Pages

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

'Không đề cập hệ lụy cải cách ruộng đất'

Cuộc triển lãm dường như để tuyên truyền cho cải cách ruộng đất?
Ngày 8/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) khai mạc Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957”.
Gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu về Cải cách ruộng đất đã được lựa chọn, cho người xem thêm nhiều thông tin về Cải cách ruộng đất.

Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta (44,6%) ruộng đất chia cho gần 4 triệu nông dân.
Các tư liệu cho biết: Từ năm 1953 đến năm 1956 đã có 8 đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1.875 xã và 5 đợt cải cách ruộng đất ở vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi phía bắc.

Nhấn mạnh đấu tranh giai cấp

Tuy nhiên triển lãm này, vẫn như thường thấy ở các triển lãm khác về đề tài chiến tranh hoặc phong trào cách mạng, nghiêng về phía nhấn mạnh những tương phản giữa hai giai cấp bóc lột và bị bóc lột.
Nó cũng nói nhiều về đường lối, chủ trương trong quá trình cải cách và những thành quả người nông dân được hưởng sau Cải cách ruộng đất mà chưa đề cập đến những hệ lụy của những khuyết điểm do phong trào này để lại cho xã hội Việt Nam nói chung và những thân phận con người nói riêng.
"Cải cách Ruộng đất đã kích động, hù dọa quần chúng, khuyến khích họ tố oan cho nạn nhân; dùng nhục hình với đối tượng khi chưa có tòa án xét xử"
Sự ảnh hưởng của các tác nhân từ bên ngoài tới đường lối, chủ trương và phương pháp tiến hành Cải cách ruộng đất cũng không được nhắc đến.
Cải cách ruộng đất được bắt đầu trước bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến đòi hỏi huy động đến mức tối đa mọi nguồn lực trong nước (mà nông dân là quân chủ lực) và nguồn viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc.
Tất cả tạo nên những áp lực để Luật Cải cách ruộng đất được Quốc hội thông qua tháng 12-1953, trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ ít ngày.
Ngay từ khi bắt đầu, chủ trương “Phóng tay phát động quần chúng” đã bị buông lỏng cho “đoàn”, “đội” cải cách lộng quyền: truy bức để “đôn” tỷ lệ địa chủ lên cho đủ 5% dân số như một mức quy định bắt buộc; kích động, hù dọa quần chúng, khuyến khích họ tố oan cho nạn nhân; dùng nhục hình với đối tượng khi chưa có tòa án xét xử…
Những điều này không có trong chủ trương chỉ đạo Cải cách ruộng đất. Nhưng ở các cấp dưới, tình hình dường như không thể kiểm soát.

Sai lầm tả khuynh

Chủ nghĩa Mao có tác động mạnh đến Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam
Cải cách ruộng đất cũng có thể nhìn nhận như một nỗ lực để hoàn tất mục tiêu “Người cày có ruộng”.
Nhưng đó là một bước hoàn tất không trọn vẹn. Phong trào Chỉnh đốn tổ chức Đảng và chính quyền được tiến hành kết hợp cùng với Cải cách ruộng đất từ đợt 4, đợt 5 đã phạm sai lầm “tả khuynh” nghiêm trọng.
Những sai lầm đã để lại những tổn thất lớn cả về con người và tổ chức, gây đảo lộn đời sống xã hội ở nông thôn miền bắc. Cải cách ruộng đất đi qua để lại nhiều bài học lịch sử đa chiều và một vết hằn sâu trong ký ức.
Triển lãm “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” lần đầu tiên động chạm tới chủ đề vẫn được coi là “nhạy cảm” trong suốt gần 60 năm qua và đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm.
Tuy nhiên những gì trình bày trong đó nói rằng chủ đề này vẫn chưa được bàn luận một cách cởi mở.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo ở Hà Nội.

Không có nhận xét nào: