Pages

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Vì sao Crimea là điểm nóng?

Ukraine lo ngại Nga sẽ đưa quân vào can thiệp tình hình Crimea
Sau cuộc cách mạng ở Kiev, nơi phe thân phương Tây lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, tâm điểm quan tâm đang chuyển hướng sang khu vực Crimea ở miền nam.
Hôm thứ Bảy 01/03/2014, nhà lãnh đạo mới thân Moscow của vùng tự trị Crimea đã yêu cầu Tổng tống Nga Vladimir Putin giúp gìn giữ hòa bình.

Quốc hội Nga đã bỏ phiếu cho phép quân Nga có thể tiến vào Ukraine.
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gọi việc Nga triển khai quân đội tại Crimea là hành động khiêu khích để dẫn đến một cuộc “xung đột vũ trang”.

Toàn cảnh Crimea

Crimea là trung tâm của tình cảm thân Nga, mà có thể dẫn đến chủ nghĩa ly khai. Đây là một bán đảo trên bờ Biển Đen của Ukraine, nơi có 2.3 triệu người mà đa số xem họ là người Nga và nói tiếng Nga.
Vùng này bỏ phiếu ủng hộ Viktor Yanukovych trong bầu cử tổng thống 2010. Nhiều người tại đây tin rằng ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính
Những người ly khai tại quốc hội Crimea đã đòi bỏ phiếu để quyết định có rời bỏ Ukraine không.

Crimea có thực sự là của Ukraine?

Nga là quyền lực chi phối ở Crimea trong gần 200 năm qua từ khi sáp nhập vùng này năm 1783.
Nhưng Moscow chuyển giao nơi này cho Ukraine, khi còn thuộc Liên Xô, năm 1954. Một số người Nga tại đây xem đó là sai lầm lịch sử.
Nhưng một cộng đồng thiểu số khác, người Tatar theo Hồi giáo, chỉ ra rằng họ từng là đa số tại Ukraine, và họ bị Joseph Stalin trục xuất năm 1944, với cáo buộc hợp tác với Đức Quốc xã.
Người gốc Ukraine chiếm 24% dân số ở Crimea theo thống kê năm 2001, so với 58% người Nga và 12% người Tatar.
Người Tatar đã trở về từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, gây ra căng thẳng thường xuyên với người Nga vì quyền ruộng đất.

Vị trí pháp lý của vùng này?

Về luật pháp, Crimea vẫn thuộc Ukraine. Nga ủng hộ điều này trong một bản ghi nhớ năm 1994, cũng được Mỹ, Anh và Pháp ký.
Đây là nước cộng hòa tự trị bên trong Ukraine, có quốc hội riêng. Nhưng chức tổng thống Crimea bị bãi bỏ năm 1995, ngay sau khi một nhóm ly khai thân Nga chiếm được chức này nhờ thắng lợi bầu cử.
Từ đó, Kiev quyết định việc bổ nhiệm thủ tướng của Crimea thông qua tham vấn với quốc hội của vùng này.
Nhưng trong diễn biến tuần này, một nhà lãnh đạo phi chính thức thân Nga được quốc hội Crimea bầu lên. Ông này đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ để bảo vệ hòa bình.

Nga đang làm gì?

Nga có căn cứ hải quân lớn ở thành phố Sevastopol thuộc Crimea, nơi đặt Hạm đội Biển Đen. Theo điều khoản cho thuê, quân Nga muốn ra khỏi căn cứ này phải có sự chấp thuận của chính phủ Ukraine.
Nhưng Nga đã gửi thêm quân và dùng sức mạnh quân sự để kiểm soát bán đảo, nói rằng Moscow có trách nhiệm với người gốc Nga tại đây.
Có tin nói Nga đang phân phát hộ chiếu Nga tại bán đảo.
Đa số dân ở Crimea là người Nga
Luật quốc phòng của Nga cho phép can thiệp quân sự để “bảo vệ công dân Nga”.

Đã từng có tiền lệ chưa?

Nga dùng lý lẽ tương tự để gửi quân vào Nam Ossetia năm 2008. Đây là vùng lãnh thổ đã đòi tách khỏi Georgia trong cuộc xung đột Gruzia-Ossetia đầu thập niên 1990.
Sau khi đánh bại quân đội Georgia, Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
Giống như với Georgia, Moscow phẫn nộ trước điều mà họ xem là sự can thiệp của EU và Nato tại Ukraine. Và nên nhớ Nato đã không giúp đỡ Georgia.
Nhưng Crime lớn hơn Nam Ossetia, Ukraine lớn hơn Georgia, và dân số ở Crimea chia rẽ hơn ở Nam Ossetia. Điều này khiến sự can thiệp của Nga tại Ukraine sẽ là ván bài rủi ro hơn.

Đã từng có chiến tranh ở Crimea?

Các phe đã thay phiên đánh nhau và chiếm Crimea trong lịch sử.
Có lẽ sự kiện nổi tiếng nhất là Chiến tranh Crimea 1853-56. Đó là hệ quả của các tham vọng đế quốc, khi Anh và Pháp, nghi ngờ tham vọng của Nga tại vùng Balkan sau khi Đế chế Ottoman sa sút, đã gửi quân vào Crimea. Nga thua trận.

Không có nhận xét nào: