Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Người Buôn Gió - Bình luận những vụ đánh người mới đây.

Người Buôn Gió
Nâng cấp chém gió lên bước nữa xem sao, cũng phải thay đổi phương cách phục vụ bà con chỉ thích nghe và nhìn, không có thời gian đọc.
Vào đầu tháng 5 năm 2015, một phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ đã sang Việt Nam trong chương trình đối thoại nhận quyền thứ 19 giữa hai nước. Chuyến đi của phái đoàn nhân quyền Mỹ lần này có ảnh hưởng trực tiếp đến những quyết định của các thượng nghị sĩ trong thương viện Hoa Kỳ. Trong bối cảnh thượng viện Hoa Kỳ cần ra quyết định có đồng ý cho tổng thống Obama quyền xúc tiến đàm phán nhanh cho Việt Nam vào TPP hay không.
Cùng với nhiều đòi hỏi cải cách khác thì vấn đề nhân quyền cải thiện vẫn là một trong những đòi hỏi hàng đầu của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đối chính phủ Việt Nam. Một chuyến đi quan trọng khác từ phía Việt Nam của ông bộ trưởng công an Trần Đại Quang đến Mỹ, trước chuyến phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam. Tiếp đến nhìn thành phần phái đoàn Hoa Kỳ sang Việt Nam có nhiều gương mặt dân biểu quen thuộc trong việc đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Chúng ta có thể thấy dường như chính phủ hai nước Mỹ, Việt đang có những cố gắng nhân nhượng nhau để tìm đến một kết quả tốt trong bản báo cáo của phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ tới Việt Nam lần này.
Tất cả những điều ấy là để Việt Nam sớm gia nhập TPP. Một hiệp định thương mại sẽ khiến Việt Nam thoát dần khỏi ảnh hưởng của nước láng giềng Trung Quốc.
Những năm gần đây, dấu hiệu cho thấy sự bất đồng trong nội bộ nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng lên cao. Mức độ của các bất đồng đã lớn đến mức không ngần ngại trước mặt công chúng. Sự bất đồng này bởi nguyên nhân ý thức hệ trước thời cuộc mới. Một số chủ trương thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc cùng với việc tiến thêm những bước quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ. Trong khi đó thì ngược lại , ở chủ trương của nhóm thứ hai là tiếp tục gắn chặt với Trung Quốc và cảnh giác với Hoa Kỳ.
Ở nhóm thứ nhất là những người lãnh đạo đất nước Việt Nam về mặt kinh tế, ngoại giao.
Ở nhóm thứ hai là những người lãnh đạo đất nước về mặt tư tưởng, quân đội.
Nếu Việt Nam gia nhập TPP, một hiệp định thương mại mà đối tác chính là Hoa Kỳ. Điều đương nhiên là mặt kinh tế, ngoại giao của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Qua đó những người lãnh đạo các mặt này có thêm uy tín và quyền hạn trong bộ máy chế độ.
Đấy là điều mà nhóm thứ hai lãnh đạo về mặt tư tưởng, quân đội không chấp nhận. Việc rời xa ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ làm suy yếu sự áp đặt quyền lực cai trị của họ với dân chúng thông qua tư tưởng và sức mạnh quân đội.
Trong mớ mâu thuẫn giữa hai phe phái này, bộ công an Việt Nam đang đứng ở giữa đường. Một số quan chức tướng lĩnh trong Bộ Công An có khuynh hướng nghiêng theo phe thứ nhất, một số theo phe thứ hai. Phần đông còn lại các tướng lính , sĩ quan trong công an thụ động, lệnh đến đâu làm đến đấy.
Ngay trong thời gian có chuyến làm việc của phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ. Liên tiếp tại Hà Nội, Sài Gòn đã xảy ra những vụ đánh đập những người bất đồng chính kiến bởi những đối tượng theo dõi họ bấy lâu nay.
Điển hình mới nhất trong vòng tháng 5 là các nạn nhân như Nguyễn Chí Tuyến tức Bloger Anh Chí , Đinh Quang Tuyến tức bloger Tuyến Xích Lô và Trịnh Anh Tuấn tức Bloger Gió Lang Thang.
Cả ba đều bị đánh theo một phương thức giống nhau.
1- Trong vòng thời gian phái đoàn Hoa Kỳ sang Việt Nam làm việc về nhân quyền.
2- Bị chính những người theo dõi mình đánh
3- Vị trí đánh giữa đường, thời gian đánh vào lúc ban ngày.
4- Các vết đánh tập trung vào đầu, mặt.
5-Sau khi bị đánh, việc đi viện khám chữa, thăm hỏi không bị ngăn cản.
Các điểm trùng hợp trên cho thấy, mục đích của việc đánh người là chủ ý gây rầm rộ dư luận. Sự việc xảy ra ban ngày, giữa đường đi không cần phải kín đáo che đậy. Điểm tấn công vào đầu mặt, thương tích dễ nhìn thấy nhất ..việc đưa người đi khám không hề bị ngăn cản như mọi khi. Thậm chí việc bạn bè hay nhân viên sứ quán nước ngoài đến thăm hỏi, chụp hình đều dễ dàng không bị khó dễ.
Tất cả những điều ấy là nhằm mục tiêu cho phái đoàn Hoa Kỳ thấy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tàn tệ đến mức độ nào. Cũng như sự coi thường của Việt Nam với phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ và quốc hội , chính phủ Hoa Kỳ. Những kẻ chủ trương đánh đập đã tính đến hiệu ứng uất hận của đám đông, và điều đó càng khiến cho bản báo cáo nhân quyền của phái đoàn Hoa Kỳ thêm những điểm đen tối về nhân quyền tại Việt Nam.
Cái đích cuối cùng của âm mưu đánh đập các nhà bất đồng chính kiến vừa qua là gây phản ứng dây chuyền để bước tiến vào TPP của Việt Nam bị ngăn cản hoặc chậm lại. Làm giảm ảnh hưởng uy tín của nhóm lãnh đạo kinh tế, ngoại giao trước thềm xét duyệt nhân sự cấp cao vào kỳ đại hội đảng năm sau.
Điều này cho thấy, dù thế nào thì trong thời gian tới đây, vấn đề nhân quyền có được giải quyết theo hướng nào đi nữa thì cũng vẫn nằm trong những toan tính chính trị của các phe nhóm trong bộ máy cầm quyền Việt Nam. Còn rất lâu nữa, vấn đề nhân quyền Việt Nam mới hy vọng được nhìn nhận như một điều đúng đắn cần thiết cho đất nước, con người.
Giờ cải thiện hay không thì nhân quyền vẫn chỉ là con bài trong tay chế độ cộng sản, tuỳ thuộc vào toan tính mà họ nâng lại hay vất xuống.

Không có nhận xét nào: