Ngày 26/6 tới đây là vừa tròn mười năm kể từ ngày một bé gái 5 tuổi bị hiếp rồi giết ở cánh đồng đồi Sắn thuộc thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Mười năm với 04 bản án tuyên phạt tử hình và 02 quyết định giám đốc thẩm hủy án, tới giờ vụ án lại được yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Kết quả cuối cùng cũng chưa biết sẽ ra sao, nhưng qua vụ án này chúng ta thấy được nhiều điều.
Cơ quan nào điều tra lại?
Quốc hội đang họp và một trong những chủ đề giám sát luận bàn trong kỳ họp lần này là tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự. Một số vụ án nghiêm trọng có kêu oan được chọn ra để mổ xẻ đánh giá phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.
Qua đó chúng ta hy vọng những khiếm khuyết bất cập của quy định pháp luật về tố tụng hình sự sẽ được sửa đổi hòng giảm tránh những oan sai về sau.
Không chỉ thế chúng ta đặt niềm tin và hy vọng những vụ án hiện đang kêu oan có cơ hội được minh bạch rõ ràng hòng làm rõ đúng sai liệu có oan hay không.
Tuy vậy nhìn từ cái cách người ta đang xử lý vụ án Hàn Đức Long chúng ta có lý do để nghi ngại và dè dặt với niềm tin và niềm hy vọng.
Hiện việc điều tra lại vụ án được giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang thực hiện.
Hôm 29/5 vừa rồi, khi làm việc với điều tra viên cùng có luật sư bào chữa, bị can Hàn Đức Long đã đề nghị thay đổi và không để cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành điều tra lại.
Lý do là cơ quan này đã tiến hành điều tra ban đầu khi vụ án xảy ra năm 2005, rồi đến năm 2009 khi các bản án được hủy và yêu cầu điều tra lại thì cơ quan này cũng đã tiến hành điều tra lại.
Tới nay các bản án lại bị hủy một lần nữa. Tức là những kết quả sản phẩm điều tra của cơ quan này vẫn bị đánh giá là không đủ rõ ràng và không thể kết án, thì nay lại giao cho họ quyền điều tra lại thì có hợp lý không?
Việc không làm sáng tỏ được vụ án có thể do trình độ năng lực hạn chế, như thế sẽ là phi lý nếu nay lại đặt hy vọng vào cái cơ quan đã nhiều lần chứng tỏ sự bất lực.
Thấy gì qua việc giao trách nhiệm điều tra?
Mặc dù vậy, nếu thực sự vì nguyên do năng lực thì thôi cũng đành chấp nhận cảm thông.
Nhưng nghiêm trọng là bấy lâu nay bị can kêu oan và đã tố cáo điều tra viên đánh đập nhục hình buộc phải nhận tội.
Nếu kết quả điều tra cho thấy bị can bị oan thì đương nhiên điều tra viên và cơ quan điều tra sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Tức là việc bị can được minh oan là mối nguy cho cơ quan điều tra.
Vậy nay để cho họ tiến hành điều tra lại có hợp lý không?
Liệu có xảy ra tình trạng do đứng trước mối nguy bị xử lý trách nhiệm người ta sẽ tìm cách buộc tội cho đến cùng không?
Những câu hỏi này không khó để trả lời đối với những người có nhận thức bình thường.
Vậy tại sao cái điều phi lý dễ nhận thấy đó lại cứ xảy ra?
Cái sự bất hợp lý thấy rõ trong việc giao quyền tiến hành điều tra lại cho ta dự liệu thấy có công lý hay không ở kết quả cuối cùng.
Một khi cách làm đã không hợp lý thì kết quả sẽ chẳng có công lý.
Qua việc xử lý giải quyết vụ kêu oan Hàn Đức Long, cho ta thấy mức độ cầu thị nghiêm túc đến đâu của các cơ quan tư pháp trung ương trong vấn đề án oan.
Có cái gì như việc làm có tính chất đối phó hoặc mối bận tâm trăn trở giả dối hời hợt của các cơ quan này.
Bởi vì nếu thực sự sốt ruột quyết liệt trước tình trạng oan sai thì người ta đã xử lý khác trong việc giao quyền điều tra lại.
Có vẻ như vụ án kêu oan Hàn Đức Long được sử dụng như một nguyên liệu phục vụ cho chương trình nghị sự của nghị trường chính trị, rồi qua chương trình này thì người ta sẽ bỏ mặc nó mà thôi.
Những diễn tiến tiếp theo trong cái cách người ta xử lý thấu đáo hay không vụ án này sẽ cho thấy sự thành tâm chính trị của nhiều ban ngành trong vấn đề cải cách tư pháp và xử lý tình trạng án oan sai ở Việt Nam.
Thấy gì qua kiểu cách kết án của tòa?
Nội dụng vụ án Hàn Đức Long cùng một số tài liệu tố tụng đã được đánh máy đã đăng trên 2 website www.ngongoctrai.com và www.luatconghinh.vn những ai muốn tìm hiểu sâu vụ án thì xin mời vào xem.
Vào một chiều hè ngày 26/6/2005 bố mẹ đi làm đồng về không thấy con gái đâu mới nháo nhác đi tìm. Mới trước đó khoảng một giờ người vợ còn về nhà và cháu bé vẫn còn ở đó.
Họ đã mất đứa con chỉ trong quãng thời gian một tiếng đồng hồ, cháu bé mới 5 tuổi và không ai nhìn thấy thủ phạm. Sáng hôm sau người ta phát hiện xác cháu ở mương nước ngoài cánh đồng.
Khám xét hiện trường cơ quan điều tra thu giữ được một số dấu vết nhưng đưa đi giám định thì không cho ra kết quả.
Như thế vụ án vừa không có nhân chứng cả không có vật chứng, khi đó theo lẽ thường thì chẳng thể kết tội ai.
Khoảng bốn tháng sau có hai mẹ con bà cụ người địa phương cùng tố cáo một người là Hàn Đức Long hiếp dâm mình. Cơ quan điều tra bắt giam Long và Long nhận tội, ngoài ra Long còn thú nhận thêm chính mình là hung thủ vụ giết hại cháu bé 5 tuổi.
Tài liệu hồ sơ vụ án cho thấy bị can nhận tội nhưng khi ra tòa bị cáo lại chối tội và cho rằng bị đánh đập nhục hình buộc phải nhận tội.
Tòa án không tin lời khai chối tội tại phiên tòa mà tin vào bản khai nhận tội trong hồ sơ điều tra.
Họ cho rằng lời khai nhận tội mô tả diễn biến hành vi phạm tội phù hợp với các dấu vết ở hiện trường, nên cho rằng bị can đúng là hung thủ.
Trong khi bị can nêu ra vấn đề bị đánh đập nhục hình thì tòa án hỏi thế chứng cứ đâu?
Và vì không đưa ra được chứng cứ cho nên tòa cho rằng việc tố cáo đánh đập nhục hình là không có căn cứ nên không chấp nhận.
Tất cả những điều đó cho thấy ẩn dấu đâu đó lối làm việc trí trá ngoắt nghéo của mấy cơ quan tòa án trong vụ án này.
Vì lẽ, cái vấn đề tối quan trọng liên quan đến việc định đoạt mạng sống con người là xác định xem bị cáo có là hung thủ hay không, khi đó cần nghiêm khắc đòi hỏi phải có chứng cứ trực tiếp thì lại dễ dãi sử dụng lời khai để kết tội.
Còn vấn đề bức cung nhục hình ít nghiêm trọng, thừa biết là không có chứng cứ thì lại khắt khe rặt một điều một hai đòi hỏi phải có chứng cứ.
Cái lối làm việc kiểu đó tréo ngoe và đương nhiên kết quả nó không thể có công lý.
Cấp độ nhục hình mới?
Giống như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ Hàn Đức Long bị can cũng kêu oan và tố bị đánh đập nhục hình. Cả hai vụ cùng do một số đơn vị cá nhân thực hiện việc điều tra truy tố xét xử.
Thực tế thì việc đánh đập buộc phải khai báo cũng là điều thường thấy.
Nhưng điểm đặc biệt trong các vụ án này là bị can không chỉ phải khai ra bằng miệng mà còn phải viết ra bằng tay nội dung hành vi phạm tội.
Ép người ta nói miệng thừa nhận là một chuyện, nhưng buộc người ta phải viết ra bằng tay những điều mình không làm, điều này cho thấy mức độ cưỡng bức khuất phục cao hơn hẳn.
Cũng tức là mức độ tra tấn nhục hình đã ở tầng nấc cấp độ mới.
Người ta đã làm gì để bị can phải viết ra bằng tay những tội trạng mình không làm, mà cái tội trạng đó sẽ dẫn người ta đi đến cái chết? Điều đã xảy ra trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Chấn đã bị buộc phải cầm bút viết thư về cho vợ nói rằng mình đã phạm tội. Ông Chấn đã may mắn vì có bố là liệt sĩ nên được ân giảm mức án tử hình xuống chung thân.
Ông Long cũng khai rằng bị buộc viết thư về cho vợ và gia đình nạn nhân nói lời nhận tội xin tha lỗi.
Việc bắt viết thư về cho gia đình với nội dung nhận tội nhằm tạo dựng hồ sơ kết tội và kết liễu niềm tin hy vọng giữa những người thân thuộc với nhau.
Có cái gì như là tội ác trong biện pháp điều tra kiểu này.
Đây không phải là cách để chúng ta đi tới công lý.
Chẳng lẽ tình người và tính nhân bản không có trong hoạt động điều tra hay sao?
Chẳng lẽ nhằm mục đích tìm ra được thủ phạm, điều này cho phép người ta chà đạp lên mọi giá trị đạo lý hay sao?
Vụ ông Chấn xảy ra năm 2003, vụ ông Long xảy ra năm 2005 đều không có nhân chứng vật chứng mà chỉ dùng lời khai để kết tội. Giải quyết hai vụ án này đều do cùng một số đơn vị cá nhân thực hiện và có cùng mô típ xây dựng hồ sơ giống nhau.
Vì cùng những lãnh đạo đơn vị và cá nhân thực hiện cho nên đã có cùng phương hướng đường lối làm án.
Và với cùng những đơn vị ấy, cùng những con người ấy và cùng cái quy trình nghiệp vụ ấy thì nhiều khả năng họ không chỉ gây ra vụ án oan cho ông Chấn mà còn gây ra cả vụ án oan cho ông Hàn Đức Long.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư từ Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét