Pages

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Quá khổ sở vì bụi đường, dân dựng bảng phản đối

Công trình Quốc lộ 13 đoạn đi qua tỉnh Bình Phước đã được thi công từ hồi 11/2010. Theo như kế hoạch, công trình này sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2013. Vậy nhưng, cho đến đầu năm 2015, đoạn đường này vẫn còn là một đống bầy hầy với những ổ gà, mấp mô.
Cali Today News - Ngày mưa thì người dân phải chịu cảnh nhầy nhụa, ngày nắng thì bụi bặm bay đầy vào nhà, vào mâm cơm. Hầu như tất cả hàng quán kinh doanh ở đây đều không làm ăn gì được. Người dân phải đóng cửa suốt cả ngày đêm để tránh bụi. Việc chịu đựng của họ đã kéo dài cả mấy năm nay nhưng trong khoảng thời gian ấy chính quyền lại chẳng hề quan tâm. Quá bất bình, rất nhiều người dân đã giăng bảng phản đối và tuyên bố sẽ chặn đường Quốc lộ 13 để tránh bụi bặm. Trước việc làm căng của người dân, lúc này chính quyền mới ngó mắt đến.
 
“Con đường đau khổ” đầy những bụi mù mà người dân phải chịu cả mấy năm nay. Ảnh: PLO
 
Theo quan sát của phóng viên tờ Nhân Dân cho biết, nhiều căn nhà ven Quốc lộ 13 đều được phủ “bằng một lớp bụi xám xịt”. Chẳng những vậy, ngay cả mái ngói màu đỏ cũng “biến thành màu xám”. Không chỉ riêng nhà cửa mà cây cối cũng chịu chung số phận. “Màu xanh lá cây cũng nhuốm mày bàng bạc của bụi đường. Đó là hậu quả của các nhà thầu thi công Quốc lộ 13 cày xới mặt đường lên, trải một lớp đá dày khoảng 10cm, rồi cứ để đấy hơn 4 năm qua”.
 
“Người dân nơi đây gọi con đường Quốc lộ 13 này là ‘con đường đau khổ’. Đi trên con đường dở dang này, chúng tôi tận mắt chứng kiến việc buôn bán, nhất là các quán cà-phê, ăn uống dọc hai bên đường đều tự nguyện đóng cửa, vì bụi”- theo tờ báo Nhân Dân.
 
“Nghe người dân xót xa khi nhiều trẻ em bị mắc bệnh về đường hô hấp và tai nạn giao thông liên tục xảy ra”- tờ Nhân Dân cho biết thêm.
Chịu hết nỗi bụi bặm, người dân giăng băng-rôn dọa sẽ chặn đường Quốc lộ 13. Ảnh: Tuổi Trẻ.
 
Không thể nào chịu đựng thêm được nữa, vào ngày 12/1/2015, hàng chục hộ dân sống ven Quốc lộ 13 kéo ra đường để phản đối. Theo tờ Pháp Luật online cho biết, người dân dùng “bao tải đấy, cay cản, hình nộm, biển báo, gỗ dựng trên Quốc lộ 13 ngăn xe cộ chạy làm tung bụi mịt mù”. Bằng từng ấy chưa đủ, “người dân viết các dòng chữ kêu cứu trên tấm bảng cắm ngay giữa đường, căng băng rôn cảnh báo”.
 
Một nạn nhân của công trình thi công bầy hầy cho biết trên bào Pháp Luật online rằng: “Từ cuối năm 2009 đến nay, mỗi ngày đêm hàng ngàn lượt xe ô tô chở đất, đá, xi măng đi ngang Quốc lộ 13 khiến bụi bay kín mọi ngóc ngách nhà dân. Hai đứa con nhà tôi còn nhỏ mà cứ bị viêm mũi, ho suốt, đi bệnh viện về vài hôm lại bị sổ mũi. Đến mùa mưa thì sình lầy chịu không thấu, không lẽ giờ bán nhà đi nơi khác sinh sống”.
 
Trong khi đó, bà Phạm thị Hường (53 tuổi) nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ rằng, nhà bà hầu như không có chỗ nào không bị bám bụi, phải đóng cửa suốt ngày lẫn đêm.
 
“Chưa ăn xong bữa cơm bụi đã bám đầy mâm rồi”- Bà Hường cho biết.
Trong khó khăn người dân vẫn không quên cảm 
 
Khi phóng viên báo Tuổi Trẻ trao đổi với ông Hồ Văn Hữu-Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước, được biết dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đã làm từ hơn 4 năm nay theo hình thức BOT (Built-Operation-Transfer: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao) nhưng do “năng lực của nhà đầu tư kém” thành ra đến nay công trình vẫn còn ngổn ngang mà chẳng biết đến khi nào mới hoàn thành được. “Năng lực nhà đầu tư kém” mà ông Hữu nói đến chính là chủ đầu tư không có vốn để tiếp tục làm đường, đành phải để đó cho người dân chịu trận.
 
Trước tình hình căng thẳng có thể người dân sẽ chặn Quốc lộ 13 để tránh bụi. Quốc lộ 13 là đoạn huyết mạch nối một số tỉnh Tây Nguyên, như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước với Sài Gòn. Nếu đoạn đường này bị chặn thì hàng hóa, vận chuyển sẽ không được lưu thông. Ngày 13/1/2015, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã họp khẩn về dự án Quốc lộ 13.
 
Trong cuộc họp khẩn với các sở ngàng, chủ đầu tư và đơn vị thi công…lãnh đạo tỉnh Bình Phước trước mắt đề nghị chủ đầu tư phải “tưới nước, thi công nhanh, bảo đảm an toàn để không còn bụi”. Đó là biện pháp trước mắt, còn về sau là phải làm sao thi công con đường hoàn thành trước Tết để người dân đi lại.
 
Chẳng biết những quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Phước đến đâu, nhưng “tức nước vỡ bờ”, người dân một khi đã chịu hết nỗi thì họ có thể gây ra những hậu quả khôn lường mà lãnh đạo tỉnh sẽ phải gánh lấy trách nhiệm.
 
Người Quan Sát

Không có nhận xét nào: