Pages

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Tại sao không có bàn tay của Nga trong "miếng bánh" Biển Đông?

Theo Tvestov, Việt Nam muốn thấy sự tham gia của Nga trong vấn đề Biển Đông, nhưng người Việt không muốn đẩy Moscow tới chỗ phải có câu trả lời dứt khoát.

                                              Học giả Anton Tsvetov, ảnh: Russia Council.

Anton Tsvetov, Giám đốc Truyền thông và quan hệ với chính phủ thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga ngày 2/6 bình luận trên trang cá nhân, thuộc Cổng thông tin điện tử của cơ quan này về vai trò của Nga có thể tham gia ở Biển Đông.

Học giả Nga bình luận, hiện đã quá rõ ràng rằng nỗ lực của Bắc Kinh chống quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đã thất bại một cách hoàn toàn và tuyệt đối. Ngay cả các quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông như Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều theo dõi chặt chẽ, đôi khi tham gia vào "quả bom hẹn giờ" ở vùng biển này.

Trong khi đó Nga một lần nữa tuyên bố về trục quan hệ châu Á - Thái BÌnh Dương như một cách bù đắp cho những thiệt hại trong mối quan hệ với phương Tây bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng tại sao lại không có bàn tay của Nga trong "miếng bánh" Biển Đông? Anton Tsvetov đặt câu hỏi.

Dù cách này hay cách khác Nga không còn có thể hoàn toàn đứng ngoài vấn đề Biển Đông, tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV). Năm 2015 đã chứng kiến sự gia tăng chưa từng có trong quan hệ Nga - Trung. Với nhiều người phương Tây cố gắng miêu tả Nga đang bị cô lập, Điện Kremlin xem mối quan hệ với Trung Nam Hải như một biểu hiện hoàn toàn ngược lại.

Trong bối cảnh tương tự, Trung Quốc cũng muốn người Nga giúp họ thay đổi hình ảnh của mình trong một "pháo đài bị bao vây". Khả năng Nga tham dự vào tranh chấp ở Biển Đông sẽ là lựa chọn thiếu trí tuệ. Việt Nam là một bên yêu sách chính ở Biển Đông, đồng thời cũng là một trong những khách hàng lớn nhất của vũ khí, khí tài quân sự Nga. Hai bên có một số dự án đầu tư lớn và Việt Nam đang tham gia một khu vực tự do thương mại do Moscow lãnh đạo, Liên minh kinh tế Á - Âu.

Thời điểm này chính sách của Nga đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông có thể xem như "không tồn tại". Bộ Ngoại giao Nga thường hạn chế bản thân khi đưa ra lập trường trung lập, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

                             Anton Tvestov trao đổi với giới truyền thông. Ảnh: Russia Council.

Không hỗ trợ bất kỳ yêu sách pháp lý nào ở Biển Đông có vẻ như lựa chọn hợp lý để làm đối với Moscow, nhưng người Nga vẫn khiến Việt Nam "nhíu mày" khi Moscow không phản ứng bằng bất kỳ hình thức nào có ý nghĩa trước việc Việt Nam bị đối xử tệ bạc.

Người Việt vẫn còn thất vọng trước việc Nga thiếu một tuyên bố đáng kể xung quanh khủng hoảng giàn khoan 981 (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) tháng 5/2014.

Anton Tsvetov cho rằng, có lẽ đây là lý do tại sao Việt Nam đã "không quá phức tạp" trong phản ứng trước yêu cầu không cho phép máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Nga tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân tại Đà Nẵng.

Nga tiếp tục cung cấp các trang thiết bị khí tài quân sự cho Việt Nam, giúp người Việt tăng cường năng lực đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm ẩn dọc theo bờ biển của mình. Đến năm 2016 tất cả 6 tàu ngầm Kilo Việt Nam mua của Nga sẽ được bàn giao và đóng vai trò quan trọng ở Biển Đông.

Hơn nữa đã có thông tin tiết lộ gần đây rằng Việt Nam đã mua 50 tên lửa hành trình đất đối đất Klub của Nga (mà có quan điểm cho rằng) có khả năng đánh trúng các mục tiêu như căn cứ tàu ngầm Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc. Ngoài ra những hợp đồng mua sắm tàu khu trục lớp Gepard và tàu hộ tống lớp Molniya sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho Hải quân Việt Nam.

Đã không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các hợp đồng bán vũ khí cho Việt Nam là "vấn đề" đối với quan hệ Nga - Trung, ít nhất là chưa thấy. Mặc dù theo Tvestov, Việt Nam muốn thấy sự tham gia của Nga trong vấn đề Biển Đông, nhưng người Việt không muốn đẩy Moscow tới chỗ phải có câu trả lời dứt khoát, bởi có thể đó là câu trả lời người Việt không muốn nghe, Anton Tsvetov bình luận.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov có quan điểm cho rằng Mỹ "gây rối Biển Đông" khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-la năm nay. Ảnh: Russia Today.

Có khả năng cả Moscow và Bắc Kinh đều có "sự hiểu biết của một quý ông", Ukraine đối với Nga và Biển Đông đối với Trung Quốc đều là vấn đề quá nhạy cảm đối để bên kia có một quan điểm rõ ràng bằng cách này hay cách khác. Hãy tưởng tượng những hậu quả chính trị sẽ là gì đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh tỏ rõ lập trường trong vấn đề Crimea. Ngược lại, không có sự hỗ trợ đối với bất kỳ bên yêu sách nào ở Biển Đông mà lại có kết thúc tốt đẹp cho Nga.

Câu hỏi đặt ra sau đó là, ranh giới cho chính sách của Nga ở Biển Đông là gì? Đến đó bao xa? Dường như đối với Nga cũng giống như Mỹ, trọng tâm trong vấn đề Biển Đông không nên đặt vào vấn đề chủ quyền. Thay vào đó hãy tập trung vào các vấn đề hành vi.

Một trật tự thế giới có thể có lợi đối với Moscow nếu bất kỳ tranh chấp nào đều tránh các hành động cứng rắn. Điều này là chính xác với cả cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như căng thẳng Biển Đông, không có bất kỳ bên nào hoàn toàn hài lòng với hiện trạng. Ngược lại các bên đang tiếp tục cố gắng để thay đổi nó. Mà điều này chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, khó dự đoán hơn, Anton Tsvetov nhận định.

Có lẽ đây là con đường để Nga làm theo: Giống như Washington, Moscow có thể trở thành nước ủng hộ cho các hành vi của hòa bình, duy trì hiện trạng và điều này có thể là "sự sỉ nhục" đối với Trung Quốc. Nhưng không giống như Mỹ, Nga không bị Bắc Kinh xem như mối đe dọa nên động cơ của Nga ở Biển Đông sẽ không bị Trung Quốc coi là "thầm kín".

Nếu Trung Quốc được thuyết phục rằng nên dừng các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông và ngồi vào bàn đối thoại tìm ra giải pháp có ý nghĩa, Moscow có thể trở thành nước có đóng góp đáng kể cho sự ổn định của khu vực Đông Nam Á, Anton Tvestov bình luận.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: