TT - Trước nguy cơ bị tấn công, Iran mới đây tuyên bố tăng thêm ba tàu ngầm cho lực lượng hải quân và đe dọa sẽ tấn công hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai chiếc tàu ngầm Ghadir của hải quân Iran - Ảnh: Press TV |
Kênh Press TV của Iran đưa tin ba tàu ngầm do Iran tự sản xuất đã cập cảng miền nam Bandar Abbas thuộc vịnh Persic ngày 27-11. Trước đó FARS News dẫn lời chỉ huy hải quân Habibollah Sayyari trong cuộc họp báo cho biết những tàu ngầm dòng Ghadir này sẽ giúp tăng cường khả năng của hải quân trong việc bảo vệ lãnh hải. Tehran còn hoàn toàn có khả năng đóng tàu sân bay nhưng đây không phải là ưu tiên của quân đội.
Tập trận và đưa quân vượt ra Địa Trung Hải
Tàu Ghadir được giới thiệu từ năm 2007 với khả năng phóng ngư lôi, bắn chính xác mục tiêu và tránh được các thiết bị phát hiện tàu ngầm. Theo các chuyên gia quân sự, loại tàu nặng 120 tấn này được thiết kế phù hợp với đặc điểm địa lý và khí hậu của Iran như có thể hoạt động được ở những vùng nước nông của vùng Vịnh hay thực hiện những sứ mệnh kéo dài dọc bờ biển. Tehran khẳng định hiện đang sở hữu 11 tàu ngầm Ghadir. Đây không phải là lần đầu tiên Iran có các tàu ngầm tự chế. Tháng 8-2011, Tehran đã hạ thủy bốn tàu ngầm Ghadir, hai năm sau khi công bố đưa vào hoạt động tàu Ghadir “made in Iran” đầu tiên.
Iran cũng cho biết các lực lượng hải quân Iran sẽ tập trận quy mô lớn trong thời gian tới trên vùng biển quốc tế kéo dài từ biển Oman đến nam Ấn Độ Dương. Năm 2010, Iran đã tập trận Velayat 89 kéo dài tám ngày có sự tham gia của tàu khu trục, tàu ngầm, ngư lôi, máy bay chiến đấu...
Không chỉ tung thông tin về củng cố quân sự, Iran tuyên bố sẵn sàng triển khai quân vượt ra Địa Trung Hải và đáp trả bất cứ đe dọa nào. “Việc triển khai dựa vào luật pháp quốc tế và nếu bị đe dọa chúng tôi sẽ phản ứng” - ông Sayyari nói. Bộ trưởng quốc phòng Ahmad Vahidi khẳng định trên Tehran Times rằng nếu bị Mỹ tấn công, Iran sẽ dạy cho Washington “cách chiến đấu và ý nghĩa của cuộc chiến thật sự”. Tehran thậm chí lên kế hoạch đưa tàu ra Đại Tây Dương và tăng cường lực lượng gần lãnh hải Mỹ.
Trước đó, ngày 26-11, tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy các lực lượng tên lửa thuộc vệ binh cách mạng Iran, đã cảnh báo nếu bị đe dọa bởi một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài, Iran sẽ tấn công lá chắn tên lửa của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ, “và sau đó đến các mục tiêu khác”.
“Đáp trả các đe dọa bằng đe dọa”
AFP nhận xét cho đến nay, các lãnh đạo Iran đã nhiều lần khẳng định trong trường hợp bị tấn công, các lực lượng của Iran sẽ trả đũa bằng những cuộc tấn công tên lửa giáng xuống Israel. Và đây là lần đầu tiên Iran đề cập đến một cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ qua tuyên bố của một chỉ huy cao cấp thuộc lực lượng vệ binh cách mạng.
Phát biểu trước các đơn vị ở Khorramabad (ở phía tây), tướng Hajizadeh khẳng định Iran giờ đang ở tư thế “lấy đe dọa để đáp trả những đe dọa” theo đúng chỉ đạo trong tháng này của giáo chủ Ali Khamenei.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận cho lắp đặt vào năm ngoái ở phía đông nam nước này một hệ thống rađa cảnh báo sớm, vốn là một phần lá chắn chống tên lửa của NATO, mà theo Mỹ là nhằm đối phó với những đe dọa tấn công bằng tên lửa từ Trung Đông, đặc biệt là từ Iran.
Tướng Hajizadeh khẳng định “mong muốn lớn nhất” của vệ binh cách mạng là Israel tấn công Iran, để Tehran có thể phản công và ném Israel “vào thùng rác của lịch sử”.
Iran cũng cáo buộc Mỹ đang lên kế hoạch triển khai các hệ thống tương tự ở khu vực Ả Rập để gia tăng sức ép lên Tehran.
Căng thẳng leo thang giữa Iran và phương Tây kể từ đầu tháng 11-2011 sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của Tehran. Trong đó, IAEA lần đầu tiên tố cáo nước này đang tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân. Dù Tehran vẫn khẳng định chương trình hạt nhân của mình vì mục tiêu hòa bình, nhưng Mỹ và đồng minh đã đe dọa sẽ tấn công quân sự vào nước Hồi giáo này bên cạnh các trừng phạt kinh tế.
TRẦN PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét