Pages

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Biển Đông sẽ lại khuấy động hợp tác Việt-Trung

mediaTàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam hôm 3/5/2015.REUTERS/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters
Trong hai ngày, kể từ ngày mai, 17/06/2015, hai phái đoàn cấp cao Việt Nam và Trung Quốc sẽ lại gặp nhau tại Bắc Kinh trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 8 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Trung-Việt. Đại diện Việt Nam sẽ là Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, trong lúc trưởng đoàn Trung Quốc sẽ là Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Như thông lệ từ hai năm nay, hồ sơ nổi cộm vẫn là căng thẳng giữa hai nước trên vấn đề Biển Đông.







Hội nghị hợp tác Việt-Trung mở ra lần này trong bối cảnh có thể nói là Trung Quốc đang gồng mình chống lại những lời chỉ trích của cả khu vực lẫn quốc tế sau những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa đang tranh chấp với các láng giềng, bị cho là nhằm thay đổi hiện trạng, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực Biển Đông.
Dù Trung Quốc ra sức biện bạch, đồng thời lên tiếng cứng rắn, nhưng những phản ứng bất đồng tình đến từ nhóm G7 của khối nước công nghiệp hàng đầu trên Thế giới, của Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ, Nhật hay Úc cho thấy là Bắc Kinh bị cô lập trên vấn đề Biển Đông. Ở trong khu vực Đông Nam Á, ngay cả một nước như Malaysia, xưa nay rất dè dặt kín đáo, cũng đã lên tiếng phản đối Trung Quốc thâm nhập vùng mà Kuala Lumpur cho là thuộc chủ quyền Malaysia.
Các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang thực hiện tại Trường Sa, nhất là thông tin về việc Bắc Kinh đã đưa vũ khí lên đảo mà họ mới bồi đắp, đặt lính Việt Nam đồn trú ở một đảo lân cận trong tầm ngắm, chắc chắn sẽ nổi cộm trong chương trình nghị sự của hai bên, cùng với chuyến du lịch Trường Sa mở ra cho công chúng vào ngày 22/06 tới đây, được Việt Nam loan báo trong những ngày qua.
Hồ sơ Hoàng Sa cũng là một vấn đề nóng, với một loạt vụ tàu công vụ Trung Quốc bị tố cáo là bao vây, và tấn công và cướp phá tàu cá Việt Nam hoạt động trong khu vực, vừa được báo chí Việt Nam nhất loạt tố cáo trong những ngày gần đây.
Điểm đáng chú ý là các vụ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc sách nhiễu ở vùng Hoàng Sa là chuyện rất thường xẩy ra, nhưng lần này đã được báo chí Việt Nam tập trung đưa tin rộng rãi.
Đối với chuyên gia phân tích Shannon Tiezzi trên tờ báo mạng Nhật Bản The Diplomat vào hôm nay, phải gắn liền việc báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về các hành vi của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa với cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt-Trung mở ra ngày mai.
Quan điểm của Việt Nam là muốn Trung Quốc công nhận rằng giữa hai nước, thực sự có vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, điều mà Bắc Kinh cho đến nay luôn luôn bác bỏ. Từ năm 1974 đến nay, Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa sau khi đánh bật lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ trên đó.
Nhìn chung, hồ sơ tranh chấp Biển Đông có khả năng đẩy các vấn đề hợp tác khác giữa Việt Nam và Trung Quốc xuống hàng thứ yếu, tương tự như hai lần gần đây nhất.
Vào tháng 06/2014, đang lúc căng thẳng do việc Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, chính ông Dương Khiết Trì đã đến Hà Nội để đồng chủ trì Họi nghị về hợp tác. Do thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, cuộc họp được đánh giá là không suôn sẻ lắm.
Sau đó hai tháng, và sau khi Trung Quốc cho rút giàn khoan đi, người nắm ngành ngoại giao của Trung Quốc lại quay lại Hà Nội lần thứ hai. Lần này, quan hệ đã trở thành hòa hoãn hơn, và cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều cam kết là nỗ lực giải quyết các bất đồng trên biển.
Thực tế ngoài Biển Đông cho thấy là bất đồng Việt -Trung còn lâu mới được giải quyết.

Không có nhận xét nào: