Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Chùa Liên Trì trong chính sách đàn áp tôn giáo của cộng sản Việt Nam

VRNs (27.09.2014) – Sài Gòn - Thời gian gần đây, dư luận trong nước, hải ngoại và quốc tế hết sức phẫn nộ trước các cuộc đàn áp nhân quyền được thực thi bởi Hà Nội, đặc biệt là chiến dịch triệt hạ các cở sở tôn giáo không nằm dưới sự quản lý của Đảng.
Chùa Liên Trì là một trong các trọng tâm của chính sách tiêu diệt tôn giáo được chính quyền nổ lực thực hiện dưới danh nghĩa “ thực thi các biện pháp cưỡng chế hành chính”. Thủ đoạn “quy kết” trách nhiệm cho các đơn vị hành chính nhỏ nhất tại địa phương giúp chính quyền Hà Nội có đầy đủ các bằng chứng ngoại phạm trước sự quan sát của quốc tế, giảm thiểu mọi nguy cơ dẫn đến bất lợi trong các cuộc đàm phán với chính giới phương Tây.
Chúng tôi cung cấp chi tiết thông tin về chùa Liên Trì như bằng chứng vi phạm nhân quyền trắng trợn của chính phủ Việt Nam cho công luận am tường.

Chùa Liên Trì tọa lạc trên bán đảo Thủ Thiêm đối diện khu Trung tâm Thành phố, địa chỉ 153 Lương Đình Của, thuộc phường An Khánh, Quận 2, Sài Gòn. Được xây dựng vào những năm 1956 – 1957, do các Phật tử đóng góp để hiến cúng Cố Viện trưởng Viện Hóa đạo Hòa thượng Thích Thiện Hoa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
140927009
Ngôi chùa với diện tích khoảng 800m vuông do Thượng tọa Thích Không Tánh tiếp quản và sử dụng vào năm 1969. Sau năm 1975, Thầy Không Tánh nhiều lần xin phép chính quyền địa phương tu sửa ngôi chùa, phục vụ cho việc cư trú của chư Tăng nhưng bị chính quyền bác bỏ. Vị trú trì thường thổ lộ: “Hồi mới tiếp quản, Liên Trì chỉ nhỏ như mái đình thôi, nhưng sau này, nhờ Phật tử cúng dường nên có chỉnh sửa đôi chút cho khang trang. Sau năm 1975, Thầy muốn tu bổ chánh điện, sửa lại tượng Phật cho trang nghiêm, xây thêm Tăng xá cho Tăng chúng ở nhưng bị chính quyền cản trở, nhiều lần ra quyết định phạt vi phạm hành chính vì xây dựng trái phép”.
Tình hình Phật giáo ở Miền Nam sau năm 1975 bị chính quyền triệt tiêu và lũng đoạn sâu sắc. Dưới chỉ thị của nhà cầm quyền, Ban trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố đã ban hành Công văn chính thức không công nhận sự tồn tại hợp pháp của chùa Liên Trì, không thừa nhận tư cách tu sĩ đối với Tỳ kheo Không Tánh. Đây cũng là thảm trạng chung của các tu sĩ không chấp nhận sự can thiệp của Đảng vào sinh hoạt đạo pháp.
Xin được nói thêm, Thượng tọa Thích Không Tánh – thế danh là Phan Ngọc Ấn, là tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Thống nhất. Năm 1976, ông bị chính quyền Cộng sản Việt Nam kết án 10 năm tù giam vì viết đơn kêu gọi nhà nước Việt Nam không ép buộc tu sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Năm 1987, ông được thả sau khi mãn hạn tù. Đến năm 1992 ông bị chính quyền TP kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tham gia các hoạt động khôi phục Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng với vị Cố Tăng thống Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Tháng 10 năm 1993, ông được trả tự do về sinh hoạt tại chùa Liên Trì. Tháng 11 năm 1994, công an TP ra lệnh bắt giam vị Tỳ kheo này khi ông tham gia cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở Đồng bằng Sông Cửu Long cùng với ngài Viện trưởng viện Hóa đạo Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Ngày 14/8/1995 Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án Thầy 5 năm tù giam, với tội danh: Phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước.
Sau khi mãn hạn tù, Thầy Thích Không Tánh quay về sống tại Chùa Liên Trì và tiếp tục các hoạt động đòi quyền Tự do Tôn giáo cũng như Nhân quyền cho Việt Nam.
Cuộc đời của vị chân tu hiếm có này gắng liền với sự hy sinh vì đạo pháp và dân tộc được minh chứng qua những năm tháng ngục tù. Chính quyền Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ thủ đoạn, âm mưu nhằm triệt hạ uy tín của Thầy. Kế hoạch sử dụng các nữ nhân viên an ninh quấy rối và vu cáo Ngài đã vấp phải sự phẫn uất của cộng đồng Phật tử và nhiều thành phần dân chúng.
Với các hoạt động tích cực để xây dựng và phát triển đạo pháp, Vị tu sĩ Phật giáo này trở thành mối nguy và là trở lực không nhỏ cho kế hoạch xóa bỏ tôn giáo nói chung và triệt tiêu Phật giáo nói riêng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3/9/2014 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2, TP HCM là ông Nguyễn Cư ký Quyết Định “phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại Cơ sở thờ tự Chùa Liên Trì trong khu quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Bản Quyết Định quy định mức bồi thường thiệt hại cho chùa Liên Trì với mức giá 5 tỷ bốn trăm triệu đồng. Điều bất thường là nội dung của văn bản không nêu ra điều khoản nào về việc hỗ trợ di dời tái định cư sau khi ngôi chùa bị giải tỏa. Với quyết định bất thường trên, Chùa Liên Trì – cơ sở tôn giáo quan trọng của Tăng Đoàn phải đối diện với nguy cơ bị xóa sổ vì không có nơi tái định cư để xây dựng.
Tưởng cũng tốt để nói thêm, khu vực bán đảo này từng là nơi sinh sống của 15 ngàn hộ dân. Tuy nhiên, việc chính quyền quận 2 cưỡng chế giải tỏa không đúng luật khiến cho 11 ngàn hộ dân phải đâm đơn khiếu kiện. Việc di dời mà không bố trí khu tái định cư hoàn toàn trái với thông lệ từ trước đến nay.
Quyết Định di dời do chủ tịch UBND Quận 2 ký sẽ được giao cho các cơ quan: Chánh văn phòng UBND Quận, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, các sở ban ngành cấp Quận và địa phương chịu trách nhiệm giám sát thực hiện.
Ngoài ra, văn bản thu hồi đất thờ tự Chùa Liên Trì được gửi kèm với bản Phụ Lục do Hội đồng bồi thường Khu đô thị mới Thủ Thiêm soạn thảo trong đó có các điều khoản mang tính đe dọa cưỡng hành.
Tình hình hiện nay của chùa Liên Trì, trao đổi với Thầy Thích Không Tánh, chúng tôi được biết:
Thầy Không Tánh với tư cách trú trì của ngôi chùa đã gửi một bản kháng thư yêu cầu UBND quận và UBND TP rút lại Quyết Định giải tỏa chùa Liên Trì. Thầy khẳng định: “ Chúng tôi tuyệt đối không nhận tiền bồi thường. Trong trường hợp Nhà nước Việt Nam muốn xóa sổ, hủy diệt cơ sở tôn giáo Chùa Liên Trì thì hãy gửi Quyết Định cưỡng chế theo đúng trình tự luật pháp để các tôn giáo hiệp thông, cầu nguyện”. “Điều Thầy lo lắng nhất hiện nay, khi chính quyền giải tỏa san lấp mặt bằng rồi, không biết Tượng Phật sẽ đặt ở đâu, các hủ linh cốt không biết bỏ đâu, hàng trăm vong linh không có chỗ nương nấu”.
Tính đến thời điểm này, chính quyền TP chưa có văn bản chính thức để phản hồi kháng thư của Thầy Không Tánh. Theo thông báo trong Phụ Lục của Ủy ban bồi thường, ngày 30/9 sắp tới, chính quyền sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế để thu hồi đất.
Chúng tôi thực sự quan ngại trước quyết tâm xóa bỏ Chùa Liên Trì của chính quyền sở tại. Được biết, chùa Liên Trì là nơi diễn ra các cuộc họp của các tổ chức xã hội dân sự trong nước. Thượng tọa Thích Không Tánh thường tổ chức các buổi phát quà tri ân các Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, phát quà cho các bệnh nhân ung bứu, và là nơi nương tựa của nhiều bà con dân oan.
Hiện nay, chỉ còn 3 cơ sở tôn giáo chưa bị thu hồi đó là chùa Liên Trì, Nhà thờ Thủ Thiêm, và nhà thờ Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Chúng tôi được biết, chính quyền địa phương đang ra sức loại bỏ các cơ sở tôn giáo này.
Quyết định thu hồi đất đối với chùa Liên Trì – Cơ sở tôn giáo thuộc Tăng Đoàn Phật giáo Thống nhất đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các tổ chức tôn giáo, các Hội doàn dân sự cũng như Phật giáo đồ tại Quốc nội và Hải ngoại.
Trong nước, Hội đồng Liên Tôn ra Tuyên bố phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam triệt hạ chùa Liên Trì. Các chức sắc tôn giáo của 5 tôn giáo lớn tại Việt Nam là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài đồng lên tiếng phản đối Quyết Định Vi Hiến của chính quyền.
Đã có nhiều nổ lực trong cuộc vận động lấy chữ ký ủng hộ chùa Liên Trì, và chiến dịch này đang có nhiều tiến triển tích cực.
Những hình ảnh hiện nay về chùa Liên Trì có thể sẽ là những hình ảnh cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy. Ngày 30/9 tới đây, nơi đây có thể biến thành một bãi đất hoang tàn, những thứ còn sót lại chỉ là tượng Phật đổ nát, tro cốt vung vãi trong cảnh đìu hiu, các vong linh tảng mát khắp nơi không chỗ nương nhờ. Tiếng chuông chùa từ nay vắng bặt để thay vào đó là các lời xưng tụng Chủ nghĩa Duy vật khoa học. Đời sống tâm linh của cư dân ở đây sẽ mất dần nhường chỗ cho những tranh giật hỗn độn theo lối tư duy vật chất quyết định ý thức.
Tiếp theo sau Liên Trì sẽ là cơ sở tôn giáo nào nữa?
Huỳnh Trọng Hiếu

Không có nhận xét nào: