Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Công nhân Việt Nam mất cả quyền 'tự do tiêu tiểu'

SÀI GÒN (NV) - Trước nay Đảng CSVN vẫn tự giới thiệu là “lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân” nhưng công nhân Việt Nam vẫn mất nhiều hơn được, kể cả quyền... “tự do tiêu tiểu.” 

                                   Hàng ngàn công nhân của công ty Shilla Bags đình công
                                       để đòi quyền tự do tiêu, tiểu. (Hình: Lao Động)

Chuyện công nhân Việt Nam bị giới chủ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, bóc lột tàn tệ vốn đã trở thành bình thường. Tuy nhiên việc hạn chế tiêu, tiểu phổ biến tới mức trở thành bình thường để công nhân phải đình công thì lại nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.

Tờ Lao Động tại Việt Nam vừa đăng một phóng sự, lược thuật một số vụ đình công ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương mà mục tiêu của các cuộc đình công này chỉ nhằm đòi quyền tự do tiêu, tiểu.

Theo phóng sự vừa kể thì gần đây, những vụ đình công nhằm đòi quyền tự do tiêu, tiểu đã xảy ra ở nhiều công ty, trong đó, tiêu biểu nhất là vụ đình công xảy ra ở công ty Shilla Bags, diễn ra trong vòng mười ngày.

Công ty Shilla Bags qui định, mỗi ngày, công nhân chỉ được phép đi tiêu, tiểu trong khoảng thời gian từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30 sáng và từ 2 giờ chiều đến 3 giờ chiều. Tuy nhiên trong khoảng thời gian vừa kể, công nhân cũng không thể đi tiêu, tiểu một cách thoải mái. Mỗi ngày, 40 công nhân phải chia nhau ba thẻ (ba lượt) đi vệ sinh. Dùng hết ba lượt này sẽ không được cấp thêm. Chưa kể chuyện đi tiêu, tiểu trở thành ngặt nghèo còn vì nhà vệ sinh xa xưởng làm việc, số lượng nhà vệ sinh ít, thiếu nước.

Gần đây, đình công đòi quyền đi tiêu, tiểu xảy ra ở công ty Shilla Bags khi 11 giờ trưa, một nữ công nhân đột ngột đau bụng, song “Nữ hoàng vệ sinh” (cách công nhân gọi người kiểm soát chuyện đi vệ sinh) không cấp thẻ cho đi tiêu vì “quá giờ qui định.” Nữ công nhân này bật khóc. Uất ức dồn nén bấy lâu bục ra, 900 công nhân tuyên bố đình công.

Cuộc đình công kéo dài suốt mười ngày thì Phòng Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của chính quyền quận 12, Sài Gòn, tuyên bố, bởi Luật Lao động hiện hành không cấm, công ty Shilla Bags không vi phạt luật pháp Việt Nam khi đặt ra các qui định hạn chế đi tiêu, tiểu! “Thừa thắng xông lên,” chủ Công ty Shilla Bags phát đơn xin nghỉ việc cho 900 công nhân đang đình công để họ làm thủ tục xin nghỉ nếu không chịu quay lại làm việc.

Vì “miếng cơm, manh áo” những công nhân đang đình công đành nhượng bộ!

Tờ Lao Động kể thêm một số trường hợp tương tự. Chẳng hạn vì bị tiêu chảy, một nữ công nhân của công ty Daiwa Plastics Việt Nam, tọa lạc tại quận 7, Sài Gòn đã “tự tiện” đi vệ sinh mà không xin mũ (một kiểu thẻ đi vệ sinh). Người kiểm soát đi vệ sinh đã lập biên bản “bắt quả tang” nữ công nhân này vi phạm qui định.

Do đã “vi phạm qui định” lại còn... tranh cãi với người kiểm soát đi vệ sinh, chủ công ty Daiwa Plastics Việt Nam đã ra quyết định phạt nữ công nhân này hai “tội”: (1) Đi vệ sinh khi không được phép và (2) Cãi nhau với người có trách nhiệm. Chủ công ty Daiwa Plastics Việt Nam cảnh cáo sẽ đuổi nếu cô tái phạm.

Theo tờ Lao Động, bởi không có quyền tự do tiêu tiểu, gần như tất cả công nhân đều ráng nhịn uống và nhịn tiêu, tiểu, kể cả những nữ công nhân đang mang thai, vốn cần phải uống nhiều nước. Đây là lý do khiến số công nhân bị các chứng bệnh về đường tiết niệu (như: viêm đường tiểu, sạn thận,...) mỗi ngày một cao.

Tờ Lao Động kể thêm, ông Rene Robert, một chuyên gia của ILO (Tổ Chức Lao Động Quốc Tế) từng nhận xét, ông đã từng chứng kiến, vài viên chức cao cấp của Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, khẳng định, các qui định ngặt nghèo nhằm hạn chế công nhân đi vệ sinh là vi phạm nhân quyền. Đồng thời cũng đã tận mắt chứng kiến các cán bộ của chính ngành Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, công khai bảo rằng, những qui định ngặt nghèo đó không sai bởi luật pháp hiện hành không cấm.

Đồng thời cũng đã tận mắt chứng kiến các cán bộ của chính ngành Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, công khai bảo rằng, những qui định ngặt nghèo đó không sai bởi luật pháp hiện hành không cấm. (G.Đ)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: