Đất đai hình như không còn cách nào giải quyết mặc dù câu hỏi này luôn là đầu đề cho mọi bức xúc trong hàng chục năm qua. Cái chết của Đặng Ngọc Viết mới nhất cũng không đánh động được lương tâm, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản và vì vậy chỉ riêng ngày hôm nay, hàng trăm người đã tập trung khiếu kiện tại miền Nam, trong khi đó hàng trăm gia đình khác tại miền Bắc lại tiếp tục là nạn nhân của chính sách này.
Bồi thường một cách bất minh
Sáng ngày 17 tháng 9 người dân mất đất lại tập trung tại số 210 đường Võ Thị Sáu thành phố HCM nơi đặt Văn phòng Chính phủ Trung ương 3 có nhiệm vụ tiếp dân. Những người này không phải lần đầu tiên đến đây nhưng mỗi lần đến cửa cơ quan này thì hình như tâm trạng của họ giống như lần đầu: ức chế, hoảng loạn và tuyệt vọng.
Tâm lý ấy lập đi lập lại hàng tháng theo chân người dân các tỉnh miền Nam từ Tiền Giang, An Giang, tới Long An, Đồng Tháp rồi Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu… đời sống của họ gián đoạn, công ăn việc làm bỏ nửa chừng cho cuộc trường chinh tranh đấu vì đất đai bị mất. Đòi lại công bằng cho từng người, từng mảnh đất cụ thể bị trưng thu tuy trên danh nghĩa là hợp pháp nhưng khi bồi thường thì lại quá bất minh.
Chị Trần Ngọc Anh, trong tiếng uất nghẹn vì vết thương do bị đập đầu xuống đất khi chị cùng đồng bào dân oan khác tới văn phòng Võ Thị Sáu, kể lại với chúng tôi chị nói:
Họ bưng tôi như một con chó họ thả xuống mạnh đến nỗi đầu của tôi đập xuống khiến tôi bất tỉnh.
-Chị Trần Ngọc Anh
“Tôi là dân oan Trần Ngọc Anh ở tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Hôm nay không phải riêng một mình tôi mà dân oan nhiều tỉnh phía Nam lên đây cả trăm người, rất đông tới Văn phòng Chính phủ, đề nghị Văn phòng chính phủ Trung ương 3 phải tiếp dân chứ không thể để người dân đi kéo dài như vậy. Sau đó công an, an ninh cũng như an ninh công an nữ ra ba bốn chục người chặn tất các các ngõ đường không cho bất cứ người dân nào lọt vô khu vực Võ Thị Sáu. Lúc đó bà con nói chung cũng la lớn hò hét thì công an đưa hai chiếc xe lại áp chế bà con lên. Lúc ấy bà con xôn xao vì công an an ninh phải trên 200 người họ tống bà con lên xe.
Họ bưng tôi như một con chó họ thả xuống mạnh đến nỗi đầu của tôi đập xuống khiến tôi bất tỉnh. Anh biết không lúc họ kéo tôi, nó ghìm tôi nó dập đầu tôi xuống đất làm tôi chấn thương rồi bất tỉnh (khóc) sau khi chị em đưa tôi vào bệnh viện có các chị như chị Hoàng…. bây giờ tôi mệt quá không nói thêm được…”
Trong khi người dân nhiều tỉnh miền Nam tập trung khiếu kiện tại TP/HCM thì ngoài Bắc, ngọn lửa Văn Giang lại được chính quyền khơi lên bất kể lòng oán hận của người dân mất đất và sự bất bình của xã hội. Tập đoàn Ecopark đã đưa 18 xe ủi càn xuống tàn phá ruộng của người dân xã Xuân Quang khiến hơn chục mẩu lúa sắp gặt của người dân tại đây bị phá sạch.
Bà Lê Hiền Đức một người luôn sát cánh với dân oan, khi được người dân Văn Giang cho biết sự việc này chỉ còn cách gọi điện đi khắp nơi cầu cứu, bà chia sẻ:
“Không có một cách nào khác ngoài việc gọi điện cấp tốc cho Bộ công an, tôi yêu cầu các anh các chị, các quan chức có quyền hành xin vui lòng điện thoại cho cấp dưới, chỉ đạo cấm tuyệt đối không được đàn áp dân Văn Giang. Không ai quên được vụ 24 tháng Tư năm ngoái hôm chính tôi ở ngay mặt trận đó.
Tôi điện tất cả các cấp từ trưởng, phó phòng. Từ cục trưởng cục phó, rồi thứ trưởng Bộ trưởng nhưng ai cũng trả lời tôi rằng cháu đang họp.
Với sự yểm trợ của hàng trăm côn đồ, công an, mười tám chiếc xe ủi đất của EcoPark đã tiến vào phá ruộng, hoa màu cướp đất của Văn Giang.
-Bà Lê Hiền Đức
Với sự yểm trợ của hàng trăm côn đồ, công an, mười tám chiếc xe ủi đất của EcoPark đã tiến vào phá ruộng, hoa màu cướp đất của Văn Giang. Chặt cây đu đủ chặt chuối chặt cây ăn trái.. những đồng lúa xanh mơn mởn mà người ta gọi là lúa đang trổ đồng, tức là lúa sắp gặt. Cánh đồng lúa như thế mà xe ủi nó cứ càn lên đạp đổ hết tất cả lúa của người ta đang mơn mởn như thế đau xót lắm anh à…”
Anh Dũng, một người dân Xuân Quang và cũng là nạn nhân của cuộc tàn phá ruộng lúa ngậm đắng nuốt cay cho biết chi tiết câu chuyện:
“Vâng báo cáo bác thì thật ra công ty nó tạo cớ nó làm con ngòi, giáp làng của chúng em nó mượn cái cớ đó để tràn vào phá đồng lúa cảu chúng tôi khoảng chục mẫu. Nó mượn cớ đề phá. Khi bà con ra thì chỉ biết đứng nhìn, than vãn với các cấp thôi chứ chả biết làm gì hơn vì chúng nó có cả công an bảo vệ nên người ta không muốn va chạm. Lúa thì chỉ trong tháng này là gặt được thôi nhưng thấy chúng san lấp mặt bằng mà xót công lao của bà con quá nhiều vất vả, bao nhiêu năm không có bát ăn mà bây giờ tạo được hạt thóc mà đến ngày thu hoạch lại phá của chúng em thì xót quá bác ạ.”
Những phát biểu làm quà
Trước hai sự kiện này một ngày, hôm 16 tháng 9 Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội thảo luận về Luật Tiếp Công dân để giải quyết khiếu nại về tình hình đất đai của bà con. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định rằng “Khi bà con đến thì phải giải quyết nghiêm chỉnh, chúng tôi tin là 80% số bà con đến là oan ức”.
Lời khẳng định trước cơ quan lập pháp mạnh mẽ như vậy của một đại diện cơ quan chính phủ gây cho người dân tâm lý rằng ánh sáng đã ló dạng trong con đường hầm chính sách đất đai tăm tối. Tuy nhiên thực tế khác rất xa những phát biểu có tính làm quà này bởi Quốc hội chưa bao giờ tỏ ra đủ sức mạnh để tạo sức ép lên chính phủ buộc người nắm chính quyền phải theo dõi các cơ quan dưới quyền trong việc thực hiện chính sách đất đai. Trái lại đã có không ít biểu hiệu mờ ám, khuất tất, bao che từ trên xuống dưới qua các phanh phui của báo chí nhưng mọi sự đều trôi qua hết sức lạ lùng.
Nếu người dân Thái Bình không thể quên cái chết của Đặng Ngọc Viết, người dân Tiên Lãng vẫn đau đáu với bản án Đoàn Văn Vươn, thì Văn Giang sẽ rất lâu mới có thể liền được vết sẹo do bánh xe rướm máu trườn lên trên ruộng lúa của họ.
Mồ hôi trên từng hạt lúa của người dân Văn Giang không phải là thứ mồ hôi trong phòng tập thể dục của đại gia các loại. Mồ hôi ấy có hơi hướm của máu, của nước mắt và vì vậy nếu chà đạp lên nó thì không sớm thì muộn mồ hôi sẽ biến thành gươm giáo.
Trong khi người dân tiếp tục khẩn thiết kêu gào nhưng không ai trong bốn vị lãnh đạo cao nhất nước chính thức có một lời phát biểu nào trước toàn dân, cho dù là xác định những khiếu kiện của người dân mất đất là đúng hay sai.
Nếu họ sai thì pháp luật tỏ ra bất lực vì đã để những hình ảnh phản cảm ấy hiển hiện trước các ống kính của báo chí quốc tế.
Nếu họ đúng thì dư luận đặt câu hỏi tại sao địa phương nhiều tỉnh vẫn tiếp tục xem tài sản của nhân dân là của cán bộ sau khi hóa phép những mảnh đất của họ trở thành bất hợp pháp một cách công khai và rồi hóa phép một lần nữa để rao bán chúng cho tập đoàn tư nhân với cái giá cao hơn gấp mười lần?
Câu hỏi này có lẽ vẫn phải treo lơ lửng tại tòa nhà Quốc hội chờ cho tới khi ước mơ tam quyền phân lập thành hình thì may ra cuộc trường chinh tranh đấu vì đất đai mới có cơ kết thúc.
Măc Lâm, biên tập viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét