Tuần duyên Nhật Bản rượt đuổi tàu hải giám Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu NgưREUTERS/Kyodo/Files
Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ hiện là ba cường quốc vùng Châu Á Thái Bình Dương có một mẫu số chung : Được một nhân vật dân tộc chủ nghĩa lãnh đạo. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS trong bản « Khảo sát Chiến lược 2014 / Strategic Survey 2014 » công bố hôm qua 18/09/2014 tại Luân Đôn, thì cục diện Châu Á, vốn đang bị cuộc cạnh tranh Trung-Nhật tác động, sắp tới đây sẽ tiếp tục bị hai đại cường này cùng với Ấn Độ nhào nặn.
Phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế về cục diện vùng Châu Á-Thái Bình Dương từ đầu năm 2014 đến nay, trước hết ghi nhận tình trạng chính sách đối ngoại của hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã có những thay đổi nhất định sau khi hai nhân vật mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa lên cầm quyền : Tập Cận Bình ở Bắc Kinh và Shinzo Abe ở Tokyo.
Tính chất cứng rắn và quyết đoán của các lãnh đạo này đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của hai cường quốc kể trên. Trong trường hợp của Trung Quốc, IISS đặc biệt ghi nhận sự kiện ông Tập Cận Bình, một lãnh đạo mới lên, muốn xác lập quyền lực của mình và nhấn mạnh đến quy chế đại cường của Trung Quốc. Trong lãnh vực đối ngoại, ý hướng này được biểu thị qua các hành động đòi hỏi chủ quyền mạnh mẽ tại hai khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Các hành động đó đi từ quyết định thành lập một vùng nhận dạng phòng không bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông vào cuối năm ngoái 2013, cho đến việc đưa một giàn khoan dầu khổng lồ hạ đặt vào trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam ở Biển Đông hồi tháng Năm vừa qua.
Giải thích về hành động quyết đoán trên đây của Trung Quốc, IISS nêu lên nhiều lý do. Đó có thể là phản ứng tự nhiên trước thái độ quyết đoán mạnh mẽ hơn của Nhật Bản, đối thủ của Bắc Kinh trong khu vực, nhưng cũng có thể là chủ trương tiến tới sau khi xác định được sự yếu đuối của các nước Đông Nam Á, thường xuyên bị chia rẽ, và cả của chính quyền Mỹ, đôi khi đã bộc lộ những dấu hiệu thiếu kiên định và thiếu tập trung vào khu vực cho dù đã tuyên bố chính sách tái cân bằng lực lượng qua châu Á-Thái Bình Dương.
Một nguyên nhân khác, theo IISS, bắt nguồn từ mong muốn của Bắc Kinh, muốn tận dụng ưu thế trên biển mới có được của Hải quân Trung Quốc trước khi các nước láng giềng phát triển được các phương tiện đối phó.
Vấn đề, theo IISS, là cho dù các động thái quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh gây thiệt hại cho Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á (đặc biệt là Philippines và Việt Nam), sức mạnh kinh tế của Trung Quốc vẫn giúp nước này duy trì được quan hệ tích cực với khu vực. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ông Tập Cận Bình có thể là đã tính toán rằng các trục trặc tạm thời trong quan hệ với Tokyo, Manila và Hà Nội là một cái giá vừa phải để có giành được một lợi thế chiến lược dài hạn.
Trong trường hợp Nhật Bản, theo IISS, việc ông Shinzo Abe trở lại cầm quyền đã kéo theo một đường lối đối ngoại và an ninh vừa cứng rắn, vừa nặng tính xét lại, có tác động rất lớn, đặc biệt là việc tăng cường khả năng quân sự, phát huy một « lực lượng tự vệ năng động », bãi bỏ lệnh cấm về xuất khẩu vũ khí, chính thức cho phép Tokyo trợ giúp các nước bạn khi bị tấn công.
Đối với Trung Quốc, Nhật Bản cũng cứng rắn hẳn lên trong việc xử lý các bất đồng với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Tokyo không công nhận là một tranh chấp có thể được trọng tài quốc tế phân xử. Ông Abe cũng nỗ lực phối hợp để tìm liên minh đối phó với chiến lược đối ngoại của Trung Quốc, không chỉ với các quốc gia Đông Nam Á mà cả với Đài Loan.
Về Ấn Độ, theo IISS, Thủ tướng Modi là lãnh đạo thứ ba tại Châu Á muốn nâng cao tư thế nước mình trong khu vực và trên thế giới. Lãnh đạo mới tại New Delhi sẽ vừa tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng cũng vừa cố gắng tìm kiếm một quan hệ hợp tác mọi mặt với Nhật Bản.
Trong trung hạn, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng Ấn Độ muốn đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề Châu Á, bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á chủ chốt như Singapore và Việt Nam chẳng hạn. Đối với IISS, một nước Ấn Độ mở cửa hơn với nước ngoài có thể tác động đến tương quan lực lượng đang thay đổi của Châu Á.
Tóm lại, IISS kết luận : Trong năm tới, các hướng tiếp cận khác nhau của các lãnh đạo tại ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tạo ra một động lực khu vực mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét