Pages

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Từ mềm mỏng đến cứng rắn kinh ngạc với TQ

Malaysia, một đối tác kinh tế thân cận của Trung Quốc, cũng đã nhận ra ý đồ của Bắc Kinh và đã bắt đầu thay đổi thái độ. 

Từ chỗ luôn chọn giải pháp “dĩ hòa vi quý”, không to tiếng với Trung Quốc trong vấn đề biển đảo mặc dù liên tục bị xâm phạm, nhằm bảo toàn những lợi ích từ mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương, Chính phủ Malaysia đang khiến thế giới ngạc nhiên trước thái độ cứng rắn, không khoan nhượng đối với hành vi của Bắc Kinh.  

Những phát ngôn và hành động gần đây của Kuala Lumpur, ở một khía cạnh nào đó còn được coi là động lực giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gắn kết, chung sức chống lại những hành vi xâm lấn. Đồng thời, đó cũng là bằng chứng cho thấy sức chịu đựng của ASEAN trong tranh chấp biển đảo đã đến ngưỡng, theo đó sẽ có những phản ứng cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của mình.  
biển Đông, Malaysia, Trung Quốc, ASEAN, chủ quyền
       Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tiến gần một tàu Malaysia trên biển Đông - Ảnh: Getty Images

Cứng rắn gia tăng

Trên thực tế trong hơn hai năm gần đây, tàu Trung Quốc đã rất nhiều lần xâm nhập trái phép vùng biển của Malaysia. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Malaysia, tháng 3/2013, bốn tàu chiến Trung Quốc tiến vào bãi cạn James chỉ cách bờ biển Malaysia 50 hải lý. Một tháng sau, một tàu tuần tra khác của Trung Quốc lại xâm phạm bãi cạn này và cắm những thanh thép “đánh dấu chủ quyền”.

Tháng 1/2014, ba tàu đổ bộ của quân đội Trung Quốc tiến hành tuần tra ở bãi cạn James lần nữa. Mặc dù vậy, Kuala Lumpur cũng không hề có hành động phản ứng, thậm chí còn không lên tiếng về vấn đề này. Trong nội bộ ASEAN đã có ý kiến phê phán thái độ của Malaysia là “nhu nhược”, “vị kỷ về mặt kinh tế” do lo ngại những tổn thất trong mối giao thương với Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi những hành vi của Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa rõ ràng đối với cả đòi hỏi chủ quyền của Malaysia trên biển Đông lẫn sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, Malaysia, một đối tác kinh tế thân cận của Trung Quốc, cũng đã nhận ra dã tâm vô bờ bến của Bắc Kinh và đã bắt đầu thay đổi thái độ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cảnh báo: “Nếu không cẩn thận, tranh chấp biển Đông có thể trở thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thời đại chúng ta”. Phát ngôn này được coi là dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi thái độ và là khởi đầu cho một chuỗi những phản ứng gay gắt tiếp theo của Kuala Lumpur.

Tiếp đó, giữa tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Datuk Hamzah Zainuddin vừa lên tiếng khẳng định rằng Malaysia và các nước ASEAN không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông và thẳng thắn chỉ trích: “Bản đồ đường chín đoạn mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt là hoàn toàn vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Trước đó, chính quyền Kuala Lumpur đã chỉ trích dữ dội việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng nước của Malaysia ở phía bắc đảo Borneo. Đó là bãi cạn Luconia, khu vực nằm rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và cách Trung Quốc tới 2.000km. Đây là giọt nước tràn ly, khiến Trung Quốc có thêm một đối thủ công khai nữa tại ASEAN trong vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Và, dường như Kuala Lumpur cũng đã chuẩn bị từ trước các phương án giải quyết vấn đề mặc dù luôn giữ một thái độ hòa hoãn, kín đáo trước hành động ngang ngược của Bắc Kinh. Đề xuất mà Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein đưa ra mới đây là minh chứng cho điều này. Ông Hussein khẳng định một cách mạnh mẽ rằng ASEAN cần chung sức giải quyết vấn đề biển Đông.

Kết nối ASEAN

Hôm 10/6, phát biểu trước Hạ viện tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng  Hussein nhận định, các tranh chấp cần được giải quyết trên nền tảng ASEAN thông qua các giải pháp ngoại giao. Ông nhấn mạnh: “giải pháp quân sự rõ ràng không mang lại ổn định cho khu vực và nếu các vấn đề trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông, không được giải quyết theo cách thân thiện thì sẽ mang lại thảm họa”. Ông đề xuất các nước thành viên ASEAN cần tạo hiểu biết sâu sắc và đoàn kết để đối mặt với những thách thức liên quan đến các cường quốc.

Ông phân tích: “Nếu chỉ có một mình, các nước nhỏ sẽ không thể xử lý những vấn đề liên quan đến các siêu cường nhưng ASEAN có đến 10 nước… Nếu ASEAN tạo ra hiểu biết và đoàn kết mạnh mẽ hơn cho lợi ích chung, ASEAN sẽ có một vị thế chắc chắn trong khu vực. Sẽ không có quyền lực lớn nào có thể làm suy yếu”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Tun Hussein kết luận: “tình đoàn kết ASEAN phụ thuộc vào sự tham gia của các nước thành viên nhằm tạo hiểu biết có lợi nhất”. Phát ngôn này được coi là kết quả của một kế hoạch được tính toán thấu đáo, kỹ lưỡng dựa trên những cơ sở phân tích lâu dài chứ không chỉ đơn giản là một giả pháp mang tính tình thế.

Mặt khác, Kuala Lumpur cũng đã lên kế hoạch cho những bước tiếp theo nhằm đối phó với “ông bạn vàng” đang muốn “xúc gạo nhà mình”. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim cho biết Bộ An ninh Quốc gia,  Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh, Hải quân và Cảnh sát biển nước này để lên kế hoạch cho những bước đáp trả tiếp theo. Trước mắt, Malaysia đã điều động Hải quân và Cảnh sát biển nước này để đảm bảo chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, ông Shahidan cho biết về khả năng Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ đích thân đem vấn đề này ra hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo giới phân tích, sự gớp mặt của Malaysia sẽ tạo ra một cục diện khác có lợi cho việc giải quyết vấn đề biển Đông hiện nay. Nó cũng là bằng chứng cho thấy sự cô lập ngày một gia tăng của Trung Quốc trong dã tâm thôn tính biển đảo. Vấn đề còn lại là các nước ASEAN sẽ làm gì, sẽ gắn kết ra sao để vừa tạo ra sức mạnh tổng thể, vừa tận dụng được sử ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các cường quốc G7.

Tuấn Nhật

(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào: