Pages

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Lãnh đạo Hong Kong không nhượng bộ

Ông CY Leung kêu gọi người biểu tình về nhà
Lãnh đạo của Hong Kong CY Leung kêu gọi người biểu tình ngừng chiến dịch “ngay lập tức”.
Hàng chục ngàn người đã phong tỏa đường phố ở nhiều nơi.
Phong trào Occupy Central đã kêu gọi ông Leung gặp người biểu tình vào tối thứ Ba.

Trong khi đó, ông Leung nói người biểu tình – tập hợp gồm sinh viên, phong trào Occupy Central và người giận dữ vì phản ứng của cảnh sát – nên về nhà.
Thứ Ba 30/9, đường phố Hong Kong có im ắng hơn nhưng trước thềm ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10 con số người xuống đường có thể sẽ gia tăng.
Hành chính Trưởng quan Đặc khu Hong Kong CY Leung khuyến cáo người biểu tình ngừng chiến dịch "ngay lập tức", trong khi cuộc sống ở một số nơi vẫn bị hoạt động này làm gián đoạn.
Ông Leung cũng bác yêu cầu đòi ông từ chức với lý do làm như vậy sẽ là một bước lùi.
Ông nói: "Bất kỳ thay đổi nhân sự nào trước khi có quy chế bầu cử tự do toàn diện sẽ chỉ khiến Hong Kong tiếp tục chọn lãnh đạo theo mô hình Hội đồng Bầu cử".
"Các sáng lập gia của Occupy Central từng hứa nếu như phong trào của họ không kiểm soát được nữa thì họ sẽ kêu gọi dừng tay."
"Nay tôi yêu cầu họ thực hiện cam kết của họ với xã hội và dừng chiến dịch này ngay lập tức."
Hàng vạn người Hong Kong ở lại qua đêm trên đường phố để tiếp tục biểu tình trong khi Trung Quốc nói đây là việc làm "bất hợp pháp".
Cuộc biểu tình còn lan rộng hơn sau khi cảnh sát dùng gậy và hơi cay sáng sớm hôm thứ Hai nhằm giải tán đám đông. Tuy nhiên cảnh sát chống bạo động sau đó đã rút đi.
Người biểu tình giận dữ vì chính quyền trung ương không cho người dân đặc khu được trực tiếp bầu lãnh đạo vào năm 2017.
Trung Quốc lên tiếng cảnh báo các nước khác không hỗ trợ "các cuộc biểu tình bất hợp pháp".
Người biểu tình, gồm cả sinh viên và thành viên phong trào bất tuân dân sự có tên Occupy Central, muốn Bắc Kinh thôi kế hoạch bầu chọn lãnh đạo đặc khu qua một hội đồng tuyển chọn trung gian.
Cho tới nay, đặc khu hành chính trưởng quan vẫn được bầu qua một hệ thống thân Bắc Kinh.

Phản ứng của phương Tây

Vào thứ Hai, chính phủ Anh quốc đã kêu gọi tôn trọng quyền được biểu tình của người dân và thực hiện pháp quyền.
Hoa Kỳ cũng thống nhất với quan điểm trên, Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest kêu gọi chính quyền Hong Kong kiềm chế.
Ông Earnest nói với các phóng viên: "Hoa Kỳ ủng hộ quyền bầu cử tự do ở Hong Kong theo đúng Luật cơ bản và chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của người dân Hong Kong".
Hàng chục người biểu tình đã bị bắt đêm Chủ nhật. Cảnh sát chống bạo động sau đó đã phun hơi cay vào đám đông.
Cheung Tak-keung, phó cảnh sát trưởng, nói cảnh sát đã dùng sức mạnh "tối thiểu".
Ông nói 41 người, trong có 12 nhân viên cảnh sát, đã bị thương kể từ khi biểu tình nổ ra.
Chính quyền Hong Kong khuyến cáo người biểu tình bình tĩnh và rút lui một cách hòa bình, thế nhưng đám đông vẫn tiếp tục trụ lại quanh trụ sở chính quyền vào đêm thứ Hai.
Hàng nghìn người đã chặn một con đường lớn tại Mongkok, trên bán đảo Cửu Long, trong khi một đám đông khác làm khu vực Causeway Bay, phía đông đảo Hong Kong, tê liệt.
Các trường học ở Wan Chai, Trung tâm và khu vực phía Tây đóng cửa hôm thứ Hai và thứ Ba.
Cuộc sống trong thành phố bị gián đoạn, nhiều đường phố tắc nghẽn.
Người biểu tình kêu gọi Đặc khu Hành chính Trưởng quan CY Leung từ chức nhằm khai thông tiến trình cải cách chính trị và tạo điều kiện giải tỏa khủng hoảng.
Báo chí Trung Quốc thì nói "các lực lượng chống đối quá khích" đã gây bất ổn.
Giới phân tích nói lãnh đạo Bắc Kinh đang quan ngại làn sóng dân chủ có thể lan ra Hoa lục.
(Tiếp tục cập nhật)

Không có nhận xét nào: