Pages

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Tập Cận Bình thăm Ấn Độ: Tranh chấp lãnh thổ nổi cộm

mediaThủ tướng Ấn Narendra Modi tiếp đãi Chủ tịch Tập Cận Bình - REUTERS /Ahmad Masood
    Trên nguyên tắc, hồ sơ tăng cường hợp tác kinh tế phải nổi bật nhân chuyến công du 
    Ấn Độ đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc từ gần một chục năm nay. Thế nhưng các hành động thâm nhập của Quân đội Trung Quốc tại vùng biên giới đang tranh chấp giữa hai bên đã làm cho vấn đề lãnh thổ nổi cộm lên trong chương trình nghị sự ba ngày công du Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi sự từ hôm qua, 17/09/2014.







    Hồ sơ tranh chấp lãnh thổ Ấn-Trung, nhất là vụ cả ngàn binh lính Trung Quốc vừa đột nhập vào vùng lãnh thổ đang tranh chấp giữa hai nước ở khu vực Ladakh, miền Bắc Ấn Độ, đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu lên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm qua, nhân ngày đầu tiên trong chuyến công du.
    Theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hồ sơ kể trên sẽ tiếp tục được đề cập đến nhân cuộc hội đàm vào hôm nay giữa hai lãnh đạo. Theo hãng tin Pháp AFP, trả lời phóng viên báo chí về các vụ quân đội Trung Quốc thâm nhập lãnh thổ Ấn, ông Syed Akbaruddin xác định : « Tất cả những vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận ngày hôm nay, bao gồm cả những vấn đề mới nhất ».
    Các phương tiện truyền thông Ấn Độ trong hai ngày qua đã liên tiếp đưa tin về vụ hàng trăm binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đang đối mặt với nhau tại một khu vực tranh chấp giữa hai bên ở Ladakh. Một cuộc họp giữa đại diện của hai quân đội đã diễn ra vào hôm qua.
    Trả lời AFP, một nghị sĩ Ấn Độ vùng Ladakh, xin giấu tên, đã tiết lộ : « Khoảng 1.000 binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng lãnh thổ thuộc Ấn Độ vào hôm qua ». Nhân vật này xác nhận thêm : « Chính phủ đã gửi quân tiếp viện » đến khu vực.
    Ấn Độ và Trung Quốc bất đồng với nhau về việc phân định ranh giới tại hai nơi : một khu vực ở Ladakh, miền Bắc Ấn, và bang Arunachal Pradesh ở miền Đông Ấn bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tranh chấp chủ quyền bang Aruchanal Pradesh đã làm dấy lên một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1962, với thắng lợi nghiêng về phía Trung Quốc.
    Theo hãng tin Pháp AFP, như vậy là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đã đẩy lùi hồ sơ tăng cường hợp tác kinh tế song phương xuống hàng thứ yếu, cho dù đây là mục tiêu chính nhân chuyến công du Ấn Độ của ông Tập Cận Bình.
    Khi trải thảm đỏ đón tiếp một Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên từ năm 2006 đến nay, New Delhi mong muốn thu hút đầu tư của Bắc Kinh để cải thiện cơ sở hạ tầng mà Ấn Độ rất cần để giúp hàng trăm triệu người dân của mình thoát cảnh đói nghèo.
    Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với nước láng giềng khổng lồ ở phía tây của mình. Phát biểu tại New Delhi vào hôm nay nhân buổi lễ nghênh tiếp chính thức, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến lợi ích của việc tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia bao gồm tổng cộng khoảng 2,5 tỷ dân.

    Không có nhận xét nào: