Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011
Hành trang nhân bản
Phạm Khắc Trung (danlambao) - Mọi sự việc, một khi đã cùng cực, ắt phải biến đổi, và sự biến đổi đó làm đảo ngược cái chiều hướng ban đầu, là một định luật tự nhiên của trời đất gọi là Đạo (cùng tắc biến).
Con người đứng trong trời đất, lấy cái quy luật nhất định của lẽ tự nhiên đó làm tiêu chuẩn cho sự suy tư mà hành xử thuận theo thiên lý, tức là “lấy đạo mà sửa mình”.
Tuy nhiên, bởi con người ở giữa trời và đất, có đầy đủ cái đức của cả đạo trời lẫn đạo đất, nên con người không những chỉ cùng làm chuẩn đích với trời đất, mà còn có khả năng chỉnh đốn, sửa sang đạo của trời đất: “Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo” (Hệ Từ Thượng, chương IV)
Thế nên, thay vì để cho sự phát triển đi xuống một cách bình thường trong điều kiện tự nhiên, con người lại tác động tích cực vào mà làm thay đổi chiều hướng để đưa sự phát triển đi lên (biến tắc thông), đó là “lấy nhân mà sửa đạo”.
Hãy nhìn thẳng vào thực trạng của Việt Nam ta trong hiện tại, khi mà đất nước bị nhận chìm sâu trong đáy bùn nhơ, trong sự nghèo đói và lạc hậu; khi luân thường đạo lý bị dập vùi, người ngay sợ kẻ gian, những đức tính cao cả của con người bị phỉ bang; khi quyền làm người bị chà đạp, người lương thiện bị trù dập, bị bắt bớ, tra tấn, tù đày… Chưa bao giờ con người sống chông chênh và lo lắng như bây giờ, trong tình trạng khủng hoảng khủng khiếp và toàn diện, cuộc khủng hoảng không lối thoát từ chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, cho chí tinh thần, đạo đức. Nghĩa là chúng ta đang đứng vào thời điểm tột cùng, giai đoạn thứ 3 của biểu đồ cấu tạo sự phát triển: Tiến hoặc Tiêu (hình 1).
Tiến hoặc Tiêu?
Nếu tiêu sẽ ra sao? Dĩ nhiên, dân tộc ta sẽ phải gánh lấy một sự thua thiệt hoàn toàn của con người, đó là hố vong thân, để trở thành những kẻ vô gia đình, vô tổ quốc, sống thất tha thất thểu như những bóng ma chập chờn để dễ dàng trở thành những con vật ngoan ngoãn cho bạo quyềnđộc tài cộng sản chăn nuôi trong những chuồng trại khổng lồ. Lúc đó, nước Việt Nam chỉ còn trơ lại cái xác không hồn, với những đoàn lũ trơ trọi từ trong tâm trí, sống bơ vơ như những con thú lạc bầy, để rồi sẽ chết dần chết mòn mà tuyệt chủng, bởi đã bị tước đoạt mất những giá trị dân tộc, những cái làm nên sinh thú cho cuộc sống đáng sống của con người. Lúc đó, giặc Bắc phương chỉ cần quơ bàn tay mà Hán hóa nốt mảnh đất cuối cùng của Việt tộc!!!
Đã là con dân nước Việt, không ai tránh khỏi những ray rứt, những dằn vặt mỗi khi nghĩ đến chữ Tiêu. Thế thì phải Tiến, phải thay đổi, phải nhập cuộc, phải dấn thân.
Trong quyển Nhân Chủ, do H.T. Kelton xuất bản tại California, Hoa Kỳ, phần Căn Cơ, trang 149, Kim Định viết về “những đức tính thiết yếu cho con người trong thế giới tiến mau lẹ” như sau:
“Trong bộ Encyclopédie FranÇaise quyển thứ 20 nhan đề Le monde devenir, ông Gaston Berger có viết một bài kết sách: Education dans un monde en acceleration kể ra 6 đức tính quan trọng mà nhà giáo dục cần huấn luyện cho con em mai sau là:
1.Đức trầm tĩnh (le calme). Sự việc càng xoay mau con người càng phải trầm tĩnh. Đây không phải là một đức tính trang sức, nhưng là vấn đề sinh tử. Ai hốt hoảng sẽ bị sa thải. Xe càng chạy mau, người tài xế càng phải điềm tĩnh. Triết lý và óc khôi hài có thể giúp vào việc lập đức tính này.
2.Óc tưởng tượng. Lúc xưa thế giới ít động thì chỉ cần rút tỉa kinh nghiệm, xem lại kinh nghiệm có đúng chăng. Lên đại học là cốt làm xong việc học. Thế giới càng chạy mau cần rất nhiều sáng kiến, và người nào khi ra khỏi đại học mà hết còn vấn đề nào để đặt lại là kể như tiêu.
3.Hăng nồng (enthousiasme). Giáo sư phải biết khơi ngòi và duy trì bầu lửa nhiệt huyết đó. Đức trầm tĩnh chỉ áp dụng cho tâm não chứ không cho tình cảm. Trái lại con tim phải sôi động.
4.Óc tập thể (esprit d’équipe). Thời đại mới, mọi thứ trở nên phức tạp quá sức cá nhân, thiếu óc cộng tác khó thành công.
5.Dũng cảm (le courage). Để đi vào đời mới không có cái gì vững chãi: từ sở làm cho đến các vấn đề cần óc sáng tạo. Óc sáng tạo đòi hỏi nhiều can đảm hơn là khi chỉ có việc nối tiếp. Nhiều xứ không tiến bộ thì không phải thiếu phương tiện, thiếu chuyên viên, nhưng là thiếu sự dám làm.
6.Cảm quan nhân tính (le sens de l’humain). Đây là đức quan trọng bậc nhất, nó không phải là khuynh hướng suy tư. Nhưng là một tâm kiện bao quát cả con người, thiếu nó dũng cảm có thể trở thành tàn ác, óc cộng tác trở thành một vài cử động lịch sự bên ngoài. Nên tất cả nhiệm vụ văn hóa là nhằm phát triển đức tính này”. (Hết trích)
Không ai chối cãi 6 đức tính cần thiết trong thời đại đang lên đó. Lòng có hăng nồng mới mong muốn thay đổi. Muốn thay đổi thì cần đến những sáng kiến, những phát minh. Óc tưởng tượng có phong phú mới sinh ra nhiều sáng kiến, làm nẩy nở lòng hăng nồng. Nhưng nếu thiếu đức trầm tĩnh để cân nhắc sự việc, thì lòng mong muốn thay đổi trở nên cơn ác mộng, và óc tưởng tượng biến thành giấc mộng phù du. Óc tưởng tượng, đức trầm tĩnh, lòng hăng nồng hỗ tương và liên kết với nhau thành một vòng tròn, thể hiện cho “sự độc đáo riêng tư của mỗi cá thể”, còn được gọi là “con người nội tại”.
Có dũng cảm mới dám dấn thân, mới an nhiên chấp nhận những rủi ro như những mảnh vụn của cuộc đời. Lòng dũng cảm tạo nên năng lực thôi thúc lòng hăng nồng, là động lực cần thiết để thúc đẩy lòng mong muốn thay đổi. Sự cộng tác không những chỉ kết hợp mà còn thôi thúc lòng dũng cảm phát triển, hoàn thiện những sáng kiến, phát minh. Cảm quan nhân tính là một tâm kiện lương tri bao quát của con người, nhằm ngăn chặn những bộc phát thiếu văn minh của lòng dũng cảm, những hành vi tiêu cực của óc tập thể, là hương hoa tô điểm và hướng dẫn sự phát triển sự độc đáo riêng tư của mỗi cá thể. Ba đức tính dũng cảm, óc tập thể và cảm quan nhân tính, hỗ tương và liên kết thành một vòng tròn thể hiện cho “sự thụ quyền”, tức “con người xã hội”.
Thế là đã có 2 vòng tròn làm 2 bánh xe. Việc kế tiếp là kết hợp 2 mối tương quan này, một bên là ý chí khả năng quyết định ước muốn với lòng hăng say yêu thích; một bên là sự sáng sủa, tìm cầu học biết về người và vạn vật, mà làm nẩy nở ra óc thành khẩn và nhiệt tâm mãnh liệt. Nghĩa là phải tạo được một thế quân bình năng động và uyển chuyển, tức là dựng được “sự tin tưởng” làm sườn mà nối liền 2 bánh xe.
Quân bình có nghĩa là lúc nào cái sườn cũng phải ngay chính, không nghiêng không lệch, tức thể hiện của “đạo Trung”. Trung bao giờ cũng bao hàm cái ý hòa, vì có hòa mới trung được, mà đã trung thì tất có hòa. Trung là cái thể rất hoàn toàn của sự bình hành. Trời đất và vạn vật có cái trung mới đứng được, có cái hòa mới hóa dục được “Trung giã giả, thiên hạ chi đại bản giã; hòa giã giả, thiên hạ chi đạt đạo giã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên: Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, hòa là cái đạt đạo của thiên hạ. Cùng cực cả trung và hòa, thì trời đất định vị, vạn vật hóa dục” (Trung Dung)
Trung có thể và dụng. Thể là thái độ ngay chính, lúc nào cũng không nghiêng không lệch. Trong khi ngay chính là cái lẽ của “sự tin tưởng”. Mục đích của sự thay đổi là sửa đổi mọi việc lại cho ngay thẳng, nên phải nằm lòng rằng luôn giữ ngay chính làm danh. Danh không chính thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành (danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận sự bất thành). Đại khái, sườn xe là một khung vuông, được nối với nhau bằng những thanh thẳng. Hai góc dưới gắn dính với hai trục của bánh xe để tạo nên thế quân bình năng động. Giữ trật tự cho minh và danh phận cho chính là giữ cái căn bản của chính trị vậy.
Dụng là khi thể hiện ra thì không thái quá, không bất cập. Thể hiện của dụng thì không đâu đạt được bằng cơ cấu tam tài, đó là một hệ thống triết lý quân bình, trong đó, con người ở giữa nên lãnh phần tích cực mà tham dự vào việc giao thoa giữa trời và đất, để con người chính thức là một tác nhân uyển chuyển mà duy trì sự quân bình cho vũ trụ, giữa 2 bờ đối cực là đất và trời, và được biểu lộ ở “đức tự chủ”. Đức tự chủ đẩy tinh thần trách nhiệm tới chỗ không thể xa hơn được nữa: ngang với trời đất, cùng trời đất hóa sinh vạn vật. Từ đó làm nẩy nở ra các đức tính tốt như tự tin, tự trọng, tự quyết, trầm tĩnh, lòng can đảm…
Giữ được cái trung, nghĩa là theo thiên lý mà lưu hành, mà biến hóa cho được điều hòa.
Để lưu hành, để biến hóa, phải cần cái lực tác động vào. Cho nên hệ thống bàn đạp được gắn thêm vào bên dưới sườn xe để truyền lực vào bánh xe sau (sự thụ quyền), mà đẩy toàn bộ chiếc xe tới trước, tạo nên sự di chuyển. Hệ thống bàn đạp đó gọi là “sự truyền đạt”.
Hệ thống bàn đạp là cơ sở tạo nên sự di chuyển, sinh ra biến hóa “Sinh sinh chi vị dịch: Sinh sinh ra mãi gọi là Dịch” (Hệ Từ Thượng, chương VI). Mà sinh là chủ của đạo trời đất “Thiên địa chi đại đức viết sinh: Cái đức lớn của trời đất là sự sinh” (Hệ Từ Hạ, chương I).
Người là một phần trong vạn vật nên phải biến hóa sinh sinh, tức là sự sống của con người phải được tuyệt đối tôn trọng. Sự tôn trọng quyền sống của con người được biểu hiện bằng 2 đức Hiếu Đễ. Hiếu là trọng kính cái nguồn gốc của sự sống, những người đã truyền sinh và nuôi dưỡng nên mình. Đễ là trọng kính sự sống nơi người nào đã bảo toàn được sự sống lâu hơn mình để học hỏi và thâu thập kinh nghiệm sống. Để sống, con người cần ăn và tự do, thiếu ăn thì hết sống, và thiếu tự do thì cái sống không còn là cái sống của con người nữa mà là cái sống của loài cây cối, súc vật. Như vậy, quyền sống và quyền tự do của con người phải được tôn trọng.
Bởi người ở giữa trời đất, có đầy đủ cái đức của đạo đất lẫn đạo trời, nên con người còn phải lấy đạo trời đất làm chuẩn đích, mà chỉnh đốn, sửa sang đạo của trời đất “Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo” (Hệ Từ Thượng, chương IV). Sứ mạng của con người không những chỉ bao hàm sự tiến hóa, mà còn định hướng tiến về phía vô biên đại ngã mà thể nghiệm chiều kích tâm linh để “cùng thần tri hóa”. Bộ phận tay lái được gắn vào bánh xe trước, qua trung gian cái sườn để lèo lái chiếc xe, gọi là “định hướng”.
“Đạo người thì chính trị là lớn: Nhân đạo chính vi đại” (Lễ Ký, Ai Công Vấn, XXVII). Chính trị là cái công dụng của đạo nhân mà thi thố ra ở đời, Khổng Tử nói: “Nhân đạo mẫn chính, địa đạo mẫn thụ. Phù chính giã giả, bồ lư giã. Cố vi chính tại nhân; thủ nhân dĩ thân, tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân: Cái nhanh thành hiệu của đạo người là việc chính trị, cái nhanh thành hiệu của đạo đất là sự mọc cây cối. Ấy việc chính trị cũng như cây lau cây sậy vậy. Cho nên làm việc chính trị cốt ở người; dựng người ngay từ cá thể riêng biệt, lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo” (Trung Dung). Việc chính trị như cây lau cây sậy, cũng đều ở cái mầm do cái nhân sinh ra. Cây lau cây sậy mọc được nhờ đất nuôi dưỡng, việc chính trị có hay hay dở là do nơi người thành tựu. Và cái mục đích của chính trị là nhằm bồi bổ sự sinh.
Muốn thuận theo thiên lý mà bồi bổ sự sinh thì phải hiểu lòng trời, muốn biết lòng trời thì cứ xem lòng dân: “Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính: Trời trông thấy, tự ở dân ta trông thấy; trời nghe thấy, tự ở dân ta nghe thấy” (Thư: Thái Thê Trung). Như vậy, dứt khoát phải theo lòng dân mà khiến sự chính trị, phải biết thích cái thích của dân, phải biết ghét cái ghét của dân, không nhiễu dân, không phiền dân, muốn dân làm việc gì, thì mình làm trước, bắt dân phải khó nhọc việc gì, thì mình chịu khó nhọc trước, phải biết bao dung độ lượng, không nên chấp nhách những lỗi lầm nhỏ của dân, biết cân nhắc người hiền, tránh tham lam và không nên vội vã… Tóm lại, lấy nhân ái mà trị dân, lo cho dân không có sự giàu nghèo chếch lệch, giữ cho dân được hòa bình an lạc, mới là chính sách vương đạo vậy. “Hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an. Cái quân vô bần, hóa vô quả, an vô khuynh: Không lo ít người mà lo không đều, không lo nghèo mà lo không an. Hễ đã đều là không có sự nghèo, đã hòa thuận là không có ít người, đã an là không có sự khuynh nguy” (Luận Ngữ, Quí Thị, XVI).
Nhân là cái gốc của sự sinh hóa trong trời đất, thế gian nhờ đó mà đứng, vạn vật nhờ đó mà sinh, quốc gia nhờ đó mà còn. Nhân là cái tông chỉ duy nhất trong học thuật và chính trị của thiên hạ. Khổng Tử nói: “Năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hĩ. Viết cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung tắc bất vũ, khoan tắc bất chúng, tín tắc nhân nhiệm yên, mẫn tắc hữu công, huệ tắc túc dĩ sử nhân: Có thể làm được 5 điều trong thiên hạ là nhân vậy. Là cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung thì không khinh nhờn, khoan thì được lòng người, tín thì người ta tin cậy được, mẫn thì có công, huệ thì đủ khiến được người” (Luận Ngữ, Dương Hóa, XVII)
Nhân tuy tịch nhiên im lặng nhưng vẫn có sẵn cái năng lực sinh tức ra các đức tính tốt là trầm tĩnh, óc tưởng tượng và lòng hăng nồng, như cái hột trong quả, nhờ hột mà mọc ra mầm. Như thế, sự độc đáo riêng tư của mỗi cá thể chính là cái gốc của nhân, nơi hàm chứa những khả năng tiềm ẩn, nên nói bánh xe trước “có công”.
Nhân thì dễ cảm dễ ứng. lúc nào cũng suốt đến cả vạn vật, nên làm việc gì cũng trúng tiết và hợp với thiên lý. “Định hướng” là cái ngọn của nhân, luôn vượt lên trên trong sứ mạng tiến hóa, và tay lái là nơi “người ta tin cậy được”.
Sườn xe là một khung vuông, được nối với nhau bằng những thanh thẳng, tạo sự quân bình, giữ vững “sự tin tưởng” nên “đủ khiến được người”.
Chữ nhân vẫn hàm ý chữ ái. Có nhân mới có ái, có ái mới có lòng thương người, yêu vật, muốn cho mọi vật dạt dào khoái lạc. Bởi có nhân có ái nên con người mới hợp quần với nhau, mới coi nhau như anh em, xem đoàn thể như một người, cả vũ trụ như nhất thể, nên không đẩy ra ngoài bất cứ cái chi, không diệt sinh, “không khinh nhờn”, mà còn chấp nhận toàn bộ trong tư thái điều hòa, để tìm cho được nhiều sinh thú nhất trong mỗi hoàn cảnh nhất định.
Nhân với an quan hệ với nhau mật thiết. An là đức tính tốt của nhân, lúc nào cũng tự nhiên nhi nhiên, mà làm việc gì cũng thung dung trúng đạo. Người có nhân, tự mình có cái trực giác sáng láng, ở trong bụng thì an lặng, mà ứng ra ngoài thì việc gì cũng thích hợp với thiên lý, chí công chí thiện, nên lúc nào cũng “được lòng người”.
Vậy là chúng ta may mắn có đủ những điều kiện cần thiết để ráp nên chiếc xe nhân bản, làm hành trang cho cuộc hành trình trong tình thế mới (hình 2).
Em có yêu anh, tam tứ núi chúng anh cũng trèo,
Thập bát sông tang tình, chúng anh cũng lội,
Tứ cửu tam thập lục đèo chúng anh cũng trèo qua.
Chén son em ơi, nguyện với ông trăng già,
Càn khôn đưa lại mấy một nhà vui chung.
Con đàng xa xôi, xin em chớ ngại ngùng
Xa người, xa tiếng, nhưng lòng không xa.
Nói ví dù sớm biết nhau ra
Đá vàng cũng quyết, phong ba anh cũng liều.
Đường tình riêng mới nhớ ít, tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
Con dao vàng anh liếc đá vàng,
Mắt anh, anh liếc, mắt nàng, nàng đưa.
Ta mần thinh đi kẻo thế gian ngờ,
Lòng đây thương đó biết cơ hội nào.
Quyết sắn tay anh bẻ khóa Động Đào…
(Ca Dao)
Chủ nghĩa cộng sản tiêu diệt sự độc đáo riêng tư của mỗi cá thể, cái năng lực sinh tức ra các đức tính tốt là đức trầm tĩnh, óc tưởng tượng, lòng hăng nồng, tức là hủy diệt cái hột trong quả, cái phần tinh túy để mọc ra mầm, cái gốc của đạo nhân, một tiền đề cần thiết cho sự phát triển.
Đã không có bánh xe trước thì lấy gì mà gắn tay lái, không có con người nội tại thì lấy ai mà “định hướng”. Cái sườn xe trở nên dư thừa, đành phải rút ngắn lại. Sự quân bình không còn, “sự tin tưởng” bị đánh mất. Chiếc xe biến dạng trở thành chiếc xe một bánh mà người ta thường thấy trong các đoàn xiếc, chông chênh, khập khễnh mà chạy lòng vòng, không tiến xa được.
Hành trang mà đảng cộng sản trang bị cho con người trong xã hội chủ nghĩa như thế đấy, hỏi sao đất nước chẳng bị nhận chìm sâu trong đáy bùn nhơ, trong sự nghèo đói và lạc hậu; hỏi sao luân thường đạo lý không bị dập vùi, người ngay sợ kẻ gian, những đức tính cao cả của con người bị phỉ bang; hỏi sao quyền làm người chẳng bị chà đạp, người lương thiện bị trù dập, bị bắt bớ, bị tra tấn, bị tù đày…; hỏi sao con người chẳng sống chông chênh và lo lắng như bây giờ, trong tình trạng khủng hoảng khủng khiếp toàn diện. Đấy là nguyên nhân chính yếu đưa đến cuộc khủng hoảng không lối thoát, sự băng hoại toàn diện, từ chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, đạo đức… ở Việt Nam ta ngày nay.
Phạm Khắc Trung (danlambao)
http://danlambao.com/
http://danlambaovn.blogspot.com/
____________________________
Tài liệu tham khảo:
Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, H.T. Kelton, California, Hoa Kỳ
Kinh Dịch, Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 1993.
Nhân Chủ, Kim Định, H.T. Kelton, California, Hoa Kỳ.
Nho Giáo, Trần Trọng Kim, Đại Nam tái bản, California, Hoa Kỳ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét