Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Người VN có bị coi thường với qui định nhập cảnh Thái Lan?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

cc0f3_du_khach_vieto_thai_lan-305.jpg
Du khách Việt ở sân bay Suvarnabhum, Bangkok, Thái Lan. (Ảnh minh họa chụp trước đây)
File photo

Kể từ ngày 12 tháng Tám, người Việt Nam nhập cảnh Thái Lan mà không vì mục đích du lịch thì buộc phải xin thị thực (visa) dù chỉ đi có một ngày hoặc hơn 30 ngày. Đây là chỉ thị mới từ Cơ Quan Xuất Nhập Cảnh Thái Lan gởi xuống Tổng Nha Du Lịch Thái, được TNO tức báo Thanh Niên Online đăng trên mạng.
Tin này ngay lập tức bị một vài doanh nghiệp lữ hành trong nước cho là có ý coi thường người Việt.

Phân biệt đối xử?

Tưởng cần rõ theo qui định mới trong khu vực ASEAN thì Thái Lan chỉ áp dụng visa cho người Kampuchia và người Việt Nam. Đối với ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, điều này chẳng những là sự phân biệt đối xử, vi phạm hiệp ước miễn thị thực ASEAN mà mà còn xúc phạm đến những du khách bình thường khác.

Về phía ông Trần Vĩnh Lộc, giám đốc Lạc Hồng Voyages, buộc người Việt nhập cảnh Thái không vì mục đích du lịch phải xin thị thực là một qui định nhập nhằng, tạo điều kiện cho nhân viên xuất nhập cảnh Bangkok gây khó dễ du khách Việt đi lẻ hoặc đi tự túc.
Đến ngày 15 tháng Tám 2014, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Bangkok đưa lên website bản tin Bộ Ngoại Giao  Thái Lan khẳng định tuân thủ hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Việt Nam và Thái Lan ký từ năm 2000, qua đó công dân Việt mang hộ chiếu phổ thông được nhập cảnh miễn thị thực trong 30 ngày, dù với mục đích du lịch hay thăm thân, kinh doanh, hội nghị… miễn là không có hoạt động lao động bất hợp pháp tại Thái Lan.
Không hề có chuyện coi thường đâu mà bởi vì chính trị của họ đang bất ổn nên họ muốn rà soát cao hơn một chút. Người Việt Nam sang Thái Lan thì khá là nhiều và dưới nhiều hình thức.
-Cô Mai Thanh
Ông Nguyễn Hữu Định, tổng lãnh sự Việt Nam tại Thái Lan, giải thích Thái Lan và Việt Nam sắp bước vào AEC tức Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN năm 2015, do đó cần kiểm soát kỹ hơn hầu có thể hạn chế tình trạng nhập cư và lao động bất hợp pháp của người Việt Nam nói riêng một khi du lịch, giao thông và thương mại giữa hai quốc gia này phát triển lên tầm cao hơn:
“Sang năm 10 nước ASEAN gia nhập Cộng Đồng Kinh Tế chung của ASEAN mà cứ để cái tình trạng người đi du lịch nhưng mà cứ ở lại để lao động để làm việc là nó sai với luật pháp của Thái Lan, mà nó cũng không thu được ngân sách cho nhà nước họ thì họ muốn chấn chỉnh lại. Rồi hai nước cũng sẽ có thỏa thuận với nhau về chuyện những người có mục đích sang lao động thì sẽ áp dụng chế độ như là phải xin visa rồi lệ phí rồi nộp thuế, ngược lại cũng được chính phủ Thái Lan cho thời hạn ở một năm một thì nó cũng thuận lợi cho người ta. Cái này cũng đang trong quá trình hai bên có chấn chỉnh có trao đổi với nhau.”
Với một số hãng du lịch lữ hành thường tổ chức những tour tham quan các nước trong hay ngoài ASEAN, vấn đề ở đây là du lịch thuần túy từ Việt Nam sang Thái Lan đã bị ảnh hưởng vì chuyện càng ngày càng nhiều người Việt qua đây theo diện du lịch rồi ở lại và trở thành lao động bất hợp pháp.
Từ Hà Nội, cô Mai Thanh, phụ trách điều hành du lịch công ty lữ hành Tiên Phong, cho rằng việc chính phủ Thái muốn kiểm soát người Việt nhập cảnh là chuyện bình thường:
“Không hề có chuyện coi thường đâu mà bởi vì chính trị của họ đang bất ổn nên họ muốn rà soát cao hơn một chút. Người Việt Nam sang Thái Lan thì khá là nhiều và dưới nhiều hình thức. Em biết một số sang đấy thường xuyên sau đó thì ở lại, nói chung số người Việt ở lại Thái Lan càng ngày càng đông.”
Với bạn Phan Anh, trước làm việc trong ngành du lịch và mới chuyển sang một tổ chức NGO nước ngoài, dùng visa để hạn chế người Việt nhập cảnh tất nhiên là chuyện gây phản cảm:
“Rõ ràng có sự phân biệt sâu sắc đối với người Việt Nam, tuy nhiên về vấn đề này em nghĩ mình cần xem xét tình hình khách du lịch Việt Nam sang Thái như thế nào hoặc là người Việt sang Thái Ln như thế nào, mà lại tạo cho họ cái chuyện phải đưa ra chính sách như thể để hạn chế người Việt Nam. Có thể mình phải xem xét về cách hành xử hoặc thậm chí cái vấn đề lao động Việt Nam sang Thái.”

Ngăn cản lao động bất hợp pháp?

xiec_voi_10-400.jpg
Du khách xem xiếc voi ở Thái Lan. (Ảnh minh họa chụp trước đây)
Trong lúc cô Phan Anh nghĩ như vậy thì anh Phương, bộ phận Khách Đoàn Quốc Tế tức những tour du lịch ra ngoài nước của công ty Việt Trang Tour, cũng đồng ý rằng Tổng Nha Du Lịch Thái Lan và Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Thái Lan làm như thế là để ngăn cản việc có một số khách Việt đi du lịch rồi ở lại bên đó:
“Nó khác với cái hiệp ước giữa khối ASEAN với nhau, tức có một số người lạm dụng cái việc miễn thị thực và người ta ở lại làm việc bên đó, rồi có một số thì phạm pháp nữa cho nên bên đó họ thắt chặt. Nhưng sau đó Bộ Ngoại Giao Việt Nam có phản ứng rằng là gây bất tiện cho một số công dân Việt Nam qua bên đó thăm thân hay làm ăn gì trong thời hạn được miễn visa 30 ngày.
Sau đó thì bên phía Thái Lan hủy cái công văn đó đi, coi như tất cả mọi việc trở về như cũ, tức là không áp dụng nữa.”
Điều này có nghĩa là hiện tại người Việt qua Thái Lan trong mục đích tham quan, du lịch hay công tác vẫn được miễn thị thực 30 ngày. Đây là những người mà anh Phương nói rõ là đi theo tour của các hãng lữ hành trong nước hoặc trong tư cách cá nhân, nhập cảnh vào Thái qua phi cảng quốc tế Suvarnabhum ở Bangkok. Còn những người Việt Nam nhập cảnh vào Thái bằng đường bộ thì sao:
“Đi đường bộ sang Thái Lan chủ yếu là các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Chủ yếu là khách tự đi thì người ta yêu cầu là mỗi người ở Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan bằng đường bộ như vậy là phải có trong người 700 đô la. Tuy nhiên đối với đường hàng không thì không có vấn đề gì cả. Khách du lịch bên công ty em tổ chức thường là đi theo tour và chỉ nhập cảnh vào các cảng hàng không lớn như Suvarnabhum chẳng hạn và thường không có vấn đề gì cả.
Về việc người ta yêu cầu thị thực đối với người Việt Nam thì cũng gặp phản ứng, đặc biệt từ những nhóm khách không đi theo tour mà tự đặt khách sạn và tự đi. Không đi theo tour thì không có công ty lữ hành nào đứng ra tổ chức cho người ta mà người ta online tất cả các dịch vụ. Qua bên kia người ta phải xin visa a, b, c, d theo qui định của Cục Xuất Nhập Cảnh Thái Lan. Vì nó bất tiện cho nên một số lượng khách tự đi người ta phản ứng rất gay gắt.”
Về việc người ta yêu cầu thị thực đối với người Việt Nam thì cũng gặp phản ứng, đặc biệt từ những nhóm khách không đi theo tour mà tự đặt khách sạn và tự đi.
-Anh Phương
Du lịch Thái Lan theo tour theo đoàn trên những chuyến bay thì khả năng rắc rối tại cửa khẩu hiếm khi xảy ra so với du lịch đường bộ. Đó cũng là khẳng định của cô Đài Trang, phụ trách tư vấn và điều hành tour trong công ty lữ hành Việt Travel ở Sài Gòn:
“Trường hợp xảy ra tại cửa khẩu đường bộ từ Kampuchia qua Thái Lan thì có một số người dân Việt Nam mình đi theo hình thức lao động bất hợp pháp. Họ kiểm tra là thông thường khách du lịch đi thì phải mang theo tiền, thì vừa rồi mới có hình thức là bắt du khách trình ra tiền đô, khoảng 700 đô, đó là chuyện xảy ra tại cửa khẩu đường bộ. Hiện tại lượt khách của mình qua bên đó cũng đông nên trường hợp kỳ thị thì không phải hẳn là đa số đâu.”
Theo kỳ vọng của Tổng Nha Du Lịch Thái Lan, vì là một trong những thị trường du lịch hứa hẹn của Thái Lan nên đến 2015 khi AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN thành hình thì Bangkok có thể thu hút 500.000 khách du lịch người Việt đến Thái.
Việt Nam cũng là quốc gia mà Tổng Nha Du Lịch Thái Lan đặt những văn phòng đại diện ở đó. Tuy nhiên theo ý kiến của đa số du khách, việc kiểm tra tại cửa khẩu đường bộ mà bắt du khách Việt cầm tiền đưa lên ngang mặt để chụp ảnh xong mới cho qua là một biện pháp không mấy lễ độ.
Bất kể những điều vừa nói, thị trường du lịch Thái Lan vẫn là điểm đến lý tưởng của người Việt. Chỉ từ tháng Năm đến tháng Tám vừa qua, bạn Đài Trang cho biết, Viet Travel đạt 1.000 lượt khách đăng ký đi Thái Lan:
“Dân mình đi du lịch là theo thị hiếu chung, Thái Lan đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hiện tại. Cái thứ hai nữa là chi phí của nó hợp lý, nó gần Việt Nam mình. Không mất nhiều thời gian bay nên nó thu hút được nhiều khách Việt Nam mình qua đó.”
Riêng Việt Trang Tour ở Hà Nội thì một tháng từ 5 đến 7 đoàn sang Bangkok:
“Tour Thái Lan là một tromng những tour có giá tốt nhất. Ở công ty Phương thì đó là riêng bộ phận khách lẻ, còn khách đoàn thì có thể hai ba đoàn một tháng, bình quân mỗi tháng 7 đến 8 đoàn . Mỗi đoàn cứ tính bình quân khoảng 20 người, có đoàn 15 người. Tại vì Thái Lan dịch vụ giá bây giờ phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân Việt Nam.”
Cô Mai Thanh cũng cho biết công ty lữ hành Tiên Phong cô đang làm việc vẫn thường xuyên và đều đặn có những tour du lịch thường kỳ sang Thái Lan như các công ty bạn:
“Một tháng thì các công ty du lịch chuyên làm out bound, những ngày nhất định như lễ hay cuối tuần mà khởi hành đi Thái Lan thì họ vẫn gom khách đều.
Bây giờ em nghĩ là thị trường Thái Lan nó bảo hòa rồi tại vì số người Việt Nam qua Thái Lan quá đông so với trước đó. Cho nên gần đây Thái Lan đã mở một số chương trình hội thảo ở Hà Nội và Sài Gòn. Sắp tới, ngày mùng 6, sẽ có một buổi hội thảo tại Sài Gòn để du lịch Thái Lan mở thêm tuyến mới. Những tuyến cũ đã quá bảo hòa rồi thì họ mở thêm một số tuyến mới để lôi kéo khách.”
Vừa rồi là câu chuyện về du lịch Thái Lan Việt Nam, nhất là tình hình sau khi Tổng Nha Du Lịch cũng như Cục Xuất Nhập Cảnh bản xứ đề ra qui định thị thực visa đối với khách du lịch Việt Nam.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc hẹn lại quý vị tuần tới.

Không có nhận xét nào: