Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

“Kiềng ba chân” chống tham nhũng!

Thành Luận
Theo: TCPT số 5

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trong phiên họp chính phủ đầu tiên sau khi tái đắc cử lại đề cập đến vấn đề chống tham nhũng. Ông nói: “công tác phòng chống tham nhũng phải được tiếp tục làm quyết liệt từ trung ương đến địa phương” (Tuổi Trẻ 28-7).
Cách nói của người đứng đầu chính phủ khiến người dân có thể có những cảm nhận khác nhau, nhưng tựu chung lại, vấn nạn tham nhũng vẫn là một trọng tâm trong chương trình hành động của cá nhân thủ tướng và chính phủ.
Những biện pháp như: rà soát, chấn chính cơ chế, thủ tục, đưa các vụ án trọng điểm ra xét xử… không mới, nhưng được nhắc lại như một biện pháp cấp thời.

Một số vụ án trọng điểm gần đây đang được xét xử như: vụ Nguyễn Lâm Thái lừa hàng loạt bưu điện, vụ Nguyễn Đức Chi lập dự án ma ở Khánh Hòa, vụ Bùi Tiến Dũng… cho đến nay vẫn chưa làm hài lòng người dân, đặc biệt những người quan tâm đến tham nhũng và sự độc lập của ngành tư pháp. Sự chuyển biến của chiến dịch chống tham nhũng vẫn chưa theo kịp, hay nói đúng hơn, vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, chưa tạo được niềm tin rằng: chính phủ đang thực tâm chống tham nhũng.
Đặc biệt, quan điểm về phòng chống tham nhũng trong nhân dân vẫn chưa được đẩy mạnh. Sự tách bạch giữa quyền lợi chung và lợi ích tư vẫn chưa bao giờ trở thành một thiết chế, và một tiêu chuẩn cho hành động của công chức. Điều này có thể thấy được ngay trong cuộc thăm dò trên cổng thông tin chống tham nhũng của Thanh tra chính phủ. Câu hỏi: “Nếu bạn là công chức nhà nước, khi nhận được món quà trị giá trên 500 ngàn bạn sẽ…” thì có tới 43,1% độc giả trả lời rằng: “nhận món quà đó mà không nói với ai”. (http://chongthamnhung.thanhtra.gov.vn )
Điều đó cho thấy: ý thức về phòng chống tham nhũng trong cán bộ công chức và nhân dân chưa thể tương đồng với những lời kêu gọi hay những ý kiến phát biểu về chống tham nhũng được nêu trên công luận. Vậy phải chăng tham nhũng không thể có thuốc chữa? Nếu nhìn nhận trên bình diện thế giới, thì tham nhũng là một vấn nạn chung.
Chỉ có điều ở mỗi quốc gia, mức độ tham nhũng sẽ khác nhau. Thực tế ở VN, tham nhũng đang là nhân tố cản trở lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhận diện nguyên nhân tham nhũng đã được tiến hành bằng nhiều phương cách.
Và nguyên nhân ấy có thể quy thành ba loại chủ yếu: lòng tham, kẽ hở của pháp luật, và sự nghiêm minh của pháp luật. Không thể phủ nhận, lòng tham, thực thể sinh học – xã hội, đặc điểm tự nhiên của con người, đến nay vẫn chưa thể chế ngự. Thực tế cho thấy, chúng ta đã có những quy phạm đạo đức nhằm điều chỉnh đặc điểm tự nhiên này, nhưng cho đến nay, vẫn chưa phát huy tính hiệu quả.
Chính lòng tham là nhân tố tự nhiên chi phối các hành vi tham nhũng. Chúng ta phải chân nhận với nhau rằng: những biện pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức… để chống tham nhũng hiện nay không có hiệu quả. Vậy, chỉ còn một phương hướng để chống tham nhũng: đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, pháp luật, dù ở những nước đã xây dựng thành công nhà nước pháp quyền thì những kẽ hở trong luật pháp vẫn tồn tại. Bởi xã hội trong quá trình phát triển của mình vẫn luôn nảy sinh những vấn đề mới, những khía cạnh mới nằm ngoài sự chi phối của pháp luật. Cho nên, công tác lập pháp cần phải được coi trọng và tiến hành thường xuyên.
Về công cụ pháp luật và hành chính chống tham nhũng, đến nay có thể nói chúng ta đã hoàn chỉnh được nhiều công đoạn quan trọng: đã có luật phòng chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng…
Vậy, vì sao tham nhũng vẫn hoành hành, vẫn không giảm? Có lẽ vấn đề nằm ở tính nghiêm minh của pháp luật. Thực tế thì tính nghiêm minh của pháp luật ở ta đã không được thực hiện nghiêm chỉnh. Ở một bộ phận lớn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp, khi bị phát hiện tham nhũng, họ đã không bị xử lý, hoặc không thể xử lý, hoặc không được xử lý tới nơi tới chốn. Phải chăng vẫn còn có những bộ phận đứng trên pháp luật, còn có những vùng cấm?
Nhiều vụ tiêu cực báo chí phải dừng lại khi bắt đầu cảm thấy… đụng chạm (như vụ tiền polymer). Nhiều vụ việc cơ quan tư pháp xử lý theo kiểu “đùa dai quá cỡ” (như vụ tham nhũng đất đai tại Hải Phòng, phiên tòa sơ thẩm chỉ tuyên phạt mỗi bị cáo nộp phạt 50.000đ)…
Trong khi tính nghiêm minh của luật pháp đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức phải bị chế tài dù họ “là ai, ở bất cứ cương vị nào”. Như vậy, về lâu dài, cần phải có một giải pháp tổng thế phòng – chống tham nhũng. Biện pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức… để hạn chế, và tiến tới chế ngự lòng tham.
Thế nhưng, đối với một quốc gia, có lẽ yếu tố quan trọng nhất là xây dựng nhà nước pháp quyền, để sao cho mỗi “công bộc của dân” không cần, không dám và không thể tham nhũng.
Điểm mấu chốt trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền chính là thượng tôn pháp luật, đưa mọi cá nhân, tổ chức, hội đoàn, đảng phái… vào quỹ đạo chi phối của pháp luật. Là đảng
hiện đang cầm quyền, Đảng Cộng sản (ĐCS) VN là chủ thể đầu tiên cần phải nhìn nhận tính tất yếu này.
Nói khác đi, cần phải nhận thức hơn nữa để giải quyết những bất cấp trong mối quan hệ giữa đảng và nhà nước, để tránh được những khoảng trống quyền lực, khoảng trống giữa những cơ quan bảo vệ pháp luật như: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát…
Hệ thống chính trị của ta, với những quan hệ chồng chéo giữa Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Toà án, Viện Kiểm sát…đang đặt ra những yêu cầu về đổi mới. Sự hài hòa giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị đang là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Yêu cầu của sự hài hòa đòi hỏi sự đổi mới phải tập trung vào bản chất chứ không phải hiện tượng.
Sự lãnh đạo của đảng, nếu thực sự cần thiết, phải được đổi mới về nội dung, chứ không phải về phương thức như nhiều lãnh đạo hiện nay phát biểu. Sự độc quyền hay độc tôn bao giờ cũng không tốt cho phát triển. Sự thật là nhiều năm nay, ĐCS VN luôn tự giành cho mình cái quyền được đại diện cho nhân dân, là lực lượng tiên phong, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Sự thật là: vai trò lãnh đạo ấy đã được đảm bảo chủ yếu bằng những lực lượng như: công an, quân đội và một mạng lưới an ninh dày đặc… Người dân chưa bao giờ, và dường như ĐCS VN cũng không muốn, được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cách thực sự.
Xét cho đến cùng, việc đổi mới bản chất lãnh đạo của ĐCS VN có lẽ không quan trọng bằng việc phải tạo ra một đối trọng với ĐCS VN. Điều này thật ra không hề mâu thuẫn với phát triển hay nguyện vọng của nhân dân (bởi lẽ nhân dân chưa bao giờ thực sự được hỏi ý kiến về vấn đề này), trái lại, nó còn phù hợp nguyên lý mâu thuẫn để phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin mà ĐCS VN luôn lấy làm kim chỉ nam. Xem ra, điều này cần đến dũng khí của ĐCS VN và sự quyết tâm của nhân dân.Hơn nữa, những nội dung và phạm vi lãnh đạo của ĐCS VN, hay của bất cứ đảng phái nào, nếu được phép tồn tại và hoạt động ở VN phải được điều chỉnh, phải được cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản pháp quy, phải được luật hóa… Nhưng trên hết, cái khái niệm lãnh đạo cần phải được hiểu là phục vụ, chứ không phải là làm chủ.
Như vậy, ba nhiệm vụ trọng tâm: phòng chống tham nhũng, xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới và thể chế hóa nội dung lãnh đạo của đảng cầm quyền có thể coi là ba chân kiềng cho sự phát triển bền vững của đất nước, có quan hệ biện chứng với nhau, nhằm đẩy lùi tham nhũng khỏi đời sống xã hội.
Không thể chống tham nhũng nếu không xây dựng được nhà nước pháp quyền thực sự, hiệu quả; không thể xây dựng nhà nước pháp quyền nếu những quan hệ chính trị chồng chéo giữa đảng cầm quyền, nhà nước, quốc hội, tư pháp… không được sửa đổi, nếu nội dung lãnh đạo của đảng cầm quyền không được đổi mới. Xem ra, quá trình này cần nhiều sự dũng cảm và quyết tâm.
T.L.

Không có nhận xét nào: