Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Nhân tố Trung Quốc thúc đẩy Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ

mediaThủ tướng Narendra Modi chủ trương bắt tay với Trung Quốc về kinh tế nhưng xích lại với Mỹ về quốc phòng.REUTERS/Adnan Abidi
    Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Mỹ vào hôm nay 26/09/2014, khởi đầu một chuyến thăm được cho là có tác dụng khôi phục một quan hệ đã trải qua một hồi căng thẳng vào năm ngoái. Trong số các lãnh vực hợp tác rất đa dạng giữa hai nền dân chủ lớn nhất hành tinh, giới phân tích cho rằng chiến lược và quốc phòng là hai hồ sơ có nhiều triển vọng nhất, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng bành trướng tại châu Á.







    Phải nói là Washington lần này sẽ ra sức chinh phục cảm tình của tân Thủ tướng Ấn Độ, một người mà vào năm 2005 còn bị Mỹ cấm visa nhập cảnh, và chỉ mới được tiếp cận trở lại từ khi lên cầm quyền ở New Delhi vào tháng Năm vừa qua.
    Dấu hiệu rõ nhất thể hiện thái độ trân trọng của Mỹ đối với ông Modi là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama – trong một động thái hiếm thấy - sẽ có hai buổi tiếp xúc với Thủ tướng Ấn. Ông Obama sẽ ăn tối riêng với ông Modi vào hôm thứ Hai, 06/10, một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh chính thức dự trù vào hôm sau, thứ Ba.
    Tại Washington, ngoài Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ấn cũng sẽ hội đàm các các nhân vật quan trọng khác, từ Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, đến cựu Ngoại trưởng kiêm cựu Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton.
    Bên cạnh các hồ sơ kinh tế, thương mại, đầu tư, vốn đương nhiên chiếm một vị trí đáng kể trong chương trình làm việc của ông Modi tại Mỹ, vấn đề hợp tác chiến lược và quốc phòng được cho là sẽ hết sức quan trọng đối với cả hai bên, nhất là đối với tân lãnh đạo Ấn Độ, một người không hề giấu giếm khát vọng nâng cao vị thế của đất nước mình tại châu Á và trên thế giới.
    Theo các nhà quan sát, nếu trên các hồ sơ nóng hiện nay bên ngoài khu vực châu Á như vấn đề Nga và Ukraina, hay liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở vùng Cận Đông, Hoa Kỳ khó có thể thuyết phục được Ấn Độ, thì ngay tại Châu Á, lợi ích chiến lược của Washington và New Delhi như đã hội tụ với nhau trước các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
    Hai nước đang hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn về an ninh hàng hải, mà dấu hiệu rõ nét là cuộc tập trận Hải quân hỗn hợp Ấn-Mỹ Malabar, sáng lập từ năm 1992, nhưng đã trở thành thường niên từ năm 2007 đến nay, và nhiều khi kết hợp với Hải quân nước khác, như Singapore, Nhật Bản…
    Vấn đề tăng cường năng lực Hải quân là một vấn đề thiết yếu đối với Ấn Độ hiện nay, vì New Delhi đang bị Bắc Kinh cạnh tranh với chiến lược thâm nhập vào vùng Ấn Độ Dương, thông qua thỏa thuận với các nước láng giềng của Ấn Độ như Sri Lanka, Pakistan, Maldives. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng bị Trung Quốc thường xuyên lấn lướt tại vùng biên giới trên bộ - mà gần đây nhất là động thái khiêu khích, đưa quân vào vùng tranh chấp ngay trong lúc Chủ tịch Trung Quốc đang thực hiện chuyến công du New Delhi.
    Trong cách đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ hiện đang tăng cường quan hệ với các nước châu Á – Thái Bình Dương khác như Úc Nhật Bản và Việt Nam, để tìm đối trọng cho sự vươn lên của Trung Quốc. Chủ trương này dĩ nhiên rất phù hợp với mong muốn của Hoa Kỳ.
    Ông Harsh Pant, chuyên gia về đối ngoại thuộc trường King’s College tại Luân Đôn nhận đinh : « Tại Mỹ luôn luôn có một suy nghĩ là cho dù có bắt đồng trên mọi vấn đề khác, Ấn Độ cần phải được giúp đỡ để trở thành một tác nhân bảo đảm được an ninh nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực ở châu Á ».
    Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, hiện nay, Washington đang nhìn thấy Ấn Độ là một đối tác quốc phòng đáng tin cậy, có năng lực góp phần giúp Mỹ duy trì ổn định ở châu Á, hạn chế sức khuấy động từ Trung Quốc.
    Với ngân sách quốc phòng của Mỹ đang bị cắt giảm, ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ đang ngắm nghía thị trường Ấn Độ, đang dự trù chi đến 100 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới đây để tân trang lại kho vũ khí đã cũ kỹ có từ thời Liên Xô, để có thể bắt kịp đối thủ Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào: