Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Độc quyền, nghẹt thở và tắc thở!


Nguyễn Gia Minh (danlambao) - Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống bế tắc và vô vị như lúc này. Và tôi tin rằng đa số người dân cũng đều cảm thấy sự thật là thế.

Ví như những bác nông dân tay lấm chân bùn, quanh năm lầm lũi ruộng vườn, chắc có lẽ nhàn nhã và bằng lòng với thế giới nhỏ bé đó. Tuy nhiên nhiều người cũng không vì thế mà an thân khi chẳng may vướng các rắc rối điển hình như giải tỏa đất mà phần thiệt luôn là người nông dân. Nông dân thời nay không còn nông nhàn, họ cũng phải vật vã lo toan thời bão giá, thời nhiều rủi ro của cái kinh tế thị trường "nửa chim, nửa chuột", lúc được mùa mất giá, khi được giá mất mùa. Nông dân cũng không ngoại lệ phải đối diện với chính quyền khi có việc, họ cũng bị "hành là chính". Rồi chuyện ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm đừng tưởng chuyện nhỏ mà câu chuyện "phố đã lên rừng". Chăm sóc y tế, giáo dục chắc không thể hơn nơi các đô thị... họ là những người lãnh đủ các bất cập, các yếu kém.

Tuy vậy, người nông dân vẫn còn cái không khí ruộng vườn để thở, vẫn còn chút không khí yên ả làng quê và thói quen an phận thủ thường, nghèo khó mà thanh thản. Kể ra cũng còn hay ho hơn nơi chốn đô thị, nơi mà khối người đang vật lộn hàng ngày. Mở mắt ra phải đối diện ngay với nạn kẹt xe, nạn ô nhiễm khói bụi, tai nạn giao thông luôn chực chờ lấy đi tính mạng bất cứ lúc nào. Cái đau đớn nhất là ý thức cộng đồng người dân quá kém trên mọi bình diện, người dân trở nên thờ ơ vô cảm. Trên dòng đời tấp nập bon chen, mọi người cứ dồn lên nhau, đạp lên nhau mà tới bất chấp mọi đạo lý, bất chấp mọi luật lệ.

Sự vô cảm, giả dối, lọc lừa và cả sự tàn nhẫn không biết từ bao giờ đã trở nên phổ biến đến đáng sợ. Cũng dễ hiểu ngay từ lúc bé, người ta đã dạy cho các cháu sự giả dối, thói tôn sùng vật chất từ các tấm gương sống của các thầy cô giáo rồi. Học sinh đã làm quen rất sớm tới tiền, các khoản tiền đóng cho thầy cô "dạy thêm buộc học thêm", các khoảng tiền ''bày vẽ" linh tinh cũng do chính các nhà giáo. Nạn chạy điểm, chạy trường là "thành thích" của cái bệnh gọi là "chạy theo thành tích" rất ư là truyền thống của ngành giáo dục. Dạy không thực chất, học không thực chất cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều nguy hiểm là chúng ta đã đạo tạo ra những thế hệ què quặt về chuyên môn, văn hóa và bệnh hoạn về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Rất dễ thấy học sinh, sinh viên bây giờ rất kém về ý thức công dân, tính tự giác, lòng tự trọng, lòng nhân ái... nhưng lại thừa thải lối sống đua đòi, hưởng thụ, phá phách, hư hỏng, dối trá, côn đồ...

Ông cha ta có câu bất hủ: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà không làm gương thì hầu như con cháu sẽ hư hỏng. Trong một quốc gia, quan chức không làm gương cho dân thì xã hội khó bề yên ổn. Ngày nay trong xã hội rất ít tấm gương tốt nhưng đầy rẫy những cái xấu, cái tốt không được phát huy nhưng cái xấu thì dễ dàng nảy mầm. Không kể đầy rẫy trên các mặt báo mà ngay trong cuộc sống thường nhật, cảnh đâm chém nhau, chồng giết vợ, vợ giết chồng, con đâm cha đâm chú, bạn bè giết nhau thường xuyên xảy ra và ngày càng phức tạp, ngày càng man rợ. Lối sống gấp, thiếu lý tưởng sống, hành động thì chập giật, ăn xổi ở thì đang trở thành phổ biến. Chốn công chức, công quyền thì không ai còn lạ. Người dân có việc thì hạch sách, vô cảm, vòi vĩnh bôi trơn. Tệ tham những tràn lan từ trung ương xuống tận xã phường, mọi cấp, mọi ngành. Người ta sống bằng lậu chứ chả ai sống bằng lương, ấy thế nên quan chức từ cấp huyện trở lên rất nhiều người nhà lầu xe hơi, đất đai nhà cửa bát ngát, một người làm quan cả họ được nhờ. Ông chủ thì bươn chải kiếm ăn, lo toan vất vả còn các ông đày tớ của dân sao mà sướng thế, được ăn trên ngồi trước, một bước lên xe xuống cộ, phòng lạnh, khách sạn, nhà hàng, phàm đều là những nơi sang trọng. Tệ nhậu nhẹt xa hoa lãng phí cũng có nguồn gốc từ các đày tớ đó thôi, tiền của dân, tiền chùa tha hồ mà sướng. Cha nào con nấy, các cậu ấm cô chiêu tiêu xài tiền như lá mít không kém, tiền chùa mà. Người dân nhìn vào đó mà so bì, mà noi gương. Kẻ ranh ma thì chạy chức chạy quyền, sẵn sàng thượng đội hạ đạp hoặc đi bằng đầu gối mà ngoi lên chức đày tớ hòng kiếm ăn bở, còn đa phần người dân thì "thấp cổ bé họng" chỉ biết cam chịu, rụt đầu rụt cổ mà vơ vén cho bản thân và gia đình. Thì đó, vài gương can đảm đấu tranh chống tham nhũng rồi cũng "đấu tranh thì tránh đâu", gương tốt hóa thành xấu, ai mà còn dám noi theo. Kể cũng lạ, kẻ xấu, kẻ dốt, bằng cấp lẹt đẹt chuyên tu với tại chức chưa kể bằng giả thì thăng quan tiến chức. Người tài, người ngay thì mãi mãi chẳng được ngóc đầu, chưa kể bị trù dập hoặc vô lao bóc lịch nếu "phản biện phản cảm", hoặc bị kết tội chống đối.

Ở cái xã hội mà đồng tiền (lại là tiền bẩn) được thượng tôn nên vô số các thói hư tật xấu như nạn chụp giật, giả dối, ích kỹ, vô cảm... cũng từ đó mà thành. Và điều nguy hiểm là nó đã trở nên như là câu chuyện "thường thôi mà!", "biết rồi khổ lắm nói mãi!", mọi người chấp nhận nó theo kiểu như "sống chung với lũ". Cứ thế cứ thế hình như nó đã "di truyền" vào gen của người Việt đã từ hồi nào mà không ai hay. "lâu rồi đời mình cũng qua" nhưng lâu rồi dân tộc, đất nước có qua được bến bờ... Nhìn thấy nước Nhật mà lòng vừa thấy xấu hổ, vừa quặn đau!

Loạn là thế, nhưng đâu đâu cũng thấy mừng Đảng mừng xuân, đâu đâu cũng kêu gào ổn định để phát triển. Rồi lại phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nơi nào cũng tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi đua, thí sinh thì thao thao bất tuyệt kể chuyện Bác Hồ như cái máy, rồi trao giải nhận cờ, rồi cũng phong bì phong bọt. Rồi đâu cũng vào đấy cả thôi, bệnh hình thức, giả dối cứ đeo bám không biết đến bao giờ. Học tập đó, lý luận mùi hết chổ chê đó, nhưng thử hỏi có mấy quan chức mà xuống gần dân, cày bừa tát nước với dân, hiểu dân tình thế thái như Bác Hồ đâu, hay chỉ bàn giấy máy lạnh. Hoặc khi "vi hành" thì xe con láng kón mát lạnh, kính đen kín mít, chạy vù vù với cảnh sát thì áp tải hụ còi, nên đường xá còn chưa buồn thấy huống hồ thấy dân... vậy mà miệng mồm luôn oang oang cho dân học tập tấm gương đạo đức Cụ Hồ. Tham nhũng thì tràn lan, miệng luôn hô chống như không "xử" ai bao giờ, Vinashin thất thoát cả trăm ngàn tỷ mà cứ xem như không, chả ai bị kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm vì chưa đến mức. Ngày xưa Bác Hồ còn đứng trước bàn dân mà lau nước mắt, mà hối hận và sửa chữa những lỗi lầm của Đảng kia mà, không ai quên Bác Hồ nói rằng một Đảng mà che dấu khuyết điểm, sai lầm là một Đảng hỏng đó sao? Học tập hay "phá sách"? rõ vãi!

Chuyện rõ như ban ngày là thế, dân bức xúc là thế nhưng có ai được quyền kêu ca đâu, phải ngậm bồ hoàn làm ngọt nếu không muốn làm "anh dân chủ bóc lịch". Cũng ngày xưa Bác Hồ nói dân chủ là dân mở mồm ra nói..., chắc mấy sếp nay hiểu mở mồm chờ sung rụng chắc!

Vậy nguyên nhân của mọi vấn đề nằm chỗ nào? Rõ ràng sự xuống cấp của xã hội có tính hệ thống và chắc chắn có nguồn gốc ở tầm vĩ mô, đó là cơ chế không khuyến khích được cái tốt phát triển và đè bẹp cái xấu mà có khuynh hướng ngược lại, hay nói "ông độc quyền" chính là tội đồ của tất cả. Còn ai độc quyền, độc quyền cái gì? như thế nào? thì dành bớt cho người đời, nói nhiều quá, thật quá kẻo bị vạ miệng!

Nguyễn Gia Minh (danlambao)

Không có nhận xét nào: