Pages

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

‘Vùng phòng không’ bị lên án, TQ nổi giận

Quần đảo Senkaku - Điếu Ngư
Quân đội Trung Quốc nói họ sẽ bảo vệ bầu trời phía trên quần đảo có tranh chấp với Nhật
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dùng từ “nguy hiểm” để mô tả việc Trung Quốc thành lập “vùng nhận dạng phòng không” trên vùng biển Hoa Đông.
Đây là khu vực nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bày tỏ tức giận trước sự phản đối của Mỹ và Nhật đối với việc họ thiết lập "vùng nhận dạng phòng không".
Ông Abe nói hành động của Trung Quốc “không có giá trị với Nhật”.

Bắc Kinh cho biết họ đã đưa ra lời phản đối chính thức đến sứ quán Mỹ và Nhật.
Vùng nhận dạng phòng không này bao phủ cả quần đảo có tranh chấp mà hiện do Nhật quản lý với tên gọi Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc nói các máy bay đi vào khu vực này phải tuân theo các quy tắc của họ.

‘Gây bất ổn’

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ gọi động thái này là ‘hành động gây bất ổn nhằm để thay đổi hiện trạng khu vực’.
“Hành động đơn phương này làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai,” ông Hagel nói trong một thông cáo báo chí.
“Tuyên bố này của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ không thể nào thay đổi cách Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.”
Phát ngôn nhân của Chính phủ Nhật Katsunobu Kato phát biểu hôm thứ Hai ngày 25/11: “Quyết định của Trung Quốc không có hiệu lực đối với đất nước chúng tôi.”
"Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Nhật Bản chấm dứt toàn bộ các động thái phá hoại chủ quyền lãnh thổ cũng như những lời bình luận thiếu trách nhiệm đánh lạc hướng dư luận quốc tế và gây ra căng thẳng trong khu vực."
Dương Ngọc Quân, phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Theo ông Kato thì động thái này của Trung Quốc ‘can thiệp một cách không công bằng vào quyền tự do bay trên vùng biển mở này vốn là một nguyên tắc phổ quát theo luật pháp quốc tế’ và là ‘một điều nguy hiểm’.
Ông Dương Ngọc Quân, phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lên án phản ứng của Nhật Bản là ‘hoàn toàn không có căn cứ và không thể chấp nhận được.’
“Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Nhật Bản chấm dứt toàn bộ các động thái phá hoại chủ quyền lãnh thổ cũng như những lời bình luận thiếu trách nhiệm đánh lạc hướng dư luận quốc tế và gây ra căng thẳng trong khu vực,” ông Dương nói.
Ông cũng yêu cầu Hoa Kỳ ‘thật lòng tôn trọng an ninh quốc gia của Trung Quốc và ngừng đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm về việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông’.

Seoul cũng phản đối

Về phần mình, Nam Hàn nói việc vùng phòng không của Trung Quốc chồng lấn một phần với vùng phòng không của họ và bao phủ đá chìm Ieodo mà Seoul tuyên bố chủ quyền là ‘điều đáng tiếc’.
Bắc Kinh nói vùng phòng không này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 10h sáng giờ địa phương, tức 9h giờ Việt Nam thứ Bảy ngày 23/11.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc yêu cầu các phi cơ lưu thông trong phạm vi vùng này phải báo cáo đường bay, giữ điện đàm qua sóng radio và ‘trả lời một cách kịp thời và chính xác’ trước các yêu cầu nhận dạng.
"Quyết định của Trung Quốc không có hiệu lực đối với đất nước chúng tôi"
Phát ngôn nhân của Chính phủ Nhật Katsunobu Kato
Các máy bay nào không tuân thủ sẽ phải hứng chịu ‘các biện pháp phòng vệ khẩn cấp’.
Hồi tháng Chín, phía Nhật nói sẽ họ bắn hạ các máy bay tự lái trong không phận Nhật Bản sau khi một máy bay tự lái của Trung Quốc đến gần vùng đảo tranh chấp.
Bắc Kinh nói rằng bất cứ hành động nào của Nhật Bản bắn hạ máy bay của họ sẽ được xem là ‘hành động chiến tranh’.
Kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền ở Trung Quốc một năm trước, Bắc Kinh đã trở nên quyết liệt hơn trong các đòi hỏi chủ quyền của họ ở khu vực, phóng viên BBC Martin Patience ở Bắc Kinh nhận xét.
Mỹ đã cảnh báo rằng chỉ cần một sự cố nhỏ hay một sự tính toán sai trên Biển Hoa Đông cũng có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc khủng hoảng rộng lớn và nghiêm trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kerry ra thông cáo báo chí hôm 23/11 viết:
"Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc công bố họ đã xác lập một “Vùng Nhận dạng Phòng không Biển Hoa Đông”. Hành động đơn phương này là một nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông. Hành động leo thang sẽ chỉ gia tăng căng thẳng ở khu vực và tạo ra các nguy cơ xảy ra sự cố."

Không có nhận xét nào: