Pages

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Phim ế khách - trách nhiệm của ai?

Một nhà phê bình văn học đã xem phim Sống cùng lịch sử cho rằng, khán giả cũng phải ‘có trách nhiệm’ vì nhiều người chưa xem phim mà vẫn ‘chửi rủa’, ‘phê phán’.
“Nhiều người chưa xem nhưng họ cứ đi theo trào lưu. Cả khán giả và báo chí, đưa tin và bình luận như thế nhưng có khi họ chưa xem mà vẫn nói như thật, họ còn chửi rủa, chửi mắng, phê phán,” ông Phạm Xuân Nguyên nói với BBC từ Hà Nội hôm 22/09.

“Và cũng phải nói thêm về thị hiếu của chúng ta. Thị hiếu văn hóa nói chung như đọc sách, nghe nhạc, xem tranh cho đến xem phim đang có vấn đề. Tức là khán giả, độc giả cũng có trách nhiệm."
Phim Sống cùng lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, dựa theo kịch bản của Đoàn Minh Tuấn và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, ra rạp vào đợt 02/09 nhưng sau một vài ngày thì ngưng chiếu do hầu như không có người xem, theo truyền thông Việt Nam.
Tuy nhiên hai bộ phim nhà nước khác là Mộ gió và Đam mê cũng 'ế khách' trong cùng đợt phát hành đầu tháng Chín, còn hai phim do tư nhân sản xuất vẫn bán được vé, cũng theo truyền thông trong nước.
Nhận xét về bộ phim, nhà phê bình nói tuy phim có những trường đoạn hay, xúc động, vẫn có nhiều điểm chưa được," và phải đặt nó trong bối cảnh đạo diễn và biên kịch không được tự do sáng tạo do phim làm theo định hướng chính trị.
“Đạo diễn và biên kịch phải chấp nhận làm bộ phim mà từ kịch bản cũng phải qua duyệt và làm phim theo kịch bản đã duyệt đó, nên sự sáng tạo của những bộ phim như thế không rộng rãi, phóng túng lắm đâu."
Lấy ví dụ chỉ riêng về tên phim, “đặt tên khác đi, chẳng hạn như Phượt Điện Biên thì ít nhất nó cũng gây được tò mò. Nhưng tên như thế sẽ không bao giờ được đặt cho bộ phim này."
Ông Phạm Xuân Nguyên kể, bộ phim nói về chuyến đi ‘phượt’ của ba bạn trẻ, trong đó có một đôi nam nữ yêu nhau, và một bạn trai quan tâm tới lịch sử, và khi tới mỗi địa danh, họ lại muốn tìm hiểu về nơi đó.
Ông cho rằng đây là cách làm có thể liên hệ được quá khứ với hiện tại, tuy nhiên câu chuyện phim chưa được nối liền mạch.
Trả lời câu hỏi của BBC, nếu phim được vào cửa miễn phí, liệu có thu hút được người xem không, nhà phê bình văn học nói ‘rất khó’.
“Những phim này, dù là phim của anh Đỗ Minh Tuấn 10 năm trước đây, phim của anh Thanh Vân bây giờ và trước đó nữa, thời 30 năm là phim của đạo diễn Bạch Diệp là Hoa Ban đỏ cũng phải dùng những cảnh đào chiến hào, vẫn những cảnh chiến đấu, súng bắn, rồi vẫn cảnh phất cờ, thì theo tôi nghĩ rất khó thu hút.”

'Thế nào là lãng phí?'

Hôm 19/09, BBC Tiếng Việt liên hệ với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tuy nhiên ông nói chưa tiện trả lời trong thời điểm này, do cảm thấy "khá mệt mỏi".
VnExpress có bài viết cùng ngày dẫn lời đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết nhóm làm phim của ông đã liên lạc với các rạp nhà nước và tư nhân, nhưng "không phải rạp tư nhân nào cũng đồng ý" trình chiếu bộ phim do e ngại về "bài toán kinh doanh".
Bài báo cũng cho biết, đại diện của một số nhà phát hành và hệ thống rạp lớn tại Hà Nội và TP HCM đều khẳng định không nhận được bất kỳ lời đề nghị hợp tác phát hành, quảng bá hay đề xuất trình chiếu nào từ phía đoàn phim Sống cùng Lịch sử.
Sau đó ba ngày, biên kịch phim, ông Đoàn Minh Tuấn đăng bài trên Vietnamnet với tựa đề 'Sự thực về vai trò của phim nhà nước' và ngay từ đầu bài đã đề cập đến vấn đề lãng phí.
Ông giải thích số tiền 21 tỷ được chi vào việc chuẩn bị trường quay tốn nhiều công sức, thậm chí nguy hiểm, và các chi phí cho diễn viên, đoàn làm phim, trong đó có tiền ăn ở và 'bảo hiểm cho từng người'.
Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng nói rằng số tiền chi thực cho sản xuất chỉ "13, 14 tỷ" do toàn bộ 21 tỉ không giao hết cho đoàn phim mà bao gồm cả chi phí cho Hãng, Vietnamnet dẫn lời hôm 21/09.
Giải thích về điều này, nhà biên kịch và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói, do hiện nay tiền lương và chi phí quản lý đã được tính vào sản phẩm, mà không phải năm nào cũng có phim để làm nên có lẽ chi phí cho hãng mà đạo diễn Thanh Vân nhắc tới là do "phải gánh tiền lương từ một, hai năm trước đó".

‘Lỗi hệ thống’

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn trên trường quay Ký ức Điện Biên
Phân tích về khía cạnh thu hút người xem, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói ông chưa được xem nên không rõ phim hay hay dở, “nhưng việc không có người xem tôi cho đó là tất nhiên”.
"Loại phim tuyên tuyền quảng cáo không thể đo bằng số tiền đưa về mà phải đo bằng số lượng người xem, nó ám thị trong xã hội hàng hóa của mình thế nào, chế độ của mình thế nào, cuộc kháng chiến ra sao, Điện Biên Phủ thế nào... những cái đấy mới tạo nên được hiệu quả của phim tuyên truyền quảng cáo,
“Nhưng hiện nay việc sản xuất và phát hành các loại phim tuyên truyền quảng cáo cho lịch sử, cho chế độ, cho quân đội hoặc là cho đảng, lại làm theo cơ chế hoàn toàn không nhất quán.”
Ông Đỗ Minh Tuấn cho “đây là lỗi hệ thống rất nặng" và “cơ chế sản xuất, cơ chế kiểm duyệt và cơ chế phát hành chiếu bóng hoàn toàn vênh nhau” bởi “tiêu chuẩn kép kinh tế thị trường - định hướng Xã hội Chủ nghĩa.”
Ông đưa ra giải pháp nhà nước bỏ tiền ra thuê các rạp chiếu cho người xem miễn phí, “mà nếu nhiều người xem thì cũng có nghĩa là nó đã đạt được hiệu quả tuyên truyền của nó rồi” và đừng bắt người dân phải tự chi tiền vào xem một sản phẩm quảng cáo.
“Như vậy là có mấy biện pháp, một là phải có hệ thống riêng để phát hành ra, như ngày xưa. Hai là thuê các rạp họ chiếu theo quy mô hoặc số lượng mà theo đợt kỷ niệm này hoặc là chương trình giáo dục này muốn. Thứ ba là chiếu miễn phí trên truyền hình.”

‘Lực lượng bảo thủ’

Năm 2004, ông Đỗ Minh Tuấn nhận đặt hàng của nhà nước làm bộ phim Ký ức Điện Biên cho dịp kỷ niệm 50 năm, với tổng kinh phí 13 tỷ đồng Việt Nam.
Khi được hỏi trong số tiền đó, có bao nhiêu dành cho chi phí phát hành, ông nói: “Chả có xu nào. Quảng cáo cũng không có xu nào. Tất cả các phim của chúng tôi từ xưa tới nay không có một xu nào quảng cáo.”
"Thậm chí tiền sản xuất còn không đầy đủ", ông cho biết, Ký ức Điện Biên chỉ có thể hoàn thành nhờ dân và bộ đội.
Đạo diễn nêu ra vấn đề các hãng phim nhà nước cần được cổ phần hóa để “thu hút vốn trong và ngoài nước để sáng tác, sản xuất hàng hóa điện ảnh cho đúng với quy luật của kinh tế thị trường”.
“Cách đây 5,7 năm chúng tôi đã rục rịch bàn chuyện cổ phần hóa nhưng chắc là có một lực lượng bảo thủ nào đó ngăn lại.”
Ông nói cái khó của người làm trong ngành điện ảnh Việt Nam là họ được định nghĩa như một chiến sỹ cách mạng.
Họ cũng là những người phải đứng ra chịu chỉ trích của khán giả, của báo chí, trong khi nguyên do phía sau là do cơ chế, do nhà nước, do xã hội thiếu thông tin, “hoặc thông tin theo định kiến hoặc cạnh tranh phe nhóm của chính ngành điện ảnh, của chính ngành văn hóa, của chính xã hội nhân dịp đó nổ bung ra và đánh chết tươi nhau.”

1 nhận xét:

Nguồn Sống nói...

Chuyện ế ẩm của đảng "làm phim" mà nghe các đ/c lãnh đạo ngành phát biểu nghe cũng thấy khôi hài mà cũng thấy thưong họ tuyên bố tuyên con đại để như là "là do lỗi người dân không chiêu đi coi" chắc họ quan niệm như các cháu bé thật thà có sao nói vậy vì trách nhiệm của đảng ta là đã bỏ công của để "làm phim" rồi, chuyện còn lại là trách nhiệm của người dân phải đi coi...không coi là vô trách nhiệm.