Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011
Những con đường dẫn đến dân chủ
Nguyễn Hưng Quốc (VOA) – Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của dân chủ là sự tôn trọng tính đa dạng. Bởi vậy, bản thân dân chủ cũng hết sức đa dạng. Nó không có một hình mẫu duy nhất và cố định. Từ nền dân chủ Mỹ đến nền dân chủ ở Anh hay ở Pháp hay ở bất cứ quốc gia châu Âu nào cũng có vô số biến thái. Những biến thái ấy thể hiện rõ rệt trong các cách tiếp cận của giới học giả về vấn đề dân chủ.
Ở thập niên 1960, phần lớn các nhà nghiên cứu đều gắn liền quá trình dân chủ hóa với sự phát triển của kinh tế và xu hướng hiện đại hóa trong xã hội. Theo Thomas A. Sanction, các tiền đề dẫn đến dân chủ bao gồm: “sự phát triển tương đối cao về kinh tế, một tầng lớp trung lưu khá mạnh, một truyền thống khoan dung và tôn trọng cá nhân, sự có mặt của các nhóm xã hội và thiết chế độc lập, một nền kinh tế theo định hướng thị trường, và sự hiện diện của những phần tử ưu tú sẵn sàng từ bỏ quyền lực” (1).
Không phải ai cũng đồng ý với luận điểm do Thomas A. Sanction tóm tắt. Căn cứ vào kinh nghiệm của nhiều quốc gia ở châu Mỹ La tinh, nơi sự phát triển kinh tế chỉ dẫn đến việc hình thành các chế độ độc tài kiểu mới, người ta cho con đường dân chủ hóa gắn liền với rất nhiều yếu tố khác, ngoài việc phát triển kinh tế và hiện đại hóa. Các yếu tố ấy là gì? Theo Robert A. Dahl (trong cuốn Polyarchy: Participation and Opposition, 1971 và cuốn Democracy and its Critics, 1989) và Larry Diamond (trong bộ Democracy in Developing Countries, biên tập chung với nhiều người khác, 1988-9), các yếu tố ấy bao gồm: kinh nghiệm lịch sử, cấu trúc xã hội, trình độ kinh tế, văn hóa chính trị, giới lãnh đạo và một số tác động từ bên ngoài. Larry Diamond, về sau, tiếp tục duy trì quan điểm ấy nhưng càng ngày càng tin chắc là sự phát triển đóng vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa: hầu hết các nước dân chủ cao trên thế giới đều có chỉ số phát triển con người (Human Development Index) cao. Theo Raymond Gastil (trong bài ‘The past, present, and future of democracy’ đăng trên tạp chí Journal of International Affairs số 38 năm 1985), quá trình dân chủ hóa chịu ảnh hưởng của việc truyền bá ý thức về dân chủ hơn là các điều kiện kinh tế xã hội. Còn Guillermo O’Donnell và Philippe C. Schimitter (trong cuốn Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democracies, 1986) thì lại tập trung vào vai trò chủ chốt của giới lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ. (2)
Samuel P. Huntington, trong nhiều tác phẩm khác nhau, thường nhấn mạnh:
(a) không có một yếu tố duy nhất nào có thể giải thích được quá trình dân chủ hóa trong một nước cũng như trong phạm vi toàn thế giới;
(b) trên thực tế, quá trình dân chủ hóa bao giờ cũng là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau;
(c) những yếu tố ấy thường thay đổi từ quốc gia này đến quốc gia khác; và
(d) những yếu tố ấy cũng thay đổi theo từng làn sóng dân chủ hóa (theo ông, cho đến cuối thế kỷ 20, nhân loại đã trải qua ba làn sóng dân chủ hóa như thế: từ thập niên 1820 đến 1926; từ sau Đệ nhị Thế chiến đến đầu thập niên 1960; và từ năm 1974 đến đầu thập niên 1990).
Dựa trên kinh nghiệm của làn sóng dân chủ lần thứ ba (kết thúc bằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Nga và Đông Âu), Huntington rút ra năm yếu tố chính tác động đến quá trình chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ:
1.Các chế độ độc tài mất dần tính hợp pháp do sự phổ cập các giá trị dân chủ và do sự thất bại của họ trong lãnh vực kinh tế cũng như (ít hơn) quân sự.
2.Sự phát triển vượt bậc về kinh tế trên phạm vi toàn cầu dẫn đến việc nâng cao mức sống cũng như giáo dục, mở rộng tầng lớp trung lưu thành thị ở nhiều quốc gia trên thế giới.
3.Sự chuyển hướng trong chính sách của Giáo hội Công giáo từ việc bảo vệ nguyên trạng chính trị của các chế độ độc tài sang việc ủng hộ các phòng trào đối kháng.
4.Sự thay đổi chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, đặc biệt của Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu và Liên Xô.
5.Hiệu ứng “quả bóng tuyết” (snowballing): ảnh hưởng của dân chủ từ nước này đến nước khác. (3)
Hiện nay, người ta hay nói đến làn sóng dân chủ thứ tư mở đầu bằng các cuộc nổi dậy đấu tranh giành tự do ở các nước Ả Rập, đặc biệt tại các quốc gia: Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya, Syria, Jordan, v.v… Ở một số nơi, cuộc cách mạng coi như đã hoàn tất giai đoạn sơ khởi (lật đổ chế độ độc tài); ở một số nơi khác, cuộc đấu tranh còn tiếp tục với khả năng kéo dài và đẫm máu. Tuy nhiên ở mọi nơi rõ ràng là dân chúng đã đứng dậy và quyết tâm tranh đấu cho quyền làm người vốn bị tước đoạt từ lâu của mình.
Thành thực mà nói, chưa thể khẳng định các biến cố ở Trung Đông và châu Phi mấy tháng gần đây là làn sóng dân chủ thứ tư. “Dân chủ”? Người ta còn phải chờ, ngay cả tại Tunisia và Ai Cập, nơi các nhà độc tài đã bị hạ bệ. Nhưng còn “làn sóng”? Thì đúng là có làn sóng thật. Ít nhất cũng là làn sóng xuống đường đấu tranh của quần chúng. Làn sóng của cách mạng.
Yếu tố gì đã tạo thành các làn sóng đó?
Ít nhất cũng có ba yếu tố trong số năm yếu tố dẫn trên của Huntington vẫn còn nguyên giá trị: một, sự sụp đổ của tính hợp pháp của các chế độ độc tài; hai, sự phát triển của tầng lớp trung lưu thành thị vốn càng ngày càng thấu hiểu giá trị của tự do; và ba, hiệu ứng “quả bóng tuyết” từ nước này lan sang nước khác.
Có thể thêm một yếu tố mới: vai trò của các kỹ thuật truyền thông hiện đại như email, facebook, twitter… khiến người ta có thể dễ dàng liên lạc, chuyển tải tin tức cho nhau, từ đó, nhanh chóng tập hợp lực lượng và vận động sự ủng hộ của thế giới buộc các tên bạo chúa phải ngại ngần trong việc sử dụng bạo lực để đàn áp dân chúng.
Trong các yếu tố kể trên, những yếu tố nào đã hiện hữu ở Việt Nam rồi nhỉ?
Nguồn : Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
***
Chú thích:
1.Tatu Vanhanen (1997), Prospects of Democracy: A Study of 172 Countries, London: Routledge, tr. 11.
2.Xem Tatu Vanhanen (1997), sđd, tr. 10-26.
3.Samuel P. Huntington, “Democracy’s Third Wave”, in trong cuốn The Global Resurgence of Democracy do Larry Diamond và Marc F. Platter biên tập, nxb The John Hopkins University Press, 1996, tr. 3-25.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét