Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mở con đường thênh thang cho chính quyền thu hồi đất phục vụ “dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Đây là cái vỏ bọc rất tốt để nhập nhằng giữa dự án kinh doanh lợi nhuận và dự án phục vụ lợi ích xã hội, tạo điều kiện rất tốt phát sinh tham nhũng một cách tinh vi. Tại quận Tây Hồ, đám “tham mưu” thấy mảnh đất nào của dân ngon lành là về vẽ ngay ra được một dự án (đương nhiên sẽ được gắn tên “phục vụ phát triển KTXH”). Rất nhanh, dự án được các ban ngành thẩm định, Chủ tịch quận phê duyệt cùng với nó là quyết định thu hồi đất được soạn sẵn gí vào tay Chủ tịch ký.
Hiến pháp hiện tại:
Điều 18
Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất, được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật. Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai.
Bản HP này không chỗ nào đề cập việc thu hồi đất. Nay, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cài thêm khoản 3 để các quan dễ làm ăn:
Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18):
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường:
Trong trường hợp thật cần thiết vì … các dự án phát triển kinh tế – xã hội”…
Như vậy, dự thảo Hiến pháp đã mở rộng đường cho chính quyền thu hồi đất phục vụ “dự án phát triển kinh tế – xã hội”, đây là cái vỏ bọc rất tốt để nhập nhằng giữa dự án kinh doanh lợi nhuận và dự án phục vụ lợi ích xã hội, sẽ tạo điều kiện rất tốt phát sinh tham nhũng một cách tinh vi. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, người dân bức xúc, khiếu kiện nhiều do chính quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội nói chung, bồi thường cho dân chưa thoả đáng, giải quyết chưa hài hoà giữa lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ dự án đầu tư.
Ở các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi nhuận, các quan chức, chủ đầu tư sẵn sàng chạy dự án, chạy chính quyền để ra quyết định thu hồi đất với giá đền bù rất rẻ mạt. Chính mảnh đất này, ngay lập tức, sẽ được bán trao tay trên giấy kiếm bộn tiền. Lợi nhuận đó không vào túi nhà nước, không vào túi nhân dân mà vào túi quan tham. Hậu quả chính trị và xã hội thì nhà nước và toàn dân phải chịu.
Trên địa bàn quận Tây Hồ, đám “tham mưu” thấy mảnh đất nào của dân ngon lành là về vẽ ngay ra được một dự án (đương nhiên là phục vụ phát triển KTXH. Có dự án nào không để phục vụ phát triển KTXH?). Rất nhanh, dự án được các ban ngành thẩm định, Chủ tịch quận phê duyệt cùng với nó là quyết định thu hồi đất được soạn sẵn gí vào tay Chủ tịch ký.
Đền bù ư? Theo đơn giá nhà nước. Nếu tử tế thì tay Chủ tịch sẽ lùa toàn hệ thống chính trị vào cuộc tỉ tê rằng đã vận dụng tối đa mọi chính sách có lợi cho dân. Nó mà quân phiệt nhá: công an đâu, bộ đội đâu, đầu gấu đâu, các công cụ chuyên chính khác đâu. Loáng cái, gạch đá cũng vỡ vụn, nói chi mạng người (như nhà anh Vươn kia kìa). Đấy là chưa nói nó sai chính quyền cấp dưới đì anh bằng nhiều cách khác. Không chứng nhận lý lịch cho con đi học, đi làm … Không ký làm các giấy tờ khác … Không cho làm hộ khẩu, chứng minh thư, xác nhận để cấp hộ chiếu, thủ tục điện, nước v.v.
Kiện à? Tòa án, Viện Kiểm sát đều chịu sự chỉ đạo của quận ủy và đều nằm trong ban bệ cưỡng chế, thu hồi đất. Chẳng nhẽ tòa lại giơ dao tự chặt tay mình? Cấp thành phố và Trung ương còn tởm lợm hơn, thưa các vị. Toàn quận vừa qua ngập tràn các dự án “chỉnh trang”, thu hồi đất “xen kẹt” … mà tích tắc sau khi lấy ra từ tay dân với giá rẻ mạt, thậm chí lấy không, nó được bán lại cho giới đầu cơ với giá gấp 10 lần. Lắm trường hợp dự án được mua đi, bán lại trên giấy nhiều lần ngay cả trước khi thu hồi, ngay khi dân vẫn đang sinh sống hợp pháp trên đó.
Quy hoạch ư? Đấy là giấy vụn. Ngay như dự án Cầu Nhật Tân: Quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt một đằng. Thành phố nó đi làm một nẻo, nó thách thức Thủ tướng đấy. Làm được gì nhau. Đấy là dự án lớn nhé. Với quy hoạch nhỏ, quận và thành phố nó tự điều chỉnh kín với nhau thì bố thằng dân nào biết.
Tinh vi hơn, chúng có thể vẽ ra dự án công ích rất hoành tráng. Thu hồi đất xong xuôi, chúng bịa ra trăm nghìn lý do để ban hành quyết định “chuyển đổi mục đích sử dụng”, biến đất ngon đang là của công thành dự án sinh lời cho tư nhân. Hạn mức thu hồi đất cũng không là cái đinh gì. Chúng có thể xé nhỏ thành nhiều dự án để lách mọi quy định. Cũng có quy định về công khai đấy. Chúng nó bảo đã công khai lâu rồi thì thằng dân làm gì được. Bởi pháp luật hiện tại không quy định rõ hình thức, địa điểm, thời gian, nội dung công khai.
Nếu Hiến pháp này được thông qua, chắc chắn toàn cõi Việt Nam, từ làng trên, xuống xóm dưới sẽ phút chốc biến thành đại dự án thu hồi, giải phóng mặt bằng đất đai với hàng triệu, hàng triệu vụ thu hồi đất phục vụ “phát triển kinh tế xã hội” kiểu như trên và Việt Nam sẽ nhanh chóng soán ngôi Trung Quốc vươn mình thành cường quốc dân oan số 1 thế giới. Hậu quả về chính trị, kinh tế, xã hội vô cùng to lớn, không thể lường hết được. Thật dễ dàng khi đến tỉnh thành nào trên cả nước cũng đều bắt gặp nhan nhản các cánh đồng chết, tức là đất thu xong từ tay dân và để hoang đó, không phục vụ kinh doanh sản xuất, lãng phí ghê gớm.
25/02/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét