Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Chính quyền Trung Quốc sử dụng thuốc phá hủy thần kinh lên những người bất đồng quan điểm

Một bệnh nhân tâm thần nằm ở trên giường với tay và nhân bị buộc lại tại Bệnh viện Tâm thần huyện An Huyện tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 24/8/2008 (Ảnh: China Photos/Getty Images).
Một bệnh nhân tâm thần nằm ở trên giường với tay và nhân bị buộc lại tại Bệnh viện Tâm thần huyện An Huyện tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 24/8/2008 (Ảnh: China Photos/Getty Images).

Ngay sau khi chính quyền Trung Quốc tự khen mình có tiến bộ lớn về nhân quyền trong sách trắng 2014, nhiều báo cáo chi tiết về việc họ tiếp tục giam giữ tù nhân chính trị tại các cơ sở điều trị bệnh tâm thần đã xuất hiện.

Nhà hoạt động dân chủ cao tuổi Kiều Chung Linh đã bị di chuyển qua lại giữa ba bệnh viện tâm thần khác nhau ở Thượng Hải trong 5 năm qua, theo tin từ đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA) – một hãng truyền thông phi lợi nhuận, trích dẫn lời bác sĩ điều trị tâm thần trước đây của ông này là ông Mã Kim Thuần (Ma Jinchun).

Ông Kiều, 70 tuổi, đã bị dán mác “phản cách mạng” trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn Hóa diễn ra dữ dội (từ 1967 – 1977). Sau đó, ông này đã tham gia phong trào Bức tường Dân chủ và khởi tạo Diễn đàn Dân Chủ Thượng Hải năm 1978. Cuối cùng ông Kiều bị bắt, bị kết án 3 năm tù, và bị đặt dưới sự giám sát của công an ngay sau khi được thả.

Tạp chí Open (Open Magazine) trụ sở tại Hồng Kông nói rằng ông Kiều đã đến Hồng Kông năm 2001 để thỏa thuận về việc xuất bản một cuốn sách, và khi ông trở về Trung Quốc thì không ai nghe được tin gì về ông nữa, Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin.

Các nạn nhân thường bị nhân viên an ninh bắt giữ và bị cưỡng giam trong những “ankang” mà không có sự đồng thuận của họ hay của các thành viên trong gia đình.

Ông Kim Chung, tổng biên tập của Tạp chí Open, nói với RFA rằng những tuyên bố của ông Mã ăn khớp với những thông tin trong những ấn phẩm mà ông đã thu thập được từ trước tới nay về số phận của ông Kiều.

Ông Mã, người được giao nhiệm vụ điều trị cho ông Kiều tại bệnh viện tâm thần cuối cùng mà ông Kiều bị đưa tới, đã nhận ra rằng bệnh nhân này không bị bệnh tâm thần. Ông đã đưa vấn đề này lên quản lý bệnh viện, ông Kim nói.

“Họ đã cưỡng bức áp đặt việc điều trị bệnh tâm thần lên ông Kiều”, ông Kim nói với RFA. “Các loại thuốc đã ảnh hưởng lên não của ông Kiều. Chúng cũng có tác động xấu lên động mạch vành của ông này”.

Nhưng quản lý bệnh viên nói với ông Mã rằng họ không thể làm gì cho ông Kiều – ông ấy đã bị cảnh sát đưa đến kèm theo cảnh báo bệnh viện đừng nên “dính vào”.

Ông Mã đã quyết định vượt Vạn lý Hỏa thành (Great Firewall) – một hệ thống kiểm soát Internet của chính quyền Trung Quốc – để tìm thêm thông tin về ông Kiều. Ông Mã đã phát hiện ra nhiều trường hợp tương tự như của ông Kiều trong một số báo cáo của ông.

Sau đó, ông Mã “phát hiện ra rằng ông Kiều Chung Linh là nạn nhân của cuộc đàn áp”, ông Kim nói.

“Sức khỏe và bình an”

Các bệnh viện tâm thần ở Trung Quốc được gọi là “ankang”, có nghĩa là “sức khỏe và bình an” trong tiếng Trung. Nhưng các cơ sở y tế tai tiếng này lại chẳng hề mang đến chút sức khỏe và bình an nào cho những người bất đồng quan điểm và tù nhân lương tâm bị cưỡng chế nhốt ở trong đó. Họ là những nhà hoạt động dân chủ, những người khiếu kiện chính phủ, và các học viên Pháp Luân Công.

Các nạn nhân thường bị nhân viên an ninh bắt giữ và bị cưỡng giam trong những “ankang” mà không có sự đồng thuận của họ hoặc các thành viên trong gia đình – một hoạt động phi pháp theo luật về sức khỏe tâm thần mới của Trung Quốc năm 2013.

Khi bị giam giữ tại các bệnh viện tâm thần, các nhà hoạt động nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các tù nhân lương tâm thường bị ép dùng các loại thuốc điều trị tâm thần. Những loại thuốc này sẽ phá hủy hệ thống thần kinh của họ và khiến họ phát các loại bệnh như suy tim, mất trí nhớ. Trong một số trường hợp tồi tệ hơn, nạn nhân sẽ bị bại liệt, hoặc mắc bệnh tâm thần thực sự.

Các toa thuốc dành cho ông Kiều đã “gây ảnh hưởng đến chức năng não. Chúng còn gây tổn hại còn hơn là bị đánh đập vào đầu”, ông Kim Chung nói với RFA. Nếu ông Kiều vẫn tiếp tục bị “điều trị tâm thần”, ông Mã Kim Thuần lo ngại rằng “ông ấy sẽ chết”.

Ông Mã đã đúng khi lo lắng về điều tồi tệ nhất.

Nhiều học viên Pháp Luân Công – một môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Quốc – đã bị mất trí nhớ nghiêm trọng và bị liệt sau khi bị giam giữ tại các viện tâm thần trong một cuộc đàn áp toàn diện do chính phủ áp đặt vào năm 1999 . Trước đó, họ là những người có sức khỏe và đạo đức tốt nhờ thực hành những bài tập chậm rãi và tuân theo các giá trị đạo đức trong môn tập. Một người tập tên là Công Lương Chí Khâm đã bị suy tim, bị sốc hai lần sau khi bị tiêm các loại thuốc tâm thần. Anh đã qua đời năm 2009.

Nhân quyền?

“Những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đã nỗ lực đạt được trong vấn đề nhân quyền là minh chứng đầy đủ nhất rằng Trung Quốc đang đi đúng đường”, đây một đoạn được ghi trong sách trắng về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc năm ngoái. Chính quyền đã cam kết một số điều, trong đó có việc phát huy “những quyền cơ bản” và “những giá trị phổ quát” của người dân, báo cáo tuyên bố.

Những báo cáo về việc cưỡng giam trong các bệnh viện tâm thần của các nhóm nhân quyền năm nay phản ánh một bức tranh hoàn toàn ngược lại.

Sách trắng được phát hành ngày 8/6, cùng ngày RFA đưa câu chuyện bị giam giữ trong một “ankang” của ông Kiều Chung Linh.

Một tháng trước, tổ chức phi lợi nhuận Bảo vệ Nhân Quyền Trung Quốc (CHRD) có trụ sở tại Washington đã tiết lộ 7 trường hợp bị cưỡng giam trong viện tâm thần trong 6 tháng qua, trong đó có một trường hợp là con trai của một người đã gửi đơn thỉnh nguyện lên chính phủ. Anh ta được cho rằng đã bị giam giữ trong một bệnh viện tâm thần và đây được xem như là một hành động trả thù đối với người thỉnh nguyện.

Các nhà chức trách Trung Quốc “đã thấy rằng việc cưỡng giam trong viện tâm thần là một cách thuận tiện để hạn chế sự tự do của “những công dân gây phiền nhiễu”, CHRD nói

Vào tháng 1 vừa qua, một nhóm nhân quyền đặt tại tỉnh Hồ Bắc, tổ chức Giám sát quyền Công dân và quyền Mưu sinh đã nói trong một báo cáo rằng chính quyền Trung Quốc đang gia tăng việc gửi các nhóm người mục tiêu đến các cơ sở tâm thần mà không qua xét xử. Người sáng lập tập đoàn, ông Liu Feiyue nói với RFA rằng việc làm cho người dân “bị mắc bệnh tâm thần” không bao giờ nên là một công cụ để duy trì sự ổn định ở Trung Quốc.

Larry Ong & Carol Wickenkamp, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Thuần Thanh biên dịch

Không có nhận xét nào: