Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Cần giải pháp và đường lối ngoại giao tích cực đảm bảo hòa bình cho Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith nhấn mạnh Australia
muốn nhìn thấy các tranh chấp được hòa giải theo đúng tinh thần luật
quốc tế và luật biển, đặc biệt là công ước Liên hiệp quốc
Trà Mi-VOA

Biển Đông tiếp tục là một đề tài nóng tại Châu Á, với các tranh chấp ngày càng leo thang giữa những nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng.

Tiếp sau Hoa Kỳ, Australia vừa lên tiếng kêu gọi một giải pháp ôn hòa cho vùng biển giàu tài nguyên này và thúc giục các bên nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận chung quyết. Australia cũng khuyến khích Việt Nam củng cố vai trò trong vấn đề an ninh khu vực giữa những bất hòa giữa Việt Nam với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Đài phát thanh Australia ngày 30/8 trích phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith nhân chuyến công du Việt Nam nhấn mạnh Australia muốn nhìn thấy các tranh chấp được hòa giải theo đúng tinh thần luật quốc tế và luật biển, đặc biệt là công ước Liên hiệp quốc.



Lời kêu gọi của Australia được đưa ra giữa lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ khởi sự chuyến công du 6 nước Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 30/8 để thảo luận về những căng thẳng ở Biển Đông và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tới Bắc Kinh vào giữa tháng 9 tới đây.

Chuyến đi của bà Hillary Clinton và ông Leon Panetta một lần nữa làm nổi bật sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với Châu Á trong lúc quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và một số nước trong khu vực đang căng thẳng vì tranh chấp Biển Đông.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Victoria Nuland, nhấn mạnh:
 
“Vấn đề Biển Đông sẽ được Ngoại trưởng Clinton nêu lên trước tiên là trong chặng dừng chân ở Đông Nam Á tại Jakarta và có thể là tại Brunei. Hoa Kỳ đang khuyến khích ASEAN đạt quan điểm thống nhất và làm việc với Trung Quốc dựa trên một lập trường đoàn kết. Dĩ nhiên, vấn đề Biển Đông cũng sẽ được Ngoại trưởng Clinton nêu ra khi ghé thăm Trung Quốc trong chuyến đi này. Mỹ tiếp tục thúc giục một cuộc đối thoại đa phương về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông theo luật quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về luật biển quốc tế. Chúng tôi vẫn nghĩ đây là phương cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp.” 
 
Mỹ-Trung đang bất đồng về cách xử lý các tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Mỹ đang nỗ lực cổ võ cho một giải pháp đa phương và khuyến cáo Trung Quốc chớ nên dùng sách lược ‘chia để trị’ trong vấn đề Biển Đông.

Ngược lại, Trung Quốc nhất mực theo đuổi cách giải quyết song phương với từng nước một có tranh chấp và liên tục có các hành động bị coi là ‘gây hấn’ ở Biển Đông.

Mới đây, Washington đã chính thức chỉ trích Bắc Kinh khi Trung Quốc đơn phương thành lập thành phố và khu cảnh bị Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Đáp lại, Trung Quốc không ngừng sử dụng truyền thông đả kích và cảnh cáo Mỹ không được can thiệp vào chuyện Biển Đông.

Tân Hoa xã ngày 29/8 đăng bài xã luận tiếp tục tố cáo Hoa Kỳ dùng các phương tiện ngoại giao, kinh tế, và chiến lược để gây xáo trộn trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương và gây chia rẽ Trung Quốc với các nước xung quanh Biển Đông nhằm kiềm hãm sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc để giành lại bá quyền trong khu vực.

Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc khuyến cáo Mỹ rằng cản chân Bắc Kinh và xem Trung Quốc là đối thủ là một việc làm thiếu khôn ngoan.

Ngày 30/8, tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc cáo giác rằng hai yếu tố đang gây tác động xấu cho tranh chấp Biển Đông là các nước tranh chấp trong khu vực cứ tiếp tục xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc và sự can thiệp tích cực của các thế lực bên ngoài.

Hoàn cầu thời báo cũng kêu gọi cần có sự ngoại giao tích cực để bảo đảm hòa bình cho các ‘quần đảo của Trung Quốc’ ở Biển Đông, theo lời bài báo mô tả.  

Cùng với lời kêu gọi ấy, Hoàn cầu thời báo cũng cho biết là Trung Quốc đang dự tính triển khai máy bay không người lái (UAV) trên biển giữa lúc tranh cãi về lãnh hải với các nước láng giềng tiếp tục tăng cao.

Báo này dẫn lời lời ông Vũ Thanh Tùng, giới chức thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, cho biết kế hoạch này cũng bao gồm việc xây dựng 11 căn cứ UAV do các cơ quan hàng hải cấp tỉnh phụ trách. Quan chức này không tiết lộ chi tiết nhưng cho biết ít nhất mỗi căn cứ sẽ có một UAV.

Gíơi chuyên môn Trung Quốc nói việc thành lập các căn cứ UAV dọc bờ biển có thể giúp Bắc Kinh bảo vệ lãnh hải về lâu dài.

Không có nhận xét nào: