Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

NGUYỄN CAO QUYỀN - NGHỊCH LÝ TRONG CÁCH MẠNG TRUNG HOA VÀ SỰ TUỘT DỐC UY TÍN CỦA LÃNH ĐẠO


Nhìn thoáng qua lịch sử, nhiều người cho rằng cuộc cách mạng Trung Hoa năm 1949 là một cuộc cách mạng lớn nhất so với những cuộc cách mạng khác mà nhân loại đã trải qua.  Những người cầm đầu cuộc cách mạng này tự hào họ là những anh hùng kiệt xuất và bằng chứng họ đưa ra là cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Giờ đây, ngồi trên tột đỉnh vinh quang, họ khoe khoang đủ thứ, trừ một điều là cuộc cách mạng đó đã lấy đi của nhân dân Trung Hoa hàng chục triệu sinh linh.

            Cho nên chúng ta cần tìm hiểu bản chất của cuộc cách mạng Trung Hoa và đánh giá lại cuộc cách mạng này để triệt tiêu những huyển thoại khó tin nhằm trong sạch hóa bầu không khí chính trị của thế giới lâu nay bị ô nhiễm bởi dịch họa cộng sản.
            Xin mời qúy độc giả theo dõi những đoạn viết tiếp theo.
            Giá trị của một cuộc cách mạng
            Thông thường giá trị của một cuộc cách mạng không căn cứ vào số người tham dự hoặc mức độ anh hùng của họ,  mà chỉ căn cứ vào kết qủa tối hậu mà cuộc cách mạng đó đã mang lại cho con người về các mặt chính trị và xã hội.
            Cho nên một câu hỏi cần được nêu lên là : đối với cách mạng Trung Hoa kết quả tối hậu đó sẽ ra sao ?  Mặc dầu đã 65 năm trôi qua kể từ khi cuộc cách mạng đó thành công, nhưng có thể vẫn còn quá sớm để trả lời rứt khoát câu hỏi nói trên.  Sở dĩ như vậy là vì các cuộc cách mạng thường chỉ lộ rõ bản chất sau một thời gian khá dài, có khi hàng thế kỷ.
            Cuộc cách mạng phản đế lần thứ nhất tại Anh Quốc, mà kết quả tối hậu đã làm cho nước Anh trở thành nước cộng hòa sớm nhất trong lịch sử nhân loại đã chỉ được ghi nhận 200 năm sau qua việc dựng tượng của Cromwell, tác nhân của sự thành công đó, trước hạ nghị viện Anh Quốc.
            Cuộc cách mạng dân chủ nổ ra ở Pháp vào năm 1789 cũng vậy.  Trong gần một thế kỷ, ánh sáng dân chủ mà cuộc cách mạng này mang lại cho dân tộc Gaulois đã bị các nền chính trị độc tài của Nã Phá Luân Đệ Nhất, của các triều đại Bourbons được phục hồi, và của Nã Phá Luân Đệ Tam che lấp, để sau cùng chỉ được hé mở và thừa nhận dưới chính thể Đệ Tam Cộng Hòa Pháp.
            Hai ba thập kỷ sau năm 1949, nhiều nhà quan sát quốc tế đã vội vã kết luận và cho rằng cuộc cácnh mạng Trung Hoa xảy ra vào thời điểm nói trên là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.  Ngày nay, sau khi nhân loại tiến sang thiên niên kỷ thứ ba, người ta lại thấy khác : Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa không phải là một chế độ xã hội chủ nghĩa mà là một chế độ tư bản, mặc dầu nhận xét này nhiều lần đã bị các lãnh tụ ngồi trong Trung Nam Hải cực lực bác bỏ.
            Nghịch lý trong cách mạng Trung Hoa
            Nghịch lý này xuất phát từ bản chất của cuộc cách mạng Trung Hoa và từ tính cách mơ hồ của tư tưởng Mao Trạch Đông.  Thật vậy, trong khi Marx khẳng định là chủ nghĩa xã hội không thể nào xây dựng và thành công trên một đất nước có một nền kinh tế lạc hậu như Trung Quốc, thì trên thực tế cuộc cách mạng năm 1949 đã thành công tại xứ này, nhờ sự ủng hộ của nông dân chứ không phải của công nhân thành thị.
            Mặc dầu Trung Quốc chưa có điều kiện tiên quyết  để trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, những người lãnh đạo cuộc cách mạng nói trên, xay men chiến thắng, vẫn cứ lao mình như những con thiêu thân vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, bất chấp lời răn dạy của Marx.
            Trong thực chất, cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông chỉ là một cuộc cách mạng chống đế quốc và chống Nhật Bản xâm lăng, một cuộc đấu tranh cho nền độc lập của xứ sở, thúc đẩy bởi tinh thần quốc gia dân tộc (nationalism).  Chiếu theo định nghĩa của Marx, một cuộc đấu tranh như vậy không phải là một cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội vì tinh thần quốc gia dân tộc là một phó sản của chủ nghĩa tư bản.
            Để che dấu thực tế nói trên, Mao tung ra ý niệm  “tân dân chủ” (concept of new democracy).  Cách lý luận lắt léo này chủ trương việc xây dựng xã hội chủ nghĩa phải kinh qua nhiều giai đọan và giai đoạn tư sản (bourgeois democratic) là giai đoạn phải phát triển tiên quyết trước khi chuyển sang giai đoạn xã hội chủ nghĩa.
            Quan niệm như vậy và long trọng tuyên bố như vậy, nhưng những người cộng sản Trung Hoa, sau khi nắm chính quyền, đã không hành động như vậy.  Trong giai đoạn tân dân chủ Mao đã không để cho các thành phần tư sản loạt động tự do và cũng không cho biết bao giờ thì tình trạng này chấm dứt để đất nước có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo.  Nhìn chung ý niệm tân dân chủ chỉ là một thủ đoạn chính trị lừa bịp để chính danh hóa chế độ và để mua thời gian xây dựng thể chế độc tài.
            Một nền tư bản dấu mặt
            Thật ra, cái xã hội mà những người cộng sản Trung Hoa dựng nên sau 1949 mang nhiều tính tư bản hơn xã hội chủ nghĩa.  Sự tập trung quyền hành vào tay nhà nước, sự thống nhất lãnh thổ, sự tạo lập một thị trường bản xứ… tất cả những thứ này đều là những nét cơ bản của một cuộc cách mạng tư sản.  Chế độ Quốc Dân Đảng Trung Hoa, nếu còn tồn tại, chắc chắn cũng phải theo đuổi mục tiêu này.
            Vào ngày 1/10/1953, nghĩa là chỉ vẻn vẹn có 4 năm sau ngày cách mạng thành công, Mao ra lệnh chấm dứt giai đoạn phát triểntân dân chủ và tuyên bố bắt đầu chuyển tiếp sang giai đoạn phát triển xã hội chủ nghĩa.  Kế hoạch ngũ niên đầu tiên đã rập theo khuôn mẫu của Liên Xô và đã tập trung vào việc kỹ nghệ hóa xứ sở một cách điên cuồng. Riêng về điểm đặc biệt này, phải nhìn nhận là Mao đã có công biến nước Trung Hoa nông nghiệp thành một quốc gia kỹ nghệ trên đà phát triển.
            Chính nhờ đà phát triển này mà Đặng Tiểu Bình đã có cơ sở thích hợp để đẩy mạnh chương trình bốn hiện đại hóa Hoa Lục sau khi Mao từ trần.  Song song với chương trình này, Đặng đã thay thế nền kinh tế hoạch định bằng kinh tế thị trường và áp dụng liên tục cho đến ngày nay.  Như vậy, nếu căn cứ vào hình thái sản xuất để đặt tên cho chế độ thì phải nói rằng, kể từ khi cách mạng thành công đến giai đoạn đương thời, chưa bao giờ Trung Quốc là một quốc gia xã hội chủ nghĩa.
            Nhiều nhà phân tích buộc tội Đặng Tiểu Bình là đã phá vỡ bản chất xã hội chủ nghĩa của xã hội Trung Hoa dưới thời Mao.  Thật ra,  ở nước Trung Hoa chưa bao giờ có cái gì có thể gọi là xã hội chủ nghĩa để mà phá vỡ.  Chính Đặng Tiểu Bình đã tái xuất hiện đúng lúc để cứu vãn tình thế và giữ cho chế độ khỏi bị hoàn toàn sụp đổ.
            Giấc mơ của Đặng Tiểu Bình
            Khi Đặng Tiểu Bình và phe nhóm đề ra chương trình cải cách để cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc, thật ra họ không có ý định muốn biến xứ sở này thành một quốc gia tư bàn.  Khẩu hiệu “Dân Chủ Xã Hội” (Socialist Democracy) được đưa ra, chủ yếu là để đánh lừa dư luận thế giới và hấp dẫn đầu tư ngoại quốc.  Trong thâm tâm, Đặng lúc nào cũng tin tưởng tuyệt đối là nếu đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục nắm giữ được quyền hành chính trị thì ước mơ xã hội chủ nghĩa không phải là một chuyện hoang đường.
            Vì một sự trùng hợp nào đó, chương trình bốn hiện đại hóa của Đặng đã thành công như một phép lạ.  Nhưng kinh tế càng phát triển bao nhiêu thì mục tiêu tiến đến thiên đường xã hội chủ nghĩa càng xa vời bấy nhiêu.  Nền kinh tế tư bản mà Đặng áp dụng từ những năm cuối của thập kỷ 1970 càng ngày càng ăn sâu bám rễ vào xã hội Trung Hoa  đến độ giữa nền kinh tế Hoa Lục và các nền kinh tế tư bản của thế giới ngày nay không còn gì là khác biệt.
            Thứ nhất, nền kinh tế Hoa Lục đã vận hành trên căn bản tiền lương trả cho công nhân lao động như mọi nền kinh tế tư bản khác.  Thứ hai, nền kinh tế Hoa Lục  ngày nay cũng đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và chắc chắn sẽ bị rập khuôn bởi nền kinh tế toàn cầu đó.  Thứ ba, nguyên tắc lợi nhuận, từ hơn ¼ thế kỷ nay đã được các doanh gia và cả xã hội Trung Hoa thừa nhận như động cơ phát triển về nhiều mặt.  Thứ tư, công nhân và nông dân Trung Quốc giờ đây đã thực sự được giải phóng khỏi ách kiềm tỏa của nhà nước vì họ đã có khả năng tự lập về kinh tế. Thứ năm, trong xã hội Trung Hoa ngày nay đã thấy xuất hiện một giai cấp tư sản mới : giai cấp doanh nhân, và giai cấp này sẽ là đầu tầu trong mọi cố gắng phát triển kinh tế của Hoa Lục.
            Đường đi không tới
            Từ hơn 60 năm nay, những người lãnh đạo đảng CSTQ  đã cố khoác lên cuộc cách mạng tư sản 1949 một tấm áo vô sản và không ngừng đưa ra chiêu bài xây dựng xã hội chủ nghĩa để chính danh hóa chế độ.  Nhưng bàn tay không thể nào che được mặt trời, cho nên uy tín của họ càng ngày càng tuột dốc.
            Trong những năm sau khi cách mạng thành công, giới lãnh đạo Hoa Lục đã ý thức sâu sắc về hiện tượng “tuột dốc” này.  Cuộc thảm sát Thiên An Môn càng làm cho uy tín của họ tuột dốc thêm.  Đảng CSTQ ngày nay đang phải cai trị một xã hội hoàn toàn đổi khác, một đám dân không còn phụ thuộc vào đảng và nhà nước nữa, không còn nghe theo những lời rao giảng của chủ thuyết Mác Xít nữa, mà trái lại đang hấp thụ những tư tưởng và những giá trị hiện đại của thế giới bên ngoài.
            Kinh tế thị trường cũng có tác dụng làm tan rã lần lần cơ chế của Đảng.  Số lượng đảng viên trong các cơ sở kinh tế quốc doanh thấp dần, còn trong khu vực tư doanh thì sự hiện diện của Đảng cũng đang giảm sút một cách vô cùng thảm hại.  Trong số 3092        công ty liên doanh với nước ngoài nằm rải rác trên 34 khu chế xuất, Đảng chỉ thiết lập được chi bộ trong 704 xí nghiệp.
            Kinh tế thị trường càng phát trển bao nhiêu thì xã hội càng tuột khỏi tầm tay của Đảng bấy nhiêu.  Nguy cơ lớn nhất mà Đảng phải đối phó là sự tan rã của các cơ sở Đảng tại nông thôn.  Có nơi nông dân đã nổi lên đốt nhà và giết chết cán bộ Đảng.  Phong trào di dân từ nông thôn ra thành thị không thể nào kìm hãm.  Sự kiện này cũng làm cho uy quyền của Đảng mỗi ngày một yếu đi.
            Trong đoản kỳ, sự suy thoái uy quyền của Đảng gây khó khăn cho công việc cai trị.  Khó khăn là vì : ma thuật cai trị của chế độ độc tài Bắc Kinh là ưu tiên thiết lập hậu thuẫn trong giới bần dân tại nông thôn để nếu cần thì sử dụng lực lượng đông đảo này đàn áp những lực lượng dân chủ đối lập tại thành thị; nếu nông thôn không thể tin cậy được thì Đảng cũng cảm thấy mất an ninh. Trong trường kỳ, mất chỗ dựa, Đảng sẽ co cụm lại và không thể giải quyết các bế tắc chính trị và xã hội.  Nếu bế tắc kéo dài, nhân dân sẽ đứng dậy đòi lại quyền làm chủ và Đảng sẽ tiêu vong.
                                                                        *
            Những đoạn phân tích trên đây, đồng thời cũng có giá trị đối vời đảng CSVN, vì hai đảng này giống nhau như hai gịọt nước.  Nhìn vào cơ đồ của họ, có thể kết luận là con đường xã hội chủ nghĩa hoang tưởng mà họ kiên trì áp đặt lên Trung Quốc và Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, chẳng qua chỉ là thủ thuật để kéo dài hai thể chế độc tài đang ở vào giai đoạn cuối trào./.

Không có nhận xét nào: