Pages

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Nhóm công an xã đánh chết người vẫn nguây ngẩy chối tội

Nhóm công an xã đánh chết người vẫn nguây ngẩy chối tội
Em trai ông Thuận mang ảnh vết thương của nạn nhân đến phiên toà.

Hôm qua 17/9, trong ngày đầu tiên xét xử sơ thẩm, tất cả các bị cáo từng là công an viên xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) đều quanh co chối tội, không ai nhận rằng đã lấy chuôi dùi cui thúc vào ngực nạn nhân. Người này đổ thừa cho người kia, các bị cáo còn lại thì khai: “không nhìn thấy việc này”.
 
Trưởng Công an xã đã “chỉ đạo cấp dưới những gì”?
 
Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều quanh có chối tội, không ai nhận rằng đã lấy chuôi dùi cui thúc vào ngực ông Thuận, Kiên đổ Tuyên, Tuyên đổ cho Kiên và hai bị cáo Thức và Tuyến khai: “không nhìn thấy việc này”. 
 
Bị cáo Thức và Tuyến còn khai bị Công an huyện Đông Anh lấy cung vào 10 giờ đêm và “khai theo bản Công an huyện Đông Anh ghi sẵn, giống bản lời khai của Kiên”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1982) con gái ông Nguyễn Mậu Thuận khóc, kêu bố của chị chết oan, khởi điểm mâu thuẫn vì tranh chấp phần đất ngõ với nhà bà Bút (chính bà Bút chửi trước), mà công an xuống “bắt” bố của chị, mà không hề có bất kỳ giấy tờ gì. Gia đình đề nghị làm rõ vai trò của ông Nguyễn Đức Vọng, Trưởng Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội trong việc “chỉ đạo cấp dưới những gì” mà các bị cáo đã tước đoạt tính mạng của bố chị?
Giờ gia đình mong muốn pháp luật xử nghiêm minh đối với các bị cáo và gia đình yêu cầu các bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và chi phí mai táng với tổng số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng.
 
“Bắt” người không cần giấy tờ

Các bị cáo tại phiên tòa

Trước đó, vào ngày 8/5/2014, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử nhưng sau khi xét hỏi nhận thấy vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, Hội đồng xét xử đã quyết định hoàn trả hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.Hà Nội điều tra bổ sung. Sau khi điều tra bổ sung, VKSND TP Hà Nội tiếp tục truy tố nhóm công an xã Kim Nỗ về tội giết người theo Điểm n Khoản 1 Điều 93 BLHS. Bốn bị cáo gồm Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó công an xã Kim Nỗ), Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991, Đoàn Văn Tuyến (SN 1983), Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) đều là công an viên xã Kim Nỗ.
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội, khoảng 12 giờ ngày 30/8/2012, Ban Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo việc ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, trú xã Kim Nỗ) đánh bà Đoàn Thị Bút (SN 1958, người cùng thôn). Trưởng Công an xã đã chỉ đạo Phó Công an xã Hoàng Ngọc Tuyên tập trung lực lượng xuống hiện trường giải quyết vụ việc.
 
Ngay sau đó, Tuyên gọi điện cho các công an viên Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) và Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) đến nhà riêng của ông Thuận, để mời ông này lên trụ sở công an xã để làm rõ vụ việc.
Lúc này, ông Thuận đang ngủ trưa, ông Thuận có nói với một công an viên là nếu không có giấy mời, giấy triệu tập thì ông sẽ không đi. Tuy nhiên, sau khi công an viên này và con trai ông thuyết phục, ông Thuận đã đồng ý để công an viên chở xe máy đến UBND xã Kim Nỗ, còn Thức và Tuyến đi xe máy khác đằng sau.
Khi nhìn thấy ông Trưởng Công an xã, ông Thuận chửi, nói: “Tao làm gì mà mày cho người bắt tao lên đây!” và định xông vào đánh. Trưởng Công an hô: “Khóa tay nó lại, đưa vào trong phòng kia”.
Lập tức, Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991, công an viên) lấy khóa số 8, cùng với sự trợ giúp của Tuyến và Thức khóa tay ông Thuận. Sau đó, các công an viên yêu cầu ông Thuận viết bản kiểm điểm, nhưng ông Thuận không viết mà tiếp tục có lời nói chửi bới, lăng mạ lực lượng công an.
 
Thay nhau vụt dùi cui, kẹp bút bi “tra tấn”
 
Khoảng 14 giờ cùng ngày, Phó công an xã Tuyên đến trụ sở, sau khi được Trưởng công an giao nhiệm vụ, Tuyên đã đi thẳng vào chỗ ông Thuận đang bị khóa, hỏi ông Thuận về việc đánh bà Bút như thế nào nhưng ông Thuận không khai nhận và tiếp tục có lời nói, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Tuyên đã tát ông Thuận hai cái vào mặt, tiếp đó, Kiên đứng dậy lấy dùi cui cao su trên nóc tủ đưa cho Tuyên. Tuyên cầm dùi cui vụt mạnh vào đùi ông Thuận hai cái và tiếp tục hỏi ông Thuận.
 
Đến 15 giờ, Thức và Tuyến về trụ sở UBND xã Kim Nỗ và đi thẳng vào phòng nơi ông Thuận bị giữ. Do ông Thuận không khai nhận và chửi bới nên Kiên dùng chuôi dùi cui thúc mạnh vào ngực ông Thuận làm ông Thuận ngã ngửa ra phía sau khiến chiếc ghế gỗ bị gãy vai ghế. Thấy vậy, Tuyên hô 3 công an viên còn lại khóa ông Thuận vào một chiếc ghế khác đồng thời khóa cả hai chân, hai tay ông Thuận vào ghế và phân công Tuyến đứng phía sau giữ ghế ông Thuận ngồi; Thức đứng bên cạnh quan sát nếu có người đi qua thì báo cho Tuyên biết. Sau đó, Tuyên, Kiên vừa hỏi vừa dùng dùi cui đánh mạnh vào hai bên đùi ông Thuận vừa dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của ông Thuận và bóp mạnh.
 
Đến khoảng 16h, Tuyên gọi điện cho Trưởng công an báo cáo ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông này đến nơi kiểm tra, thấy ông Thuận bị khóa hai chân hai tay vào ghế nên ra lệnh đưa ông Thuận lên giường nằm và gọi y tá xã đến cấp cứu.
 
Tuy nhiên, khi cán bộ y tế xã đến cấp cứu thì người ông Thuận đã không còn hơi ấm, không đo được các chỉ số sinh tồn (không nghe được nhịp tim, không đo được huyết áp của ông Thuận). Lực lượng Công an xã Kim Nỗ vội vàng đưa ông Thuận đến bệnh viện đa khoa Đông Anh cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng, ông Thuận đã bị tử vong.
 
Theo Biên bản Kết luận giám định pháp y số 119/2012 ngày 24/9/2012 của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, nạn nhân Thuận có dấu vết thương tích do tác động mạnh, nhiều lần của vật tày diện giới hạn ở mặt trước, hai đùi, mu bàn tay hai bên và thành ngực bên phải của nạn nhân gây tụ máu lớn mô liên kết dưới da, cơ đùi, bầm tụ máu mu bàn tay hai bên, gãy sụn xương sườn số 5,6,7 bên phải ... Và xác định: “nguyên nhân tử vong của nạn nhân Nguyễn Mậu Thuận 54 tuổi là suy hô hấp- tuần hoàn cấp do hậu quả của đa chấn thương phần mềm, trên cơ sở có bệnh mạch vành thiếu máu cơ tim, bệnh xơ gan vòng giai đoạn tiến triển và nồng độ rượu trong máu 213,6/100 ml...”.
 
Hôm nay, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử công khai vụ án./.
 
 Mai Hoa

(Pháp Luật)

Không có nhận xét nào: