Pages

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Kỷ nguyên mới của ngoại giao chiến hạm

Mark Landler

The New York Times

Có vẻ là chuyện lạ trong kỷ nguyên của chiến tranh mạng và máy bay không người lái, nhưng mặt trận mới mở trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc lại là một vùng biển nhiệt đới, nơi việc khai thác những mỏ dầu khí dồi dào ngoài khơi xa đã trở thành động cơ của một cuộc xung đột na ná như ngoại giao chiến hạm thời thế kỷ 19.



Chính quyền Obama bắt đầu bước chân vào vùng nước đầy nguy hiểm của Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) vào năm ngoái, khi Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton tuyên bố tại một cuộc họp căng thẳng với các nước châu Á ở Hà Nội, rằng Mỹ sẽ tham gia cùng Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác để chống lại âm mưu thống trị trên biển của Trung Quốc. Có thể thấy trước là Trung Quốc đã nổi khùng lên bởi cái mà họ coi là hành động can thiệp của Mỹ.

Với tất cả những dư âm còn lại từ thế kỷ 19, chứ chưa nói tới chiến tranh lạnh, cuộc chạm trán cuối cùng trên Biển Đông là điềm báo trước một kiểu xung đột trên biển mới – kiểu xung đột đang diễn ra từ Địa Trung Hải đến Bắc Băng Dương, nơi các siêu cường kinh tế khát dầu, những mỏ năng lượng ngầm dưới biển mà loài người có thể tiếp cận được, và cả những thay đổi của khí hậu trái đất, đều đang góp phần gây ra một cuộc chiến của thế kỷ 21: vươn ra biển.

Không phải chỉ Trung Quốc mới có tham vọng hàng hải. Thổ Nhĩ Kỳ vừa giao tranh với đảo Síp, căng thẳng với Hy Lạp và Israel xoay quanh các mỏ khí tự nhiên nằm dưới vùng biển phía đông Địa Trung Hải. Một số cường quốc, gồm Nga, Canada, Mỹ, thì hăm hở vây lấy Bắc Băng Dương, nơi mà cực băng tan đang mở ra những tuyến đường hàng hải mới và mở ra cả một khả năng rất cám dỗ là có những mỏ dầu và khí khổng lồ ở dưới đó.

Cuộc săn tìm khoáng sản sẽ ngốn đi lượng nước rất lớn trên toàn thế giới, trong ít nhất vài thập kỷ tới” – bà Clinton nói trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, khi mô tả cuộc tranh giành toàn cầu giống như là một đại chiến “Cuộc chơi Lớn” trên biển. (Cuộc chơi Lớn, tiếng Anh là “Great Game”, là khái niệm chỉ cuộc xung đột giữa Đế quốc Anh và Đế quốc Nga nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Á, từ khoảng năm 1813 đến năm 1907, và một giai đoạn từ sau Cách mạng Nga 1917 tới trước Thế chiến II – ND).

Những căng thẳng như thế chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên vai Tổng thống Obama, khi ông gặp các nhà lãnh đạo đến từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác ở Honolulu và đảo Bali của Indonesia, trong tuần này. Quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ hy vọng là các bên sẽ dẹp bỏ bất đồng, mặc dù điều ấy không che giấu được xung đột sắp xảy ra.

– ông Daniel Yergin, chuyên gia năng lượng, tác giả cuốn “Cuộc săn tìm: Năng lượng, an ninh và sự tái định hình thế giới hiện đại”, nhận định: “Ngầm bên dưới tất cả những điều này là sự thừa nhận rằng một lượng dầu ngày càng được phát hiện nhiều hơn đang ở ngoài khơi. Khi tài nguyên thiên nhiên của anh nằm trên đất liền thì anh còn biết chúng ở đâu. Còn khi tài nguyên ở tận ngoài khơi thì mọi thứ có thể mờ mịt hơn”.

Ông Yergin cho biết, 29 triệu thùng dầu một ngày, chiếm một phần ba sản lượng dầu toàn cầu, hiện thuộc các mỏ dầu ngoài khơi xa. Con số này sẽ tăng lên đều đều. Chỉ riêng Biển Đông đã được ước tính là có khoảng 62 tỷ thùng dầu thô – nghĩa là bao gồm cả dầu và khí – cộng 54 tỷ thùng chưa được phát hiện, trong khi đó, Bắc Băng Dương dự kiến có 238 tỷ thùng, và lượng dầu có thể nhiều gấp đôi thế ở những mỏ chưa được khai phá.

Khi mà các nước chạy đua với nhau để xây dựng dàn khoan và đưa tàu thăm dò khai thác dầu ra cài răng lược ở vùng đáy biển, các yêu sách mâu thuẫn nhau về chủ quyền hàng hải đã chỉ càng đẩy nhanh thêm chạy đua vũ trang trên biển. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có lực lượng hải quân phát triển nhanh nhất là những nước có lợi ích ở các vùng tài nguyên đó.

Theo Học viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở London, Trung Quốc đã tăng từ hai tàu khu trục thời Xô Viết năm 1990 lên con số 13 tàu khu trục hiện đại, năm 2010. Trong nỗ lực xây dựng hải quân nước xanh, tức là hải quân ở vùng nước sâu của đại dương, họ cũng chế tạo cả một hàng không mẫu hạm. Malaysia và Việt Nam thì tăng cường hải quân bằng những con tàu khu trục loại nhỏ và tàu ngầm. Ấn Độ – muốn được đảm bảo rằng mình có lối vào Viễn Đông – cũng đang gồng lên. Và Hải quân Israel đang đưa thêm nhiều tàu biển đến đối chọi với các chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ bao vây các dàn khoan dầu của mình.

Các nước đều muốn đảm bảo chắc chắn rằng mình có khả năng khai thác nguồn lực và tuyến đường hàng hải của mình được bảo vệ” – ông David L. Goldwyn, cựu đặc phái viên về các vấn đề năng lượng quốc tế ở Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.

Cuộc tranh giành này cũng nằm đằng sau những lời kêu gọi Mỹ, đòi Mỹ phải củng cố tiềm lực hải quân, ngay cả vào thời điểm cắt giảm ngân sách. Ông Mitt Romney – nhân vật đang được nhiều đảng viên đảng Cộng hòa coi là gương mặt sáng giá trong đợt tranh cử tổng thống tới – gần đây tuyên bố sẽ “lật ngược tình thế của Hải quân Mỹ và công bố một sáng kiến để làm tăng số tàu đóng một năm từ 9 lên 15”. Theo các nhà phân tích, với số tàu đóng mới quá ít và ngân sách bảo dưỡng bị thắt chặt lại, Hải quân Mỹ đã buộc phải hoạt động với một hạm đội già cỗi mà một số người cho là không đủ năng lực để đáp ứng các thách thức.

Ngay cả nếu như vậy, chính quyền Obama vẫn đã chủ động thực thi chính sách ngoại giao chiến hạm – thuật ngữ chỉ việc đạt được các mục tiêu trong đối ngoại thông qua phô diễn sức mạnh hải quân. Mùa thu vừa qua, ông Obama phái hàng không mẫu hạm George Washington đến Hoàng Hải để tập trận chung với Hàn Quốc, qua đó gửi một thông điệp tới cả Bắc Triều Tiên lẫn kẻ hậu thuẫn cho họ là Trung Quốc. Động thái này lặp lại quyết định của chính quyền Clinton hồi năm 1966 là phái Hạm đội Bảy đến để cảnh cáo Trung Quốc nếu có ý định tấn công Đài Loan.

Mỹ đã sử dụng ngoại giao chiến hạm ở châu Á ít nhất từ năm 1853, khi Thuyền trưởng Matthew C. Perry cùng đội của ông tiến vào Vịnh Tokyo, đe dọa Nhật Bản, buộc Nhật phải mở cửa cho ngoại thương. Nhưng ngày nay, Trung Quốc đang phô diễn phiên bản châu Á của học thuyết Monroe, nhằm thể hiện những tham vọng đế quốc của họ.

Đối với ông Obama, người mà gốc gác Hawaii và Indonesia đã khiến ông rất có hiểu biết về Thái Bình Dương, thì sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq và Afghanistan tạo cho ông một cái cớ rất tốt để hướng mắt sang phía đông. Mỹ đã hợp tác cùng đẩy mạnh quan hệ với các đồng minh cũ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một số người khổng lồ mới nổi như Ấn Độ. Mục tiêu của Mỹ – mặc dù các quan chức chính quyền rất miễn cưỡng khi phải công khai – là sắp xếp tạo một liên minh để làm đối trọng với thế lực ngày một mạnh thêm của Trung Quốc.

Trong một chuyến đi châu Á gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta cam kết sẽ không rút khỏi khu vực. Ông nói: “Nếu có động thái nào, thì chỉ là chúng tôi sẽ tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương”. Tuần này, ông Obama dự kiến sẽ công bố một thỏa thuận với Australia, đảm bảo sự hiện diện vĩnh viễn của quân đội Mỹ ở đó.

Trên bộ, cuộc chạy đua tìm nguồn cung năng lượng tất nhiên cũng chẳng phải điều gì mới mẻ. Từ thập niên 1950 đến thập niên 1970, Mỹ đã nhiều lần hành động để buộc Nga phải bật ra khỏi xứ Iran giàu dầu mỏ. Giờ đây, Trung Quốc đang bận rộn ký các thỏa thuận và hợp đồng với châu Phi giàu nhiên liệu. Nhưng công nghệ đã làm thay đổi cả phương trình, khiến cho các mỏ dầu và khí dưới đáy biển được phát huy tác dụng hơn bao giờ hết so với trước đây.

“Về căn bản vấn đề đó là, bao giờ thì xung đột sẽ xảy ra và [xảy ra] như thế nào” – ông James B. Steinberg, cựu thứ trưởng ngoại giao, có kinh nghiệm ở cả ba khu vực, nói. “Liệu các nước có coi đây là những cơ hội các bên cùng thắng (win-win), hay họ xem đó là những cuộc đua tranh một mất một còn (zero-sum)?”.

Đối với Trung Quốc, Biển Đông từ lâu đã mang tính chất quan trọng sống còn: nó là tuyến đường cung cấp dầu và các vật liệu thô khác cho nền kinh tế của họ. Các yêu sách của Trung Quốc đã được đưa ra từ rất lâu, ngay vào những năm 1940 khi Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch vẽ một đường nét đứt hình lưỡi bò lan xuống tận phía nam Trung Hoa, ôm lấy gần hết biển và hai quần đảo tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.

Khẩu chiến xung quanh những tảng đá núi lửa này chẳng gây nhiều tác động tới ai, trừ Trung Quốc. Việt Nam và Philippines đang hòa vào làm một trong cuộc chạy đua tìm dầu. Mùa xuân vừa qua (đúng ra là mùa hạ – ND), trong hai vụ việc riêng rẽ, Việt Nam lên án tàu Trung Quốc cố ý cắt cáp khảo sát địa chấn của một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Một cựu quan chức Mỹ cho biết kịch bản khủng khiếp nhất đối với ông là một chiến hạm Trung Quốc sẽ xả súng bắn vào tàu thăm dò khai thác dầu của hãng Exxon.

Nếu Biển Đông nổi sóng, thì vùng biển phía đông Địa Trung Hải cũng sôi sùng sục. Ở đó, những yêu sách đòi chủ quyền đối với các mỏ dầu khí khổng lồ ngoài khơi đảo Síp và Libăng cũng đã làm căng thẳng leo thang giữa họ với Thổ Nhĩ Kỳ – nước đang chiếm hữu tới một nửa đảo Síp – cũng như với Israel. Síp và Israel đang khoan dầu ở đây và điều đó làm Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận. Nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah ở Libăng đã đe dọa sẽ tấn công các dàn khoan của Israel.

Tình hình càng thêm phức tạp, với mối bất hòa sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hồi năm ngoái, sau khi lính commando Israel chặn đánh một đội tàu nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ khi đội này đang cố gắng vận chuyển hàng cứu trợ tới tay người Palestine ở dải Gaza.

Ông Charles K. Ebinger, nhà nghiên cứu cao cấp ở Viện Brookings, nói: “Người Thổ bảo: ‘Israel làm nhục chúng ta, chúng ta có thể làm gì để trả đũa’? Một phần lý do của việc này chỉ đơn giản là thái độ tự tin hơn của ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở khắp mọi nơi”.

Có lẽ chiến trường ít nguy hiểm nhất là ở cực bắc giá lạnh, phần nào là do các chuyên gia cho rằng nhiều mỏ khoáng của Bắc Băng Dương nằm xen kẽ nhau trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của các nước bao quanh vùng biển này. Nhưng ngay cả những quốc gia không hề có bờ biển ở Bắc Băng Dương, như Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng lại đang đưa tàu phá băng tới đây để thăm dò thời tiết và luồng cá di cư.

Thật nực cười, miếng xương to nhất gây tranh cãi ở đó lại là giữa hai đồng minh hùng mạnh: Mỹ và Canada. Băng tan đã mở ra Hành lang Tây Bắc (Northwest Passage) huyền thoại, chạy xuyên qua một quần đảo ở phía bắc Canada. (Hành lang Tây Bắc là một tuyến đường đi qua Bắc Băng Dương, dọc theo bờ biển phía bắc của lục địa Bắc Mỹ qua các quần đảo Bắc Cực của Canada để kết nối Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương – ND chú thích, theo Wikipedia). Mỹ coi hành lang này là một con đường thủy quốc tế mà các tàu của Mỹ có thể qua lại không bị hạn chế. Chính quyền Canada thì khẳng định đó là đường nội thủy, có nghĩa là tàu nước ngoài chỉ có thể sử dụng Hành lang Tây Bắc nếu được sự phê chuẩn của Canada.

Tất nhiên, Canada và Mỹ rất ít có nguy cơ đánh nhau, mặc dù cuộc cãi cọ giữa đôi bên có thể còn khiến các luật sư về luật biển phải bận rộn nhiều năm. Các quan chức cảnh báo, khi nhiệt độ trái đất tăng lên thì máu nóng của con người cũng tăng theo. Ông Steinberg nói: “Đây là một tranh cãi pháp lý nghiêm trọng. Khi nào không còn băng nữa thì sẽ có vấn đề thật sự”.

Mark Landler là phóng viên chuyên viết về Nhà Trắng cho tờ New York Times.

Đỗ Quyên dịch từ The New York Times

Không có nhận xét nào: