Bức tranh về doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục nhuộm màu xám, mức lỗ bình quân của doanh nghiệp ở khu vực này cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh
Số liệu tổng hợp của Đảng ủy khối doanh nghiệp (DN) trung ương cho thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty không đạt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận giảm và hầu hết các đơn vị đều không đạt chỉ tiêu nộp ngân sách theo kế hoạch trong nửa năm nay. Lương bình quân của người lao động giảm so với năm 2012.
Mỗi lần đòi tăng giá xăng, Petrolimex đều báo lỗ Ảnh: TẤN THẠNH
Đại gia lương thực của nước xuất khẩu gạo hàng đầu lại lỗ nặng!
Theo số liệu tổng hợp nói trên, đáng lưu ý là có nhiều DN thường xuyên kinh doanh hiệu quả trước đây nay cũng thua lỗ. Điển hình là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam lỗ 168 tỉ đồng, nộp ngân sách 249 tỉ đồng, chỉ đạt gần 29% kế hoạch năm. Tổng Công ty Đầu tư – Phát triển Nhà và Đô thị chỉ nộp ngân sách 166 tỉ đồng, bằng 17% kế hoạch năm. Tính toàn khối, doanh thu không tăng và có nhiều đơn vị không đạt kế hoạch, trong đó Vinashin chỉ đạt 2.050 tỉ đồng, chưa đến 30% kế hoạch năm.
Tính đến hết quý III năm nay, tình hình có khả quan hơn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt doanh thu hơn 1,158 triệu tỉ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 52.005 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước nhưng không phải DN nào cũng làm ăn tốt. Vẫn có những đơn vị tiếp tục báo lỗ lũy kế như Tổng Công ty Lương thực Miền Nam lỗ 234 tỉ đồng, Tổng Công ty Cà phê lỗ 20 tỉ đồng.
Đáng lưu ý là lợi nhuận chỉ tập trung vào một số ít đơn vị, nhiều DN còn lại rơi vào tình trạng nợ cao, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thậm chí mất vốn. Theo công bố của Bộ Tài chính, mức lỗ bình quân của DN nhà nước (NN) cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh. Tổng lỗ tính đến năm 2011 của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.104 tỉ đồng mà đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Tông Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…
Nhập nhèm công ích, tù mù lỗ – lãi
Báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex quý III cho thấy lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm của DN này đạt hơn 1.280 tỉ đồng, tăng 76,4% so cùng kỳ năm 2012 và đang phấn đấu đạt chỉ tiêu lợi nhuận rất cao là 1.980 tỉ đồng như kế hoạch, tăng gấp đôi so với năm 2012. Riêng mảng kinh doanh xăng dầu, 6 tháng đầu năm, Petrolimex thu lợi nhuận trước thuế 388,220 tỉ đồng. Thế nhưng, trong 4 lần tăng giá kể từ đầu năm đến nay, Petrolimex luôn kêu lỗ để được tăng giá bán. Giải thích về sự vênh nhau này, lãnh đạo Petrolimex cho biết có sự khác nhau là do giá bán lẻ được tính theo chu kỳ tính giá của Nghị định 84. Theo đó, lợi nhuận tối đa được để lại cho DN là 300 đồng/lít nhưng thực tế, 6 tháng đầu năm, mỗi lít xăng dầu chỉ có lợi nhuận trung bình 94 đồng. Như vậy, có nghĩa là có chu kỳ kinh doanh lỗ, có chu kỳ kinh doanh lãi nhưng không có nghĩa là cả giai đoạn kinh doanh của DN lỗ. Bên cạnh đó, Petrolimex còn có các lĩnh vực kinh doanh khác nên trong báo cáo tài chính được quyết toán theo kỳ và năm tài chính, Petrolimex vẫn có lợi nhuận.
Trong các báo cáo điều hành giá xăng dầu, cơ quan quản lý cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng mức tăng giá cho phép là thấp hơn so với mức tính đúng, tính đủ giá cơ sở để hàm ý rằng DN dù tăng giá vẫn phải chịu phần thiệt. Ví dụ, trong đợt tăng giá xăng dầu ngày 22-8, Bộ Tài chính cho biết nếu tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở thì giá xăng dầu phải tăng tối đa 988 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, để bình ổn giá, bộ chỉ cho phép tăng tối đa 468 đồng/lít.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, do các DN này hoạt động trong lĩnh vực công ích, phải gánh vác một phần nhiệm vụ chính trị nên việc kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó có những mục tiêu mâu thuẫn nhau như yêu cầu DN không được thua lỗ nhưng có nhiều thời điểm, giá xăng dầu do nhà nước điều hành, không cho tăng theo thị trường để kiềm chế lạm phát. Đây chính là dư địa để DN “biến” số liệu tài chính theo hướng có lợi.
Tắc thoái vốn ngoài ngành
Một trong những nguyên nhân khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả là nguồn lực phân tán đầu tư ra nhiều ngành. Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các DN thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015 để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính nhưng mục tiêu này có nguy cơ bất thành.
Hiện nay, hàng loạt DNNN đang tắc thoái vốn ngoài ngành vì theo quy định, thoái vốn phải bảo đảm không được thấp hơn giá thị trường hoặc giá trị sổ sách kế toán. Trong khi đó, trên sàn chứng khoán từ vài năm nay, khoảng 50% mã cổ phiếu được giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), trong đó có không ít mã chỉ được giao dịch với giá 3.000-5.000 đồng/cổ phiếu.
Hiểu sai về thoái vốn
DNNN được coi là đột phá của đột phá trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Đến nay, đã có 68 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu, 101 phương án sắp xếp đổi mới DN của các bộ, ngành đã được thông qua. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu khu vực này còn rất chậm.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng: “Quá trình triển khai thoái vốn đang vướng mắc từ quan niệm. Thoái vốn thực chất là phân bố lại nguồn lực theo cơ chế thị trường trên phạm vi toàn quốc và nền kinh tế nhằm chuyển những nguồn lực của nhà nước đang nằm “chết” ở đâu đó hoặc sử dụng không hiệu quả sang những lĩnh vực đầu tư có hiệu quả. Tuy nhiên, cách làm hiện nay là thoái vốn để cắt lỗ, chỉ bán những khoản đầu tư ngoài ngành đang lỗ mà lại đòi bán với giá cao trong khi cho không chưa chắc đã có người lấy. Với tư duy như vậy, không lãnh đạo DN nào dám làm hoặc yên tâm làm.
|
Tô Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét