Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

VN dọn nhầm sư tử đá Iran hay Ấn Độ?

Tin từ Việt Nam cho hay đang có một phong trào dọn ‘Sử tử đá Trung Quốc’ khỏi nhiều đền chùa.
Cọ rửa cho sư tử đá ở Mumbai, Ấn Độ
Thực ra, đây không phải là vấn đề mới vì từ cả năm trước, vào tháng 8/2013, trang web Đài Tiếng nói Việt Nam (BấmVOV) đã nêu chuyện ‘Loạn’ sư tử đá ở đền chùa, doanh nghiệp.

Là quốc gia độc lập, gồm cả độc lập về văn hóa, hiển nhiên Việt Nam có quyền dọn đi những gì không phù hợp với văn hóa nước này.
Nhưng nay, sau một đợt thanh tra của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, nhiều đình chùa ở Việt Nam đã dọn những đôi sư tử đá theo mẫu Trung Quốc bị xếp hạng 'linh vật ngoại lai'.Bấm

Quá ghét sư tử đá?

Nhưng câu hỏi là chuyện bê đi mấy con sư tử đá mà hiện ở Trung Quốc cũng đang là mốt có giải quyết được những vấn đề quan trọng hơn ở Việt Nam?
Trước hết là về nguồn gốc của sư tử trấn ngự trước các đền chùa.
Trong đợt hô hào ‘thoát Trung’ hiện nay, phong trào dọn sư tử đá Trung Quốc được một phần không nhỏ dư luận trên báo chí Việt Nam ủng hộ mà ít người để ý rằng sư tử đá ở Trung Quốc cũng có nguồn gốc ngoại lai.
Tiếng Anh gọi là ‘guardian lion’, chúng được cho là cùng dòng văn hóa từ Ấn Độ hoặc Tây Á vào Trung Quốc thời Hán.
Có nguồn nghiên cứu còn cho rằng chữ ‘Sư’ (Shi trong Hán tự) có gốc từ tiếng Ba Tư ‘Shiar’ chỉ sư tử.
Có thể từ đó, sư tử được Phật giáo nhận làm một biể̀u tượng rồi truyền vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
"Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ vào Trung Quốc, tới bán đảo Triều Tiên, rồi qua biển tới Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6. Cùng các tượng Phật và tượng đôi sư tử trấn giữ tượng. "
Bảo tàng Kyoto
Trang web của Bảo tàng Quốc gia Kyoto viết:
“Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó dọc theo Con đường Tơ lụa vào Trung Quốc, tới bán đảo Triều Tiên, rồi qua biển tới Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6. Vào lúc đó, tôn giáo này đã đem vào Nhật Bản những tác phẩm điêu khắc kiểu Phật giáo. Cùng các tượng Phật và tượng đôi sư tử trấn giữ tượng. Từ đây bắt đầu truyền thống hai sư tử đứng trước tượng Phật ở Nhật Bản.”
Vào trang Bấmweb này của bảo tàng Kyoto bạn sẽ thấy hình hai con sư tử bằng đồng rất đẹp, không phải loại trắng phớ như thứ ở Việt Nam làm đại trà ngày nay.
Ở Việt Nam cũng vậy, báo chí nước này đã viết rằng trong Phật giáo, sư tử biểu tượng cho sức mạnh, oai linh nhưng tuân phục, trợ giúp cho Phật pháp như tượng Hộ pháp cưỡi sư tử ở chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội).
Trong thế giới cổ đại, hiển nhiên không phải chỉ có người Iran hay Ấn Độ thần thoại hóa con sư tử.
Người Tây Tạng thờ 'sư tử tuyết' (snow lion), và Hoàng gia Anh ngày nay vẫn dùng huy hiệu sư tử đội vương miện.
Con thú này cũng là biểu tượng các đội rugby của Anh và Ireland.
Văn hóa luôn là dòng chảy có giao lưu nên nhấn mạnh vào một góc, một đoạn sẽ dễ bị sai.
Có người tin rằng con nghê và lân của vùng Đông Á đã hình thành qua sự vay mượn từ hình tượng sư tử có cánh (Shedu – winged lion) trong thần thoại Iran.
Vì thế không nên gán ghép cho Trung Quốc là nguồn căn của nhiều thứ rồi có thái độ bài xích mà không hiểu thực sự mình ghét cái gì.
Qua hàng nghìn năm, lục địa Trung Hoa là điểm đến, điểm giao lưu của rất nhiều dòng văn hóa, từ Tây Á, Trung Á tới, từ Đông Nam Á hải đảo đi lên.
Con sư tử đá cũng được 'chính trị hóa' từ thời phong kiến Trung Hoa và những cặp sư tử to được đặt ngay ở Thiên An Môn, ngày nay nằm dưới ảnh ông Mao.
Và cũng như thế, chuyện thờ ảnh Mao ở Trung Quốc thời nay cũng là di sản của một thời ‘sùng bái lãnh tụ’ có nguồn gốc Liên Xô.
Người Trung Quốc ngày nay còn ‘thị trường hóa’ bằng cách bán huy hiệu ông Mao khắp mọi nơi.
Mao tuyển cũng được in lại bán ngoài chợ cho du khách, khiến nhiều người Phương Tây không hiểu đây là sự sùng bái, là trò đùa hay là chuyện thuần tuý kiếm tiền.
Vậy người Việt Nam 'bứng' sư tử đá đi nhưng có dám 'thanh lọc' luôn cả chủ nghĩa Mao không, hay chỉ làm một góc vì cảm hứng nhất thời?
Ngược lại, sự du nhập nào cũng cần được địa phương hóa nếu không sẽ tạo cảm giác lố lăng.
Bạn thử hình dung nếu vì thích Anh hay Mỹ mà một ngày đẹp trời người Việt Nam bê tượng David Beckham hay ông già MacDonald cho vào mọi sân chơi thể thao hoặc quán ăn thì chúng sẽ lố bịch đến mức nào.

Sạch đầu óc, sạch môi trường

"Sư tử được coi là một loại thú lành, có thể giải trừ được nhiều loại hình sát trước nhà, đồng thời còn có tác dụng tăng thêm uy phong của cơ quan."
Bỏ sư tử đá đi là việc đúng nhưng có lẽ không cần thiết phải nhấn mạnh đến 'nguồn gốc 'Trung Quốc' của chúng.
Điều quan trọng là cần theo nguyên tắc chung của ngành bảo tồn di tích trên thế giới: không vì nổi hứng mà ta tự thêm vào cấu trúc, trang trí mới làm hỏng đi cảnh quan của nguyên bản.
Cùng lắm, như tại nhiều di tích, phế tích La Mã còn sót lại ở Anh, Hội bảo tồn (National Trust) cho dựng một căn nhà bên cạnh, có hình vẽ, thậm chí hình ba chiều trên máy tính để người xem thưởng thức.
Phần thực địa có khi chỉ còn là một cái hố đất có vài tấm gốm mosaic, mấy viên gạch, luôn được giữ nguyên, không thêm bớt.
Không chỉ đặt sư tử đá mới toanh hay đặt tượng voi, ngựa, tượng người thời nay vào đền chùa mà mọi sự áp đặt ‘mô-đéc’, kể cả dán và treo quá nhiều cờ quạt, biểu ngữ không thuộc thời đại của di tích cũng gây phản cảm như vậy.
Ngoài ra, sư tử đá cũng không tự nhiên hiện ra ở Việt Nam.
Chúng sinh ra từ nhu cầu tâm linh, mê tín, tín ngưỡng dân gian, tin vào phong thủy, cầu tài lộc, ham cúng bái mà từ dân chúng đến không ít quan chức, lãnh đạo Việt Nam đều đang say mê.
Các bạn thử gõ ‘Sư tử đá’ vào Google sẽ thấy hàng trăm trang quảng cáo.
Nào là ‘nhận thi công thiết kế lắp đặt các mẫu sư tử đá đẹp trên toàn quốc’, hay là mô tả đặc điểm phong thủy cho cả nhà riêng và cơ quan nhà nước.
Có trang viết:
Thủ tướng Anh cùng đội tuyển rugby và chú sư tử bông
"Sư tử được coi là một loại thú lành, có thể giải trừ được nhiều loại hình sát trước nhà, đồng thời còn có tác dụng tăng thêm uy phong của cơ quan."
Hay là:
"Sư tử đá biểu trưng cho sự uy nghiêm, hóa giải tà khí và thu hút tài lộc, trấn phong thủy trước cổng nhà, cửa công ty."
Sư tử đá thực ra chỉ là cục đá, chẳng có lỗi gì và cũng chỉ có uy phong vì người ta tin là thế.
Chừng nào người ta vẫn cứ tin vào những điều như vậy thì có dẹp sư tử đá đi sẽ có các con khác dần dần quay lại chiếm lĩnh cảnh quan và đầu óc người Việt Nam.

Không có nhận xét nào: