Pages

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Nhân quyền ở Trung Quốc qua lăng kính của chế độ Cộng sản

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận BìnhREUTERS/Saul Loeb/Pool
Le Figaro trở lại sự kiện Trung Quốc đầu tuần này vừa cho công bố Sách Trắng về nhân quyền ở nước này với nội dung tự ca tụng đã đạt được những tiến bộ « kỳ diệu» trong lĩnh vực mà Bắc Kinh vẫn luôn bị các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ vẫn lên án không ngớt. Bài viết của Le Figaro chạy tựa : « Bắc Kinh tự mãn nguyện về nhân quyền » .




Hôm thứ Hai (08/06/2015) đầu tuần này, Bắc Kinh đã cho công bố sách trắng về vấn đề nhân quyền ở trong nước năm 2014. Le Figaro nhận thấy nhìn từ lăng kính của đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc thì trong năm qua nước này đã đạt được « thành tựu kỳ diệu »trong lĩnh vực nhân quyền.
Tờ báo dẫn một đoạn trong Sách trắng viết : « Những thành tựu kỳ diệu của Trung Quốc trong việc thực thi quyền con người chứng minh đầy đủ Trung Quốc đang đi đúng hướng phát triển nhân quyền phù hợp với điều kiện quốc gia của mình ».
Đây là báo cáo thứ 12 về tình hình nhân quyền do chính quyền soạn thảo sau lần đầu tiên vào năm 1991, tức là chỉ 2 năm sau sự kiện đàn áp Thiên An Môn.
Theo Le Figaro, việc ra Sách Trắng về nhân quyền lần này nhằm đáp trả các báo cáo của nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và của Bộ Ngoại giao Mỹ vốn vẫn nghiêm khắc lên án về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.
Sách Trắng nhân quyền của Bắc Kinh chỉ dày có 48 trang nhưng tập trung đưa ra hàng loạt số liệu rất tích cực như là : Trong năm 2014, Trung Quốc đã tạo thêm 13 triệu việc làm mới, thu nhập bình quân đầu người dân thành phố tăng 6,4% và ở nông thôn là 9,2%, hay như truyền hình Nhà nước phủ sóng khắp cả nước đến tận cả những làng chỉ có 20 hộ dân. Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đã thống kê được 226 nghìn trường hợp bị phát hiện, trong đó đã đưa ra xét xử khoảng 12 nghìn cá nhân.
Báo chí chính thức tại Trung Quốc đã ngay lập tức ca ngợi coi đó là bước tiến ngoạn mục trong « cuộc chiến chống đói nghèo, cải thiện đời sống người dân ... bảo vệ các quyền tự do, tôn trọng pháp quyền dân chủ ... »
Đó là nhìn từ phía chính quyền. Thực tế vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc là thế nào ? Nhật báo Pháp nhắc lại con số của Chinese Human Rights Defenders (CHRD) cho biết trong năm qua gần một nghìn nhà hoạt động bị bắt, tức là gần bằng tổng số 2 năm trước đó gộp lại. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng liên tục tố cáo chính quyền Bắc Kinh đã bỏ tù rất đông các nhà báo, luật sư, gia tăng kiểm duyệt thông tin hay tình trạng tra tấn ép cung vẫn phổ biến.
Eva Pils, giáo sư luật pháp quốc tế và là nhà nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College Luân Đôn nhận định : « Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ý tưởng Nhà nước có quyền hành động chống lại kẻ thù đã được áp đặt... Đảng kiểm soát toàn bộ tư pháp. Tập Cận Bình quên mất rằng tư pháp được cho là chế tài quyền lực và nhân quyền là một bộ phận trong pháp luật ».
Luật sư, mục tiêu chính của chế độ
Le Figaro cho biết các luật sư là mục tiêu trấn áp chính hiện nay của chế độ Trung Quốc. Bài báo đưa thí dụ về vụ bắt giữ luật sư Phố Chí Cường với cáo buộc « kích động hận thù dân tộc »và « gây rối », tội danh vẫn thường xuyên được chính quyền sử dụng để kết án các nhà ly khai, luật sư hay nhà báo. Vụ bắt giữ này đã gây quan ngại đối với Washington cũng như Liên hiệp Châu Âu.
Le Figaro đã gặp luật sư Trương Tuyến Trung tai Trung Quốc và được biết « trong vòng một năm điều tra Phố Chí Cường, người ta chỉ tìm được những lời bình luận của ông đăng công khai trên mạng Vi Bác để khép tội. Phố Chí Cường là một trong những luật sư có tiếng trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Qua việc bắt giữ ông, chính quyền muốn răn đe các luật sư khác. »
Ở Trung Quốc có khoảng hai đến ba trăm luật sư chuyên về quyền công dân, tất cả đều lên án sự bất công trong tư pháp và điều kiện hành nghề bấp bênh. Thường xuyên có người bị tống giam, có người bị tra tấn chỉ vì muốn bảo vệ cho thân chủ của họ.
Kết thúc bài viết, Le Figaro trích lời của luật sư Trương : « Tại Trung Quốc, có chế độ độc tài đảng trị, các công dân bị tước quyền tự do ngôn luận và không có tư pháp độc lập. Tư pháp chỉ theo lệnh chính quyền.... Các Sách Trắng do chính quyền đưa ra không có liên quan gì với thực tế. Đó chỉ là tuyên truyền ».

Không có nhận xét nào: