Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Có phải Thái Hà đã không chịu đối thoại?

Sài Gòn - Đang khi rất nhiều người có lương tri ở trong và ngoài Giáo Hội bày tỏ sự hiệp thông sâu xa và lành thánh với Thái Hà trong những cơn hoạn nạn, thì một số người, tuy ít, nhưng đi đâu cũng “rao giảng tin… đồn” chê trách Thái Hà nói riêng và Dòng Chúa Cứu Thế nói chung, rằng Thái Hà đã không chịu đối thoại với chính quyền, mà chỉ biết “tranh chấp đất đai”… Đó là một trong những lời rêu rao bất công và thiếu đức ái.
Chúng ta có thể tự hỏi: Phải chăng Thái Hà đã không chịu đối thoại?
Xin khoan nói đến những nỗ lực của linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà trong việc kiên cường và đường hoàng tìm cách đối thoại trong bác ái và yêu thương với chính quyền từ cuối năm 2008 đến nay. Cũng xin khoan nói đến những hoạn nạn kinh khủng mà Thái Hà đã và đang trải qua từ thời điểm đó cho đến bây giờ, để trả giá cho sự đối thoại đích thực trong tôn trọng bốn “cột trụ” chân lý – nhân phẩm – công lý – tình thương. Vì mọi người đều biết những điều đó rồi.

Chỉ tính đến thời điểm xảy ra “biến cố Thái Hà 2008”, các linh mục, tu sĩ DCCT và anh chị em giáo dân Thái Hà đã tỏ ra hết sức kiên nhẫn trong nỗ lực đối thoại với nhà cầm quyền để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng và cần kíp của Giáo Hội tại Thái Hà.
Trên tổng số 61.455m2 đất thuộc quyền sở hữu của Tu Viện DCCT Thái Hà, hiện nay tu viện và giáo xứ Thái Hà chỉ còn được sử dụng 2.700m2. Phần còn lại đã bị các cá nhân và rất nhiều cơ quan chính quyền chiếm dụng, ví dụ Bệnh viện Đống Đa, Công ty may Chiến Thắng, Trạm y tế phường Quang Trung, Văn phòng Đoàn thanh niên, UBND Phường, Kho bạc nhà nước quận Đống Đa, HTX Minh Khai, Trường PTTH Quang Trung… Từ năm 1994, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã nhiều lần gửi văn thư đến các cấp chính quyền để (1) yêu cầu các cá nhân và đơn vị chấm dứt việc lấn chiếm bất hợp pháp khu đất và hồ Ba Giang; (2) đề nghị chính quyền trao lại khu nhà đất mà chính quyền đã “mượn” làm bệnh viện Đống Đa để giáo xứ phục vụ nhu cầu tôn giáo của anh chị em giáo dân (vì khuôn viên nhà thờ hiện nay quá chật hẹp); (3) đề nghị trao trả khu đất mà Công ty may Chiến Thắng sử dụng (nay là vườn hoa 1/6) để giáo xứ có cơ sở vật chất tối thiểu mà thực hiện các công tác bác ái – xã hội. Ngoài ra, tu viện DCCT và giáo xứ Thái Hà chưa hề đề nghị tất cả các đơn vị và cá nhân khác trả lại các phần đất mà họ đã và đang chiếm dụng. Nói cách khác, Thái Hà chưa hề yêu cầu được sử dụng tất cả khu đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, mà chỉ đề nghị trao trả một phần, để phục vụ công ích và các nhu cầu cấp thiết và chính đáng của anh chị em giáo dân mà thôi.
Có thể nói tiến trình gửi văn thư đề nghị chính quyền tôn trọng và giải quyết các yêu cầu chính đáng của Thái Hà đã là một tiến trình đầy kiên nhẫn và rất cam go.
Chỉ tính riêng vụ việc liên quan đến khu đất hồ Ba Giang, từ năm 1994 cho đến năm 2004, tức là trong vòng 10 năm, tu viện DCCT và giáo xứ Thái Hà đã gửi 25 văn thư đến ông Bí thư Thành ủy Hà Nội và các cấp chính quyền Hà Nội. Đó là các văn thư đề ngày 30.11.1994; 07.12.1994; 10.01.1995; 14.03.1995; 23.03.1995; 30.01.1996; 11.10.1996; 19.10.1996; 05.11.1997; 28.07.1999; 18.04.2000; 25.07.2000; 10.10.2000; 23.10.2000; 22.03.2001; 03.04.2001; 14.09.2001; 24.09.2001; 04.04.2002; 24.06.2002; 10.12.2002; 05.04.2004; 12.04.2004; 20.04.2004; 23.04.2004.
Liên quan đến khu đất mà Công ty may Chiến Thắng chiếm dụng (nay là vườn hoa 1/6), ngày 08.08.1996, tu viện và giáo xứ Thái Hà đã gửi văn thư đến chính quyền, đề nghị dùng khu đất này làm cơ sở từ thiện, nhân đạo, giáo dục (nhưng chưa yêu cầu rằng chính Nhà Thờ hay chính quyền sẽ làm chủ cơ sở đó). Ngày 01.10.1996, tu viện và giáo xứ lại gửi một văn thư khác với nội dung tương tự. Nhưng chính quyền không trả lời. Khi Công ty may Chiến Thắng đã di chuyển cơ sở sản xuất đi nơi khác, tu viện và giáo xứ lại gửi văn thư đến Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ tài nguyên – môi trường và Chủ tịch UBND Hà Nội, đề nghị xem xét trả lại khu đất này cho Nhà Thờ Thái Hà. Ngày 16.05.2007, văn thư kiến nghị lần hai lại được gửi đến Thủ tướng và các cơ quan hữu quan cấp trung ương cũng như cấp thành phố, lặp lại yêu cầu chính đáng của giáo xứ Thái Hà.
Liên quan đến khu đất mà bệnh viện Đống Đa đang sử dụng, vào năm 1996, tu viện và giáo xứ Thái Hà đã gửi văn thư đến các cấp chính quyền có thẩm quyền, đề nghị trao trả cho Nhà Thờ một phần để phục vụ nhu cầu tâm linh của một bộ phận đông đảo giáo dân Thủ Đô và các tỉnh di dân về thành phố làm việc và học hành. Nhưng yêu cầu này không được giải quyết. Mãi cho đến nay, yêu cầu này mới được lặp lại, sau khi nhà cầm quyền đã “biến” khu đất mà trước đây Công ty may Chiến Thắng chiếm dụng, thành vườn hoa 1/6, và đang lăm le xóa bỏ vĩnh viễn các dấu tích của tu viện DCCT trên khu vực và tài sản mà họ đã “mượn”.
Như thế, có thể thấy rằng kể từ ngày 30.11.1994 đến nay, tức là ròng rã 17 năm trường, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã kiên nhẫn gửi rất nhiều văn thư và những đề nghị khác nhau về quyền sử dụng đất đai hợp pháp của mình, để thực hiện các công tác bác ái – từ thiện và phục vụ nhu cầu tôn giáo chính đáng và cấp bách của một bộ phận rất đông đảo dân cư. Những cuộc gặp gỡ, trao đổi và làm việc cũng đã được thực hiện. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy đều không thành công.
Bên cạnh đó, như mọi người đều biết, những biến cố đã xảy ra vào cuối năm 2008 và đang xảy ra hiện nay tại Thái Hà liên quan đến quyền lợi hợp pháp của các tín hữu Thái Hà, đã không hề do các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà chủ động gây ra. Họ chỉ đứng lên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi người ta chà đạp những quyền lợi ấy. Thành ra, nói rằng họ không chịu đối thoại mà chỉ tranh chấp đất đai, là nói sai sự thật. Người dân thường vô tình mà nói thế thì còn có thể thông cảm, nhưng các bậc hữu trách cố ý không tìm hiểu sự thật, chỉ vội lên án Thái Hà, thì thực là chuyện đáng buồn.
Nói “phải đối thoại” thì dễ. Nhưng thực hiện việc đó với chính quyền cộng sản thì không dễ chút nào. Thái Hà đã và vẫn đang làm điều đó. Có điều, vì Thái Hà không chịu thỏa hiệp với sự ác khi đối thoại, nên nhiều người không hài lòng, thậm chí là cay nghiệt với Thái Hà. Nhưng chúng ta chắc sẽ ít cay nghiệt với anh chị em mình ở Thái Hà hơn, nếu trước khi rêu rao rằng Thái Hà cần phải đối thoại với chính quyền, chúng ta biết nghiêm túc nghe lại lời Chúa Giêsu nói về các kinh sư Do Thái xưa: “Họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,3c-4). Hãy đặt mình vào vị trí của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà để động ngón tay lay thử cái gánh nặng đối thoại với chính quyền cộng sản tại đó, trước khi phê bình họ. Đó là đòi buộc của đức ái Tin Mừng.
Ngọc Huỳnh
Nguồn: VRNs

Không có nhận xét nào: