Pages

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Người Nhật ra đảo, TQ bùng phát biểu tình




Các cuộc biểu tình chống Nhật liên tiếp diễn ra trên khắp Trung Quốc

Ít nhất 10 người Nhật có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã đổ bộ lên nhóm đảo có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông giữa bối cảnh căng thẳng về tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đang dâng cao.
Các nhà vận động cho chủ quyền Nhật Bản này đã bơi lên đảo sau khi một đoàn tàu chở theo 150 người ra đến quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát mà phía Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư.
Những người này hiện đang bị tuần duyên Nhật thẩm vấn. Trước đó, tuần duyên Nhật đã từ chối cấp phép cho họ ra đảo.

‘Nhật Bản cút đi’

Động thái này làm bùng phát các cuộc biểu tình phản đối Nhật ở một số thành phố của Trung Quốc.
Hơn 100 người đã tập hợp gần lãnh sự Nhật Bản ở thành phố miền Nam Quảng Châu để yêu cầu các nhà hoạt động Nhật rời khỏi quần đảo mà họ nói là thuộc về Trung Quốc, hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.
Những người biểu tình hô khẩu hiệu: ‘Nhật Bản hãy cút khỏi Điếu Ngư đảo’.
"Tương lai của nước Nhật đang bị đe dọa."
Kenichi Kojima, chính khách Nhật ra đảo tranh chấp

Theo hãng tin này thì các cuộc biểu tình chống Nhật đã bùng nổ ở ít nhất 6 thành phố của Trung Quốc hôm Chủ nhật ngày 19/8.
Theo đó, các cuộc tuần hành chống Nhật khác cũng diễn ra ở các thành phố Hàng Châu, Thâm Quyến, Thanh Đảo, Thẩm Dương và Cáp Nhĩ Tân.
Tại Thâm Quyến, những người biểu tình tập hợp ở một quảng trường ngoài trời vẫy cờ Trung Quốc và hô khẩu hiệu bài Nhật, Tân Hoa Xã cho biết nhưng không cho biết con số người biểu tình.

Trương Bội, một trong những người biểu tình ở Thâm Quyến, nói với AFP rằng đoàn biểu tình tuần hành hướng đến nhà ga xe lửa ở biên giới với Hong Kong.
“Cuộc tuần hành diễn ra trên đoạn đường dài khoảng 7 đến 8 cây số,” ông nói với AFP qua điện thoại, “Nhiều cảnh sát đi cùng với chúng tôi trên suốt đoạn đường.”
Hôm thứ Bảy ngày 18/8, hàng trăm người cũng đã tập hợp ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây để phản đối Nhật Bản bắt giữ 14 nhà vận động cho chủ quyền của Trung Quốc đã dong tàu ra đảo tranh chấp, Tân Hoa Xã cho biết.

‘Nhật bị đe dọa’



Người Nhật đã có hành động đáp trả lại phía Trung Quốc

Đoàn tàu Nhật Bản đã ra khởi hôm thứ Bảy ngày 18/8 với lý do là muốn tưởng nhớ những tử sỹ Nhật Bản đã bỏ mình gần cụm đảo này trong Đệ nhị Thế chiến.
Họ giương cờ Nhật khi đặt chân lên đảo – một hành động đáp trả các nhà hoạt động Trung Quốc trước đó cũng có hành động tương tự khi đặt chân đến đảo hôm 15/8.
Một nhà báo của hãng tin Pháp AFP đi với đoàn ra đảo cho biết đoàn tàu đã đến hòn đảo chính là Uotsuri vào lúc rạng sáng.

Trả lời AFP, ông Kenichi Kojima, một trong các chính khách Nhật cùng đi trên tàu, nói rằng ông muốn ‘chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy rằng những hòn đảo này là của chúng tôi’.
“Tương lai của nước Nhật đang bị đe dọa,” ông nói.
Trước đó, Bắc Kinh đã cảnh cáo chuyến đi ra đảo này của phía Nhật Bản sẽ gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ của họ.
“Bất cứ hành động đơn phương nào của phía Nhật đối với quần đảo Điếu Ngư đều là phi pháp và không có giá trị,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương phát biểu.
Hồi đầu tuần, một nhóm người Hoa đã xuất phát từ Hong Kong ra quần đảo tranh chấp để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Một số trong những người này đã bị chính quyền Tokyo trục xuất trong khi những người còn lại phải đưa tàu ra khỏi nơi tranh chấp.

Nhật thay đại sứ?

Trong một diễn biến khác, nhật báo Nhật Yomiuri Shimbu đưa tin Tokyo đang có kế hoạch thay đại sứ ở Trung Quốc.
Vị đương kim Đại sứ Uichiro Niwa hồi đầu năm đã cảnh báo kế hoạch của chính quyền thành phố Tokyo định mua lại quần đảo tranh chấp từ những chủ sở hữu tư nhân người Nhật có thể gây ra một ‘cuộc khủng hoảng nghiêm trọng’ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
"Bất cứ hành động đơn phương nào của phía Nhật đối với quần đảo Điếu Ngư đều là phi pháp và không có giá trị."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương

Có tin chính phủ Nhật đã tức giận với bình luận này của ông Niwa vì ông đã thể hiện không đúng lập trường của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong quá khứ, những tranh cãu chủ quyền đối với quần đảo này đã từng khiến quan hệ Trung-Nhật đóng băng.
Hồi tháng 9 năm 2010, quan hệ song phương đã xuống đến mức rất thấp sau khi phía Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc đánh bắt gần quần đảo tranh chấp.
Người thuyền trưởng này bị cáo buộc đâm tàu vào hai tàu tuần tra của Nhật nhưng cuối cùng Tokyo cũng hủy bỏ cáo buộc với ông này.
Trung Quốc cho rằng quần đảo này là một phần lãnh thổ của họ từ xa xưa, nhưng Nhật Bản lại nói họ chiếm hữu quần đảo vào cuối những năm 1890 sau khi biết rõ rằng trên đảo không có người ở./BBC

Không có nhận xét nào: