Lần đầu tiên cất cánh hồi đầu thập niên 1950, chiếc phi cơ là hình ảnh thu nhỏ của sức mạnh quân sự Xô-viết. Ngay cả tên hiệu - Bear (có nghĩa là "Gấu") - cũng thể hiện kích cỡ to lớn và sức mạnh ghê gớm của nó.
Tupolev Tu-95 lần đầu tiên xuất hiện trước các quan sát viên phương Tây hồi 1956, lúc đang có cuộc cách mạng trong ngành thiết kế hàng không. Một thập niên sau khi kết thúc Đại chiến Thế giới thứ hai cũng là lúc công nghệ máy bay phản lực đang lên. Thế nhưng khi đó, Gấu dùng các động cơ cánh quạt.
Bền bỉ, đáng tin cậy
Không mấy ai tin rằng nó vẫn còn được sử dụng ở tuyến đầu gần 60 năm về sau, trong các vai trò là chiến đấu cơ ném bom chiến lược, là phi cơ tuần tra trên biển, và là máy bay do thám.
Hồi trung tuần tháng Hai 2015, Bear đã xuất hiện trên nhiều trang báo ở Anh sau việc có hai chiếc thuộc loại này đã bị các chiến đấu cơ của Không lực Hoàng gia Anh (RAF) lên kèm chặt, đưa ra xa ngoài khơi Anh quốc.
Đó là cách tuần tra thường lệ của Gấu trong thời đối đầu đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, và nước Nga gần đây bắt đầu áp dụng trở lại.
Nhưng vì sao Không lực Nga vẫn tiếp tục dựa vào cỗ máy này, gần 60 năm sau lần đầu ra mắt, chứ không phải là các dòng phi cơ mới hơn, hiện đại hơn?
Mục tiêu ban đầu: Nga muốn có phi cơ ném bom hạt nhân tầm xa
Gấu tiếp tục tồn tại, tiếp tục được sử dụng một phần là nhờ tầm nhìn xa trông rộng của cha đẻ.
Andrei Tupolev, nhà thiết kế máy bay hàng đầu của Liên Xô cũ, là một kỹ sư tài năng. Ông từng bị tù trong cuộc thanh trừng của Josef Stalin thời thập niên 1930 do các cáo buộc vô căn cứ.
Tupolev đã góp phần chế tạo ra chiếc phi cơ đầu tiên có khả năng mang bom hạt nhân của Liên Xô, chiếc Tu-4 'Bull' (tức 'Bò').
Đây là chiếc phi cơ phỏng theo kỹ thuật của chiếc Boeing B-29 Superfortress (pháo đài bay B-29) từng thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
Trong chiến dịch ném bom của Mỹ xuống Nhật Bản trước khi kết thúc cuộc chiến, có một số chiếc phi cơ tân tiến này đã lao xuống lãnh thổ Liên Xô.
Với Tu-4, Không quân Liên Xô có trong tay chiếc máy bay ném bom hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, nó chỉ di chuyển được trong phạm vi quá ngắn, không đủ để bay từ các căn cứ Liên Xô tới Mỹ.
Do đó, năm 1952, Tupolev và đối thủ cạnh tranh, kỹ sư Myasishchev được yêu cầu phải thiết kế ra loại phi cơ ném bom có công suất vận tải 11 tấn bom và phải bay xa được 8.000km, đủ để từ căn cứ của Nga bay vào chính giữa nước Mỹ.
'Lời giải thông minh cho bài toán khó'
Ông Myasishchev chọn thiết kế một chiếc máy bay phản lực bốn động cơ, M-4 'Bison', áp dụng tối đa khả năng kỹ thuật hiện đại nhất của Liên Xô khi đó.
Về phần mình, ông Tupolev quyết định dùng cả các kỹ thuật thử nghiệm lẫn những gì đã chứng tỏ được là đáng tin cậy, và thiết kế ra máy bay cánh quạt nhưng lại dựa trên thế hệ máy bay phản lực đầu tiên. Quả là một lựa chọn xuất sắc!
"Thiết kế truyền thống đã được phát triển thành một loại phi cơ ném bom tầm xa," Douglas Barrie, phân tích gia hàng không thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nói, "và được coi là cách tiếp cận ít rủi ro hơn so với mẫu M-4 Bison của Myasishchev."
Tu-95 là một chiếc phi cơ khổng lồ. Nó dài 46 mét nếu đo từ đầu tới đuôi, và có sải cánh 50 mét. Ở trạng thái không tải, nó nặng 90 tấn.
Gấu có bốn động cơ cực lớn, cấp lực cho tám bộ cánh quạt phản lực với mỗi bộ cánh có chiều dài tới 18 feet (khoảng năm mét rưỡi), đủ để đẩy chiếc phi cơ đạt vận tốc tối đa trên 800km/h, tức là nhanh gần bằng các loại phi cơ hiện đại.
Ông Tupolev đã đúng khi nhận định rằng kỹ thuật máy bay phản lực thời đầu sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, tức là vừa phải chở được trọng lượng lớn, vừa phải bay được tầm xa một cách nhanh chóng; thiết kế của Myasishchev đã hoàn toàn thất bại.
Khác với hầu hết các phi cơ dùng công nghệ cánh quạt, các cánh máy bay Tu-95 được thiết kế quét chéo xuống 35 độ, rất giống với các chiến đấu cơ phản lực đời đầu. Thiết kế này giúp giảm bớt lực cản và đạt được vận tốc cao.
'Cỗ máy ồn ào'
Mỗi động cơ cực mạnh truyền lực cho một cặp hai bộ cánh quạt quay ngược chiều nhau theo tốc độ cực lớn, giúp phi cơ hoạt động hiệu quả hơn nhưng cũng tạo ra những âm thanh đinh tai nhức óc hơn nhiều.
Tu-95 được coi là chiếc máy bay ồn ào nhất hiện vẫn đang được sử dụng; người ta thậm chí còn nói rằng các tàu ngầm của Hoa Kỳ khi đang ở dưới nước cũng bắt được âm thanh thông qua các vòm sonar (tức thiết bị phát hiện tàu ngầm) khi có chiếc Tu-95 bay phía trên.
Các phi công lái chiến đấu cơ của phương Tây, những người đã kèm sát các 'Gấu' Nga ở vùng không phận quốc tế thì nói rằng họ nghe thấy tiếng động cơ đối phương át cả tiếng động cơ máy bay mình.
Khả năng thích nghi cao
Chức năng ban đầu của Gấu là nhằm thả bom hạt nhân rơi tự do xuống lãnh thổ kẻ thù, thế nhưng chức năng này đã không được phát huy bởi sự phát triển của công nghệ hỏa tiễn định vị. Tuy nhiên, thiết kế thông minh khiến Gấu liên tục thích nghi được với những vai trò mới vào những thời điểm cần thiết.
Các phi cơ Tu-95 theo dõi trên biển đã phủ bóng lên các con tàu của Nato trên khắp thế giới trong thời Chiến tranh Lạnh, thậm chí có một số Gấu còn đáp xuống Cuba, hay từ các căn cứ đặt tại Vòng Bắc Cực bay dọc xuống vùng duyên hải của Mỹ.
Các phi đội ném bom đã biến những chiếc phi cơ Tu-95 của mình thành máy bay chở hỏa tiễn tuần du tầm xa - việc Bear có thể chở được khối lượng nặng khiến nó rất thích hợp cho vai trò này.
Một phiên bản được cải tiến nhiều của Gấu, chiếc Tu-126 'Moss' đã trở thành chiến đấu cơ đầu tiên của Liên Xô có khả năng cảnh báo sớm khi đang bay - một máy quét radar khổng lồ di chuyển trên không và báo cho hệ thống phòng thủ biết về sự xuất hiện của phi cơ đối phương.
Thậm chí Gấu còn được cải tiến thành phiên bản phi cơ dân dụng, là loại máy bay cánh quạt hiện vẫn giữ kỷ lục thế giới về tốc độ bay - 870 km/h, được xác lập từ 1960.
Cuộc ném bom bất thành
Trong một phiên bản cải tiến triệt để, Gấu đã thả trái bom có sức công phá mạnh nhất con người từng chế tạo, bom hạt nhân 'Tsar Bomba', trong cuộc thử nghiệm mà Liên Xô thực hiện hồi 1961.
Một phi đội bay được lựa chọn cẩn trọng đã thả đầu đạn có sức công phá 50 megaton xuống đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực; trái bom được hãm bớt tốc độ rơi nhờ một chiếc dù để chiếc phi cơ có thể bay thoát tới một khoảng cách an toàn trước khi bom nổ.
Tuy nhiên, sức nổ của trái bom, tương đương gấp 10 lần toàn bộ chất nổ được dùng trong Đại chiến Thế giới II, khiến chiếc phi cơ bị rớt khi đang ở độ cao trên 1 km, tuy đã bay xa được gần 45 km vào thời điểm bom được kích hoạt.
Tham vọng hạt nhân
Liên Xô thậm chí còn thử ý tưởng trang bị năng lượng hạt nhân cho Gấu.
Một chiếc phi cơ được cải tiến ráo riết, Tu-95LAL, đã được lắp một lò phản ứng hạt nhân nhỏ có hoạt động trong một cuộc bay thử.
Chiếc phi cơ này đã thực hiện trên 40 chuyến bay, tuy trong hầu hết các lần cất cánh thì lò phản ứng hạt nhân đều được tắt đi.
Điều khiến người ta quan tâm chính là việc liệu chiếc phi cơ có thể cất cánh với trọng lượng tăng thêm hay không, khi mà cần phải gắn thêm cả những tấm chắn nhằm bảo vệ phi hành đoàn khỏi bị ảnh hưởng phóng xạ.
Công cuộc sản xuất máy bay ném bom hạt nhân cuối cùng được gác lại vào thời thập niên 1960, nhưng các chuyến bay đã chứng tỏ về mặt kỹ thuật là khả thi.
Trong số hơn 500 Gấu được sản xuất kể từ thập niên 1950 tới nay, có ít nhất 55 chiếc vẫn còn đang phục vụ trong Không lực Nga, và nhiều chiếc khác đã được cải tiến để theo dõi trên biển thì vẫn được hải quân Nga và hải quân Ấn Độ sử dụng.
Cũng giống như B-52 của Không lực Hoa Kỳ, Gấu đã chứng tỏ khó có loại chiến đấu cơ nào khác có thể qua mặt được nó. Tiếp tục được nâng cấp, tiếp tục được thay thế phụ tùng, thiết bị, và gã khổng lồ có từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh này sẽ còn tiếp tục tung cánh trên bầu trời, ít nhất là cho tới năm 2040.
Andrei Tupolev hẳn phải rất tự hào về đứa con của mình.
Bản gốc tiếng Anh bài viết này đã được đăng trên BBC Future.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét