Pages

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Lối 'không can thiệp' của TQ có tồn tại?


Trung Quốc thường ít bày tỏ lập trường với các chủ đề quốc tế.

Trong khi Hoa Kỳ, Anh và Pháp tăng sức ép can thiệp tại Syria và Nga lớn tiếng ngăn động thái quân sự, Trung Quốc tỏ ra kín tiếng. Như Kerry Brown của Đại học Sydney biện luận, giới ngoại giao Trung Quốc ngày nay đang đi theo lối mòn.

Trong hơn nửa thế kỷ, chính sách ngoại giao của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đã dựa trên nguyên tắc không can thiệp, tôn trọng chủ quyền của nước khác, không xâm lược và cùng chung sống hòa bình. Đó là những nguyên tắc được Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra tại Hội nghị Hòa bình Bandung vào năm 1955.

Trong sáu thập niên qua, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ công khai đi chệnh khỏi chủ trương nói miệng về những nguyên tắc này, họ thường không thực thi những gì họ rao giảng. Trong thời kỳ của Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh cách mạng tại thế giới phát triển và vào năm 1979 đã can thiệp một cách vụng về trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam. Giữa năm 1949 và 1978, họ cũng đã đụng độ với Ấn Độ, Nga, và tại Triều Tiên đụng độ với Hoa Kỳ và LHQ.

Lập luận của Trung Quốc vào giai đoạn này là đơn giản. Họ bị cô lập, phải phòng vệ và bị Hoa Kỳ tấn công cũng như Liên Xô tấn công vào cuối thập niên 1950. Trung Quốc luôn sống trong sợ hãi, và cần phải chuẩn bị đánh đáp trả để tránh bị kéo vào một thế bị chế ngự một cách tủi nhục mà họ từng trải qua trong “thế kỷ bị làm nhục” sau Cuộc chiến Thuốc phiện Thứ nhất vào năm 1839. Giới lãnh đạo Trung Quốc, những người thắng cuộc trong cuộc cách mạng vào năm 1949 đã chuẩn bị để hành động nhằm đảm bảo rằng lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại. Khi các chủ đề gây ảnh hưởng tới lợi ích của họ thì họ sẽ có hành động đáp trả.

Chu Ân Lai là người đầu tiên ủng hộ chủ thuyết 'không can thiệp' vào năm 1955.

Trung Quốc ngày càng giàu lên và tránh xung đột quân sự trong vòng ba thập niên qua, do đó những nghi ngại về một nước sẵn sàng có thái độ hiếu chiến để bảo vệ lợi ích nhưng đồng thời rao giảng về hòa bình toàn cầu đã phai mờ. Tuy nhiên người ta thấy phát sinh một mâu thuẫn khác.

Vấn đề bây giờ là tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và những sự kiện có phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc đã vượt ngoài khu vực giáp Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc tại các nước có nội chiến và vấn đề về nhân quyền tại châu Phi trước Thế Vận hội 2008 đã làm hoen ố uy tín của Bắc Kinh và Trung Quốc bị dán cái nhãn ngụy thiện. Xung đột tại Libya trước khi Nato can thiệp 2011 cũng có một ảnh hưởng làm họ phải sơ tán 36.000 người. Tại Mỹ Latinh, và Đông Nam Á, lợi ích đầu tư, nhu cầu năng lượng và tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn duy trì sát tới mức có thể đối với những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và không can thiệp mà Chu Ân Lai đề ra. Mặc dù thế giới đã và đang có những thay đổi rất sâu rộng vào lúc này, những nguyên tắc đó là hữu ích bởi nó giúp cho Trung Quốc tránh bị lôi cuốn vào những tình huống phải lên gân hoặc phải thách thức lại, và những nguyên tắc đó giúp Trung Quốc tránh bị dồn vào một góc mà họ bị nhìn nhận như một kẻ thù của Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới phát triển, và những nguyên tắc đó cũng tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp tục tập trung vào các chủ đề phát triển nội địa không kém phần gai góc ở trong nước.

Chẳng liên qua gì?

Trung Quốc là nước có quan hệ gần gũi với Bắc Hàn.

Việc Trung Quốc miễn cưỡng thể hiện mạnh mẽ hơn trong vai trò của mình trong các chủ đề chính sách đối ngoại nhiều khúc mắc, và việc họ muốn tránh các vấn đề gây tranh cãi đang trở nên thêm thách thức. Vấn đề Syria cho thấy thực tế này. Rõ ràng là những nước thường tích cực trong việc can thiệp nhân đạo như Anh, và quan trọng bậc nhất là Hoa Kỳ, đã bị người dân tại những nước này hãm phanh một cách tối đa trong nỗ lực dính vào thêm một cuộc xung đột khác bởi đơn giản là vì khả năng tài chính không cho phép chi tiêu cho can thiệp quân sự tốn kém,

Việc họ không có khả năng làm được nhiều, tuy nhiên, không có nghĩa là vấn đề sẽ tự biến mất. Trung Quốc là nước có những cam kết với các hiệp ước và công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học nghiêm túc như bất kỳ cường quốc nào khác. Điều trớ trêu là việc các cường quốc thường can thiệp quân sự không thể ra tay đã tạo sức ép thêm cho Trung Quốc và Nga phải đưa ra các giải pháp. Và trong khi Nga đề xuất ‎biện pháp mới nhất để giải quyết vấn đề tại Syria, Trung Quốc đang ngày càng được người ta để mắt tới như một nước có bổn phận hành động và làm điều gì đó.

Ảnh hưởng về ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc là đáng kể và không thể không nói tới. Gần như chắc chắn rằng trong những năm tới Trung Quốc sẽ bị buộc phải thể hiện lập trường đối với các chủ đề mà họ từng bác bỏ là không hề đụng chạm tới lợi ích của mình và do đó không thấy có gì liên quan. Sức vươn về kinh tế toàn cầu có nghĩa rằng sức mạnh ngoại giao và chính trị của Trung Quốc đang trở thành một trong các lực đẩy mạnh mẽ nhất trên trường quốc tế.
"Gần như chắc chắn rằng trong những năm tới Trung Quốc sẽ bị buộc phải thể hiện lập trường đối với các chủ đề mà họ từng bác bỏ là không hề đụng chạm tới lợi ích của mình và do đó không thấy có gì liên quan"
Việc Trung Quốc kín tiếng trên trường quốc tế đã giúp họ nhiều, tránh cho họ vướng vào các chủ đề tại Trung Đông và những nơi khác và có nghĩa rằng họ có các mối liên kết trên khắp toàn cầu vào lúc này mà không để các chủ đề này gây mâu thuẫn trực tiếp với Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã làm tất cả những gì có thể để tránh bị nói tới như bên đối trọng với Hoa Kỳ, hoặc bị coi là liên minh Trung Mỹ mới (thường được gọi là G2). Tuy nhiên vấn đề Syria cho thấy thậm chí nếu Hoa Kỳ và các đồng minh không tìm được câu trả lời, điều đó không chấm dứt được xung đột tại các nước khác, và chẳng khác gì đó là mối đe dọa cho chính một nước. Hơn nữa điều đó không có nghĩa là hết bổn phận phải đi tìm giải pháp cho vấn đề này.

Việc Nga nay chủ động tìm một giải pháp có nghĩa rằng Trung Quốc, một nước vốn không ưa bị cô lập về ngoại giao, sẽ cần phải quyết định xem liệu họ muốn đi theo trường phái của bên muốn can thiệp hay không và điểm tựa ngoại giao họ dựa vào là gì. Đối với những vấn đề gần với Trung Quốc như Bắc Hàn, Trung Quốc, dù thích hay không, cũng sẽ bị buộc phải tiếp cận các chủ đề này theo cách khác vì lợi ích riêng, và hành động ngày càng khác xa với những lời hùng biện theo lối không can thiệp mà họ đưa ra trong quá nhiều thập niên.

Mặt khác của chủ đề này là phần còn lại của thế giới phải chuẩn bị thấy một Trung Quốc ồn ào hơn, tích cực hơn, và một nước Trung Quốc không thể bị xem là luôn e dè và ép Trung Quốc giảm giọng vì cáo buộc họ “hiếu chiến”. Trung Quốc cần phải để thế giới hiểu họ nhiều hơn trong các thông điệp của mình nhưng Trung Quốc cũng cần được thế giới lắng nghe theo một cách khác. Đó là những thách thức chung của kỷ nguyên ngoại giao mới mà chúng ta đang và sẽ trải qua.

Kerry Brown là giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Sydney, trưởng nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của Châu Âu, và là thành viên cao cấp của Chương trình Châu Á tại Chatham House.

(BBC)

Không có nhận xét nào: