Pages

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Khảo sát: Người Việt Nam ngả mạnh về Mỹ, quay lưng với Trung Quốc


Một cuộc khảo sát toàn cầu mới cho thấy người Việt Nam tiếp tục có quan điểm rất tích cực về hình ảnh và vai trò Mỹ trên thế giới, trong khi thái độ tiêu cực về Trung Quốc ít thay đổi và thậm chí xấu đi.

Trung tâm Nghiên cứu Pew hôm thứ Ba công bố báo cáo về cuộc khảo sát quan điểm toàn cầu về Mỹ, Trung Quốc, sự cân bằng quyền lực quốc tế, và một số vấn đề chính yếu ở châu Á. Cuộc khảo sát được thực hiện thông qua 45.435 cuộc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại ở 40 quốc gia từ cuối tháng 3 tới cuối tháng 5 năm nay. 1000 người Việt Nam được Pew phỏng vấn trực tiếp.

Thiện cảm với Mỹ

78 phần trăm người Việt Nam được khảo sát cho biết họ có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, tăng hai điểm phần trăm so với năm 2014, trong khi chỉ có 13 phần trăm nói điều ngược lại. Quan điểm này tương đồng với đa số những nước mà Pew khảo sát, cho thấy Mỹ được quốc tế nhìn nhận với thái độ phần lớn là tích cực, 69 phần trăm.

Đại bộ phận giới trẻ Việt Nam có thiện cảm với Mỹ với 88 phần trăm những người trong độ tuổi từ 18-29 cho biết như vậy. Với nhóm tuổi 30-49 thì tỉ lệ này là 77 phần trăm và 64 phần trăm cho thế hệ từ 50 tuổi trở lên. Việt Nam là nước có cách biệt thế hệ lớn thứ hai trong tất cả những nước được khảo sát về quan điểm tích cực đối với Mỹ. Nước đứng đầu là Trung Quốc.

Ngoài ra, phần đông người Việt Nam cho rằng Mỹ là nước tôn trọng những quyền tự do cá nhân (79 phần trăm), bày tỏ sự tin tưởng cao đối với Tổng thống Barack Obama về những vấn đề quốc tế (71 phần trăm), và ủng hộ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ lãnh đạo (55 phần trăm).

Nói ‘không’ với Trung Quốc

Trung Quốc nhìn chung nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế, tuy nhiên Nhật Bản và Việt Nam là hai nước nổi bật trong cuộc khảo sát vì có quan điểm rất tiêu cực về Trung Quốc với tỉ lệ lần lượt là 89 và 74 phần trăm. 19 phần trăm người Việt Nam có quan điểm tích cực về Trung Quốc, cao hơn năm ngoái 3 điểm phần trăm.

Global Ratings for China

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông Trung Hoa và Biển Đông, và những hành động quyết liệt của nước này nhằm khẳng định chủ quyền, dường như là một trong những nguyên nhân dẫn tới quan điểm tiêu cực này. Đáng lưu ý là 54 phần trăm người Philippines, nước cũng vướng vào tranh chấp lãnh hải căng thẳng với Trung Quốc, có quan điểm tích cực về Trung Quốc so với 43 phần trăm tiêu cực.

Việt Nam, Nhật Bản, Philippines là ba nước thể hiện mạnh mẽ nhất quan điểm Trung Quốc sẽ không bao giờ thay thế Mỹ trong vai trò siêu cường thế giới với tỉ lệ lần lượt là 67, 77 và 65 phần trăm. 50 phần trăm người Việt Nam nói rằng hiện giờ Mỹ mới là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong khi chỉ có 14 phần trăm nói đó là Trung Quốc.

Trung Quốc bị đánh giá kém về vấn đề nhân quyền với quan điểm tiêu cực nhất đến từ các nước phương Tây, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. 53 phần trăm người Việt Nam có cùng quan điểm này.

Đồng lòng về TPP

Chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhận được sự quan tâm rất lớn của các nước trong khu vực với hai cột trụ chính yếu là thỏa thuận thương mại tự do Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước và những cam kết quân sự của Mỹ với các đồng minh ở châu Á.

Việt Nam dẫn đầu 12 nước đối tác TPP về tỉ lệ ủng hộ với 89 phần trăm người được khảo sát nói rằng thỏa thuận thương mại này là điều tốt, chỉ có 2 phần trăm cho rằng không tốt. Khảo sát của Pew cho thấy tuyệt đại đa số (95 phần trăm) thanh niên Việt Nam từ 18 tới 29 tuổi ủng hộ đất nước gia nhập TPP trong khi tỉ lệ ủng hộ ở hai nhóm tuổi còn lại cũng rất cao, 86 và 87 phần trăm. 69 phần trăm người Việt Nam đề cao thắt chặt quan hệ kinh tế với Mỹ trong khi với Trung Quốc là 18 phần trăm và 4 phần trăm với cả hai nước.

U.S. Military Presence in Asia Welcomed by Many

Về quan hệ với Trung Quốc, gần ba phần tư người Việt Nam cho rằng cứng rắn với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ quan trọng hơn là có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với nước này (17 phần trăm). Đây có thể là lý do quan trọng giải thích vì sao tới 71 phần trăm người Việt Nam hoan nghênh Mỹ tập trung nguồn lực quân sự về khu vực châu Á.

(VOA)

Không có nhận xét nào: