Vai trò của báo chí không chỉ đơn giản là việc đưa các thông tin hay là công cụ tuyên truyền của một tổ chức, mà một nền báo chí đúng nghĩa phải đóng vai trò trong việc phản biện để tham gia giám sát quyền lực nhà nước. Báo chí thông qua vai trò giám sát để góp phần điều chỉnh quyền lực nhà nước cho phù hợp, nhằm để để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia theo xu hướng ngày một tiến bộ hơn.
Báo chí ở Việt nam hiện nay
Ở Việt nam hiện nay báo chí là công cụ hết sức quan trọng nhằm định hướng tư tưởng đối với người dân và dư luận xã hội của đảng CSVN, dựa trên quan điểm nhất nguyên và chống đa nguyên về tất cả các lĩnh vực, kể cả về tư tưởng. Đây chính là lý do vì sao chính quyền Việt nam đã cấm báo chí tư nhân tồn tại.
Với các quy định chằng chịt như trận đồ bát quái của Luật Báo chí hiện hành, một điều chắc chắn là không có chỗ đứng cho các loại báo chí không chịu sự lãnh đạo của đảng CSVN. Đây chính là lý do vì sao mà người ta vẫn nói rằng nền báo chí Việt nam vô cùng dồi dào về số lượng các loại hình báo chí; như báo hình (TV), báo nói (Radio), báo in, báo điện tử…, có tới hơn 800 đầu báo nhưng chỉ có chung một Tổng Biên tập. Đó là Ban Tuyên giáo Trung ương.
Hệ thống báo chí và người làm báo ở Việt nam hiện nay tồn tại được chủ yếu là nhờ vào tư cách pháp nhân và phần lớn nguồn kinh phí hoạt động là do ngân sách nhà nước cấp. Chính vì thế, các tòa báo nói chung cũng như các nhà báo nói riêng muốn tồn tại và sống được thì phải lụy nhà nước, phải hết sức tung hô và ca ngợi các chủ trương đường lối của đảng CSVN trên mọi lĩnh vực; kể cả những chủ trương sai lầm. Việc phản biện hoặc nói khác ý đảng là điều cấm kỵ tuyệt đối, nếu không muốn bị gắn cho cái tội nhẹ thì suy thoái tư tưởng, nặng thì là chống đảng.
Vì vậy chuyện các tòa báo hay các phóng viên mang nặng tư tưởng “Ăn cây nào, rào cây ấy” là chuyện thường tình và dễ hiểu. Không chỉ thế, với tấm thẻ nhà báo do nhà nước cấp đã trở thành phương tiện kiếm sống khá tốt của các nhà báo hiện nay, không ngoại trừ việc dùng thẻ nhà báo để đe dọa hay tống tiền các doanh nghiệp hay cá nhân. Đó là lý do dẫn đến tình trạng đa số các nhà báo ở Việt nam hiện nay đã cam tâm trở thành lũ bồi bút, viết thuê để kiếm sống và họ sẵn sàng bẻ cong ngòi bút để viết trái sự thật, trái lương tâm của người cầm bút chân chính.
Ngày 21/6 hàng năm được gọi là ngày báo chí cách mạng, nhưng trên thực tế, nền báo chí hiện tại ở Việt nam khó có thể gọi là báo chí cách mạng một cách đúng nghĩa. Bởi vì theo định nghĩa thì cách mạng là “quá trình thay đổi lớn và căn bản theo hướng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó”, để từ đó suy ra rằng báo chí cách mạng thực sự thì trước hết nó phải theo hướng tiến bộ để thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia. Trên thực tế cho thấy nền báo chí Việt nam hiện nay hoàn toàn không và chưa vì mục đích thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo chiều hướng tiến bộ, mà nó hoàn toàn chỉ phục vụ cho sự tồn tại để cai trị của đảng CSVN.
Sự cần thiết của báo chí tư nhân
Những người cộng sản có quan niệm sai lầm khi cho rằng, việc quản lý chặt chẽ về tư tưởng của từng người dân và toàn xã hội sẽ dẫn tới đảm bảo và tạo sự ổn định về an ninh chính trị. Đó chính là lý do ở các nước cộng sản quyền tự do ngôn luận của người dân dẫu rằng được ghi trong Hiến pháp, song trên thực tế không bao giờ được công nhận. Mà họ không lường hết tác hại của việc chính quyền luôn tìm cách dập tắt các ý kiến phản biện mang tính khác biệt, đó là triệt tiêu động lực phát triển của xã hội.
Ngăn cấm không để cho báo chí tư nhân cùng tồn tại cũng gây nên tác hại tương tự. Không chỉ thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc sử dụng quyền lực nhà nước ở Việt nam bị lạm dụng. Và một hệ quả tất yếu là mọi sự thất thoát hay thiệt hại vô cùng to lớn của nhà nước, thực ra là tiền thuế của người dân không có bất kỳ cá nhân nào chịu trách nhiệm và bị xử lý. Tất cả là lỗi của tập thể lãnh đạo và cuối cùng là hòa cả làng.
Hiện nay, trước sự trì trệ và yếu kém của Việt nam trên mọi lĩnh vực, không chỉ riêng là vấn đề kinh tế xã hội mà là hầu hết mọi mặt kể cả văn hóa, giáo dục… thì các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến để chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Tuy vậy, người ta cảm thấy các ý kiến đó cũng chỉ phản biện một các vòng vo, chưa dám nói hết cùng lắm thì cũng chỉ đổ lỗi cho thể chế kinh tế dẫn đến tình trạng nhiều thứ bất cập và chồng chéo nọ kia v.v… Có lẽ đây chính là lý do vì sao gần đây, sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi các trí thức hãy mạnh dạn phản biện để đóng góp cho đảng và nhà nước trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án lớn về kinh tế – xã hội. Điều vốn từ xưa đến nay họ thường coi rằng đã có “Đảng và Nhà nước lo”. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết giới trí thức không có mấy người mặn mà với đề nghị này, mà họ đã im lặng và quay lưng lại với nhà nước.
Nhưng trong kỷ nguyên internet, thì việc cấm báo chí tư nhân ở Việt nam không còn là trở ngại đối với truyền thông của mỗi cá nhân hay nhóm cá nhân tham gia đấu tranh chính trị. Nhiều trang báo điện tử, blog cá nhân đưa tin tức của người Việt nam ở nước ngoài hay trong nước, cũng như trang mạng xã hội facebook, twitter… đã là điểm đến và là nơi chia sẻ thông tin cũng như các ý kiến bày tỏ quan điểm, phản biện của nhiều người. Những cái đó cũng đã gây cho chính quyền không ít lo ngại, bởi vì nó đã đề cập tới các vấn đề nhà nước không muốn nhắc tới, và không muốn người dân biết đến. Quan trọng hơn, nhờ có những thứ đó nên không ít người dân luôn nghi ngờ và đã không các thông tin do truyền thông của nhà nước cung cấp.
Nhất là trong điều kiện gần đây, cơ quan quản trị các hệ thống truyền thanh công lập BBG (Broadcasting Board of Governors) của chính phủ Hoa Kỳ phối hợp với viện nghiên cứu Gallup khi công bố các dữ kiện mà họ thu thập được qua các cuộc thăm dò dư luận tại Việt Nam, công bố hôm 10 tháng 6, 2015 à đã đi đến kết luận cho rằng “Giới trẻ tại Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các tin tức họ đọc “ngoài luồng” trên internet hơn là tin vào các tin tức chính thống do guồng máy tuyên truyền của nhà nước phổ biến.” . Thì việc chấp nhận sự tồn tại của báo chí tư nhân là một đòi hỏi cấp bách, đồng thời cũng chính là sự tạo điều kiện để mở ra một môi trường phản biện về mọi mặt vì sự phát triển của đất nước.
Cơ sở pháp lý
Luật Báo chí hiện hành, tại Điều 1 đã quy định rõ: “Báo chí ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Đồng thời tại Điều 18 cũng quy định: “Tổ chức muốn thành lập cơ quan báo chí phải có đủ các điều kiện sau đây: Có người đủ tiêu chuẩn để đứng đầu cơ quan báo chí theo quy định tại Điều 13 của Luật này; xác định rõ tên gọi, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, phạm vi phát hành chủ yếu, công suất, thời gian, tần số, phạm vi toả sóng và ngôn ngữ thể hiện của cơ quan báo chí; có trụ sở chính và có các điều kiện cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động của cơ quan báo chí”. Không chỉ thế, tại Điều 19 quy định:”Cơ quan báo chí phải có giấy phép do cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cấp mới được hoạt động”. Đây là những quy định hết sức bất hợp lý.
Cho dù theo Hiến pháp Sửa đổi năm 2013 và theo các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015 sắp tới, thì kinh doanh và xuất bản báo chí không thuộc 6 ngành nghề, lĩnh vực bị cấm kinh doanh. Đồng thời kinh doanh báo chí cũng không nằm trong dang sách 267 ngành nghề kinh doanh buộc phải có điều kiên. Nghĩa là, theo Hiến pháp và luật, công dân hoàn toàn có quyền tự do kinh doanh và xuất bản báo chí. Tuy nhiên luật báo chí lại không có quy định cho tư nhân lập báo, mà chỉ giành cho cơ quan nhà nước, đoàn thể làm cơ quan chủ quản và phải xin phép khi lập báo. Do vậy, những quy định trong Luật Báo chí hiện nay là điều trái với hiến pháp và pháp luật, cần phải sớm được hủy bỏ.
Được biết, Bộ luật Hình sự Viêt Nam vốn đã có sẵn các điều khoản quy định về tội làm nhục người khác (Điều 121) hay tội vu khống (Điều 122) hoặc điều 258 lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Bộ luật Dân sự cũng đã có Điều 37 về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Điều 38 bảo vệ quyền bí mật đời tư; và các quy định về bồi thường thiệt hại v.v… Những cái đó đủ làm cơ sở cho việc quản lý về mặt luật pháp và thừa để kiểm soát và xử lý đối với báo chí nói chung và báo chí tư nhân nói riêng.
Giải pháp nào?
Chủ trương nhất quán từ xưa đến nay của đảng CSVN đều luôn coi báo chí thuộc độc quyền quản lý của Đảng và Nhà nước, cho dù Hiến pháp Việt Nam – luật pháp cao nhất đã khẳng định người dân có quyền tự do ngôn luận. Những người cộng sản hơn ai hết họ hiểu được sức mạnh và sự nguy hiểm của báo chí tư nhân, đối với họ chấp nhận tự do báo chí chính là tự sát, vì để nó tồn tại đồng nghĩa với việc chấp nhận sự thật của báo chí. Đây là điều chưa từng có trong nền báo chí của những người cộng sản từ trước đến nay. Do đó, mọi hoạt động truyền thông của cá nhân hay tổ chức tư nhân đều bị từ chối cấp giấy phép và bị coi là bất hợp pháp. Việc quy kết cho hành động tuyên truyền chống nhà nước XHCN sẵn sàng ập xuống đầu bất kể ai, nếu một khi chính quyền muốn.
Tự do báo chí hay sự tồn tại của báo chí không có nghĩa là các tòa báo, các nhà báo tự do viết, tự do đăng thông tin tới mức bịa đặt, vi phạm các chuẩn mực đạo đức hay đưa tin thất thiệt… Điều quan trọng là phía nhà nước phải quản lý và xử lý bằng luật pháp một cách nghiêm minh. Hơn nữa các tòa báo cũng như người làm báo phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình đưa ra, tuyệt đối không được gây chia rẽ, kích động lật đổ, bạo động v.v… Nếu họ vi phạm thì chính quyền thừa sức để xử lý theo luật pháp.
Hãy nghe ông Lý Quang Diệu nói về cách quản lý của nhà nước Singapore đối với báo chí tư nhân hết sức đơn giản như sau: “Các bạn có thể lên mạng, có thể đăng tải quan điểm của mình, xuất bản bản tạp chí hay tờ báo của mình, không có gì cản trở các bạn. Nhưng nếu bạn bôi nhọ bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ kiện bạn. Bất cứ điều gì sai sự thật và làm mất danh dự, chúng tôi sẽ khởi kiện.”
Kết
Không phải vì vô tình, mà khi nói về tầm quan trọng và sức mạnh của báo chí, Napoleon Bonaparte đã từng phải thừa nhận “Bốn tòa báo đối nghịch còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê”. Lâu nay, báo chí đã được coi là thứ quyền lực thứ tư, bên cạnh hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp để giám sát và điều chỉnh quyền lực nhà nước. Do vậy đối với các nhà nước độc tài và kém thông minh như ở Việt nam thì họ hoàn toàn không ưa gì vai trò báo chí, thậm chí là rất sợ khi báo chí làm đúng vai trò của nó. Cho nên họ nghĩ rất đơn giản, không quản lý được thì cấm là biện pháp hữu hiệu nhất.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi truyền thông lề trái với một lực lượng các nhà báo, các bloggers không chuyên với vô vàn các trang tin, website, blog. Đặc biệt là cà các tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội như facebook, twitter… đã trở thành loại hình báo chí mới hết sức thông dụng, là nơi cung cấp và chia sẻ các thông tin về mọi mặt của cuộc sống một cách nhanh chóng. Nghĩa là chỉ với vật dụng thông thường là smartphone người ta cũng dễ dàng truy cập tin tức và kể cả tham gia việc phát tán hay chia sẻ những thông tin mà mình quan tâm.
Vì vậy chấp nhận sự tồn tại của báo chí tư nhân sẽ là một giải pháp thông minh của nhà cầm quyền, và chính là cách dỗ rắn ra khỏi hang để tiện cho việc quản lý bằng luật pháp trên cơ sở công khai và minh bạch. Cho đến nay thực tế cho thấy phía chính quyền đã tỏ ra bước đầu đã chấp nhận, không can thiệp và cũng vì họ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát, quản lý hệ thống báo chí ngoài luồng. Như sự tồn tại mặc nhiên của Hội Nhà báo Độc lập là một ví dụ. Điều đó đã cho thấy việc cấm báo chí tư nhân đến lúc này đã tỏ ra không phù hợp, song quan trọng hơn là nếu chấp nhận báo chí tư nhân thì nhà nước có cơ hội quản lý bằng luật.
Nếu như chính quyền ở Việt nam tạo ra được một môi trường báo chí tự do, kể cả việc chấp nhận báo chí tư nhân không chỉ góp phần giảm sự nhem nhuốc của một chính quyền độc đoán, độc tài như hiện nay. Mà điều quan trọng nó sẽ tạo ra một môi trường phản biện cũng như giám sát quyền lực nhà nước và mọi mặt khác của xã hội để góp phần xây dựng đất nước phát triển một cách nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Nhân ngày báo chí Việt nam 21/06/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét