Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ ba cảnh báo về nguy cơ chiến tranh trong vùng

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về  Biển Đông tại Hà Nội, ngày 04/11/2011.
Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội, ngày 04/11/2011.
Reuters
Trọng Nghĩa
 
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có nguy cơ bùng nổ thành xung đột toàn diện nếu các nước liên can không tuân thủ luật lệ quốc tế. Tuyên bố trên đây của Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã nêu bật mối quan tâm của hàng chục chuyên gia về Biển Đông đang có mặt tại Hà Nội để tham gia Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ ba, được tổ chức trong hai ngày 04 và 05/11/2011 tại thủ đô Việt Nam.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Đình Quý đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng ngày càng hiển nhiên của Biển Đông đối với hòa bình và ổn định của toàn khu vực khi cảnh báo rằng : Biển Đông vẫn còn đầy rẫy những mối căng thẳng tiềm tàng có nguy cơ leo thang thành xung đột trên quy mô toàn diện nếu không cố gắng tự kiềm chế và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Đối với người đứng đầu Học viện Ngoại giao, cơ quan cùng với Hội Luật gia Việt Nam, đồng tổ chức hội nghị khoa học về Biển Đông ở Hà Nội, thì nguy cơ chiến tranh bùng nổ hoàn toàn có thể xẩy ra nếu cộng đồng quốc tế không đối phó được với các tình huống khủng hoảng một cách thích hợp, cho dù tình hình khu vực về cơ bản vẫn hòa bình.
Hội thảo mở ra vào lúc tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến đáng ngại đặc biệt là với một loạt hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào tàu bè Việt Nam, Philippines – và kể cả Ấn Độ - để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hơn 80% vùng Biển Đông.
Không chỉ thế, Bắc Kinh còn đẩy mạnh chủ trương đe dọa các tập đoàn dầu khi quốc tế đã cộng tác từ lâu với Việt Nam hay Philippines trong các dự án thăm dò khai thác dầu khí ngoài Biển Đông. Danh sách các đối tượng bị Trung Quốc gây áp lực càng lúc càng dài, từ Forum Energy Plc, một công ty có trụ sở tại Anh Quốc hợp tác với Philippines, cho đến ONGC Videsh của Ấn Độ làm ăn với Việt Nam, và gần đây nhất là Exxon Mobil của Mỹ.
Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc - dựa trên một tấm bản đồ hình chữ U mơ hồ mà họ đã chuyển đến Liên Hiệp Quốc vào năm 2009 – bị đánh giá là không phù hợp với luật lệ quốc tế. Tuy nhiên, những hành động quyết đoán của Bắc Kinh trong thời gian qua đều liên quan đến các vùng được khoanh trong tấm bản đồ thiếu cơ sở pháp lý đó.
Lời nhắc nhở của nhà ngoại giao Việt Nam vào hôm nay, kêu gọi các nước liên can tuân thủ luật lệ quốc tế, đã gợi lại vấn đề Trung Quốc bị xem là coi thường luật pháp quốc tế trong hồ sơ Biển Đông.
Đây là lần thứ ba mà Việt Nam đứng ra tổ chức một hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông, tập hợp được hầu như tất cả các chuyên gia nghiên cứu tên tuổi hiện nay trong lãnh vực này, đến từ mọi nơi trên thế giới. Trong khu vực thì có các học giả Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ngoài châu Á thì có Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Nga…
Với chủ đề chính là “Biển Đông : Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, cuộc hội thảo lần này bao gồm 8 phiên thảo luận, về nhiều đề tài khác nhau, từ tầm quan trọng của Biển Đông, lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực, cho đến những diễn biến gần đây trên Biển Đông, các khía cạnh pháp lý quốc tế, cách thức thúc đẩy hợp tác...
Sau khi Bắc Kinh liên tục bị nhiều nước láng giềng phản đối về các hành động gây hấn, các nhà quan sát đang chờ đợi xem giới nghiên cứu Trung Quốc giải thích ra sao. Theo chương trình được thông báo, có ít nhất là năm học giả Trung Quốc hiện diện tại Hà Nội lần này : Giáo sư Tô Hạo và Tiến sĩ Nhậm Viễn Giả từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc, bà Lý Kiến Vỹ, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, Tiến sĩ Đằng Kiến Quần, Viện Nghiên cứu Quốc tế, và bà Tiết Quế Phương thuộc Đại học Hải dương, Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: