay, đang có những luồng ý kiến đa chiều về việc có hay không một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, từ đó dẫn tới việc có hay không một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam.
Tôi cho là giai đoạn từ đây tới 2015 sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tạm phục hồi. Nhà nước bắt buộc phải bơm tiền để kích thích sự tồn tại của thị trường, tăng tổng cầu, tăng sức mua, giải quyết vấn đề nợ xấu và tồn kho bất động sản.
Tuy nhiên, sau đó, vấn đề chính sẽ phát sinh từ Trung Quốc.
Trung Quốc hiện nay đang có khá nhiều dấu hiệu cho thấy đang bước chân vào một cuộc suy thoái kép và dẫn tới khủng hoảng. Nếu Trung Quốc bị khủng hoảng kinh tế thì Việt Nam chắc chắn sẽ chịu một sức ép khủng hoảng trực tiếp.
Tình hình này có thể xảy ra vào năm 2016, 2017. Có những dự báo cho là sớm hơn.
Nó là một hình thể Parabol lõm, trong đà trượt dần của đồ thị kinh tế Trung Quốc đang trên đà trượt dần, và đến một điểm nào đó thì nó sẽ lao dốc. Thời điểm lao dốc này có thể bắt đầu vào năm 2015.

'Không bắt thêm blogger'

"Trong ít nhất nửa năm nay, hoặc thậm chí cả năm sau thì sẽ không hoặc ít có chuyện bắt bớ những nhà báo tự do, blogger hay các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền"
Nhà báo tự do, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng
BBC: Ông có nhận xét trong bài viết rằng nhà nước Việt Nam đang "dần chấp nhận quan điểm phản biện về nhân quyền, dân chủ của người Mỹ và các tổ chức quốc tế". Nhưng trong nửa năm 2013, số blogger, nhà báo và nhà bất đồng chính kiến bị bắt bằng cả năm 2012 cộng lại, vậy sự "chấp nhận" này thể hiện qua điều gì?
Thể hiện chính qua thứ nhất là sự kiện tổ chức Ân xá Quốc tế đầu năm 2013 đã lần đầu tiên được đến Việt Nam và làm việc với những người mà họ chỉ đích danh.
Thứ hai, đó là cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ giữa tháng Tư, vốn trước đó bị hoãn vào cuối năm 2012. Tuy không mang lại được nhiều kết quả nhưng cũng đã đặt nền tảng cho chuyến đi của ông Trương Tấn Sang tại Washington.
Như tôi có phân tích trong một số bài báo về động thái, động cơ bắt giữ các blogger trong nửa đầu năm 2013, các blogger bị bắt chỉ có ba trường hợp là ông Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất và Đinh Nhật Uy.
Số người bị bắt khác liên quan tới những vấn đề nhân quyền, dân chủ khác. Còn vấn đề tôi đề cập là blogger và các nhà báo tự do.
Ba nhân vật blogger ở đây, theo tôi là liên quan chủ yếu tới các động thái trong nội bộ chứ không liên quan tới vấn đề nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam.
Vừa rồi lại diễn ra phong trào 258 của một số blogger ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên các bạn có tổ chức quy mô và có kỷ luật đến vậy.
Những năm trước, hành động đó có thể bị nhà nước siết mạnh. Tuy nhiên năm nay, cho tới giờ vẫn chưa thấy có biểu hiện nào là làm căng thẳng, đàn áp, mà chỉ có tác động xung quanh.
Tôi cho là vấn đề liên quan tới dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay thì đi theo quan điểm đối ngoại, chính trị, ngoại giao là chính, và nếu không có những tác động đối thoại thì các vụ bắt bớ có thể tăng.
Nhưng hiện nay, chúng ta đang ở trong hoàn cảnh mới, những điều kiện mới, đặc biệt là sau thỏa thuận của Washington và Hà Nội. Thành thử trong ít nhất nửa năm nay, hoặc thậm chí cả năm sau thì sẽ không hoặc ít có chuyện bắt bớ những nhà báo tự do, blogger hay các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền.

Trí thức Việt 'thiếu đoàn kết'

Xã hội dân sự ở Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ vì sự thiếu đoàn kết của giới trí thức trong nước?
BBC: Trong bài viết của mình ông có nói rằng hiện nay đang rất cần sự kết nối giữa trí thức, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và trong nước để tạo một phong trào phản biện chặt chẽ và có chiều sâu. Theo ông, điều này có thể được tiến hành thế nào, và đã có hay chưa những sự kết nối như vậy ở thời điểm hiện tại?
Có những người có thể gọi là những người cải cách, cấp tiến hay đơn giản là muốn thay đổi, nhưng lại nằm trong nội bộ Đảng.
Họ đang muốn thay đổi, họ đang nhìn thấy lòng dân xao xác, họ đang nhìn thấy không thể tiếp tục con đường cũ được nữa.
Một trong những phương cách thay đổi, đó là phải dung hòa lòng dân, mà trong đó có dung hòa nhân sỹ, trí thức mà muốn như vậy thì phải tạo ra một độ mở trung dung, trung lập nào đó cho giới trí thức, nhân sỹ.
Tôi cho đó là cơ hội, một điều kiện để tạo ra một độ mở chính trị, một độ mở dân chủ sắp tới. Độ mở đó mặc dù không lớn, nhưng dần dần sẽ hình thành.
Vấn đề còn lại là những nhân sỹ trí thức nhiệt tâm ở Việt Nam có biết đoàn kết với nhau hay không. Đây là vấn đề mấu chốt hiện nay và cũng là khó nghĩ nhất, vì người Việt dường như không có tinh thần đoàn kết cao cho lắm, kể cả trong giới trí thức.
Bình thường thì những nhân vật đó rất nổi tiếng, có uy tín xã hội, nhưng để kết hợp lại với nhau thì là một chuyện khó. Chuyện khó đó diễn ra ngay ở trong nước với nhau, chưa kể đến sự kết hợp giữa trí thức trong nước với ngoài nước.
Phải có sự một đoàn kết, nếu không sẽ bỏ qua cơ hội. Đoàn kết ở đây để làm gì? Không chỉ là tiếng nói truyền thông, không chỉ là tiếng nói của trí thức, mà đoàn kết ở đây còn là tác động vào nhà nước theo mô thức xã hội dân sự tác động vào chính quyền.
Còn nước, còn tát, nếu buông xuôi thì một lúc nào đó khủng hoảng kinh tế, xã hội nổ ra thì đối tượng thiệt thòi nhất, trực tiếp nhất, đó là người dân nghèo. Lúc đó xã hội có thể rơi vào một tình trạng mất kiểm soát, mà chúng ta không muốn Việt Nam rơi vào kịch bản như Syria, Ai Cập hiện nay, hay Indonesia trước đây.

Không có nhận xét nào: