Nguồn tin từ Bộ ngoại giao Việt Nam đính chính và giải thích việc cản trở phái đoàn điều tra của Roma vào Việt Nam rằng “Việt Nam không nhận được yêu cầu của phía Vatican về việc muốn vào Việt Nam để làm công tác. Ông Lương Thanh Nghị phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam còn nhấn mạnh rằng phía Hà Nội luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho phái đoàn từ Vatican để làm việc dưới sự đồng thuận của cả hai bên”, nhưng xem ra đó chỉ là những thông tin mang tính đối phó công luận. Trong thực tế việc “bất thường” này đã xảy ra từ phía Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những việc “bất thường” này đang diễn ra một cách “bình thường” tại Việt Nam. Có khá nhiều trường hợp ở Việt Nam, sau khi đã được cấp Visa nhưng khi tới sân bay hoặc tới trạm cửa khẩu lại bị từ chối nhập cảnh vì những lý do chung chung, mơ hồ rồi gác lại, “để nâm” và giải quyết vấn đề theo cách “để lâu cứt trâu hóa bùn”.
Chắc rằng lý do sâu xa, không minh bạch mà ngài tổng lãnh sự Việt Nam tại Italia đưa ra để biện minh cho việc “bất thường thu hồi Visa” lần này là do “chỉ đạo của cấp trên”. Đây là một kiểu trả lời, nói cách chính xác là một trong những thủ đoạn xử lý công việc của Bộ Công an Việt Nam, áp đặt lên Bộ ngoại giao và được áp dụng rộng rãi cho những ai họ không thích cho xuất hay nhập cảnh.
Vậy ai là “cấp trên” trong những “quyết định bất thường” này?
Khác với nguyên thủ quốc gia của tất cả các nước trên thế giới, ở Việt Nam việc “đi tìm cấp trên”, tìm người có thẩm quyền xử lý sự việc một cách rốt ráo, thì quả là một hành trình nan giải, đầy quanh co và hầu như không mấy ai biết được cấp trên đúng nghĩa đang ở đâu.
Hàng loạt các vụ bắt người “như kẻ trộm bắt chó, bắt gà ”, hàng trăm các vụ cưởng chế đất đai, san lấp mặt bằng, đào xới nghĩa trang theo kiểu xã hội đen, tìm mọi thủ đoạn để khủng bố tinh thần sinh viên Công giáo, chận đường đánh đập các linh mục và tìm mọi cách để trục xuất các nữ tu và những người thiện chí ra khỏi các vùng truyền giáo, liên tục áp đảo, khủng bố tinh thần cụ Lê Hiền Đức và những người tâm huyết với chủ quyền biên giới và hải đảo… tất cả đều nhân danh cái gọi là “do chỉ đạo của cấp trên” và được ngụy trang dưới nhiều thủ đoạn xảo quyệt khác để vô hiệu hóa pháp luật; đẩy các trí thức, các Doanh nghiệp chân chính và người dân lương thiện vào đường cùng.
Và rốt cuộc thì lý do “do chỉ thị của cấp trên” vẫn luôn là một dấu hỏi bí ẩn hàm chứa nhiều rủi ro cho đương sự, đầy bất an cho dư luận quần chúng và không kém phần kỳ bí đối với người nước ngoài khi vào Việt Nam.
Một số người ở Việt Nam hôm nay, khi cán bộ nhà nước đưa ra cái lý do “do chỉ đạo của cấp trên” để làm cớ từ chối khéo nguyện vọng, quyền lợi chính đáng hoặc bức ép công dân một vấn đề gì đó, thì họ cho rằng “cấp trên” ở đây là ông Hồ Cẩm Đào hay ông Tập Cận Bình … ở xa tít bên Trung Quốc chứ không phải cấp trên hiện đang ở Việt Nam. Nhưng càng về sau nhiều người không thích kiểu suy luận này vì như vậy vô tình người Việt Nam bị nhồi sọ, bị ám ảnh về một thứ “cấp trên” ngoại bang vớ vẩn nào đó đang cai trị Việt Nam theo chính sách giật dây, hù dọa lãnh đạo Việt Nam.
Mặt khác, lối suy diễn này vô tình lại tiếp tay cho một số kẻ bất chính đang giấu mặt trong bộ chính trị Việt Nam tiếp tục nấp bóng một thế lực ảo, một “cấp trên” theo kiểu “cấp trên của Đông Xưởng” để thao túng chính sự, làm mất kỷ cương phép nước. Cũng cần nói rõ thêm về nhân vật Ngụy Trung Hiền (1568 ?- 1627) là một trong những đại hoạn quan nổi tiếng và nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người cầm đầu “đảng hoạn quan” dưới thời Minh Hy Tông trong việc lũng đoạn triều chính, thâu tóm mọi quyền lực trong tay, đồng thời ngấm ngầm với nhiều thủ đoạn bỉ ổi, tiêu diệt tất cả những người không cùng phe cánh với mình một cách không khoan nhượng. Vương triều Minh dưới thời Hy Tông suy tàn một cách trầm trọng, phần lớn là do hoạn quan Ngụy Trung Hiền thao túng.
Chẳng lẽ Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam hôm nay đang rơi vào hoàn cảnh này sao? Nếu đúng như vậy thì quả là một đại họa cho dân tộc Việt Nam.
Trường hợp nhiều người Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh thì bị công an cửa khẩu từ chối cho xuất cảnh với nhiều lý do chung chung là điều dễ hiểu trong cơ chế “quản lý” của Bộ Công an Việt Nam hôm nay. Trường hợp phái đoàn tôn giáo, thuộc giáo phận Roma, đi tìm hiểu về một con người sống đức tin giữa đất Việt. Tìm hiểu cách người đó đón nhận đạo, sống đạo và truyền bá đạo. Đây là một hoạt động thuần tuý tôn giáo, không liên quan gì đến ngoại giao, không liên quan gì đến chính trị đảng phái, tại sao lại sợ không cho người ta nhập cảnh?
Việc cản trở này sẽ kéo dài bao lâu? hơn một tỷ người Công giáo và công luận quốc tế sẽ nghĩ gì và phản ứng như thế nào về quyết định “bất thường” này? Nó có phải là trường hợp điển hình để đánh giá tự do hay không tự do tôn giáo ở Việt Nam không?
Việc Phong Thánh, nói cách chính xác là minh nhiên công bố nhân cách, gương sống đạo đức thật của người đã khuất để qua đó góp phần giáo dục và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn dựa trên lý thuyết tôn giáo. Đơn giản chỉ có vậy thôi. Sở dĩ các công đoạn điều tra để phong Thánh phải được diễn ra đúng tiến trình, đúng giáo luật, không phải để quan trọng hóa vấn đề, nhưng kiểm chứng nhằm đảm bảo tính xác thực của vị tôi tớ Chúa sẽ được Phong Thánh là đúng với sự thật mà nhiều người mong muốn.
Trong thực tế, đời sống và tư tưởng của Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đối với quê hương đất nước Việt Nam đã đi vào tâm thức của người Công giáo Việt Nam và thế giới bằng gương sống, lời sống tha thiết với quê hương, đất nước:
Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Về việc canh tân giáo hội cũng như xã hội, quan điểm của Đức Cố Hồng Y Thuận rất rõ ràng: “Canh tân không phải chỉ đổi nước mã bên ngoài, đổi một số nghi thức cho “ngoạn mục”, đổi tên các ủy ban cho “kêu” hơn, đạp đổ cơ cấu cũ, dựng nên một số tổ chức mới, hội nghị, tuyên ngôn… Thánh Phaolô nói rõ: “Hãy cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới là Chúa Giêsu.”
Khi suy nghĩ về vai trò lãnh đạo, Đức cố Hồng Y Thuận cũng rất dứt khoát và minh bạch rằng: “Nếu không trị được tính bi quan, thái độ thất vọng, thói quen rụt rè, con đừng lãnh đạo… Lãnh đạo là dấu hiệu hữu hình của quyền bính. Người lãnh đạo phải ý thức sứ mệnh chỉ huy của mình, sứ mệnh đại diện cho uy quyền và bổn phận làm cho kẻ khác trọng uy quyền của mình. Làm như thế là phục vụ quần chúng… Hãy khiêm tốn quảng đại nếu Chúa muốn chọn con lãnh đạo trong môi trường của con… (trích Đường Hi Vọng của Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận).
Tiến trình phong Thánh cho Đức Hồng Y Thuận thực sự đang mở ra một lộ trình đối thoại bằng việc làm một cách cởi mở, chân thành của Giáo hội Công giáo, đặc biệt là người Công giáo Việt Nam đối với chính quyền Việt Nam hôm nay.
Tiến trình phong Thánh cho một người Việt Nam có tinh thần yêu dân tộc, yêu giống nòi và bao dung quá khứ như Đức Hông Y Thuận đang mở ra một lối thoát hiểm cho lãnh đạo, cho đảng cộng sản Việt Nam hôm nay và tương lai nếu lãnh đạo Việt Nam thực sự là người có Tâm và có Tầm sẽ nhìn ra lộ trình chân chính, và tất yếu đó.
Paulus Vinh. VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét