Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Hệ quả của biện pháp hành chính đã bộc lộ

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiy8yyknPs69gQ3hdYm8BA_0VlvlYRi7cZbNEmvaUMKatg_fyQKEV3XY0wYKJFFfyQJDCR7t62T7zlzQOgiYJVXNr2cUPbaqg12cGxPC1VZr9vv8ltQgG2BPZnSXrFLsVX7gtJS2NyuUd4w/s200/downturn.jpgNguyễn Minh Cường

Theo: SGTT

(TTHN) – Đây là bài viết chỉ trích những quyết định hành chính của NHNN. Trong bài Vài lời với Thống Đốc NHNNVN Nguyễn Văn Bình 28.10.2011, tôi đã viết : “Hậu quả là người dân rút tiền hết ra khỏi hệ thống NH, hàng chục ngàn, trăm ngàn tỉ vnd mỗi ngày, kết quả là tình hình xấu của NH càng nhanh chóng lộ rõ qua thanh khoản rất yếu, tiền không có nên 3 tháng nay doanh nghiệp có muốn vay 40% lãi suất cũng không có mà vay. Và : “Hậu quả của những đối phó tình thế này là sao ??? là những đối phó này không những không hữu hiệu mà có tác dụng ngược lại, trầm trọng thêm tình hình như vụ Nguyen van Bình siết trần lãi suất huy động 14% để giảm lãi suất vay từ 22,25% còn 17,19%.”
Chỉ có dân đen là chịu khổ thôi, còn tư bản đỏ và cánh hẩu, vây cánh của chúng nó vẫn sung sướng.
Châu Xuân Nguyễn
—————————-
Bình luận kinh tế đầu tuần:
Hệ quả của biện pháp hành chính đã bộc lộ
SGTT.VN – Trong thời gian qua, để bình ổn thị trường vàng, ngoại tệ và thị trường tiền tệ, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra rất nhiều chính sách, trong đó có khá nhiều chính sách mang tính chất hành chính. Tuy nhiên đến thời điểm này, dường như những chính sách trên chưa mang lại những hiệu quả như kỳ vọng của NHNN và nền kinh tế. Đồng thời, nhiều bất cập mới cũng đã nảy sinh khi áp dụng chúng.

Người dân vẫn bị thiệt với giá vàng
Những chính sách của ngân hàng Nhà nước nhằm bình ổn thị trường vàng, tiền tệ và ngoại tệ chưa mang lại những hiệu quả như kỳ vọng của NHNN và nền kinh tế. Ảnh: L.Q.N
Dự thảo nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã tác động lớn đến giá vàng trong nước. Không thể phủ nhận rằng, từ khi dự thảo nghị định được công bố, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm rất mạnh từ mức vài triệu đồng/lượng xuống chỉ còn vài trăm ngàn đồng/lượng. Tuy nhiên, mức chênh lệch như hiện nay vẫn chưa về được mục tiêu của NHNN là còn khoảng 400.000 đồng/lượng. Nếu tính theo tỷ giá USD/VND tự do là 21.400 thì giá vàng trong nước và thế giới vào ngày thứ sáu tuần trước còn chênh lệch khoảng gần 700.000 đồng/lượng. Còn nếu tính theo tỷ giá trần USD/VND của NHNN là 21.011 thì mức chênh lệch lên đến hơn 1.000.000 đồng/lượng.
Tâm lý lo ngại khi nắm giữ những thương hiệu vàng miếng không phải SJC đã khiến cho người dân có xu hướng bán vàng miếng của các thương hiệu này ra nhiều hơn. Giá mua vào và bán ra của các thương hiệu này thấp hơn so với giá của SJC. Đặc biệt, vàng miếng Bảo Tín Minh Châu có giá thấp hơn từ 550.000 – 800.000 đồng/lượng. Nguyên nhân giá rẻ hơn đã được nhiều chuyên gia bình luận cũng như giám đốc công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đưa ra là do tác động của dự thảo nói trên, nó có thể khiến cho các thương hiệu vàng miếng khác không còn nữa.
Mức chênh lệch giữa giá vàng Bảo Tín Minh Châu và giá vàng SJC như vậy cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng vẫn có thể kinh doanh được khi giá vàng giảm về mức ngang bằng với mức thế giới. Thế thì tại sao, một doanh nghiệp lớn chiếm đến hơn 90% thị phần như SJC vẫn tiếp tục giữ giá vàng ở mức cao? Rõ ràng, SJC đang được hưởng lợi nhuận rất lớn từ lợi thế độc quyền. Và ở đây, người thiệt thòi nhất vẫn là người dân có nhu cầu tích trữ vàng. Họ phải bán vàng miếng của các thương hiệu khác với giá thấp để rồi mua lại vàng miếng SJC với giá cao hơn nhiều. Điều này cũng khiến cho người dân lo ngại về việc nếu sau này chỉ còn duy nhất một đầu mối được phép sản xuất, gia công vàng là SJC. Khi độc quyền như vậy, liệu SJC sẽ đẩy chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao đến mức nào?
Thị trường ngoại tệ có dấu hiệu mất thanh khoản
Thị trường ngoại tệ cũng đang chịu những ảnh hưởng không tích cực từ các biện pháp hành chính. Việc quy định trần tỷ giá cùng với việc thanh tra kiểm tra các ngân hàng bán ngoại tệ vượt trần, cũng như tăng cường xử phạt vi phạm hành chính bằng các biện pháp phạt tiền nặng và tịch thu tang vật, đã khiến cho thị trường ngoại tệ trở nên trầm lắng. Nhưng cho dù các giao dịch có ảm đạm thì tỷ giá thực tế vẫn tiếp tục ở mức cao hơn so với mức trần của NHNN. Cuối tuần qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn dao động trong khoảng 21.300 – 21.400. Tỷ giá thực mà các ngân hàng giao dịch có thể vẫn ở mức cao hơn tỷ giá trần của NHNN. Theo niêm yết của VCB, tỷ giá EUR/VND bán ra cuối tuần qua ở mức 29.373 trong khi tỷ giá EUR/USD trên Bloomberg đóng cửa cuối tuần ở mức 1,3750. Như vậy, tỷ giá quy đổi USD/VND là 21.362 trong khi tỷ giá trần là 21.011.
Việc áp dụng các biện pháp hành chính như vậy khiến cho các chi phí giao dịch tiếp tục tăng lên. Người dân và doanh nghiệp khó mua ngoại tệ và khó hạch toán chi phí thật. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều sẽ khó cân đối được nguồn ngoại tệ. Nhập khẩu máy móc thiết bị hay các hàng hoá cần thiết khác sẽ trở nên khó khăn. Nguồn hàng trong nước có thể sụt giảm khiến cho hàng hoá trở nên khan hiếm, đặc biệt là với những hàng hoá mà trong nước chưa sản xuất được. Nếu việc này tiếp tục kéo dài sẽ có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng áp lực lạm phát. Thêm vào đó, khi doanh nghiệp và người dân không mua được ngoại tệ, họ sẽ tiếp tục phải chuyển hướng sang vay ngoại tệ để tài trợ cho các hoạt động nhập khẩu và như vậy, dư nợ bằng ngoại tệ trong nước tiếp tục gia tăng. Rủi ro cho cả ngân hàng về quản lý thanh khoản bằng ngoại tệ, cũng như rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp đã đi vay ngoại tệ ngày càng lớn.
Theo niêm yết của VCB, tỷ giá EUR/VND bán ra cuối tuần qua ở mức 29.373 trong khi tỷ giá EUR/USD trên Bloomberg đóng cửa cuối tuần ở mức 1,3750. Như vậy, tỷ giá quy đổi USD/VND là 21.362 trong khi tỷ giá trần là 21.011. Còn tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn dao động trong khoảng 21.300 – 21.400.
.
Thị trường tiền tệ vẫn chưa đạt được mục tiêu điều hành
Tác động lớn nhất từ các biện pháp hành chính mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất chính là tác động của việc NHNN tiếp tục duy trì chính sách trần lãi suất 14%. Nếu NHNN cho rằng, lạm phát đang trong xu hướng giảm dần khiến cho mức lãi suất thực đang dương và do vậy tiếp tục duy trì lãi suất trần 14% sẽ là không hợp lý. Có thể cuối năm sau mức CPI hạ xuống mức dưới 10% như NHNN kỳ vọng. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo điều này chắc chắn. Chẳng hạn, vào năm ngoái, kỳ vọng của NHNN là CPI năm 2011 sẽ ở mức 7 – 9%. Nếu người dân vào thời điểm đầu năm 2011 gửi dài hạn với mức lãi suất chỉ khoảng 12% thì rõ ràng là đến thời điểm này họ chịu thiệt, vì lạm phát năm 2011 lên tới 18 – 19%. Nói cách khác, có rất nhiều lý do để người dân vẫn chưa tin tưởng vào mức lạm phát kỳ vọng mà NHNN đưa ra. Và do vậy, việc họ đòi một mức lãi suất cao hơn trong thời điểm hiện tại không phải là vô lý. Đây là lý do khiến cho người dân rút tiền ra khi trần lãi suất được áp dụng cứng nhắc. Theo thông tin về hoạt động của hệ thống ngân hàng tháng 10.2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 20.10.2011 ước giảm 0,74% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1,29%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,73%. Đây là tháng thứ hai, tổng số dư tiền gửi của khách hàng giảm.
Nguồn tiền VND huy động sụt giảm đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các ngân hàng nhỏ. Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng cao. Vì vậy, thông tin gần đây về việc NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn công bố cấp tín dụng hỗ trợ cho các NHTM nhỏ không phải là điều khó hiểu. Khoảng năm, sáu NHTM đã được NHNN tái cấp vốn có điều kiện từ 1.000 – 5.000 tỉ đồng. VCB hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua việc cho vay có thế chấp và mới đây nhất, BIDV đã cấp hạn mức tín dụng 5.000 tỉ đồng cho Ficombank. Đây là một hạn mức rất lớn với Ficombank, bởi lẽ tổng tài sản của NHTM này đến thời điểm 31.12.2010 mới chỉ ở mức 7.648 tỉ đồng (theo bản cáo bạch của Ficombank).
Những khó khăn về thanh khoản cùng với việc khó huy động về nguồn vốn tiếp tục khiến cho lãi suất cho vay của các NHTM vẫn giữ ở mức cao, chưa thể về sát với mức mục tiêu 17 – 19% mà NHNN mong muốn. Theo NHNN, trong tháng 10.2011, lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 17 – 19%/năm, cho vay sản xuất – kinh doanh khác khoảng 18 – 21%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất khoảng 20 – 25%/năm. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang vay lãi suất chủ yếu là từ 18 – 21%. Mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay của các NHTM lên tới 4 – 7%, như vậy là do rủi ro cho vay vẫn tiếp tục gia tăng khi nợ xấu tiếp tục tăng cao và các NHTM khó khăn về nguồn vốn có thể cấp tín dụng ra. Thực tế, đến thời điểm này, tín dụng của hệ thống NHTM mới chỉ tăng 8,61% so với mức đầu năm, chưa bằng một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN định hướng từ đầu năm nay.
Rõ ràng, các biện pháp hành chính mà NHNN đưa ra chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tiếp tục duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn tới rất nhiều bất cập và sớm muộn sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp và người tiêu dùng nói riêng và cả nền kinh tế. Vì vậy, để nền kinh tế có thể hoạt động ổn định bình thường, các hoạt động kinh tế diễn ra thuận lợi thì những chính sách hành chính bất hợp lý cần sớm được điều chỉnh hoặc huỷ bỏ.
Nguyên Minh Cường

Không có nhận xét nào: