Pages

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Kỷ luật Đảng phải kịp thời, chính xác và nghiêm minh

Bùi Văn Bồng

“… nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, Đảng chỉ gồm những đảng viên ưu tú, tiên phong, gương mẫu, thực sự vì hạnh phúc của dân, như thuở đầu dựng nước Việt Nam – dân chủ – cộng hòa. Chỉ có thế vai trò lãnh đạo của Đảng mới được khẳng định, giữ vững.”
Mới đây, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ðầm Dơi (Cà Mau) tổ chức cuộc họp bất thường xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Lê Thanh Dư, Huyện ủy viên, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện. Như các báo đã đưa tin: Ông Lê Thanh Dư có dấu hiệu cố ý bao che, làm trái quy định của Nhà nước để cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khiêm xuất bán vàng cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC với số tiền hơn 7,4 nghìn tỷ đồng trong bảy tháng đầu năm 2010; trong khi doanh số bán hàng bình quân thể hiện trên sổ bộ thuế hơn 700 triệu đồng và nộp thuế hơn 5,7 triệu đồng/tháng và trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước với số tiền gần 60 tỷ đồng. Với khuyết điểm trên, ông Lê Thanh Dư đã vi phạm quản lý tài chính cơ quan; thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quản lý thuế; cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Ngoài ra ông Dư còn gây mất đoàn kết nội bộ. Với những sai phạm nghiêm trọng này, cuộc họp đã bỏ phiếu với sự nhất trí cao đề nghị cách chức Huyện ủy viên; khai trừ Ðảng và đề nghị xem xét, cách chức Chi cục trưởng Chi cục Thuế đối với ông Lê Thanh Dư.

Trong các hình thức kỷ luật Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng là hình thức kỷ luật cao nhất. Khi đảng viên ở bất cứ cương vị nào đã vi phạm kỷ luật, vi phạm Điều lệ Đảng, không hoàn thành 5 nhiệm vụ đảng viên, vi phạm 19 điêu cấm đảng viên không được làm, đều phải bị kỷ luật.
Đảng bộ Cà Mau kịp thời và nghiêm khắc xủ lý kỷ luật ở mức cao nhất đối với ông Lê Thanh Dư đã được dư luận rất đồng tình, hoan nghênh. Kỷ luật Đảng phải thật sự kịp thời, chính xác, nghiêm minh là rất cần thiết để làm trong sạch Đảng, trong sạch nội bộ lãnh đạo các cấp, thiết thực nâng cao sức mạnh và tính chiến đấu, nâng cao uy tín của một đảng cầm quyền trước nhân dân. Ngày 14-3-2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã thông báo về kết quả kỳ họp thứ 10 của Ủy ban, do đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì. Tại hội nghị này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận quyết định thi hành kỷ luật ông Cao Minh Quang Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc bằng hình thức cảnh cáo (!?).
Theo tác giả Nguyễn Thúy Hoàn, tại bài viết “Đã đủ nghiêm khắc?”, đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng Onlines ngày 18-3-2012: “Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, trong thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu đích danh họ và tên cán bộ lãnh đạo, quản lý bị thi hành kỷ luật. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, thể hiện quan điểm công khai, minh bạch, không nể nang, né tránh, có tính chiến đấu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng sẽ được tiếp tục thấy rõ “một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất” cụ thể là những ai trong thông báo kết quả các kỳ họp sau của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Điều này rất quan trọng, để người tốt, kẻ xấu không bị lẫn lộn, để những ai vi phạm thấy rõ sẽ bị nêu đích danh, người đời chê cười, người thân xấu hổ, để cán bộ, đảng viên cảnh tỉnh, không vi phạm.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết: “Nêu đích danh chưa đủ sức giáo dục và răn đe mà quan trọng hơn là hình thức kỷ luật phải tương xứng với những vi phạm. Kết luận chỉ rõ: “Đồng chí Cao Minh Quang đã có những khuyết điểm, vi phạm như thiếu gương mẫu, vụ lợi khi vay tiền của cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách; phát ngôn, phản ánh không chính xác, thiếu thận trọng về một số vụ việc tại Bộ Y tế. Những việc làm của đồng chí Cao Minh Quang đã vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và Quy định về những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm cho uy tín của cá nhân giảm sút…”. Vậy, chỉ có “uy tín cá nhân giảm sút thôi sao?” Chính những vi phạm trên của ông Cao Minh Quang — một cán bộ cao cấp của Đảng– trong thời gian dài đã góp phần làm giảm uy tín của Đảng, giảm niềm tin của dân với Đảng!
Tương tự như thế, ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đấc Lắc đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19-4-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về nhiệm vụ và quan hệ công tác của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, quy chế làm việc của Tỉnh ủy và một số quy định của Chính phủ, của bộ, ngành Trung ương thể hiện qua một số việc. Ông Cư đã có nhiều sai lầm xuất phát từ động cơ cá nhân trong việc ra chủ trương sử dụng sai quy định nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho nhiều dự án kém hiệu quả, điều hành, quan rlys sai nhiều nguồn quỹ khác. Vi phạm của ông Lữ Ngọc Cư là nghiêm trọng gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và uy tín của cá nhân.
Vấn đề đặt ra là những vi phạm “nghiêm trọng” mà lại xử lý ở mức cảnh cáo liệu có đủ nghiêm khắc và có tính cảnh tỉnh, răn đe? Trong việc thực thi kỷ luật đảng, thấy có những biểu hiện không bình thường: Đảng viên ở cấp cao, có chức có quyền, sai lầm lớn, nhưng chỉ phê bình, khiển trách, cảnh cáo. Người ta thấy số đảng viên bị hình thức kỷ luật cao nhất phần lớn là chức quyền thấp ở cơ sở, vụ việc mang tính đơn lẻ, cá nhân, ít có sự dính líu của cấp trên, hoăc họ chỉ là những đảng viên thường. Có câu: “Quan xử theo lễ, dân xử theo hình”. Nay trong việc kỷ luật Đảng cũng phân biệt “theo lễ, theo hình”, thì còn gì là chính xác, nghiêm minh, còn đâu dân chủ, công bằng ngay trong Đảng?
Về vụ ông Quang và ông Cư, cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục chờ xem hai “quan lớn” này sẽ tiếp tục được xử lý về mặt chính quyền ra sao. Hy vọng kết quả xử lý sẽ tương xứng với mức độ vi phạm, đủ độ nghiêm khắc, đủ sức cảnh tỉnh để cán bộ, đảng viên và nhân dân tin rằng Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được thực thi thắng lợi bằng những việc làm cụ thể, nghiêm khắc, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.
Cách đây không lâu, TTXVN đưa tin: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa xem xét hình thức kỷ luật một số đảng viên giữ chức vụ cao, theo đề nghị của “nhiều tổ chức đảng và đảng viên”. Một số tờ báo cùng đưa tin: Sau hai tuần họp tại Hà Nội cơ quan theo dõi đạo đức tư cách của đảng viên vừa đề nghị Ban bí thư “kỷ luật 5 đảng viên”, nhưng lại không nêu tên,chức danh cụ thể 5 người đó là ai. Những người này không phải là đảng viên thường. Trong số này có hai Tỉnh ủy viên, một người cấp tướng thuộc lực lượng công an, một Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn kinh tế, một nguyên Thứ trưởng… Và đằng sau đó có lý do gì mà một số báo cũng đưa tin kiểu chung chung vậy thôi, không nêu tên hay chức vụ của những đảng viên có quyền chức lớn, đang bị đề nghị hình thức kỷ luật.
Trong khi đó, có những trường hợp đã thông tin trên báo chí, nhưng sau đó được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận khác với thông tin công bố ban đầu thì kết luận sau cùng lại không được cung cấp cho báo chí đăng như một cách cải chính. Hình thức cung cấp thông tin cho báo chí về kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên là cần thiết, không nên để mang tiếng là thiếu công khai dân chủ.
Lãnh đạo Hải Phòng-Tiên Lãng
Trong vụ lùm xùm và tai tiếng ở Tiên Lãng (Hải Phòng), theo thông cáo báo chí phát đi tối cùng ngày, Ban chấp hành Đảng bộ TP và Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng quyết định kỷ luật ở mức cảnh cáo đối với một số tập thể và cá nhân mắc khuyết điểm, vi phạm dân chủ và các quy định pháp luật trong lãnh đạo, điều hành, đẻ xảy ra vụ thu hồi đất sai cả pháp luật và biện pháp cưỡng chế đối với ông Đoàn Văn Vươn. Nhưng hình thức kỷ luật cao nhất cũng chỉ là khiển trách, cảnh cáo. Đúng ra, các sai phạm như nhiều đảng viên ở cương vị lãnh đạo từ xã, huyện, đến thành phố Hải Phòng phải áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất là khai trừ đảng, vì họ đâu còn xứng đáng được đứng trong hàng ngũ đảng lãnh đạo Những đảng viên sai phạm lớn như thế, những tập thể cấp ủy để sai phạm nghiêm trọng, làm mất uy tín đảng, mất lòng dân, gây hậu quả lớn về chính trị-xã hội mà chỉ bị khiển trách, cảnh cáo là quá nhẹ, không chính xác, chưa nghiêm minh trong thực thi kỷ luật đối với đảng viên. Đến tận bây giờ mà ông Lê Văn Hiền chưa bị khai trừ đảng là chuyện không bình thường. Lại có tin ông Hiền sẽ được điều lên làm chuyên viên sở Nội vụ của thành phố, nếu như gọi là “kỷ luật đá hất lên, kỷ luật kiểu điều động, thay vai” (!?).
Đối với các vụ việc mà khuyết điểm đã được điều tra, xác minh làm rõ, trước hết phải kỷ luật đảng rồi mới đến kỷ luật về chính quyền, hoặc cùng tiến hành song song. Nhưng không hiểu sao có những cán bộ đảng viên vi phạm nặng, chỉ bị kỷ luật về mặt chính quyền, còn về kỷ luật đảng hầu như vô can? . Đúng ra, kỷ luật đảng phải phải trước một bước, hoặc đi liền với thực thi pháp luật. Sự gương mẫu là cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo cấp trên phải gương mẫu thì mới nói được lãnh đạo cấp dưới, mới ảnh hưởng đến được quần chúng nhân dân. Người xưa cũng đã đúc kết rất hay là “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Việc kiểm điểm phải công khai. Trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được nêu từ lâu, tập trung nhất là Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 khóa VIII, nhưng lâu nay vấn đề này đã không được tập trung đúng mức. Nghị quyết Trung ương 4, có nhiều tín hiệu tích cực từ những người lãnh đạo cấp cao trong Đảng. Những vấn đề nêu ra trong Nghị quyết thể hiện Đảng ta đã “bắt mạch” được trúng bệnh. Bây giờ quan trọng nhất là thực hiện trong thực tế đến đâu? Nếu như việc kiểm điểm chỉ trong nội bộ với nhau, không công khai minh bạch thì hiệu quả thực hiện nghị quyết sẽ rất thấp, thậm chí sự kiên quyết và những biện pháp cho dù có hợp lý cũng chỉ nằm trên giấy. Bác Hồ từng nói: “Một Đảng mạnh, một Đảng chân chính thì sẽ không sợ công khai những khuyết điểm của mình. Một Đảng mà giấu giếm khuyết điêm là đảng bị hỏng”.
Vũ khí tự phê bình và phê bình cũng không phải đến bây giờ mới làm và nó sẽ càng phát huy tác dụng mạnh mẽ khi quá trình thực hiện được công khai. Việc thực hiện tự phê bình và phê bình tới đây cũng sẽ được công khai trước toàn Đảng, toàn dân. Đã công khai về kỷ luật đảng, thực hiện dân chủ rộng rãi đến từng đảng viên, đến nhân dân thì tất yếu phải nhận những ý kiến phản biện, có những ý kiến “trái chiều”, không hợp ý và cũng có khi khác với dự tính của lãnh đạo, của cấp ủy. Vì vậy một yếu tố cực kỳ quan trọng là thái độ lắng nghe và tiếp thu của người lãnh đạo. Khi người lãnh đạo thực sự cầu thị, biết lắng nghe, tôn trọng những ý kiến trái chiều thì cấp dưới mới dám nói thẳng, mới dám nói lên những yếu kém cần chỉnh sửa, và có như thế thì tổ chức mới ngày càng tốt hơn, ngày càng mạnh hơn. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết cũng nêu rõ là hết sức bình tĩnh, đừng vội quy kết cho những ý kiến ngược chiều khó nghe.
Cũng có thể có người này người khác lợi dụng, nhưng lãnh đạo cũng phải tỉnh táo và có tinh thần dân chủ, không nên vội quy chụp. Vì có những ý kiến khác nhau thì chúng ta mới có những quyết định sát với cuộc sống hơn, những điểm còn hạn chế sẽ sớm được phát hiện và chỉnh sửa. Trước hết là phải giải quyết tốt khâu tổ chức, cán bộ, bố trí đúng người đúng việc. Không giải quyết khâu này thì không cách gì mở sang khâu khác được. Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Muốn sửa các sai lầm khác, thì khâu tổ chức cán bộ phải được làm trước. Đây là khâu then chốt của then chốt. Phải chọn ra được người có tài, có đức để lãnh đạo đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp. Từ lãnh đạo này chúng ta mới có những chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống của người dân.
Muốn có được như vậy thì phải thực sự coi trọng bảo đảm dân chủ, không để tình trạng móc ngoặc, các nhóm lợi ích thao túng. Còn nếu như vẫn làm kiểu cũ như dựa vào chủ nghĩa lí lịch, thành phần gia đình… thì sự trì trệ rất chậm được thay đổi. Vì vậy một người lãnh đạo, một cán bộ đảng viên muốn người dân nghe và làm theo thì nói phải luôn đi đôi với làm, phải tiền phong, gương mẫu trong mọi việc. Muốn cho Nghị quyết đi sâu vào cuộc sống thì phải làm sao cho người dân thấy được lợi ích thiết thực của mình. Muốn vậy thì chúng ta cần phải thể chế hóa ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những vấn đề mà người dân đang bức xúc nhất, đang kêu ca nhiều nhất. Nếu Nghị quyết chỉ bàn những chuyện cao siêu, xa rời thực tế, khô cứng lý luận, thì người cũng chỉ nghe và biết vậy, việc ra nghị quyết cốt cho xong, chứ không thực hiện, không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thì nhất định hiệu quả trong cuộc sống sẽ không đạt được gì như mong muốn.
Khi bàn thảo về Luật khiếu nại, tố cáo, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đã đặt ra vấn đề và các tình huống là người dân thấy kỷ luật đảng viên không nghiêm minh, có sự lơi nhẹ, nương tay, bao che, cho “chống lưng”, thì có kiện ra tòa án được không?
Làm thế nào để đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan và có sự ràng buộc pháp lý trong các hoạt động của Đảng. Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh của dự luật còn 2 phương án khác nhau: Quy định khiếu nại đối với hành vi, quyết định hành chính trong cơ quan hành chính nhà nước như Chính phủ trình hay mở rộng thêm với cả các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội và cơ quan tổ chức khác. Kiện mấy tổ chức ra tòa xử lý không đơn giản. Một trong những lý do tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, là chưa có tổ chức, đoàn thể nào hướng dẫn thực hiện giải quyết khiếu nại trong cơ quan mình theo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành. Kết quả lấy ý kiến cũng cho thấy, 20 đoàn đại biểu QH đồng tình mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật, trong khi con số đề nghị giữ nguyên là 17 đoàn. Tỏ ý thận trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lập luận, các tổ chức chính trị – xã hội như Đảng, Mặt trận và các đoàn thể hoạt động theo Điều lệ, khác với cơ quan hành chính theo pháp luật của Nhà nước. Và ông còn băn khoăn: “Kiện mấy tổ chức ra tòa xử lý không đơn giản. Ví dụ bị kỷ luật Đảng, có kiện ra tòa xử được không? Đảng viên chỉ được khiếu nại việc liên quan đến công chức, nói lấp lửng là không được…”.
Tán thành mở rộng đối tượng điều chỉnh của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Luật Cán bộ, công chức công nhận đối tượng công chức trong cơ quan Đảng, đoàn thể “là đặc thù của hệ thống chính trị của Việt Nam”, cần được bảo đảm bình đẳng về quyền khiếu nại.
Vị chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, Luật chỉ điều chỉnh đối với khiếu nại quyết định, hành vi mang tính chất hành chính của cơ quan Đảng, đoàn thể như tuyển dụng, điều động, kỷ luật… Tuy nhiên, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại vẫn phải căn cứ vào Điều lệ tổ chức đó, trước khi khởi kiện ra Tòa án…Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết thêm là hiện nay Luật Tố tụng hành chính cũng cho phép công chức trong tổ chức Đảng, đoàn thể được khởi kiện ra tòa đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Và cũng phải “xem lại” trụ sở tiếp công dân của Đảng, Nhà nước. Nếu như vẫn cái điệp khúc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo kiểu nhận đơn, chuyển tiếp, hứa hẹn mà không làm, thì từ dân chủ trong Đảng ra xã hội đều chỉ là hô hào khẩu hiệu, hình thức, thậm chí là sự giả hiệu. Ý kiến của nhiều cử tri cho rằng, nếu như có Luật về Đảng thì Nhà nước pháp quyền sẽ có hiệu lực thực tế hơn, dân chủ trong đảng và dân chủ với toàn dân sẽ tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Một vị lãnh đạo cấp cao đã từng đặt ra câu hỏi “Nếu kỷ luật hết thì lấy ai mà làm việc?”. Dư luận cho rằng, nói như thế là không đúng. Và cũng coi như một sự tự công nhận là đảng viên ta trong bộ máy lãnh đạo bị hỏng qua nhiều rồi. Thực ra, nếu nhìn trong cơ cấu một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có chức có quyền chỉ loanh quanh bầu bán, giới thiệu đưa nhau lên trong nhóm lợi ích, cánh hẩu, bè cánh, ê kíp thì sự hư hỏng như nhau là tất yếu. Từ đó, suy ra “nếu kỷ luật hết hết lấy ai mà làm việc” cũng đúng. Nhưng đảng ta đâu đến mức như vậy?
Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta chưa được 1.000 đảng viên, mà đã lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa thắng lợi, cách mạng thành công. Nay Đảng ta đã có trên 3.000.000 đảng viên, một đội ngũ đông đảo. Chẳng lẽ kiên quyết, nghiêm khắc khai trừ đảng đối với những đảng viên không còn đủ tư cách, không còn xứng đáng sợ bị mất đảng viên? Trong thực trạng biểu hiện suy thoái trong đảng đã rõ nét và cấp bách như hiện nay, thà có bị mất đi số lượng lớn trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo có chức có quyền, từ đó thực hiện dân chủ, khách quan chọn lọc kỹ, tìm người xứng đáng thay thê, còn hơn cứ để bùng nhùng như mớ bòng bong, gỡ cách nào cũng không ra. Hy vọng kết quả xử lý kỷ luật đảng theo đúng thực trạng mà Nghị quyêt T.Ư 4 vạch ra sẽ được thực hiện kịp thời, chính xác, nghiêm minh, không có nương nhẹ, không chần chừ câu dầm, không có sự bao che, thì sẽ thiết thực ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, Đảng chỉ gồm những đảng viên ưu tú, tiên phong, gương mẫu, thực sự vì hạnh phúc của dân, như thuở đầu dựng nước Việt Nam – dân chủ – cộng hòa. Chỉ có thế vai trò lãnh đạo của Đảng mới được khẳng định, giữ vững.
Bùi Văn Bồng
Theo: Blog NLG

Không có nhận xét nào: